Tác giả: Châu Hữu Quang (Trung Quốc) | Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành
Trong cuốn “Triều văn đạo tập” của cụ Châu Hữu Quang[1] có in bài “Dân chủ hóa ở vương quốc Bhutan” cụ viết khi 103 tuổi. Bài này từng đăng trên tạp chí “Quần ngôn” số 5 năm 2008.
Bhutan[2] là một nước nhỏ diện tích chỉ có 47 nghìn kilômet vuông nằm giữa Trung Quốc (TQ) và Ấn Độ, là nước láng giềng của TQ. Trước khi thực hành chế độ dân chủ, Bhutan là một “vương quốc” từ hình thức cho tới nội dung. Nhưng vương quốc nhỏ bé ấy khi đã nói thực hành dân chủ là thực hành dân chủ ngay. Thế mà có những nước tuy nhân dân phấn đấu vì dân chủ cả thế kỷ, các thế hệ phấn đấu đã lần lượt rời khỏi thế giới này rồi mà thế hệ sau của họ cho tới nay vẫn còn sống trong một xã hội trên thực tế là vương quốc, chuyên chế.
Xã hội loài người phô bày sự “kỳ diệu” của mình như thế đấy.
Đọc lại lịch sử gần nửa thế kỷ của Bhutan, chúng ta không thể không thèm muốn, không hâm mộ họ có một vị quốc vương tốt như thế,[3] hơn nữa lại ngày càng dân chủ hơn trước, thậm chí có người TQ cho rằng vị vua ấy là nhân vật kiểu Washington.
Năm 1952 Bhutan bắt đầu thực hiện dân chủ.
Năm 1953 thành lập Quốc hội. Đây là cơ quan lập pháp đầu tiên trong lịch sử vương quốc Bhutan.
Đối chiếu một chút: trước khi giành được chính quyền vào năm 1949 chúng ta cũng luôn miệng nói phản đối chuyên chế, yêu cầu thực hành dân chủ.
Nhưng sau khi giành được chính quyền thì [chúng ta] đã quên sạch “mục tiêu” của mình, và ngược lại, bóp chết mọi lời nói việc làm đòi dân chủ, áp chế mọi nhân sĩ đòi dân chủ. Về mặt chế độ lại càng trở về [thời kỳ] “trước giải phóng”, hơn nữa còn chuyên chế hơn, tàn khốc hơn.
Làm như thế kết quả là chỉ khiến cho mọi người có thái độ nghi ngờ đối với “mục tiêu” trước đây họ từng phấn đấu: cái gọi là yêu cầu thực hành dân chủ của một số người chẳng qua là một chiêu bài, một âm mưu, chỉ nhằm một mục đích là trăm phương nghìn kế giành được chính quyền mà thôi.
Chỉ cần có thể giành chính quyền thì [họ] bằng lòng nói bất cứ lời nào, chịu làm bất cứ việc gì, có thể dùng bất cứ thủ đoạn nào.
Và một khi đã thành công rồi thì dân chủ hay không dân chủ – ông đây [nguyên văn lão tử] nói thế nào thì cứ thế mà làm nhé!
Lại xem một chuyện khác. Năm 1968, Bhutan thực hành tam quyền phân lập, nhà vua trịnh trọng tuyên bố Bhutan là nước quân chủ lập hiến. Quốc hội (tiếng Bhutan gọi là Tshogdu) chẳng những có quyền bổ nhiệm các vị đại thần [tương đương Bộ trưởng các bộ], mà nếu nhà vua vi phạm lợi ích của nhân dân và của quốc gia thì Quốc hội có quyền bãi miễn vua; nếu hai phần ba Quốc hội bỏ phiếu không tín nhiệm thì nhà vua phải nhường ngôi cho người kế thừa.
Đây thực ra đã là chế độ dân chủ trên ý nghĩa hiện đại.
Nếu nói những điều đó còn chưa đủ để chúng ta ngợi khen và ca tụng, thế thì kể từ năm 1968, bốn mươi năm sau, vào hạ tuần tháng ba năm 2008, Bhutan lại cho ra đời một chính phủ chế độ dân chủ nghị viện khóa đầu tiên. Đây phải coi là tin tức đặc biệt lớn trên toàn thế giới. Báo đài toàn thế giới đều đưa tin này. Châu Hữu Quang nói đây là “Tin lớn của nước nhỏ!”
