Nỗi ám ảnh của Putin

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Sergey Aleksashenko, “The Future of Putin’s Illusion”, Project Syndicate, 21/02/2018.

Biên dịch: Trần Thanh Bình

Kết quả cuộc bầu cử tổng thống Nga vào ngày 18 tháng 3 tới là một điều ai cũng biết trước: Tổng thống đương nhiệm Vladimir Putin sẽ giành chiến thắng sau khi giành được gấp 5 đến 6 lần số phiếu của ứng viên xếp thứ hai. Các cuộc bầu cử ở Nga ngày nay không công bằng, tự do, hoặc cạnh tranh hơn so với thời Liên Xô cũ. Sự khác biệt duy nhất là thời đó chỉ có một ứng cử viên duy nhất trên lá phiếu, trong khi ngày nay có nhiều ứng viên hơn để làm cho cuộc bầu cử có vẻ đáng tin cậy hơn.

Một điều chắc chắn nữa về cuộc bầu cử sắp tới là Putin sẽ lại một lần nữa tự tái sinh, như ông đã làm bốn lần trước. Những lần hồi sinh trước của ông diễn ra vào cuối tháng 10/2003, sau khi bắt giam nhà tài phiệt giờ đang tự lưu vong Mikhail Khodorkovsky, rồi vào năm 2004 khi một Putin mẫu hình mới xuất hiện trong cuộc bầu cử năm đó. Sau cuộc bầu cử năm 2008, Putin đã phải tìm cách quản lý vị tổng thống mới của Nga Dmitry Medvedev. Và vào năm 2012, một Putin đầy hiếu chiến – người sau đó đã xâm lược Ukraine – đã tập hợp những người ủng hộ ông trên quảng trường Poklonnaya Gora của Moskva, đè bẹp các cuộc biểu tình quần chúng và trở lại chức vụ tổng thống.

Mặc dù có khuynh hướng chuyển đổi, Putin dường như sẽ không đưa ra bất kỳ sự đảo ngược chính sách đáng kể nào sau chiến thắng sắp tới. Những cải cách toàn diện, mạnh dạn theo kiểu cựu Bộ trưởng Tài chính Alexei Kudrin đề xuất không có trong các tính toán của ông. Putin là một chính trị gia kỳ cựu, cứng đầu, và sẽ khó thay đổi tư duy của ông.

Để dự đoán Putin có thể làm gì trong nhiệm kỳ tiếp theo, hãy xem xét 5 xu hướng đã định hình nước Nga trong suốt 18 năm cầm quyền của ông. Thứ nhất, đó là leo thang cuộc đối đầu chính trị và quân sự với phương Tây, điều đã biến Nga thành một quốc gia “bất hảo” đe dọa các nước láng giềng. Thứ hai, là việc củng cố quyền lực dần dần vào tay một nhóm giới tinh hoa, những người đã thay thế bộ máy quan liêu, quốc hội và ngành tư pháp trong vai trò những người ra quyết định cuối cùng của nước Nga.

Xu hướng thứ ba là việc ngày càng phụ thuộc vào việc sử dụng vũ lực, đặc biệt là của cảnh sát mật, trong đời sống chính trị. Với ít hoặc thậm chí không có bằng chứng, Cơ quan An ninh Liên bang (FSB), tổ chức kế nhiệm KGB, giờ đây có thể phạt tù các bộ trưởng liên bang, các thống đốc vùng, các nhà lãnh đạo đối lập, giám đốc nhà hát, các nhà hoạt động môi trường hoặc các công dân Nga bình thường, những người thể hiện quan điểm chính trị của họ trên Twitter hay Facebook.

Xu hướng thứ tư và có liên quan là việc hạn chế các quyền tự do được hiến pháp bảo đảm, bao gồm quyền tự do biểu đạt và quyền hội họp. Và xu hướng cuối cùng là sự xói mòn dần dần quyền sở hữu, khiến cho các doanh nhân Nga không muốn đầu tư vào nền kinh tế đất nước.

