Tư tưởng Mao Trạch Đông (Mao Zedong Thought)

Print Friendly, PDF & Email

maozedong

Tác giả: Nguyễn Thành Trung

Theo nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 11 vào tháng 6 năm 1981, Tư tưởng Mao Trạch Đông là “sản phẩm của sự kết hợp các nguyên tắc phổ quát của chủ nghĩa Marx-Lenin và thực tiễn cụ thể của cách mạng Trung Quốc”. Tư tưởng Mao Trạch Đông là một “hệ thống khoa học” biểu trưng cho “sự kết tinh trí tuệ tập thể của Đảng Cộng sản Trung Quốc”. Nhiều nhà lãnh đạo “xuất sắc” của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đóng góp vào Tư tưởng Mao Trạch Đông, chứ không phải riêng mình Chủ tịch Mao.

Bằng cách biểu thị như vậy, Nghị quyết đã vạch rõ sự khác biệt quan trọng giữa Tư tưởng Mao Trạch Đông (Mao Zedong Thought) và tư tưởng của riêng cá nhân Mao Trạch Đông (the thought of Mao Zedong). Mặc dù Mao là lãnh tụ kiệt xuất trong quá trình phát triển của Tư tưởng Mao Trạch Đông, nhưng thực tế ông cũng đã phạm nhiều sai lầm nghiêm trọng trong những năm sau đó, đặc biệt là trong Đại nhảy vọt và Cách mạng Văn hóa. Điều đó có nghĩa là không phải tất cả mọi tư tưởng của Mao đều được cấu thành vào Tư tưởng Mao Trạch Đông, và theo định nghĩa đây là một chỉnh thể bao gồm chỉ “các nguyên tắc đúng đắn”. Do đó Nghị quyết miêu tả Tư tưởng Mao Trạch Đông như là một hệ thống tư tưởng luôn tiến triển và tóm lược các kinh nghiệm đúng đắn của Đảng Cộng sản Trung Quốc, có chức năng như một kim chỉ nam cho hoạt động của Đảng khi tình hình yêu cầu phải có những chính sách mới.

Mặc dù Mao không phải là người đóng góp duy nhất cho Tư tưởng Mao Trạch Đông nhưng “nghị quyết” ghi nhận ông là người khởi xướng và phát triển một số nguyên tắc và chiến lược căn bản mà dựa vào đó cách mạng Trung Quốc giành được thắng lợi và giai đoạn đầu tiên của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội đã thành công. Nghị quyết cũng đề cao sự giải thích chính xác của Mao về đặc trưng của cách mạng Trung Quốc trước năm 1949. Mao đã biện giải đây là cuộc cách mạng chống lại chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa phong kiến và tầng lớp tư sản-quý tộc của quần chúng nhân dân Trung Quốc, dựa chủ yếu vào liên minh giai cấp công-nông dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân bởi ý thức và tổ chức của giai cấp này tiến bộ hơn giai cấp nông dân. Giai cấp công nhân cần thiết phải lãnh đạo giai cấp nông dân trong cuộc đấu tranh vũ trang lâu dài, và Mao đã tạo lập các kỹ thuật để biến đổi một đội quân về bản chất là nông dân thành một đội quân “vô sản về tính cách, tuân theo kỷ luật nghiêm ngặt, và quan hệ gần gũi với quần chúng”. Tương tự, Mao cũng phát triển các chiến thuật hiệu quả cho chiến tranh du kích, giữ vai trò quyết định trong cuộc chiến của Trung Quốc chống lại Nhật Bản cũng như chiến thắng của Đảng Cộng sản trong cuộc nội chiến với Quốc dân Đảng sau đó.

