GS Vũ Văn Mẫu trong thời kỳ biến động Phật giáo 1963

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Nguyễn Đăng Hòa

Vũ Văn Mẫu sinh năm 1914, mất ngày 20/08/1998 tại Paris, thọ 84 tuổi, ông là một học giả lớn về luật của Việt Nam, một chính trị gia nổi tiếng trước năm 1975 ở Sài Gòn. Ông từng là Thượng Nghị sĩ trong Liên danh Hoa Sen, Khối Dân tộc, từng giữ chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao rồi Thủ tướng của Việt Nam Cộng hòa. Ngoài ra ông còn là Thẩm phán Tòa Thượng thẩm Sài Gòn, giáo sư thực thụ Đại học Luật khoa Sài Gòn.

Gia đình ông ở làng Quất Động, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay là xã Quất Động, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội).

Từ năm 1934 (20 tuổi) đến năm 1937, ông theo học Luật ở trường Luật Hà Nội. Đỗ Cử nhân Luật rồi ông thi tri huyện, được bổ làm tri huyện huyện Gia Khánh (Ninh Bình), ông được gia đình đưa sang học ở Pháp và tốt nghiệp Đại học Luật khoa Paris, Pháp. Ông tiếp tục theo học tại đây cho đến khi lấy được bằng Thạc sĩ và trở về hành nghề luật tại Hà Nội. Ông nuôi chí tiếp tục học, đăng ký học Cao học ở trường Đại học Luật, thi đỗ luôn hai bằng Cao học, trong đó có bằng Cao học Kinh tế. Thống sứ Bắc Kỳ thông cảm với ông tri huyện trẻ ham học, chuyển ông về làm tri huyện Đông Anh, gần Hà Nội hơn.

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, ông ở nhà, âm thầm chuẩn bị luận án tiến sĩ dưới sự hướng dẫn của giáo sư Camerlynck, năm 1948 sang Paris bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Luật; trở về nước, ông được mời làm giảng sư Luật ở trường Đại học Luật Hà Nội.

Năm 1954, ông di tản vào Sài Gòn, được bổ làm Chánh Nhất Tòa Phá Án, đồng thời tham gia giảng dạy ở khoa Luật trường Đại học Sài Gòn, làm Trưởng khoa Luật, là trưởng khoa đầu tiên người Việt Nam. Ông nổi tiếng là một học giả lớn về Luật, là chuyên gia về Dân Luật và Cổ Luật, thành thạo nhiều ngoại ngữ Pháp, Anh, La Tinh, Hán, uyên thâm cả về cựu học lẫn tân học, được đồng nghiệp kính trọng, sinh viên tín nhiệm, quý mến.

Tân thổng thống Ngô Đình Diệm thành lập chính phủ và mời ông giữ chức  Bộ trưởng Ngoại giao của Việt Nam Cộng hòa. Ông giữ chức vụ này trong 8 năm, từ 1955 đến 1963. Trong cuộc khủng hoảng Phật giáo năm 1963, ông đã từ chức, cạo đầu giống như một nhà sư để phản đối. Theo một số nguồn tin, khi ông cố gắng rời Việt Nam Cộng hòa để tham gia một cuộc hành hương đến đất phật Ấn Độ, thì bị bắt và bị quản thúc.

Suốt thời gian biến động miền Nam 1964-1967, ông hoàn toàn không tham gia vì công tác ở nước ngoài.[1]

Như thế, theo trên thì ông Mẫu bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt và quản thúc tại Việt Nam. Nhưng theo tài liệu chúng tôi có được do Ngài Thích Thiện Châu thuật lại (trên Liên Hoa, số tháng 11-1963) thì sự việc như sau. Nay xin thuật lại để quí độc giả tường minh hoặc có lời chỉ giáo.

