Tác giả: Nguyễn Quang Dy
Nếu “hợp tác Mỹ-Trung” là trụ cột quan hệ quốc tế vào nửa cuối thế kỷ 20, thì “đối đầu Mỹ-Trung” trở thành tâm điểm của bàn cờ chiến lược nước lớn vào nửa đầu thế kỷ 21. Sự thay đổi về bản chất quan hệ Mỹ-Trung “từ bạn thành thù” đã tạo ra một bước ngoặt lớn làm đảo lộn trật tự thế giới. Sự trỗi dậy của Trung Quốc với tham vọng vượt Mỹ đã bị “chủ nghĩa Trump” chặn lại. Nay Mỹ chủ động “vừa đánh vừa đàm” vì chiếm được thế thượng phong, làm Trung Quốc bị động chống đỡ và tìm cách hòa hoãn để tránh hệ quả khó lường trong nước, nếu để cuộc chiến thương mại leo thang mất kiểm soát. Tuy còn quá sớm để nói về kết cục cuộc chiến thương mại, nhưng có thể thấy được “phần nổi của tảng băng chìm”. Để hiểu rõ hơn bản chất và lý do đối đầu Mỹ-Trung, cần đặt nó vào bối cảnh lịch sử. Nếu quá khứ là điểm chuẩn cho hiện tại và tương lai, thì lịch sử có thể lặp lại như một định mệnh.
Đồng thuận Washington 2.0
Cách đây vài năm, nhiều người còn mơ hồ về Trung Quốc trỗi dậy. Theo Lý Quang Diệu, Robert Zoellick (chủ tịch World Bank) “rất thông minh” khi mô tả vai trò của Trung Quốc như “một bên liên quan có trách nhiệm” (responsible stakeholder). Họ cho rằng vấn đề địa chính trị quan trọng nhất trong thế kỷ này là sự trỗi dậy của Trung Quốc, “nhưng đừng đối xử với Trung Quốc như kẻ thù”. Cách tốt nhất để tăng tốc lộ trình và phương hướng thay đổi chính trị của Trung Quốc là gia tăng các mối liên kết thương mại và đầu tư của Trung Quốc với thế giới. Mỹ đã theo đuổi chính sách “can dự mang tính xây dựng” (constructive engagement) với Trung Quốc suốt mấy thập niên (hầu như vô điều kiện). Tuy một cuộc tranh giành thế lực ở Tây Thái Bình Dương giữa Trung Quốc và Mỹ là không thể tránh khỏi, nhưng họ cho rằng điều đó “không nhất thiết phải dẫn đến xung đột” (như thuyết “bẫy Thucydides” của Graham Allison).
Đến bây giờ người ta mới tỉnh ngộ và nhận ra sự “nhầm lẫn thế kỷ” khi Trung Quốc không “trỗi dậy hòa bình” như họ vẫn ảo tưởng, mà trở thành một Frankenstein (như ông Nixon đã thừa nhận). Nay khi ông Trump tìm cách đảo ngược bàn cờ Mỹ-Trung thì được hầu hết mọi người đồng thuận. Chỉ mấy năm trước, những tác giả của thuyết “Trung Quốc trỗi dậy hòa bình” đã có nhận thức rõ ràng và sâu sắc rằng Trung Quốc cần có trách nhiệm và lợi ích trong việc đảm bảo với các nước láng giềng (và cả thế giới) rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc là ôn hòa, không phải là mối đe dọa mà là mối lợi cho thế giới, nên hãy tránh chia rẽ và xung đột.
Hai năm sau, Michael Pillsbury (Hudson Institute) xuất bản cuốn “Cuộc chạy đua một trăm năm” (The Hundred-year Marathon: China’s Secret Strategy to Replace America as the Global Superpower, St.Martin’s Prees, 2015) khẳng định người Mỹ đã ngộ nhận về Trung Quốc, và cho đó là “một thảm họa tình báo lớn nhất của Mỹ”. Pillsbury chỉ là một trong nhiều học giả và quan chức Mỹ cùng thế hệ đã thức tỉnh và thừa nhận sai lầm. Khi Trump lên cầm quyền, ông đã tìm cách đảo ngược bàn cờ Mỹ-Trung. Tuy Trump có thể thiếu nhất quán về nhiều thứ, và người Mỹ có thể bất đồng và chia rẽ về nhiều vấn đề khác, nhưng họ đồng thuận cao và ủng hộ lập trường cứng rắn của Trump để đối phó với Trung Quốc.
