01/04/1700: Ngày Cá tháng Tư trở nên phổ biến

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: April Fools tradition popularized, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1700, một nhóm những người thích đùa tại Anh đã bắt đầu phổ biến truyền thống ngày Cá tháng Tư hàng năm bằng cách chơi khăm lẫn nhau.

Dù ngày Cá tháng Tư (April Fools’ Day hoặc All Fools’ Day) đã được tổ chức suốt nhiều thế kỷ trong các nền văn hoá khác nhau, nhưng nguồn gốc chính xác của nó vẫn còn là một bí ẩn. Một số nhà sử học cho rằng ngày Cá tháng Tư bắt đầu từ năm 1582, khi người Pháp chuyển từ lịch Julian sang lịch Gregorian theo lời kêu gọi của Hội đồng Trent (Council of Trent, 1563) – theo đó, năm mới sẽ bắt đầu vào ngày 01/01.

Nhưng một số người đã không biết hoặc biết khá trễ về thay đổi này nên họ vẫn tiếp tục mừng năm mới kể từ tuần cuối cùng của tháng 3 sang tới ngày 01/04. Kết quả là họ trở thành đối tượng của rất nhiều trò chơi khăm, trong đó gồm cả việc bị dán cá giấy lên lưng và gọi là “poisson d’avril” – trong tiếng Pháp, từ này có nghĩa đen là cá tháng tư, dùng để chỉ những con cá nhỏ dễ bị bắt hay chỉ một người cả tin.

Các nhà sử học còn liên hệ ngày Cá tháng Tư với những lễ hội thời cổ đại như Hilaria, được tổ chức ở thành Rome vào cuối tháng 3, khi những người tham gia đều mặc quần áo giả trang. Cũng có suy đoán rằng ngày Cá tháng Tư có liên quan đến tiết Xuân phân, ngày đầu tiên của mùa xuân ở Bắc Bán cầu, thời điểm mà Mẹ Thiên nhiên đánh lừa con người bằng thời tiết hay thay đổi, không thể đoán trước.

Ngày Cá tháng Tư bắt đầu lan rộng khắp nước Anh vào thế kỷ 18. Ở Scotland, truyền thống này đã trở thành một sự kiện kéo dài hai ngày. Ngày đầu tiên là ngày “săn chim cúc cu” (Hunting The Gowk) – khi đó, người ta sẽ bị sai làm các việc vặt không có thật (gowk là một từ để gọi chim cúc cu, biểu tượng của kẻ ngốc.) Ngày tiếp theo là “ngày của những chiếc đuôi” (Tailie Day) – gồm rất nhiều trò đùa như gắn đuôi giả hay dán chữ “hãy đá tôi” lên mông người khác.

Sang thời hiện đại, người ta thậm chí còn gây ra nhiều rắc rối để tạo ra những trò lừa tinh vi cho ngày Cá tháng Tư. Báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình và các trang web đã tham gia vào truyền thống ngày 01/04 bằng cách phát đi những bản tin hư cấu để đánh lừa khán giả.

Năm 1957, BBC đưa tin rằng nông dân Thụy Sĩ đã trồng được “cây spaghetti” và cho chiếu đoạn băng thu hoạch mì từ cây. Một lượng lớn khán giả đã bị lừa. Năm 1985, Sports Illustrated lừa hàng loạt độc giả khi cho đăng một bài báo về một cầu thủ bóng chày tân binh tên là Sidd Finch, người có thể ném bóng thẳng với vận tốc hơn 168 dặm/h. Năm 1996, chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh Taco Bell đã lừa công chúng khi tuyên bố đồng ý mua Liberty Bell của hãng Philadelphia và dự định đổi tên thành Taco Liberty Bell. Năm 1998, sau khi Burger King quảng cáo về “Bánh Whopper cho khách thuận tay trái” – đã có rất nhiều khách hàng yêu cầu một món bánh sandwich không hề tồn tại.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]