Tranh cãi về bảng xếp hạng Doing Business của WB

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Kaushik Basu, “The ABCs of Doing Business”, Project Syndicate, 28/02/2018.

Biên dịch: Đặng Tấn Phước | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Báo cáo về sự thuận lợi trong kinh doanh của 190 nền kinh tế (Doing Business – DB) hàng năm có lẽ là ấn bản được trích dẫn nhiều nhất của Ngân hàng Thế giới. Đây cũng là ấn phẩm gây tranh cãi nhất của tổ chức này, và với việc phát hành Doing Business 2018 vào tháng 10 năm ngoái, tranh cãi xung quanh bản báo cáo đã đạt đến đỉnh cao mới, khi một số nhà phê bình cáo buộc nó về sự mờ ám, gian lận dữ liệu và thao túng chính trị.

Tôi có tham gia sâu vào báo cáo DB từ năm 2012 đến năm 2016, vì vậy tôi phải kiềm chế tham gia tranh luận về chủ đề này. Nhưng hiện tại, việc xem lại chỉ số DB và báo cáo hàng năm dường như là điều đáng làm.

Tôi lần đầu làm quen với báo cáo DB khi còn là cố vấn cho chính phủ Ấn Độ. Tôi tìm trong đó các ý tưởng về việc làm sao có thể loại bỏ nạn quan liêu tai tiếng của Ấn Độ. Vì vậy, khi tôi chuyển đến Ngân hàng Thế giới và biết rằng tôi sẽ giám sát nhóm DB, điều này giống như việc một khách quen của một nhà hàng đột nhiên được yêu cầu giám sát nhà bếp. Kết quả là tôi đã biết được tất cả những điều diễn ra ở hậu trường. Và mặc dù có một vài bất đồng về mặt khái niệm, tôi bị ấn tượng bởi sự liêm khiết, nghiêm túc của quá trình xây dựng báo cáo.

Chỉ số DB đo lường sự thuận lợi để bắt đầu kinh doanh, nhận được các giấy phép liên quan, tiếp cận cơ sở hạ tầng thiết yếu, vv… của các quốc gia. Nó gồm mười chỉ số chính, trong đó mỗi chỉ số lại dựa vào nhiều chỉ số phụ, và tất cả được tổng hợp, theo một quy tắc cố định, thành một điểm số cuối cùng xác định vị trí xếp hạng của mỗi quốc gia trên tổng số 190 nền kinh tế. Theo báo cáo năm 2018, New Zealand và Singapore là những nơi tốt nhất và tốt thứ hai để kinh doanh, và Eritrea và Somalia là những nơi tồi tệ nhất, lần lượt xếp hạng 189 và 190 (Việt Nam xếp hạng 68 – NBT).

Mặc dù có các khía cạnh của bảng xếp hạng của DB mà tôi không thích, tôi thấy các cáo buộc về việc gian lận dữ liệu là không đáng tin cậy. Do bản thân đã giám sát phần lớn quá trình liên quan tới một đội ngũ biên soạn dữ liệu kinh tế rất lớn từ khắp nơi trên thế giới, tôi có thể xác nhận cho các lớp kiểm tra và cân bằng được áp dụng cho việc xây dựng báo cáo.

Dù vậy, chắc chắn vẫn có những cách để ảnh hưởng đến bảng xếp hạng mà không cần thay đổi dữ liệu. Với bất kỳ phép tính lớn nào – dù đó là DB hay một nỗ lực để tính GDP – người ta thi thoảng phát hiện ra các sai sót về mặt khái niệm. Ví dụ, khi tôi lần đầu tiếp nhận quá trình này, tôi không đồng tình với giả định khi cho rằng mức thuế cao hơn là tệ hơn cho một nền kinh tế.

Xét cho cùng, logic tương tự cho rằng mức thuế càng thấp thì càng tốt, nghĩa là thuế suất bằng không là tối ưu. Nhưng điều đó rõ ràng là vô lý. Ngay cả khi bỏ qua các khía cạnh đạo đức, một mức thuế quá thấp khiến một quốc gia dễ gặp phải nguy cơ khủng hoảng ngân sách nghiêm trọng, vốn là một cơn ác mộng cho giới kinh doanh. Một vài động thái chỉnh sửa tối thiểu mà không gây rối loạn đã được tiến hành.