Khi Trung Quốc trở thành đối thủ chiến lược số một, lập trường cứng rắn chống Trung Quốc của Trump được nhiều người Mỹ ủng hộ như “Đồng thuận Washington 2.0”. Sự nhất quán về nhận thức chiến lược mới không chỉ giữa hai đảng Cộng Hòa và Dân chủ, mà còn giữa Chính quyền và Quốc hội. Do đó, thỏa thuận “ngừng bắn thương mại” 90 ngày giữa Trump và Tập chỉ là chiến thuật tạm thời. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Vấn đề lớn nhất giữa hai siêu cường không phải là cuộc chiến thương mại (có thể hòa hoãn), mà là tranh chấp chiến lược, trong đó có Biển Đông, và mâu thuẫn cơ bản về mô hình kinh tế và hệ thống chính trị (không thể hóa giải trong 3 hay 6 tháng).
Trong một bài gần đây, Graham Allison phân tích rằng Tập Cận Bình vì muốn hoãn binh (để tránh rủi ro lớn trong nước) nên sẵn sàng chi một nghìn tỷ USD mua hàng Mỹ để chiều Trump, tạo điều kiện để Trump tuyên bố “chiến thắng” (trước 3/1/2019). Lưu Hạc sẽ tới Washington để đàm phán với Robert Lighthizer (30-31/1/2019). Hai bên có thể gia hạn ngừng bắn thêm 6 tháng để đàm phán tiếp về vấn đề cơ cấu (nan giải hơn nhiều).
Điều đó có thể lý giải tại sao ngay trong ngày đầu đàm phán cấp thứ trưởng tại Bắc Kinh (7-9/1/2019), Lưu Hạc (phó thủ tướng) lại bất ngờ tới dự đàm phán. Có lẽ Tập Cận Bình muốn tránh rủi ro bằng mọi giá để đảm bảo đàm phán đúng lộ trình. Nếu chiến tranh thương mại leo thang khiến Mỹ đánh thuế 25% lên tất cả hàng nhập khẩu Trung Quốc thì sẽ dẫn đến những rủi ro khó lường về kinh tế và chính trị. Chắc Tập đã rút kinh nghiệm là Trump không chỉ hù dọa mà làm thật. Vì vậy, vòng đàm phán tiếp theo giữa Lighthizer và Lưu Hạc hứa hẹn nhiều kịch tính, vì chắc chắn Mỹ sẽ tăng cường áp lực.
Gần đây, Mỹ đã tăng cường áp lực trên nhiều mặt, theo đúng binh pháp Trung Hoa (như “cờ vây” và “tam chủng chiến pháp”), để xiết dần vòng vây Trung Quốc. Bên cạnh đánh thuế (chiến tranh thương mại), cấm vận công nghệ cao (trừng phạt kinh tế), tăng cường tuần tra (FONOP) và tập trận cùng đồng minh trên Biển Đông và khu vực Indo-Pacific, Quốc hội Mỹ đã thông qua một loạt dự luật với số phiều đồng thuận rất cao: Đạo luật Chuẩn chi Quốc phòng (NDAA, 10/10/2018), với kinh phí $716 tỷ (cho 2019), so với $640 tỷ (cho 2018); Dự luật BUILD Act (10/2018) với kinh phí $60 tỷ (trong 7 năm) cho quỹ phát triển quốc tế USIDFC; Luật Tây Tạng (14/12/2018) cho phép công dân Mỹ được tự do tới Tây Tạng; Luật Sáng kiến Trấn an châu Á (ARIA, 31/12/2018), với kinh phí $1,5 tỷ viện trợ cho khu vực (2019-2023)…
Ba vòng tròn đồng tâm
Đồng thuận Washington 2.0, dựa trên tầm nhìn chiến lược Indo-Pacific Mở và Tự do (FOIP), gồm ba vòng tròn đồng tâm đang hình thành như một cấu trúc an ninh khu vực mới. Nhưng đồng thuận mới (chống Trung Quốc) không phải do Washington muốn, cũng không phải do các đồng minh/đối tác muốn, mà chính Trung Quốc đã xô đẩy họ xích lại gần nhau.
