20/04/1980: Castro cho dân Cuba tự do di tản sang Mỹ

Print Friendly, PDF & Email

tdih-april20-HD_still_624x352

Nguồn:20/04/1980: Castro announces Mariel Boatlift”, History.com (truy cập ngày 20/04/2016).

Biên dịch: Nguyễn Ngọc Tường Ngân

Vào ngày này năm 1980, chế độ Castro tuyên bố rằng tất cả người dân Cuba có nhu cầu di cư đến Hoa Kỳ đều được tự do lên tàu tại cảng Mariel, phía tây của thủ đô Havana, qua đó khởi đầu sự kiện Di tản bằng thuyền từ cảng Mariel (Mariel Boatlift). 125.000 người tị nạn Cuba từ Mariel đã đặt chân đến Florida vào ngày hôm sau.

Vụ di tản đã bị thúc đẩy bởi tình trạng thiếu nhà ở và việc làm do tình hình kinh tế ốm yếu của Cuba, dẫn đến những căng thẳng âm ỉ nội bộ trên hòn đảo này. Ngày 1 tháng 4, Hector Sanyustiz và bốn người khác đã lái một chiếc xe buýt đâm xuyên qua hàng rào Đại sứ quán Peru và được cấp tị nạn chính trị. Các lính bảo vệ người Cuba trên đường phố đã nổ súng. Một người lính bảo vệ đã bị chết trong sự cố này.

Chính phủ Cuba yêu cầu năm người phải được giao lại cho Cuba để xét xử về cái chết của người nhân viên bảo vệ. Nhưng khi chính phủ Peru từ chối, Castro đã rút các lính canh khỏi đại sứ quán vào ngày Thứ Sáu Tốt lành, 4/4/1980. Vào ngày Chủ Nhật Phục Sinh, 6/4, khoảng 10.000 người dân Cuba tràn vào khu vườn xinh xắn của đại sứ quán để yêu cầu xin được tị nạn. Các đại sứ quán khác, bao gồm cả sứ quán Tây Ban Nha và Costa Rica, đã đồng ý nhận một số ít người. Nhưng đột nhiên Castro tuyên bố hai tuần sau đó rằng cảng Mariel sẽ được mở cho bất cứ ai có nhu cầu ra đi, miễn là họ có người nhận. Người Cuba lưu vong tại Mỹ vội vã thuê thuyền từ Miami và Key West để tới giải cứu thân nhân của mình.

Tổng cộng có 125.000 người Cuba đã chạy sang các bờ biển của Hoa Kỳ trong khoảng 1.700 con thuyền, tạo ra làn sóng người di cư lớn khiến lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ vất vả. Các nhân viên cảnh vệ Cuba đã cho người lên đầy hết thuyền này tới thuyền khác mà không xem xét khía cạnh an toàn, làm cho một số các con thuyền quá tải hầu như không đủ điều kiện đi biển. Hai mươi bảy người di cư đã tử nạn, trong đó có 14 người trên một chiếc thuyền quá tải bị lật vào ngày 17 tháng 5.

Vụ di tản đã gây tác động chính trị tiêu cực cho Tổng thống Hoa Kỳ Jimmy Carter. Khi người ta phát hiện ra rằng một số người lưu vong đã được thả ra từ các nhà tù và cơ sở chữa bệnh tâm thần Cuba, nhiều người trong số này đã bị đưa vào các trại tị nạn trong khi những người khác đã bị giữ trong các nhà tù liên bang để tiến hành các buổi điều trần cho việc trục xuất. Trong số 125.000 “Marielitos,” cách mà người ta gọi những người tị nạn này, tới được Florida, hơn 1.700 người đã bị bỏ tù và 587 người khác đã bị giam giữ cho đến khi họ có thể tìm thấy người đỡ đầu.

Cuộc di tản cuối cùng đã được kết thúc bởi một thỏa thuận giữa hai chính phủ Cuba và Hoa Kỳ vào tháng 10 năm 1980.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]