04/04/1968: Martin Luther King Jr. bị ám sát

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Dr. King is assassinated, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1968, khoảng 6 giờ chiều, tại Memphis, Tennessee, Martin Luther King Jr. đã bị bắn chết khi đang đứng trên ban công tầng hai của Khách sạn Lorraine, ngay bên ngoài căn phòng của ông. Nhà lãnh đạo dân quyền đến Memphis để hỗ trợ một cuộc đình công của công nhân vệ sinh và đang trên đường đi ăn tối thì bị một viên đạn bắn vào hàm khiến tủy sống bị cắt đứt. King được tuyên bố qua đời sau khi được chuyển đến bệnh viện Memphis. Khi ấy ông 39 tuổi.

Trong những tháng trước khi bị ám sát, Martin Luther King trở nên quan tâm đến vấn đề bất bình đẳng kinh tế ở Mỹ. Ông đã tổ chức Chiến dịch của Người Nghèo (Poor People’s Campaign) để tập trung vào vấn đề này, trong đó gồm một cuộc biểu tình tại Washington của những người nghèo khắp cả nước; sang tháng 03/1968, ông tới Memphis để giúp đỡ những công nhân vệ sinh người Mỹ gốc Phi đang bị đối xử bất công. Ngày 28/03, một cuộc diễu hành phản đối của công nhân do King dẫn đầu đã kết thúc bằng bạo lực và cái chết của một thiếu niên người Mỹ gốc Phi. Ông rời thành phố nhưng thề sẽ trở lại vào đầu tháng 4 để dẫn đầu một cuộc biểu tình khác.

Vào ngày 03/04, khi trở lại Memphis, King đã có bài phát biểu cuối cùng của mình, “Chúng ta sẽ có những ngày khó khăn phía trước. Nhưng giờ đây điều ấy thực sự không còn quan trọng với tôi, bởi vì tôi đã lên tới đỉnh núi … Đức Chúa đã cho phép tôi lên núi. Tôi đã nhìn xung quanh, và tôi đã thấy Miền Đất Hứa. Tôi có lẽ không thể đến đó với các bạn. Nhưng tối nay, tôi muốn các bạn biết rằng chúng ta, là một dân tộc, sẽ đến được Miền Đất Hứa.”

Một ngày sau khi nói những lời đó, King đã bị một tay bắn tỉa bắn chết. Khi tin tức về vụ ám sát lan rộng, bạo loạn đã nổ ra ở nhiều thành phố trên khắp nước Mỹ và lực lượng Vệ binh Quốc gia đã được triển khai ở Memphis và thủ đô Washington. Ngày 09/04, King đã an nghỉ tại quê hương Atlanta, Georgia. Hàng chục ngàn người đã xếp hàng khắp các con phố để vinh danh King, khi quan tài của ông đi qua, trên một chiếc xe bằng gỗ, được kéo bởi hai con la.

Trong buổi tối diễn ra vụ ám sát, một khẩu súng săn Remington .30-06 được tìm thấy trên vỉa hè bên ngoài một căn phòng cho thuê nằm cách Khách sạn Lorraine Motel một dãy phố. Trong vài tuần tiếp theo, lời khai của các nhân chứng và dấu vân tay trên khẩu súng đã chỉ ra một kẻ tình nghi duy nhất: James Earl Ray – một tù nhân mới trốn trại. Chỉ là một kẻ phạm tội không mấy nghiêm trọng, Ray đã trốn khỏi nhà tù ở Missouri vào tháng 04/1967 khi đang thụ án vì tội trộm cướp. Tháng 05/1968, cuộc tìm kiếm Ray trên quy mô lớn đã bắt đầu. FBI cuối cùng phát hiện rằng ông ta đã kiếm được một hộ chiếu Canada nhờ danh tính giả – ở thời điểm đó, điều này là tương đối dễ dàng.

Lệnh truy nã James Earl Ray của FBI.