Vòng tròn đồng tâm thứ nhất là đồng thuận trong nội bộ Mỹ, dựa trên tầm nhìn chiến lược Indo-Pacific, xác định “Trung Quốc là đối thủ số một” (theo NDS). Trump được cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đồng thuận, và được cả chính quyền và quốc hội ủng hộ. Trong Chính quyền Trump, những người thuộc phái diều hâu và bảo thủ mới có lập trường cứng rắn với Trung Quốc (và thân Đài Loan) đang thắng thế. Nay lập trường cứng rắn để đối phó với Trung Quốc đã trở thành một lá bài chính để Trump tranh cử năm 2020.
Vòng tròn đồng tâm thứ hai là đồng thuận giữa Mỹ và đồng minh, lấy “bộ tứ” (Quad) gồm Mỹ, Nhật, Ấn, Úc, làm nòng cốt cho tầm nhìn chiến lược FOIP, và cấu trúc an ninh khu vực. Ngoài “bộ tứ”, các nước đồng minh khác (như Anh, Pháp, Canada, New Zealand, Nam Hàn) đã điều tàu chiến đến Biển Đông tuần tra FONOP và tập trận chung với Mỹ. Hiện nay, xu hướng can dự vào Biển Đông đang tăng lên, bất chấp phản ứng của Trung Quốc. Các nước đồng minh của Mỹ tự tin hơn, không sợ Trung Quốc như trước. Trong khi Anh đang tìm kiếm nơi đặt căn cứ quân sự mới tại Biển Đông để năng cao vị thế chiến lược (và bán vũ khí), Pháp đang đẩy mạnh hợp tác với Nhật để tăng cường an ninh tại Nam Thái Bình Dương.
Vòng tròn đồng tâm thứ ba là đồng thuận giữa Mỹ và Đồng minh với các đối tác khu vực (như ASEAN), đang bị Trung Quốc phân hóa và thao túng. Trong khi một số nước ASEAN xoay trục, xích lại gần Trung Quốc (như Philippines, Thailand, Campuchia) thì một số nước khu vực khác xoay trục để “thoát Trung” (như Malaysia, Myanmar, Đài Loan, Triều Tiên). Đó là quá trình phản tỉnh đối với “bẫy nợ” của Trung Quốc vì ý thức dân tộc. Các nước nòng cốt trong ASEAN (như Việt Nam, Indonesia, Singapore) ngày càng tỏ ra cứng rắn hơn về Biển Đông (và đàm phán về COC). Theo Reuters (31/12/2018), Việt Nam đã đề nghị một số điều khoản trong văn bản đàm phán COC, trong đó đáng chú ý nhất là yêu cầu cấm thiết lập bất cứ khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) mới nào tại Biển Đông.
Trong một buổi họp báo tại Hà Nội (16/1/2017), Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh đã thẳng thắn nhận xét rằng quá trình soạn thảo “bộ qui tắc ứng xử tại Biển Đông” (COC) là chậm trễ, và nhiều điểm trong “tuyên bố về qui tắc ứng xử” (DOC) không được các bên tham gia nghiêm túc coi trọng. Theo quan điểm của Việt Nam (cũng như của ASEAN), COC phải là một văn bản có ràng buộc pháp lý tuy Trung Quốc có thể không muốn điều đó.
