Những ngày đen tối của nền dân chủ Campuchia

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Kheang Un, “Rainsy days for Cambodian democracy”, East Asia Forum, 27/02/2017.

Biên dịch: Trần Văn Thắng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Ngày 11 tháng 2 năm 2017, Sam Rainsy đã từ chức lãnh đạo Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP). Rainsy đã nói rõ với công chúng rằng việc ông từ chức là một “biện pháp phủ đầu” để cứu CNRP khỏi bị giải thể khi Thủ tướng Hun Sen đe dọa sẽ ban hành luật mới có thể giải tán bất kỳ đảng phái chính trị có lãnh đạo là tội phạm bị kết án.

Một tuần sau đó, Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) thực sự đã ban hành một luật mới nhằm sửa đổi Luật chính đảng. Những sửa đổi mới này, cùng với những điều khác, cấm bất kỳ cá nhân bị kết án nào được tham gia tranh cử và giải tán bất kỳ đảng phái chính trị nào có lãnh đạo là tội phạm bị kết án. Những sửa đổi này được cho là nhắm vào CNRP, đảng đối lập chính.

Sự từ chức của Rainsy phải được nhìn nhận trong bối cảnh chính trị bầu cử đầy mâu thuẫn và gây tranh cãi của Campuchia, đặc biệt là màn thể hiện tốt hơn dự kiến của đảng ông ta trong cuộc bầu cử quốc gia năm 2013. Sự thành công của CNRP đã tái định hình đấu trường chính trị của Campuchia, và bỗng nhiên CPP cần đánh giá lại các chiến lược của mình trong việc đối phó với các đảng đối lập và kết nối với các cử tri.

CPP đã bổ nhiệm các nhà kỹ trị mới, học vấn cao vào các vị trí lãnh đạo hàng đầu, như các bộ trưởng giáo dục và môi trường, và Cơ quan Điện lực Campuchia. Những cơ quan này đã thực hiện các chính sách và dịch vụ minh bạch và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân. Chính phủ Campuchia cũng đã tăng lương cho công nhân và công chức trong bộ máy, lời hứa chủ đạo trong chiến dịch tranh cử của CNRP.

Tuy nhiên, những di sản cố hữu của chủ nghĩa bảo trợ và chủ nghĩa thân hữu tại Campuchia có nghĩa rằng những cải cách trong các lĩnh vực khác vẫn là một cuộc đấu tranh khó khăn. Bất chấp luận điệu và một số hành động cụ thể của chính phủ, chẳng hạn như việc điều tra và bắt giữ các quan chức tham nhũng, nhận thức của công chúng đối với những nỗ lực chống tham nhũng của chính phủ vẫn còn thấp. Bảng xếp hạng tham nhũng của tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) xếp Campuchia ở vị trí 156 trên 176 quốc gia.

Ngoài ra còn có sự bất mãn của người dân đối với những hậu quả của việc khai thác dựa trên quan hệ thân hữu các nguồn tài nguyên thiên nhiên như rừng, đất đai và giờ đây là cát, điều đã gây ảnh hưởng xấu đến hàng trăm ngàn người Campuchia và vẫn chưa được giải quyết. Thông qua phương tiện truyền thông xã hội, những vấn đề này đã truyền cảm hứng cho ý thức công dân, một hiện tượng mà CPP không thể bỏ qua.

Bên cạnh việc khởi xướng các cải cách, CPP cũng đã nỗ lực để dung nạp CNRP làm một đối tác nhỏ hơn, chủ yếu thông qua “văn hóa đối thoại”. Theo quan điểm của CPP, “văn hóa đối thoại” nghĩa là không có sự chỉ trích lẫn nhau. Tuy nhiên, do màn thể hiện mạnh mẽ trong các cuộc bầu cử năm 2013 với sự hợp sức của Rainsy và Phó Chủ tịch CNRP Kem Sokha nhằm lật đổ CPP, CNRP không thể không tăng cường những lời chỉ trích đối với CPP trước mùa bầu cử.