Theo quan điểm của cụ Châu, dân chủ hóa Bhutan là xu thế lớn trong phát triển nhân loại, “Ngày nay là thời đại toàn cầu hóa, mà dân chủ hóa là dòng chính về chính trị trong thời kỳ toàn cầu hóa”, “Loài người đang phá vỡ lề thói cũ. Nền văn minh của nước nhỏ đi trước nước lớn”.
Văn minh là gì? Đối với chuyên chế thì dân chủ tức là văn minh; ngược lại, đối với dân chủ thì chuyên chế là không văn minh. Một xã hội hiện đại nếu trên mặt chế độ chuyên chế, dân chủ mà không thể chọn lấy chế độ đại diện cho văn minh thì mọi thứ gọi là “văn minh” còn lại đều chẳng qua là để che giấu cái không văn minh lớn hơn của mình.
Điều làm người ta xúc động hơn nữa là nền dân chủ của quốc gia này [Bhutan] không phải là do nhân dân họ giành được sau bao nhiêu đấu tranh, mà là do quốc vương chủ động biếu tặng, cũng tức là nói vua Bhutan lại chủ động tiến hành các cải cách dân chủ hóa hạn chế quyền lực của nhà vua. Điều này cực kỳ hiếm thấy trong lịch sử thế giới.
Về vấn đề đó, khi trả lời phỏng vấn của nhà báo, ông Vương Chiêm Dương, Chủ nhiệm Phòng nghiên cứu giáo dục chính trị Học viện Chủ nghĩa xã hội Trung ương TQ cho rằng: Quốc vương Bhutan là một nhân vật kiểu Washington – khi có cơ hội làm vua, Washington đã không làm, còn quốc vương Bhutan đang làm vua lại tự động rời bỏ vương quyền.
Chẳng những thế, vị vua ấy còn đề xuất một khái niệm trên thực tế loài người phải coi là một quan niệm giá trị cực kỳ tiên tiến – “Tổng giá trị Hạnh phúc của Quốc dân” [Gross National Happiness – GNH – do vua Jigme Singye Wangchuck đề xuất năm 1979, thay cho GNP]. Nhà vua cho rằng những người giàu có không phải bao giờ cũng hạnh phúc, mà trong mối quan hệ giữa tài sản với hạnh phúc thì hạnh phúc cao hơn tài sản. Nhà vua lại nói: “Cho dù một nước quân chủ tốt cũng sẽ bị coi là một chính quyền chuyên chế”, mà quốc vương tiếp tục thực thi chính quyền chuyên chế đó sẽ là người đau khổ về tinh thần. Bởi vậy nhà vua phải theo đuổi dân chủ, làm cho nguyên tắc “Lợi người và lợi ta” đạt được sự thống nhất cao. Vương Chiêm Dương cho rằng đây là một trình độ hết sức cao. Nếu không hiểu được rằng hãy còn có thứ quan trọng hơn tài sản và quyền lực thì sẽ không hiểu được Bhutan.
Nói đến đây không nhịn được thêm một câu: Vương Chiêm Dương nghiên cứu “chính trị XHCN”. Chúng ta biết trên ý nghĩa thông thường, các quan chức lớn nhỏ của nhà nước XHCN phải là quần thể có trình độ cao nhất trong xã hội này. Nhưng Vương Chiêm Dương cho rằng cử chỉ của quốc vương Bhutan “ở một trình độ cực kỳ cao”, thế thì tôi muốn hỏi, phải chăng có thể nói trình độ ấy còn cao hơn trình độ của “những người cộng sản” chúng ta ?
Nếu không, vì sao cho tới nay [chúng ta] vẫn khó thực hành dân chủ? Hoặc là nói trình độ dân chủ của chúng ta vì sao lại không được như Bhutan?
Thực ra tất cả những điều đó nói cho đến cùng vẫn là dựa vào con người chứ không dựa vào việc người đó là Đảng Cộng sản hay Đảng Quốc dân hay là một nhà vua.
Một người cộng sản có thể có khuynh hướng chuyên chế, còn một vị vua cũng có thể có khuynh hướng dân chủ.
