13/04/1918: Đức chiếm đóng Helsinki, Phần Lan

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Germans capture Helsinki, Finland, History.com

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Vào ngày này năm 1918, nằm trong kế hoạch ủng hộ Phần Lan và chính phủ dân chủ đại nghị mới thành lập của họ, quân đội Đức đã giành quyền kiểm soát Helsingfors (Helsinki) từ phe Hồng vệ, một đội quân bao gồm những người Phần Lan ủng hộ phe Bolshevik Nga.

Phần Lan, vốn nằm dưới sự kiểm soát của Nga từ năm 1809, đã nắm lấy cơ hội trong cuộc Cách mạng Nga vào năm 1917 (bao gồm cả việc thoái vị của Sa hoàng Nicholas II vào tháng 3 và cuộc đảo chính giành chính quyền của Vladimir Lenin và những người Bolshevik vào tháng 11) để tuyên bố độc lập vào tháng 12 năm đó.

Tuy nhiên, gần như ngay lập tức, xung đột xảy ra ngay trong Phần Lan giữa các nhà xã hội chủ nghĩa cực đoan – những người ủng hộ Bolshevik ở Nga – và những người chống chủ nghĩa xã hội trong chính phủ. Vào cuối tháng 01 năm 1918, lực lượng Hồng vệ của các nhà xã hội chủ nghĩa cực đoan đã phát động một cuộc nổi dậy, khủng bố và giết hại thường dân trong nỗ lực nhen nhóm lên một cuộc cách mạng theo phong cách Bolshevik. Một cuộc đấu tranh quyết liệt xảy ra khi phe Bạch vệ (quân đội chính phủ lúc bấy giờ) dưới sự chỉ huy của Nam tước Karl Gustav Mannerheim đã tìm cách đánh đuổi lực lượng Hồng vệ ra khỏi Phần Lan.

Vào ngày 3 tháng 4 năm 1918, quân Đức do Hoàng đế Wilhelm II gửi đi đã đặt chân lên Phần Lan để trợ giúp lực lượng Bạch vệ  của Mannerheim. Mười ngày sau, quân đội Đức cùng với Mannerheim và lực lượng bao gồm 16.000 người của ông đã chiếm đóng Helsinki; họ đã làm điều tương tự ở Viborg vào cuối tháng đó. Một chiến thắng lớn của quân Đức và phe Bạch vệ Phần Lan tại Lahti vào ngày 7 tháng 5 đã kết thúc cuộc Nội chiến Phần Lan.

Quan hệ gần gũi của Đức với chính phủ Phần Lan mới thành lập đã đạt đến một cấp độ mới vào tháng 10 năm 1918, khi các lực lượng bảo thủ ở Phần Lan quyết định thiết lập chế độ quân chủ ở quốc gia này, trao ngai vàng cho Frederick, một công vương người Đức, trong những tuần cuối của Thế chiến I. Tuy nhiên, cho tới khi các cường quốc Liên minh Trung tâm kêu gọi đình chiến một tháng sau đó, chính Hoàng đế Wilhelm cũng đã thoái vị và có vẻ chắc chắn rằng phe Đồng minh giành chiến thắng sẽ không chấp nhận việc một người Đức ngồi trên ngai vàng Phần Lan.

Frederick đã thoái vị vào ngày 14 tháng 12. Hiệp ước Versailles, ký vào tháng 6 năm 1919, đã công nhận nền độc lập giành được một cách khó khăn của Phần Lan; đến tháng 7, quốc hội Phần Lan thông qua một bản hiến pháp cộng hòa mới, và Kaarlo J. Stahlberg, một người có tư tưởng tự do, được bầu làm tổng thống đầu tiên của nước này.