Liên quan đến sự có mặt tại Biển Đông của các cường quốc (như Mỹ, Nhật, Anh, Pháp, Úc, Ấn), ông Phạm Bình Minh nói rằng các cường quốc tìm kiếm đồng minh là một lẽ tự nhiên, và Việt Nam cũng như các quốc gia nhỏ khác cũng phải tìm cách sống còn trong sự cạnh tranh đó. Nhưng ông nhấn mạnh Việt Nam luôn duy trì một đường lối đối ngoại độc lập. Dư luận lưu ý cuộc họp báo với nội dung cứng rắn của ông Minh diễn ra sau khi chiến hạm USS McCampell của Mỹ vừa tuần tra FONOP tại khu vực các đảo Hoàng Sa (9/1/2019).
Về những bất đồng giữa ASEAN và Trung Quốc, ông Phạm Bình Minh giải thích việc thương lượng giữa hai bên diễn ra trong những cuộc họp kín, nên nội dung bên ngoài chỉ là những lời đồn đoán. Gần đây, đàm phán COC dường như được thúc đẩy nhanh hơn và Trung Quốc có vẻ tích cực hơn trong việc đàm phán với các đối tác ASEAN. Nhưng theo các chuyên gia Biển Đông, kết cục đàm phán để đi đến ký kết COC còn lâu, vì khác biệt giữa hai bên còn nhiều, nhưng hy vọng Trung Quốc sẽ bị sức ép của cộng đồng quốc tế và cuộc chiến thương mại nên sang năm 2019 họ có thể phải nhượng bộ nhiều hơn trong năm 2018.
Theo ông Phạm Bình Minh, trong năm 2018 có lúc tình hình thế giới đã diễn biến bất ngờ, ngoài chiều hướng đã dự đoán. Trong đó, một số nước đã quay lại với chủ nghĩa bảo hộ và dân túy, khiến nhiều nước khác bất ổn, nếu không điều chỉnh kịp thời sẽ ảnh hưởng đến quan hệ quốc tế. Trên thực tế, quan hệ quốc tế của một số nước trên thế giới đã diễn biến bất thường, mặc dù họ là đồng minh. Năm 2018, tình hình Biển Đông vẫn diễn biến rất phức tạp, do thay đổi nguyên trạng khi Trung Quốc mở rộng và quân sự hóa một số đảo/đá, làm cho các nước khu vực hết sức lo ngại vì Biển Đông trở thành một khu vực dễ xảy ra xung đột.
Trong cuộc hội thảo của CSIS tại Washington với chủ đề “Dự báo Châu Á 2019” (23/1/2019), các học giả hàng đầu cũng cho rằng Biển Đông tiếp tục là một điểm nóng (cùng với Đài Loan, Triều Tiên, và chiến tranh thương mại Mỹ-Trung). Theo Gregory Poling (giám đốc AMTI/CSIS), các cuộc tuần tra FONOP của Mỹ và các nước đồng minh tiếp tục gia tăng tại Biển Đông và eo biển Đài Loan là một yếu tố tiềm tàng gây khủng hoảng quan hệ Mỹ-Trung. Trong lịch sử, khu vực Châu Á-Thái Bình Dương là tâm điểm của những cuộc chiến tranh lớn.
Hội chứng Trân Châu Cảng
Trong bộ phim lịch sử về trận Trân Châu Cảng Tora, Tora, Tora!, đạo diễn đã dựng lại cảnh các đô đốc Nhật đang phấn khích chúc mừng trận đại thắng Trân Châu Cảng (7/12/1941) nhưng đô đốc Yamamoto lại nghĩ tới tương lai nước Nhật một cách đầy lo âu. Ông đã từng sống tại Washington nên hiểu người Mỹ sẽ không bỏ qua vết nhục này: “tôi sợ rằng điều mà tất cả chúng ta đã làm là đánh thức gã khổng lồ đang ngủ và làm trỗi dậy một quyết tâm khủng khiếp”. Kết cục của chiến tranh Thái Bình Dương đã chứng minh dự cảm cá nhân và tầm nhìn chiến lược của Yamamoto. Đó là “hội chứng Trân Châu Cảng”.
