Điều kỳ diệu mang tên tự do thương mại

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Bjørn Lomborg, “The Free-Trade Miracle,” Project Syndicate, 21/10/2016

Biên dịch: Nguyễn Quỳnh Chi | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Thương mại tự do toàn cầu mang đến cơ hội lớn nhất để cải thiện phúc lợi của con người trong một thập niên rưỡi tới đây. Nó đã giúp hơn một tỷ người thoát nghèo trong một phần tư thế kỷ qua. Việc hạ thấp hơn nữa các rào cản thương mại thậm chí còn có thể làm tăng gấp đôi thu nhập trung bình tại những khu vực nghèo nhất trên thế giới trong 15 năm tới.

Đúng là có những cái giá phải trả cho tự do thương mại cần phải được giải quyết tốt hơn; nhưng những lợi ích đạt được vượt xa những cái giá này. Tuy vậy, ở những quốc gia giàu có ngày nay, mọi người lại có thái độ quay lưng với thương mại tự do. Đây quả là một bi kịch.

Không nơi nào phản đối thương mại tự do mạnh mẽ như ở Mỹ. Cho dù ai thắng cử trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng tới đi chăng nữa thì một người hoài nghi thương mại tự do cũng sẽ làm chủ Nhà Trắng. Cả Hillary Clinton lẫn Donald Trump đều phản đối sáng kiến thương mại lớn nhất được khởi xướng bởi chính quyền của Tổng thống Barack Obama – Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 11 nước Vành đai Thái Bình Dương – và cả hai sẽ xem xét lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), có hiệu lực từ năm 1994.

Một sáng kiến lớn khác của ông Obama, Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu, gần như đã chết do vấp phải sự phản đối từ cả hai châu lục và từ kết quả cuộc trưng cầu dân ý Brexit của Anh, vốn được diễn giải rộng rãi như một cuộc bỏ phiếu ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ.

Trong khi đó, biểu tình phản đối các hiệp định thương mại tự do đang thu hút sự ủng hộ chính trị và nhiều đám đông tại Đức, Bỉ, Canada, Thụy Điển, New Zealand, Úc và các nước khác.

Không chỉ có luận điệu thay đổi. Một nghiên cứu cho thấy việc sử dụng các chính sách bảo hộ chủ nghĩa đã tăng 50% trong năm 2015, vượt gấp ba lần các biện pháp tự do hóa thương mại. Thành viên của nhóm G20 – nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi lớn trên thế giới, đại diện cho hơn bốn phần năm tổng GDP toàn cầu và ba phần tư thương mại – chịu trách nhiệm cho hơn 81% các biện pháp ngăn cản thương mại.

Các chính trị gia tại những nước giàu đã tận dụng nỗi lo sợ rất dễ hiểu của dân chúng. Một hiệp định thương mại tạo ra các chi phí điều chỉnh được tập trung tại một số vùng nhất định, như vùng Trung Tây và miền Nam nước Mỹ, nơi ngành chế tạo có thể đắt đỏ hơn và ít hiệu quả hơn so với nước ngoài. Các nhà máy bị đóng cửa đóng vai trò là những cảnh báo mang đầy tính biểu trưng và dễ thấy của việc chống lại mở cửa biên giới.

Những lợi ích lớn hơn nhiều của thương mại tự do thì lại khó nhận thấy hơn. Người tiêu dùng có thể mua nhiều hàng hóa đa dạng hơn với giá rẻ hơn. Tầng lớp trung lưu Mỹ ước tính tăng 29% sức mua nhờ thương mại với nước ngoài. Nói cách khác, một người Mỹ tầng lớp trung lưu trung bình có thể mua được nhiều hơn 29% cho mỗi đô la so với trường hợp không có thương mại. Tác động này thậm chí còn lớn hơn – 62% – đối với 10% nhóm người tiêu dùng nghèo nhất nước Mỹ.

Thương mại khiến các nhà xuất khẩu trở nên mạnh hơn, hiệu quả hơn, và năng suất hơn. Những lợi ích này được chia sẻ cho công nhân: Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Obama đã chỉ ra rằng, trung bình, các ngành công nghiệp phụ thuộc sâu vào xuất khẩu của Mỹ trả lương cho công nhân cao hơn 18% so với các doanh nghiệp không xuất khẩu.

Việc phản đối thương mại tự do đã bỏ qua thực tế là mọi thứ đều có quan hệ với nhau. Theo một báo cáo năm 2013 của Liên Hợp Quốc, khoảng 80% thương mại diễn ra trong chuỗi cung ứng trong hoặc được tổ chức bởi những công ty xuyên quốc gia. Trong khi một số chính trị gia Mỹ kêu gọi áp hàng rào thuế quan lên Mexico, Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Hoa Kỳ ước tính khoảng 40% giá trị nhập khẩu của Mexico vào Hoa Kỳ trên thực tế được gia tăng trong chính nước Mỹ.