Phản ứng lại những lời chỉ trích, chính phủ đã đưa ra một số vụ kiện tội phỉ báng chống lại Rainsy và Sokha. Một trong những vụ kiện đó đã khiến Rainsy bị tuyên án 2 năm tù, buộc ông ta phải tự lưu vong vào năm 2015. Trong điều kiện hiện nay, do bản án hình sự của Rainsy, CNRP có thể đã bị giải thể nếu dự thảo luật của chính phủ được thông qua trong khi Rainsy tiếp tục là lãnh đạo của đảng này. Điều này đặt ra một câu hỏi lớn về số phận của CNRP thời hậu Rainsy cũng như kết quả của các cuộc bầu cử địa phương trong năm nay và cuộc tổng tuyển cử vào năm tới.

Cuộc chiến chống lại Thủ tướng Hun Sen và CPP của Rainsy sẽ tiếp diễn. Chiến dịch của ông ta nhằm xóa bỏ tính chính danh của CPP và Hun Sen có thể sẽ diễn ra tại đấu trường quốc tế thông qua vận động hành lang và các vụ kiện ở nước ngoài như Hoa Kỳ và tại Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ). Ông ta chắc chắn sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng lên đường hướng của CNRP qua các thuộc hạ trung thành của mình trong đảng và sẽ tham gia vào quá trình vận động tranh cử thông qua không gian mạng.

Kể từ các cuộc bầu cử được quốc tế bảo trợ năm 1993, CNRP là đảng duy nhất đã có cơ cấu tổ chức với quy mô tương tự như cơ cấu của đảng CPP, dù với ít nguồn lực hơn nhiều. Sở hữu những cơ cấu này có nghĩa là CNRP khó có thể bị gạt ra lề chỉ vì sự vắng mặt của Rainsy. Kem Sokha cũng là một nhân vật được biết đến trong chính trị Campuchia. Với nguồn gốc bản thân gắn chặt với Campuchia và con đường ông ta đã trải qua trước khi khởi động chính đảng của riêng mình, Sokha đã giành được ngày càng nhiều sự mến mộ của cả cử tri thành thị và nông thôn.

Trước khi sáp nhập với Đảng Sam Rainsy của Rainsy để tạo thành đảng CNRP, Sokha đã gây dựng Đảng Nhân quyền của mình từ dưới lên, thu hút sự ủng hộ của người dân nông thôn khi ông đến các vùng nông thôn Campuchia trong vai trò một người ủng hộ nhân quyền. Sức lôi cuốn của ông đối với cử tri thành thị đã tăng lên trong chiến dịch bầu cử năm 2013 khi ông phải trình diễn một mình do sự vắng mặt của Sam Rainsy, và sau đó vẫn kiên quyết khi đối mặt với sự đe dọa của chính phủ. Tuy nhiên, tương lai của CNRP sẽ hoàn toàn khác nếu các tòa án do CPP chi phối quyết định kết tội Sokha dựa trên một trong một số các vấn đề pháp lý đang diễn ra hiện nay.

Màn thể hiện của CNRP sẽ phụ thuộc vào sự đánh giá của cử tri Campuchia, đặc biệt là cử tri trẻ, đối với CPP. Vấn đề là liệu họ có thể được thuyết phục rằng tình trạng hiện nay có thể tạo ra một môi trường cho phép họ thực hiện các nguyện vọng của mình hay không. Nếu CPP không thể giúp thực hiện được nguyện vọng của những người trẻ đầy bất an này, thì lúc đó CNRP sẽ là một lực lượng mà CPP sẽ phải tính đến.

Kheang Un là Phó Giáo sư ngành khoa học chính trị tại Đại học Northern Illinois, Hoa Kỳ.

Hình: Kem Sokha và Sam Rainsy

Xem thêm: Sam Rainsy là ai?

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]