Đương nhiên còn dựa vào nhận thức.
Nhận thức của một người cộng sản chưa chắc cao hơn nhận thức của một vị vua.
Đúng như câu nói của vị vua nước Bhutan mà hiện nay chúng ta đã biết rõ: “Tôi có thể cố gắng làm một quốc vương yêu dân, nhưng tôi không thể bảo đảm Bhutan đời đời kiếp kiếp có quốc vương tốt. Vì hạnh phúc lâu dài của nhân dân Bhutan, chúng ta tất phải thực hành dân chủ.”
Không biết rằng năm xưa chúng ta có một số người khi đọc đến mấy câu trên thì họ có cảm tưởng gì, lẽ nào có mắt như mù, bịt tai không muốn nghe, hơn nữa còn có vẻ coi khinh? Có mấy câu ấy, tôi có thể nói: Anh có yêu dân thì anh hãy thực hành dân chủ đi.
Một quốc vương mà còn nhận thức được, nếu người cộng sản TQ không nhận thức được, thế thì tôi xin hỏi: Cái gọi là “tính tiên tiến” của anh thể hiện ở đâu? Tọa độ tham chiếu của tính tiên tiến của anh là gì?
Nếu cho phép vẽ rắn thêm chân, thì tôi nghĩ niềm hy vọng lớn nhất của nhân dân TQ e rằng là mong sao trong các nhân vật cấp lãnh tụ của TQ có thể xuất hiện vị quốc vương như thế của Bhutan. Nói ngược lại, các quan chức lớn nhỏ của chúng ta chắc cũng mong sao nếu người lãnh đạo của mình như vị vua ấy của Bhutan thì nhân dân sẽ yên ổn. Bởi lẽ mọi người trên Trái Đất này đều biết: thực ra nhân dân Bhutan rất vừa lòng với chế độ quân chủ. Nếu nhân dân TQ cũng như nhân dân Bhutan thì cảm giác của một số quan chức sẽ tốt như thế nào đây.
Song cũng vẫn có thể tưởng tượng, khi lãnh đạo nhân dân Bhutan là một nhóm quan chức như thế này của chúng ta, cho dù thực hành chế độ quân chủ hoặc thực hành “dân chủ XHCN” như của chúng ta thì nhân dân Bhutan chẳng những nhất định sẽ không đồng ý mà cũng nhất định không đáp ứng.
Nguồn bài gốc tiếng Trung: 周有光: “不丹王国的民主化”
—————–
[1] Zhou You Guang (1906-2017), nhà ngôn ngữ học số một TQ, được gọi là “Cha đẻ Phương án Hán ngữ Pinyin”, rất có uy tín ở TQ vì dám nói thẳng nói thật và vì tuổi cao (thọ 111 tuổi).
[2] Vương quốc Bhutan thành lập năm 1907, từ đó vương triều Wangchuck cai trị đất nước. Bắt đầu tiến hành cải cách hiện đại hóa từ đời vua thứ ba là Jigme Dorji Wangchuck (1929-1972, ở ngôi vua 1952-1972): 1953 thành lập Quốc hội, 1968 lập Nội các đứng đầu là Thủ tướng, 1971 vào Liên Hợp Quốc. Năm 2005 trưng cầu dân ý, toàn dân bỏ phiếu thông qua Hiến pháp đầu tiên. Từ 2005 thi hành chế độ hai đảng, đảng nào nắm đa số Quốc hội thì được lập chính phủ. 24/3/2008 bầu cử Quốc hội. Diện tích 38.394 km2, có 750 nghìn dân (2016), 75% theo đạo Phật. Thân Ấn Độ, không thân TQ (đóng cửa biên giới với Tây Tạng sau khi TQ chiếm vùng này 1951).
[3] Đó là Jigme Singye Wangchuck, vua thứ 4 của Bhutan, sinh 1955, từng học ở Ấn Độ và Anh; lên ngôi 7/1972. Năm 1998 thôi kiêm nhiệm đứng đầu chính phủ, nhường quyền cho Hội đồng đại thần. 14/12/2006 thoái vị, nhường ngôi cho con trai cả là Jigme Khesar Namgyel Wangchuck (sinh 1980, học ở Anh, Mỹ; lên ngôi 6/11/2008).
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]