Tại sao người Ấn Độ muốn tẩy chay hàng Trung Quốc?

Print Friendly, PDF & Email

82-why-some-indians-want-to-boycott-chinese-goods

Nguồn:Why some Indians want to boycott Chinese goods“, The Economist, 19/10/2016.

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Vào ngày 30/10 vừa qua, Ấn Độ đã chào đón Lễ hội Ánh sáng Diwali, lễ hội quan trọng nhất trong lịch Hindu. Trong năm ngày, hàng triệu ngọn đèn và nến sẽ được đặt trên ngưỡng cửa và mái nhà; những lời cầu nguyện sẽ được dâng tới Lakshmi, nữ thần của sự thịnh vượng; và pháo hoa sẽ thắp sáng bầu trời phía trên các đường phố của hầu như mọi thị trấn và làng mạc.

Là một lễ hội đón mừng chiến thắng của ánh sáng trước bóng đêm, trong những năm gần đây Diwali cũng đã làm rạng ngời tâm trạng của các nhà xuất khẩu Trung Quốc: nhiều hộ gia đình Ấn Độ ưa dùng những món đồ trang trí bằng điện với giá rẻ hơn, được sản xuất tại Trung Quốc hơn là những ngọn đèn diyas truyền thống được làm bằng đất nung (ảnh). Nhưng phiên bản năm nay có thể chuyển sang một ngã tối hơn. Các phương tiện truyền thông xã hội ồn ào của đất nước này đang hỗn loạn với các bài viết kêu gọi người Ấn Độ tránh xa hàng hóa Trung Quốc.

Một lá thư giả ủng hộ việc tẩy chay, trông như được ký bởi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, đã được lan truyền khắp mọi nơi. Các chính trị gia của Đảng Bharatiya Janata (BJP) của các nhà dân tộc chủ nghĩa đang cầm quyền tại Ấn Độ đã xác nhận phong trào này. Vậy điều gì đang xảy ra?

Gốc rễ kinh tế của việc tẩy chay không phải là mới. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ, với 71 tỷ USD hàng hóa được trao đổi giữa hai quốc gia trong năm tài chính vừa qua. Nhưng Trung Quốc cũng là quốc gia khiến Ấn Độ có mức thâm hụt thương mại lớn nhất, thâm hụt cán cân thương mại tăng 9% lên 53 tỉ USD trong giai đoạn 2015-2016. Ngược lại, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ đã đạt 367 tỉ USD vào năm 2015.

Điều gây ra thâm hụt mới là vấn đề quan trọng nhất. Hàng công nghiệp nhẹ của Trung Quốc cạnh tranh trực tiếp và có thành công vượt trội so với các ngành công nghiệp nhỏ của Ấn Độ, huyết mạch trong khu vực sản xuất và nguồn tạo công ăn việc làm của quốc gia này. Và xuất khẩu của Ấn Độ sang nước hàng xóm của mình chủ yếu là nguyên liệu thô. Điều đó đã khiến chính phủ lo lắng: trong số 572 biện pháp chống bán phá giá mà Ấn Độ áp dụng từ năm 1995 đến năm 2015, 146 biện pháp được nhằm vào hàng hóa do Trung Quốc sản xuất.

Chiến dịch “Sản xuất tại Ấn Độ”, được ủng hộ bởi ông Modi, và xem đầu tư nước ngoài có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc thúc đẩy sức sản xuất trong nước, đã được triển khai cẩn thận để tránh chủ nghĩa bảo hộ. Tuy nhiên, trong một đất nước mà các chiến dịch tẩy chay kinh tế ban đầu được phổ cập rộng rãi như một chiến lược bất bạo động để chống lại sự cai trị của Anh, những lời kêu gọi như vậy cũng mang sức nặng tình cảm và lịch sử.

Địa chính trị giúp làm bùng lên lời kêu gọi hiện tại. Từ lâu Ấn Độ đã cố gắng để đưa Masood Azhar, lãnh tụ của Jaish-e-Mohammad (JEM), một nhóm thánh chiến đóng căn cứ tại Pakistan, vào danh sách khủng bố của Liên Hiệp Quốc. Ấn Độ nghi ngờ JeM đã tiến hành cuộc tấn công hồi tháng Giêng vào một căn cứ không quân tại Punjab, giết chết tám người Ấn Độ, bao gồm cả một thường dân. JeM cũng là nghi phạm của vụ thảm sát hồi tháng trước tại doanh trại quân đội Uri ở Kashmir, trong đó có 19 binh sĩ đã thiệt mạng (mặc dù một nhóm khác đã tuyên bố trách nhiệm).

Tuy nhiên, hai lần trong năm nay, Trung Quốc đã sử dụng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an để ngăn chặn việc đưa tên Azhar vào danh sách trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Động thái này nhấn mạnh sự ủng hộ vô điều kiện của Bắc Kinh đối với chính quyền Pakistan, một số thành phần trong đó bị Ấn Độ tình nghi là chứa chấp ông Azhar. Một số người Ấn Độ không hiểu lý do tại sao họ cần phải giao dịch với một quốc gia đang có hành động chống lại lợi ích của họ. Nhận thức này về Trung Quốc đã được củng cố thêm bởi quyết định của Trung Quốc hồi tháng Sáu phản đối việc Ấn Độ gia nhập Nhóm các Quốc gia Cung cấp Hạt nhân, một tổ chức bao gồm 48 quốc gia quản lý việc buôn bán hạt nhân trên toàn cầu.

Mặc dù vậy, những lời kêu gọi tẩy chay hàng hóa do Trung Quốc sản xuất không có khả năng có tác động nhiều. Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), một tổ chức cấm những quy định hạn chế tùy tiện đối với hàng hóa nước ngoài. Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ, Nirmala Sitharaman, đã công nhận điều đó vào hồi đầu tháng này khi bà nói rằng việc cấm nhập khẩu không phải là một lựa chọn khả thi. Một nhà lãnh đạo đảng BJP đã xóa các dòng tweet của mình và đổ lỗi cho nhân viên của mình đã đăng các dòng tweet đó; phe đối lập thì im lặng trong vấn đề này.

Cộng đồng doanh nghiệp nói chung dường như cũng không ủng hộ phong trào này. Các thương nhân và các nhà công nghiệp, những người đã trở nên phụ thuộc nặng nề vào hàng hóa và máy móc thiết bị do Trung Quốc sản xuất, đã hình thành các nhóm vận động hành lang mạnh mẽ.

Tuy nhiên, với việc chính phủ của ông Modi đang nỗ lực thúc đẩy một chiến dịch dân tộc chủ nghĩa ngày càng quyết đoán, sự tức giận trước hành động khinh thị của Trung Quốc sẽ không dễ dàng biến mất. Chúng ta hãy cùng đợi những động thái ngoại giao tiếp theo.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]