Tất cả các xu hướng tiêu cực này vẫn tiếp tục tồn tại, ngay cả khi tốc độ suy giảm của chúng là vấn đề vẫn còn gây tranh cãi. Putin gần như chắc chắn tái đắc cử có nghĩa là sáu năm nữa sự trì trệ kinh tế và cô lập quốc tế sẽ tiếp tục. Ông có thể nói về sự cần thiết phải cải cách; nhưng sau gần 20 năm nắm quyền, lời nói của ông không còn được tin cậy. Để hiểu được ý định của ông và các chính sách tương lai đòi hỏi phải tập trung vào các hành động của ông – những gì ông làm, chứ không phải những gì ông nói. Theo quan điểm của tôi, có bốn kịch bản hợp lý.

Thứ nhất, Putin sẽ tìm cách làm tổng thống trọn đời, bằng cách tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để loại bỏ giới hạn hiến pháp hai nhiệm kỳ liên tiếp của vị trí tổng thống. Hoặc ông có thể được bầu làm Tổng thống Liên bang Nga và Belarus, với vị tổng thống hiện nay của Belarus là Alexander Lukashenko làm Thủ tướng. Nhà nước Liên bang này đã không hoạt động từ năm 1997, nhưng nó có thể được hồi sinh để phục vụ các mục đích của Putin.

Trong kịch bản thứ hai, Putin sẽ trở thành một Đặng Tiểu Bình của Nga. Ông sẽ thừa nhận rằng mô hình chính trị hiện tại của Nga là không bền vững và sẽ triệu tập một “hội nghị bàn tròn” các đại diện từ khắp đất nước để đưa ra khuôn khổ cho một hệ thống mới. Các đại biểu có thể thiết lập các quy tắc cho giai đoạn chuyển tiếp bao gồm hai năm cuối của nhiệm kỳ tổng thống của Putin, và sau đó nước Nga sẽ bước sang một thời kỳ chính trị mới.

Hoặc, như Boris Yeltsin trước ông, Putin có thể tuyên bố mình đã sức tàn lực kiệt và sẽ đề cử một người kế nhiệm. Trong kịch bản thứ ba, người kế nhiệm đó có thể là một nhà tự do như Medvedev, trong khi trong kịch bản thứ tư, đó sẽ là một người bảo thủ như Phó Thủ tướng Dmitry Rogozin, người hiện đang giám sát ngành công nghiệp quốc phòng.

Trong hai kịch bản cuối cùng này, việc người kế nhiệm theo xu hướng tự do hay bảo thủ cũng chẳng thực sự quan trọng gì. Điều quan trọng là liệu một trong hai nhà lãnh đạo có thể duy trì được quyền lực của mình sau khi nhậm chức hay không. Cả Medvedev lẫn Rogozin đều không thể duy trì được hệ thống như hiện tại. Nhưng bất kỳ cải cách nào họ muốn thử chắc chắn sẽ đe doạ các nhóm lợi ích cố hữu mạnh mẽ, và do đó gây bất ổn cho cán cân quyền lực hiện tại. Hơn nữa, không rõ mối quan hệ giữa Medvedev và Rogozin với FSB sẽ như thế nào, hoặc liệu một trong hai người có thể đảm bảo cảnh sát mật sẽ không can thiệp vào đời sống chính trị nước Nga thời hậu Putin hay không.

Tôi sẽ không suy đoán kịch bản nào trong số bốn kịch bản này có nhiều khả năng xảy ra nhất. Dù sao đi chăng nữa, tất cả các kịch bản này đều đưa ra cùng một câu hỏi: Năm 2024, lãnh đạo của Nga sẽ là Putin 5.0, hay ai đó khác? Bất cứ điều gì xảy ra, chúng ta có thể chắc chắn một điều rằng cứ mỗi ngày trôi qua, Putin lại ngày càng trở nên đau đầu hơn với những lo lắng hiện hữu của mình: Điều gì tiếp theo đây?

Sergey Aleksashenko là nghiên cứu viên cao cấp không thường trú tại Viện Brookings.

Copyright: Project Syndicate 2018 – The Future of Putin’s Illusion