Những lập luận này là một phần của sự ủng hộ về mặt kinh tế điển hình đối với tự do thương mại. Nhưng lập luận mạnh nhất lại là về mặt đạo đức. Phân tích chi phí-lợi ích cho thấy thương mại tự do hơn chính là phương thức hiệu quả nhất để giúp đỡ những công dân nghèo nhất của thế giới.

Làm sống lại Vòng đàm phán Phát triển Doha gồm các cuộc đàm phán thương mại tự do toàn cầu vốn đang hấp hối sẽ giảm 145 triệu người nghèo, một con số đáng kinh ngạc, trong 15 năm tới, theo nghiên cứu được ủy quyền bởi Trung tâm Đồng thuận Copenhagen. Đến năm 2030, mỗi năm thế giới sẽ có thêm 11 nghìn tỷ đô la Mỹ, trong đó 7 nghìn tỷ đô la sẽ đi vào các nước đang phát triển – tương đương với thêm 1.000 đô la Mỹ cho mỗi người một năm tại những quốc gia này từ giờ tới năm 2030.

Hơn nữa, thương mại còn đem đến nhiều lợi ích hơn cho xã hội. Toàn cầu hóa kinh tế được chứng minh là sẽ làm giảm tỷ lệ tử vong của trẻ em và kéo dài tuổi thọ, nhờ tăng thu nhập và thông tin tốt hơn. Ở Mỹ, thương mại trong hơn nửa thế kỷ qua đã làm tăng đáng kể tuổi thọ. Ở Uganda, thương mại tự do hơn trong 35 năm qua đã kéo dài tuổi thọ trung bình thêm 2–3 năm.

Thêm vào đó, theo một nghiên cứu học thuật thì “thương mại tự do tốt cho môi trường.” Điều này nghe có vẻ không hợp lý. Thế nhưng, mặc dù cứ mỗi 10% tăng trưởng sản xuất dẫn tới 2,5–5% ô nhiễm thì thu nhập cao hơn từ sản lượng này sẽ thúc đẩy những công nghệ tốt hơn và các quy định nghiêm ngặt hơn, và như vậy lại làm giảm ô nhiễm 12,5–15%. Tổng cộng, cứ mỗi 10% thu nhập tăng lên sẽ dẫn đến giảm 10% ô nhiễm. Phát hiện này được hỗ trợ bởi một nghiên cứu kết luận rằng “thương mại có xu hướng giảm ba yếu tố gây ô nhiễm không khí.”

Đồng thời, tự do thương mại cũng được chứng minh là tạo ra nhiều việc làm hơn cho phụ nữ, giảm tình trạng phân biệt đối xử trong công việc, và cải thiện tình trạng nhân quyền.

Dĩ nhiên, không phải ai ai cũng có lợi từ thương mại tự do hơn. Một số người mất việc làm, và một số trong đó sẽ phải vật lộn để tìm công việc khác. Nhưng hiểu được quy mô của vấn đề này là rất cần thiết.

Một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng thương mại tự do làm tăng bất bình đẳng thu nhập, và chi phí tái phân phối có thể làm mất đến 20% lợi nhuận. Điều này cho thấy chúng ta nên sẵn lòng dành có lẽ 20% lợi ích thương mại để giúp những người bị thiệt từ các hiệp định thương mại, thông qua đào tạo nghề và những lợi ích phúc lợi xã hội trong giai đoạn chuyển đổi nhằm khắc phục những rủi ro này.

Nhưng nó cũng cho thấy 80% lợi ích thu được – mà 80% của 11 nghìn tỷ đô la vẫn là một khoản rất lớn, lên tới 9 nghìn tỷ đô la, cho nhân loại – là những lợi ích bên ngoài việc giảm nghèo, tỷ lệ tử vong ở trẻ em, và ô nhiễm, tuổi thọ cao hơn, và ít phân biệt đối xử dựa trên sắc tộc và giới hơn.

Dù các ứng cử viên tổng thống Hoa Kỳ đang sử dụng những luận điệu bảo hộ chủ nghĩa, Obama khi là một ứng cử viên năm 2008 cũng đã làm tương tự. Tuy nhiên ông đã trở thành một người ủng hộ nhiệt tình các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai. Thương mại, ông nói, “giúp đỡ nền kinh tế chúng ta nhiều hơn là làm tổn hại.” Chuẩn bị rời nhiệm sở, ông tuyên bố đây là lĩnh vực mà “công việc chưa hoàn thành.” Vì thế, đó nên là công việc của tất cả chúng ta, nếu chúng ta tập trung ít hơn vào nỗi sợ và nhiều hơn vào thực tế.

Bjørn Lomborg, giáo sư thỉnh giảng tại Trường Kinh doanh Copenhagen, là Giám đốc Trung tâm Đồng thuận Copenhagen, nơi tập trung nghiên cứu những vấn đề và giải pháp môi trường sử dụng các phương pháp phân tích tốt nhất hiện có. Ông được tạp chí Time vinh danh là một trong 100 người có ảnh hưởng nhất năm 2004.

Copyright: Project Syndicate 2016 – The Free-Trade Miracle
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]