02/04/1972: Quân đội Bắc Việt kiểm soát một phần Quảng Trị

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: North Vietnamese troops capture part of Quang Tri, History.com

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Vào ngày này năm 1972, những người lính của Sư đoàn 304 Quân đội Bắc Việt, được hỗ trợ bởi các xe tăng do Liên Xô chế tạo và pháo binh hạng nặng, đã giành được quyền kiểm soát nửa phía bắc tỉnh Quảng Trị. Điều này khiến chỉ còn lại thị xã Quảng Trị và Đông Hà là còn đang nằm trong tay quân đội Việt Nam Cộng hòa. Tư lệnh Sư Đoàn 3 của quân đội Việt Nam Cộng hòa, Chuẩn Tướng Vũ Văn Giai, đã chuyển lính của ông tới khu vực thành cổ Quảng Trị, một mục tiêu rõ ràng của quân đội Bắc Việt.

Cuộc tấn công này là động thái mở đầu Chiến dịch Nguyễn Huệ của quân đội Bắc Việt, một cuộc tấn công lớn của lực lượng Bắc Việt nhằm tạo ra một trận đánh then chốt giúp họ giành chiến thắng trong cuộc chiến. Lực lượng tấn công bao gồm 14 sư đoàn bộ binh và 26 trung đoàn riêng biệt, với hơn 120.000 lính và khoảng 1.200 xe tăng và các phương tiện thiết giáp khác. Ngoài mục tiêu Quảng Trị ở phía bắc, các mục tiêu chính của quân đội miền Bắc còn có Kontum ở Tây Nguyên và An Lộc nằm xa hơn về phía Nam.

Ban đầu, quân đội Nam Việt Nam hầu như bị choáng ngợp, đặc biệt là ở các tỉnh cực bắc, nơi họ bỏ vị trí của mình tại Quảng Trị và chạy về phía nam khi đối mặt với sự tấn công của lực lượng Bắc Việt. Tại Kontum và An Lộc, quân đội miền Nam đã thành công hơn trong việc chống lại các cuộc tấn công sau nhiều tuần giao tranh ác liệt.

Mặc dù Nam Việt Nam phải chịu thương vong nặng nề, họ vẫn giữ được trận địa của mình với sự trợ giúp của các cố vấn và lực lượng không quân Hoa Kỳ. Giao tranh tiếp diễn khắp miền Nam Việt Nam trong những tháng mùa hè, nhưng cuối cùng các lực lượng quân đội Việt Nam Cộng hòa chiếm ưu thế hơn so với quân đội miền Bắc, và đã chiếm lại được Quảng Trị trong tháng Chín.

Với cuộc tấn công của lực lượng cộng sản bị đẩy lùi, Tổng thống Nixon tuyên bố rằng chiến thắng của Nam Việt Nam đã chứng minh sức sống của chương trình Việt Nam hóa chiến tranh của ông, một chính sách được đưa ra vào năm 1969 để tăng cường khả năng chiến đấu của quân đội Nam Việt Nam.