28/01/1986: Thảm họa tàu con thoi Challenger

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Challenger disaster, History.com

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Vào ngày này năm 1986, lúc 11:38 sáng giờ miền đông, tàu con thoi Challenger rời khỏi Mũi Canaveral, Florida và Christa McAuliffe đang trên đường trở thành thường dân Mỹ đầu tiên du hành vào vũ trụ. McAuliffe, một giáo viên 37 tuổi chuyên ngành nghiên cứu xã hội ở một trường trung học New Hampshire, đã giành chiến thắng trong một cuộc thi giúp cô có được một vị trí trong số bảy thành viên của Challenger. Cô đã trải qua nhiều tháng huấn luyện với tàu con thoi nhưng sau đó, bắt đầu từ ngày 23 tháng 01, buộc phải chờ sáu ngày vì thời điểm phóng tàu Challenger liên tục bị đẩy lùi vì vấn đề thời tiết và kỹ thuật. Cuối cùng, vào ngày 28 tháng 01, tàu con thoi này đã rời khỏi bệ phóng.

Bảy mươi ba giây sau, hàng trăm người trên mặt đất, bao gồm cả gia đình Christa, bàng hoàng khi thấy chiếc tàu con thoi vỡ tan trong khói lửa. Hàng triệu người đã chứng kiến ​​thảm kịch đau đớn này diễn ra trên truyền hình trực tiếp. Không ai trong số bảy phi hành gia sống sót.

Năm 1976, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia (NASA) đã cho ra mắt tàu vũ trụ có người lái được tái sử dụng đầu tiên trên thế giới, tàu Enterprise. Năm năm sau, các chuyến bay vũ trụ của tàu con thoi bắt đầu khi tàu Columbia du hành vào vũ trụ trong một nhiệm vụ kéo dài 54 giờ. Được phóng lên bởi bộ đôi tên lửa đẩy nhiên liệu rắn và một bình chứa nhiên liệu bên ngoài, chỉ có phần tàu con thoi giống như máy bay là sẽ đi vào quỹ đạo quanh Trái đất. Khi nhiệm vụ hoàn thành, tàu con thoi khởi động các động cơ để giảm tốc độ và sau khi đi vào bầu khí quyển, hạ cánh như tàu lượn. Những tàu con thoi đầu tiên mang các thiết bị vệ tinh vào không gian và thực hiện các thí nghiệm khoa học khác nhau. Thảm họa Challenger là tai nạn tàu con thoi lớn đầu tiên.

Sau thảm họa, Tổng thống Ronald Reagan đã chỉ định một ủy ban đặc biệt để xác định nguyên nhân tai nạn và xây dựng các biện pháp khắc phục trong tương lai. Ủy ban tổng thống do cựu ngoại trưởng William Rogers đứng đầu, bao gồm cựu phi hành gia Neil Armstrong và cựu phi công lái máy bay thử Chuck Yeager. Cuộc điều tra xác định rằng thảm họa xảy ra do lỗi ở một “vòng chữ O” dùng để bịt một trong hai tên lửa đẩy nhiên liệu rắn. Vòng chữ O đàn hồi không phản ứng như mong đợi vì thời tiết lạnh giá vào thời điểm phóng, điều đã bắt đầu một chuỗi các sự kiện dẫn đến tổn thất nặng nề. Sau đó, NASA đã không đưa các phi hành gia lên vũ trụ trong hơn hai năm trong khi họ thiết kế lại một số tính năng của tàu con thoi.

Vào tháng 09 năm 1988, các chuyến bay tàu con thoi vũ trụ đã được tiếp tục lại với việc phóng thành công tàu Discovery. Kể từ đó, tàu con thoi này đã thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng, chẳng hạn như sửa chữa và bảo trì Kính viễn vọng Không gian Hubble và xây dựng Trạm Vũ trụ Quốc tế.

Vào ngày 01 tháng 02 năm 2003, một thảm họa tàu con thoi thứ hai đã làm rung chuyển nước Mỹ khi tàu Columbia bị vỡ khi quay lại bầu khí quyển Trái đất. Toàn bộ phi hành đoàn đã tử vong. Mặc dù lo ngại rằng các vấn đề gây ra tai nạn cho tàu Columbia chưa được giải quyết thỏa đáng, các chuyến bay tàu con thoi lại được tiếp tục vào ngày 26 tháng 07 năm 2005, khi tàu Discovery một lần nữa được đưa vào quỹ đạo.