Ngay sau trận Trân Châu Cảng, Tổng thống Mỹ Franklin Rousevelt đã tuyên chiến với Nhật và nhấn mạnh “7/12/1941 là ngày chúng ta sống trong sự ô nhục” (A date which we will live in infamy). Sau này, đô đốc Hara Tadaichi cũng kết luận: “Chúng ta đã thắng một trận lớn về chiến thuật tại Trân Châu Cảng, nhưng vì vậy đã thua cả cuộc chiến”. Trận Trân Châu Cảng đã làm cho người Mỹ bừng tỉnh, ủng hộ tổng thống Rousevelt chống Nhật với sự đồng thuận gần như tuyệt đối. Đó là “hội chứng Trân Châu Cảng”. Không chỉ nước Nhật quân phiệt (tại phương Đông) mà cả nước Đức phát xít (tại phương Tây) cuối cùng đã đại bại, phải đầu hàng Mỹ và đồng minh, và trả giá rất đắt cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan của họ.
Tại Trung Quốc, lịch sử dường như đang lặp lại với “hội chứng Trân Châu Cảng” khi Tập Cận Bình trở thành “hoàng đế Trung Hoa” tại đại hội 19 (10/2017) và khi quốc hội sửa đổi hiến pháp để bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước (3/2018). Với đỉnh cao quyền lực, Tập đã tự tin triển khai kế hoạch “Made in China 2025” để thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa” trong “kỷ nguyên mới”, mà quên mất bài học về “giới hạn quyền lực”. Như một định mệnh, Mỹ và Trung Quốc đang hướng đến “bẫy Thucydides”.
Sau khi Washington điều tàu sân bay USS Carl Vinson đến thăm Đà Nẵng (5/3/2018) như một biểu tượng “ngoại giao pháo hạm” (gunboat diplomacy) của Mỹ, Bắc Kinh đã tổ chức diễn tập lớn nhất tại Biển Đông (13/4/2018) với 48 tàu chiến/tàu ngầm, 76 máy bay, và 10.000 quân. Hình ảnh Tập Cận Bình mặc quân phục dã chiến trực tiếp chỉ huy diễn tập (trên tàu sân bay Liêu Ninh) cũng là một biểu tượng “ngoại giao pháo hạm” của Trung Quốc. Bắc Kinh đã cho tàu khu trục Lan Châu chặn đầu tàu khu trục USS Decatur của Mỹ khi đang tuần tra FONOP tại khu vực Trường Sa (30/9/2018) như một biểu tượng đối đầu Mỹ-Trung.
Theo Fox News (20/12/2018), tướng hải quân Trung Quốc La Viện (Lou Yuan) đã hung hăng tuyên bố rằng cách dễ nhất để đánh bại Mỹ là đánh chìm 2 tàu sân bay, khiến hơn 10.000 thủy thủ thiệt mạng, “để thấy người Mỹ sợ hãi như thế nào”. Trước đó, La Viện từng kêu gọi nếu hạm đội Mỹ đóng quân tại Đài Loan, Trung Quốc cần triển khai lực lượng để thống nhất hòn đảo này. Dù La Viện phát biểu hung hăng chỉ là “võ mồm” để phô trương thanh thế, nhưng nó phản ánh tâm thức “dân tộc cực đoan” của phái diều hâu Trung Quốc, làm người ta nhớ tới “hội chứng Trân Châu Cảng” và chính sách “Đại Đông Á” của Nhật thời trước, nay đang trỗi dậy như sáng kiến “Vành đai Con đường” đầy tham vọng của Trung Quốc.
Hải quân Trung Quốc (PLAN) không chỉ “võ mồm”, mà họ lấy biên đội tàu sân bay Mỹ làm đối tượng tác chiến (trong diễn tập). Họ đã phát triển những loại vũ khí dành riêng cho mục tiêu tàu sân bay như tên lửa đạn đạo DF-21D. Nếu biên đội tàu sân bay Mỹ đi vào Biển Đông hay biển Hoa Đông, nằm trong tầm bắn của các loại vũ khí mới của Trung Quốc thì chúng có thể bị tiêu diệt một cách nhanh chóng, khi đối diện với hàng trăm (thậm chí hàng ngàn) tên lửa chống hạm các loại của Trung Quốc được bắn cấp tập, làm các tàu khu trục và tàu tuần dương Aegis bị vô hiệu hóa, không thể bảo vệ nổi các tàu sân bay của Mỹ. Tuy trận Trân Châu Cảng đã đi vào lịch sử, nhưng bóng ma của nó vẫn còn sống, và lịch sử vẫn có thể lặp lại.