-Trước ngày 07/09/1963, Đại đức Minh Châu, Thích Thiện Châu, Ngài Huyền Vi nhận được điện tín và vội rời Nalanda đến Gada để gặp Giáo sư Vũ Văn Mẫu, khi ấy đang hành hương ở Ấn Độ. Đúng 9 giờ sáng ngày 07/09/1963 Giáo sư từ trong xe lửa đặc biệt bước ra cùng với 3 em là Việt Hương, Đạt và Châu (Giáo sư phu nhân và em Dũng vì yếu nên phải ở lại Lộc Uyển). Sau đó đoàn cùng đến đảnh lễ tôn tượng của Đức Bổn sư trong Đại tháp Bồ đề. Hôm đó có một buổi tụng niệm Việt Nam tổ chức tại gốc Bồ đề, bên tòa Kim Cang. Giáo sư có lời cầu nguyện cho Phật giáo Việt Nam chóng thoát khỏi cơn nguy khốn và dân tộc mau được đoàn kết và an lạc. Lễ xong Giáo sư được hướng dẫn đi xem: Lan can bao bọc Đại tháp, trụ đá A-dục, các tháp của các vị A-la-hán, hồ Mucilinda, nơi rắn thần quấn quanh mình Phật để bảo vệ Ngài trong lúc mưa bão.

Khỏi nơi này, Giáo sư được hướng dẫn đến chùa Tây Tạng; Quý vị Lạt –ma ở đây đón tiếp Giáo sư rất nồng hậu, sau đó Đại đức Minh Châu đưa Giáo sư đi xem và giải thích những bức tranh huyền bí nhưng nhiều ý nghĩa. Giáo sư rời chùa Thái Lan đến thăm Tàng Cổ viện. Khi trả lời Quý Đại đức Thái Lan về tình hình trong nước, Ông nói: “Chính vì thế mà tôi mới từ chức và sang đây chiêm bái”. Được biết xung quanh đây có rất nhiều chùa của Thái Lan, Miến Điện, Tây Tạng, Trung Hoa, Tích Lan. Trước việc này, ông nói: “Kính Thầy sớm muộn gì chúng ta cũng có vì hầu hết dân ta là Phật tử kia mà”.

Buổi chiều 2 giờ 30, Giáo sư cùng đoàn họp mặt tại một phòng của khách xá. Một vài nội dung được ghi nhận lại như sau:

1. Nguyên nhân gần nhất của phong trào đấu tranh cho tín ngưỡng của chúng ta là việc cắm treo cờ Phật giáo Quốc tế vào ngày Lễ Phật Đản. Người ta cứ tưởng rằng ông Nhu, ông Diệm ra lệnh ấy. Nhưng sự thực là Ngô Đình Thục, Ông thấy cờ Phật giáo – do các khuôn vùng La vang treo vào ngày Lễ Phật giáo Thống nhất, 08/04 cũ – nhiều hơn cờ ăn lễ của ông. Ông tức giận, bèn gởi tiếp 2 thư vào cho ông Nhu, ông Diệm xúi giục hạ cờ Phật giáo. Vì thế, dầu ông Cẩn sợ có chuyện to xẩy ra xin hoãn lịnh nhưng không được.

2. Sau vụ tự thiêu của cố Hòa thượng Quảng Đức, ông Nhu ông Diệm khăng khăng xem đó là án mạng và cố tình làm ngơ. Cho đến 3 giờ chiều, Giáo sư ( ông Mẫu) gọi điện thoại nói với ông Nguyễn Đình Thuần thưa lại với ông Diệm về sự xúc động của nhân dân; sau đó ông Thuần và Giáo sư Mẫu mới tâu với ông Diệm. Ông Diệm đọc lời hiệu triệu để trấn an nhân tâm chứ thật tình không muốn giải quyết vấn đề. Ông Nhu còn hỏi ông Mẫu về luật để bắt tội các vị Thượng tọa liên quan vụ tự thiêu, ông Mẫu nói: “Từ xưa tới nay, không có nước nào bắt tội người chết bằng cách “tự tử”, vì chết là hết”; nhưng ông Nhu không nghe và khăng khăng bảo “Không có luật ấy thì mình làm ra luật”. Ông Nhu nằn nì ông Mẫu làm ra luật ấy và thông qua Quốc hội, nhưng ông Mẫu lờ đi.