Nghị quyết cũng khẳng định rằng, với thành công của cách mạng Trung Quốc vào năm 1949, Mao đã đặt nền tảng cho sự chuyển tiếp thành công lên chủ nghĩa xã hội thông qua việc thành lập một nền chuyên chế dân chủ nhân dân, một nhà nước dựa trên liên minh các giai cấp khác nhau với mục tiêu xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Mao xác định một cách chính xác rằng dù mọi người có chung một số quan tâm cơ bản nhưng các loại mâu thuẫn vẫn còn tồn tại. Chính vì vậy cần phải phân biệt mâu thuẫn giữa nhân dân và kẻ thù (mâu thuẫn đối kháng) với mâu thuẫn trong lòng nhân dân (mâu thuẫn không đối kháng) và giải quyết mâu thuẫn sau một cách hiệu quả để tránh chúng trở nên đối nghịch. Mao cũng đã nhận thức được nhu cầu cần có một chiến lược kinh tế phù hợp với đặc trưng cụ thể của nền kinh tế Trung Quốc mà không dựa trên kinh nghiệm của các quốc gia bên ngoài. Mao nhấn mạnh tầm quan trọng của nông nghiệp như là nền tảng của nền kinh tế, và nhu cầu xử lý chính xác mối quan hệ giữa nông ngiệp và công nghiệp.

Theo Nghị quyết, Mao cũng đóng góp quan trọng cho Tư tưởng Mao Trạch Đông về công tác xây dựng Đảng. Mao thành công trong việc giải quyết vấn đề làm thế nào để thiết lập và phát triển đảng theo đường lối Mácxít của giai cấp vô sản ở các quốc gia mà nông dân chiếm đa số và giai cấp công nhân chỉ là thiểu số. Mao đã làm việc này bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác tư tưởng trong đảng, để các đảng viên, dù cho xuất thân từ bất kỳ giai cấp nào, cũng phải thường xuyên phấn đấu để biến đổi tư tưởng của mình cho phù hợp với tư tưởng của giai cấp vô sản. Mao cũng phát triển các sách lược để hướng dẫn sinh hoạt trong nội bộ Đảng. Ông nhấn mạnh nhu cầu cần phải “phê bình” và “tự phê bình” và chống lại phương thức “đấu tranh tàn nhẫn” của cánh tả đối với việc giải quyết các khác biệt trong nội bộ Đảng.

Nghị quyết cũng định nghĩa “trái tim” của Tư tưởng Mao Trạch Đông gồm ba nguyên tắc sau:

  • Thứ nhất, chân lý xuất phát từ thực tiễn. Đây là cách tiếp cận duy vật biện chứng để đạt được kiến thức, nhấn mạnh tầm quan trọng của thực hành, và công nhận sự hiện hữu của mâu thuẫn trong tất cả sự việc;
  • Thứ hai, Đảng phải gắn bó với quần chúng. Mao Trạch Đông nhấn mạnh các nhà lãnh đạo Đảng phải liên hệ mật thiết với quần chúng và chính sách phải dựa trên quyền lợi của quần chúng;
  • Thứ ba, Trung Quốc phải giữ vững độc lập và tự chủ. Trung Quốc không thể tiếp tục cô lập với phần còn lại của thế giới, nhưng con đường phát triển của nó phải được dựa trên sự tự chủ, không cho phép độc lập quốc gia bị thỏa hiệp bởi sức ép từ bên ngoài. Mao nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hoạch định chiến lược kinh tế và chính trị theo điều kiện cụ thể của Trung Quốc. Trên nền tảng độc lập và tự chủ, Trung Quốc đã và sẽ tiếp tục đường lối cùng tồn tại hòa bình với các quốc gia khác vì một chủ nghĩa quốc tế đích thực.

Nghị quyết kết luận rằng Tư tưởng Mao Trạch Đông vẫn là kim chỉ nam của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong một thời gian dài sắp tới. Văn kiện này cũng xác định chủ nghĩa Marx-Lenin và Tư tưởng Mao Trạch Đông là một trong “bốn nguyên tắc căn bản” thiết lập nền tảng cho sự thống nhất trong Đảng, bảo đảm cho thành công của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc.

Trên thực tế, Tư tưởng Mao Trạch Đông vẫn là nền tảng căn bản cho hệ tư tưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho đến những năm đầu thế kỷ 21, được đưa vào Hiến pháp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và thường xuyên được nhắc lại ở các cuộc họp và các kỳ Đại hội Đảng. Theo các nhà phân tích phương Tây, việc viện dẫn tư tưởng của Mao thành một hệ tư tưởng chính trị tạo tính chính danh về mặt chính trị cho các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện nay thông qua mối gắn kết liên tục với Mao và những thành công trong quá khứ của cách mạng Trung Quốc.

Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).