Vào ngày 08/06, các điều tra viên của sở Cảnh sát Scotland Yard đã bắt được Ray tại một sân bay ở London. Ông ta đang cố bay sang Bỉ, với mục tiêu mà sau này ông ta thú nhận là nhằm tìm đến Rhodesia. Rhodesia, hiện là Zimbabwe, lúc đó đang bị cai trị bởi một chính phủ thiểu số da trắng bạo tàn, và đã bị lên án trên toàn thế giới. Được đưa trở lại Mỹ, Ray đã bị xét xử trong một phiên tòa tại Memphis vào tháng 03/1969, và ông ta đã nhận tội giết King để tránh bị ngồi ghế điện. Ray đã bị kết án 99 năm tù.

Ba ngày sau, ông ta cố gắng rút lại lời nhận tội, tuyên bố rằng mình vô tội trong vụ ám sát King và đã bị đưa ra làm con tốt thí cho một âm mưu lớn hơn. Ray tuyên bố rằng vào năm 1967, một người đàn ông bí ẩn tên là “Raoul” đã tiếp cận và tuyển dụng ông ta vào một phi vụ buôn lậu súng. Ngày 04/04/1968, ông ta nói rằng đã nhận ra mình sẽ trở thành kẻ bị đổ lỗi trong vụ ám sát King và đã trốn sang Canada. Kháng cáo của Ray đã bị bác bỏ, cũng như hàng tá những yêu cầu tổ chức một phiên toà khác mà ông ta tiếp tục đưa ra trong suốt 29 năm tiếp theo.

Sang thập niên 1990, vợ và các con của Martin Luther King Jr. đã công khai ủng hộ Ray và các tuyên bố của ông, cho rằng ông ta vô tội và suy đoán về âm mưu ám sát liên quan đến chính phủ và quân đội Mỹ. Theo thuyết âm mưu, chính quyền Mỹ cũng có liên quan. Giám đốc FBI J. Edgar Hoover đã bị ám ảnh về King, người mà ông cho rằng chịu ảnh hưởng của cộng sản. Suốt sáu năm cuối đời, King đã liên tục bị FBI nghe lén và quấy rối. Trước khi chết, ông cũng bị theo dõi bởi tình báo quân đội Mỹ, những người có lẽ đã nhận lệnh theo dõi sau khi vị mục sư công khai tố cáo Chiến tranh Việt Nam năm 1967. Hơn nữa, bằng cách kêu gọi cải cách kinh tế triệt để vào năm 1968, bao gồm việc đảm bảo thu nhập hàng năm cho tất cả mọi người, King gần như không hề có người bạn nào trong chính phủ Mỹ thời Chiến tranh Lạnh.

Suốt những năm qua, vụ ám sát King đã được tái điều tra bởi Ủy ban đặc biệt của Hạ viện điều tra về các vụ ám sát (HSCA), bởi chính quyền Hạt Shelby ở Tennessee, bởi văn phòng luật sư quận, và ba lần bởi Bộ Tư pháp Mỹ. Các cuộc điều tra này đều kết thúc với cùng một kết luận: James Earl Ray đã giết Martin Luther King. HSCA thừa nhận rằng một âm mưu cấp thấp có thể đã tồn tại, liên quan đến một hoặc nhiều kẻ đồng lõa với Ray, nhưng không phát hiện ra bằng chứng rõ ràng nào để chứng minh giả thuyết này. Bên cạnh rất nhiều bằng chứng chống lại Ray – chẳng hạn như dấu vân tay của ông ta trên vũ khí giết người và sự hiện diện của ông tại căn phòng cho thuê vào ngày 04/04 – Ray còn có động cơ để ám sát King: đó là lòng hận thù. Theo gia đình và bạn bè, Ray là một kẻ phân biệt chủng tộc công khai và thậm chí từng nói về ý định giết Martin Luther King, Jr. Sau này, Ray qua đời vào năm 1998.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]