14/03/1943: Quân Đức tái chiếm Kharkov

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Germans recapture Kharkov, History.com

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Vào ngày này năm 1943, quân đội Đức một lần nữa tiến vào Kharkov, thành phố lớn thứ hai ở Ukraine, nơi đã bị các lực lượng Liên Xô và Đức thay nhau chiếm đóng nhiều lần trong cuộc chiến giữa hai bên.

Kharkov là một mục tiêu được ưu tiên cao của quân Đức khi họ xâm lược Liên Xô vào tháng 6 năm 1941, vì thành phố này là một trung tâm công nghiệp và đường sắt, và có các mỏ than và sắt ở gần đó. Một trong số các cơ sở công nghiệp quan trọng nhất đối với nhu cầu chiến tranh của Stalin là Nhà máy Xe tăng Kharkov. Nhà máy này đã được Stalin chuyển ra khỏi Kharkov vào tháng 12 năm 1941 tới khu vực dãy núi Ural. Trên thực tế, Joseph Stalin muốn bảo vệ Kharkov đến mức đã ra lệnh “không được rút lui” cho quân đội của mình, điều đã dần dần gây ra thương vong lớn cho lực lượng Hồng quân.

Các đội quân của Hitler lần đầu tiên đặt chân tới Kharkov vào tháng 10 năm 1941. Vào tháng 5 năm 1942, Liên Xô đã phát động một cuộc tấn công bất ngờ hiệu quả vào quân Đức ở phía nam Kharkov, cho phép Hồng quân tiến gần hơn đến thành phố bị chiếm đóng, và cuối cùng đã tái chiếm được thành phố này vào ngày 16 tháng 2 năm 1943.

Hitler bắt đầu lập kế hoạch giành lại thành phố ngay lập tức vào ngày 21 tháng 2 – Ngày kỷ niệm thành lập Hồng quân – với hy vọng rằng thành công đó sẽ đảo ngược đà phản công của Liên Xô trong ba tháng trước đó. Vào ngày 10 tháng 3, quân đội Đức phát động một cuộc tấn công lớn. Quân đội Liên Xô đã mất 23.000 lính và 634 xe tăng trong chiến dịch tái chiếm và bảo vệ Kharkov, và buộc phải dựa vào sự hỗ trợ của 1.000 lính người Séc.

Vào ngày 14 tháng 3, tình thế ở Kharkov lại đổi chiều, và quân Đức đã giành lại thành phố này một lần nữa. “Chúng tôi đã cho người Nga thấy rằng chúng tôi có thể chịu đựng được mùa đông khắc nghiệt của họ. Nó không thể khiến chúng tôi sợ hãi được nữa,” một sĩ quan SS viết. Điều này tỏ ra là một lời khoe khoang vô nghĩa khi Hồng quân giải phóng thành phố vào mùa hè năm đó. Nó cũng đồng thời không đúng sự thật, bởi mùa đông khắc nghiệt của Liên Xô thực sự đã gây thiệt hại khủng khiếp cho quân đội Đức.