3. Vì lo chuyện lớn xảy ra nên ông Nhu, ông Diệm phải trao quyền cho Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ điều đình với Ủy Ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo (Chủ tịch Thích Tâm Châu), vai trò của ông Thơ cũng rất thụ động. Cuối cùng, một Thông cáo chung được ký kết. Tình tiết về bản Thông cáo – chắc cũng ít người biết – là Trần Lệ Xuân đã ghi vào đầu trang câu: “Những điều được ghi trong trong Thông cáo chung này thì đã được tôi chấp nhận nguyên tắc ngay từ đầu”. Nó có nghĩa là những chi tiết của Thông cáo không được chấp nhận mà bản Thông cáo chỉ được chấp nhận trên nguyên tắc thôi. Sau đó, ông Nhu ra lệnh quân đội đàn áp thẳng tay (Tình tiết về câu viết của Trần Lệ Xuân, nói trên được một thân tín của ông Mẫu tiết lộ cho ông biết).

4. Người tham gia biểu tình xung quanh chùa Xá Lợi, có nhiều người là thương binh, nhưng có phải thật là thương binh không! Họ chỉ giả vờ mù, què – vì khi người cầm đầu hô “Giải tán” thì họ nhanh chân chạy đi rồi. Ngoài ra, còn những tên cao bồi cạo đầu, mặc áo cà –sa vào ăn uống bậy bạ ở các quán ăn, cởi xe gắn máy tạt vào đàn bà, con gái. Làm chia rẽ nội bộ Phật giáo, đánh lạc hướng dư luận quốc nội, cũng như quốc tế về phong trào đấu tranh của Phật tử. Ông Nhu còn bỏ ra 3 triệu để tổ chức Cổ Sơn môn, lùng bắt tăng, ni và vơ vét đồ đạc trong chùa.

5. Các phật tử ở Huế, mặc dù bị ông Khương (chưa rõ là ai) mua chuộc vẫn ủng hộ phong trào và giúp đỡ sinh viên đấu tranh; ở Sài-gòn nhiều anh em sinh viên, trí thức cũng “cạo đầu” như ông Mẫu và tuyên bố ý chí tranh đấu cho tự do tín ngưỡng.

Sau đó, ông Mẫu còn gặp Tổng thống Ấn Độ, Thủ tướng Nehru, Bộ trưởng Ngoại giao, bà Menon.

Khi Tổng Thống Radhakrishnan hỏi: “Chính phủ Việt Nam bảo các sư Việt Nam là Cộng sản và làm chính trị phải không?”

Giáo sư Mẫu đáp: “Tôi chỉ là một phật tử tại gia mà tôi còn muốn rút lui khỏi chính trường huống gì các nhà sư là người xuất gia tu hành?”

Sau cùng, Giáo sư Mẫu trao cho Đại đức Minh Châu một bản danh sách gồm các Đảng phái trong Quốc hội Ấn Độ ủng hộ tín ngưỡng của Phật tử Việt Nam. Ông hứa sẽ tận lực trình bày sự thật của phong trào đấu tranh của Phật giáo Việt Nam và âm mưu đàn áp của Chính phủ Diệm cho chính khách nước ngoài được biết.[2]

Như vậy, vào thời điểm xảy ra Biến cố Phật giáo, ông Vũ Văn Mẫu không tham gia trực tiếp vào các sự kiện liên quan. Đến tháng 9/1963 ông vẫn đang ở Ấn Độ và gặp đoàn của các Đại đức Minh Châu, Thích Thiện Châu và Huyền Vi tại đây, trong thời gian ông đi chiêm bái Phật quốc. Ngoài việc chiêm bái ông có làm thêm, nhận thêm nhiệm vụ vận động cho Phật giáo không? Bài viết cho ta rõ phần nào. Chi tiết, nội dung của đoạn trích thứ hai  nếu đúng, sẽ cho ta biết thêm về sự việc và vai trò của Nguyễn Đình Thục và Trần Lệ Xuân trong vụ biến động tai ương này.

———————–

[1] Các thông tin trên là từ Wikipedia, ngày 27/08/2018.

[2] Trích từ “Chúng tôi gặp Giáo sư Vũ văn Mẫu tại Ấn Độ” của Thích Thiện Châu-Liên Hoa, tháng 11-1963.