Tuy nhiên, thừa nhận những vấn đề như vậy tạo ra một thế lưỡng nan. Thật khó khi thay đổi một tiêu chuẩn đã được dùng để theo dõi các biến đổi theo thời gian; nhưng cũng không đúng khi dựa vào một giả định mà ta biết là sai. Rốt cuộc, chúng ta phải đưa ra một quyết định chủ quan. Về phần mình, tôi đã giảm bớt những định kiến có thể có bằng cách thậm chí không nhìn vào kết quả cuối cùng cho đến khi tôi quyết định xong những thay đổi nào là cần thiết dựa trên suy luận trừu tượng của mình.

Trong bảng xếp  hạng DB năm nay, hai tranh cãi lớn liên quan đến sự đi lên của Ấn Độ và sự đi xuống của Chile. Từ năm 2016 tới 2017, Ấn Độ tăng hạng từ 130 lên 100. Tôi không còn có được thông tin nội bộ về dữ liệu, nhưng tôi có thể thấy hai lý do tại sao điều này có thể xảy ra. Thứ nhất, nếu một quốc gia quyết tâm thăng hạng thì nó có thể làm được điều đó bằng cách tập trung vào mười chỉ số xác định điểm số cuối cùng, mặc dù đây không phải là một chiến lược kinh tế quốc gia mà tôi khuyến nghị.

Thứ hai, bất kỳ thay đổi nào về xếp hạng có thể là do những gì một quốc gia này làm so với các quốc gia khác, hoặc do sự thay đổi về cách đo lường mà DB có thể đã tiến hành trong một năm nhất định – những thay đổi như đã đề cập ở trên. Ví dụ, khi Ấn Độ dịch chuyển từ vị trí 142 năm 2014 lên vị trí 130 năm 2015, nhóm nghiên cứu DB và tôi tính rằng Ấn Độ chỉ tăng 4 hạng dựa vào những thay đổi mà Ấn Độ đã thực hiện, còn phần còn lại là do những thay đổi về mặt phương pháp của DB.

Về việc Chile giảm từ vị trí 48 năm 2015 xuống hạng 57 năm 2016, và hiện đang đứng thứ 55, ta cần biết là có sự cạnh tranh rất sát sao ở phần trên bảng xếp hạng. Những thay đổi nhỏ của các quốc gia sát nhau trong bảng chỉ số có thể dẫn đến việc thay đổi thứ hạng đáng kể.

Nhưng cũng đúng là chính phủ Chile của Tổng thống Michelle Bachelet đã nhấn mạnh các chỉ số xã hội hơn so với các chỉ số kinh tế. Với tôi, đó là một điều đáng khen ngợi chứ không phải đáng chỉ trích. Sau khi làm việc với bà Bachelet liên quan đến Báo cáo Phát triển Thế giới năm 2018 của Ngân hàng Thế giới về giáo dục, tôi biết rằng bà chính là một chính trị gia hiếm hoi thực sự cam kết cải thiện phúc lợi xã hội.

Nhiều quốc gia và các nhà lãnh đạo chính trị đã nhầm khi đánh đồng xếp hạng của DB với phúc lợi chung. Tuy nhiên, DB chỉ đơn thuần đo lường những gì mà nó tuyên bố: đó là sự dễ dàng thuận tiện trong kinh doanh. Điều này chắc chắn là quan trọng đối với một nền kinh tế, nhưng nó không phải là tất cả. Trong thực tế, một trong những bài học đầu tiên về kinh tế học là tất cả những điều tốt đẹp trong cuộc sống đều liên quan đến sự đánh đổi. Sẽ thật đáng tiếc khi thấy nhiều quốc gia chỉ tập trung vào “sự thuận lợi trong kinh doanh” mà bỏ mặc các chỉ số về phúc lợi khác.

Kaushik Basu, cựu chuyên gia kinh tế trưởng tại Ngân hàng Thế giới, là Giáo sư Kinh tế học tại Đại học Cornell và là Nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Brookings.

Copyright: Project Syndicate 2018 – The ABCs of Doing Business