Tuy nhiên, phái diều hâu tại Bắc Kinh chưa tính đến phản ứng của Mỹ, nhất là phái diều hâu của Mỹ đang thắng thế tại Washington. Nếu Trung Quốc dám tấn công và phá hủy tàu sân bay Mỹ thì đó là động thái tuyên chiến rõ ràng nhất và chắc Mỹ không ngần ngại dùng vũ khí hạt nhân để đáp trả. Với tiềm lực quân sự vượt trội, nhất là khi đã hoàn thiện hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo, Mỹ đủ sức hủy diệt Trung Quốc trong thời gian rất ngắn, thậm chí chưa cần trả đũa bằng vũ khí hạt nhân. Nếu Trung Quốc dám tấn công tàu sân bay Mỹ bằng máy bay hay tên lửa thì Mỹ cũng đủ sức san phẳng tất cả những nơi xuất phát các vũ khí đó. Trung Quốc còn đối mặt với nguy cơ bị cắt đứt nguồn cung cấp năng lượng từ bên ngoài khi bị phong tỏa đường biển, và đóng băng các giao dịch thương mại để có tiền nuôi bộ máy chiến tranh.
Lời cuối
Theo Bloomberg, Trung Quốc đã lâm vào khủng hoảng, nhưng đây là cuộc khủng hoảng về tương lai kinh tế Trung Quốc. Nó không chỉ về tốc độ tăng trưởng hiện đang chậm lại (con số chính thức là 6,6%, nhưng con số không chính thức là 1,67%), mà kéo dài chưa biết tới đâu. Nó không phải kiểu sụp đổ về kinh tế như Mỹ đã từng chứng kiến (2008), hay kiểu khủng hoảng tài chính bùng phát mà các con hổ kinh tế châu Á đã trải qua (1997). Đây là một cuộc khủng hoảng trầm lặng với núi nợ công và nợ xấu khổng lồ, và hàng loạt công ty phá sản. Chính phủ Trung Quốc đang phải đối phó với một đặc điểm khác của khủng hoảng tài chính là dòng vốn chảy ra nước ngoài, khiến cho “cuộc khủng hoảng tài chính mang đậm màu sắc Trung Quốc” trở nên tồi tệ hơn so với “cuộc khủng hoảng tài chính thông thường”. Tất cả đang dẫn đến một vòng xoáy đi xuống. Tuy thuế quan là một mối lo lớn, nhưng vấn đề cốt lõi đã ăn sâu vào thể chế và tồn tại trong cấu trúc tài chính của Trung Quốc.
Tuy Mỹ và Trung Quốc phải chạy đua vũ trang và thích đe dọa chiến tranh, nhưng Mỹ không dại gì đánh làm Trung Quốc sụp đổ, và Trung Quốc cũng chẳng dại gì gây chiến với Mỹ để mang vạ vào thân. Chiến tranh chỉ là giả định và “bẫy Thucydides” chỉ để răn đe. Trung Quốc muốn thắng Mỹ mà không phải đánh (như binh pháp Tôn Tử), nên chỉ cần “xâm lược lặng lẽ”. Trung Quốc đã từng bước kiểm soát Biển Đông bằng cưỡng chiếm và quân sự hóa, quyết đuổi kịp Mỹ về công nghệ bằng kế hoạch “Made in China 2025”. Lẽ ra Bắc Kinh có thể thực hiện được điều đó, nếu họ không mắc sai lầm quá ngạo mạn như “Hội chứng Trân Châu Cảng” làm người Mỹ giật mình bừng tỉnh, tập hợp thành “Đồng thuận Washington”. Nay Bắc Kinh nhận ra sai lầm thì đã hơi muộn, nhưng có lẽ “muộn còn hơn không”.