Thái độ của Tổng hội Phật giáo Việt Nam sau biến cố tháng 11/1963

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Nguyễn Đăng Hòa

Để thuận lợi cho một số bạn đọc chưa có dịp tiếp cận được các sự kiện lịch sử- chính trị tại Nam Việt Nam trong năm 1963, chúng tôi xin điểm qua về lực lượng lãnh đạo quân sự- chính trị tại Miền Nam lúc bấy giờ là Hội đồng Quân nhân Cách mạng, cũng như về các vị trong Ủy Ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo.

Hội đồng Quân nhân Cách mạng là nhóm tướng lĩnh Quân đội Việt Nam Cộng hòa thực hiện cuộc đảo chính lật đổ nền Đệ Nhất Cộng hòa của Tổng thống Ngô Đình Diệm và nắm thực quyền lãnh đạo về chính trị và quân sự suốt thời gian từ 01/11/1963 đến 26/10/1964, đứng đầu là Tướng Dương Văn Minh. Ngày 04/11/1963, Hội đồng công bố danh sách Ban chấp hành gồm:

1-Trung tướng Dương Văn Minh: Chủ tịch Hội đồng

2-Trung tướng Trần Văn Đôn: Đệ Nhất phó chủ tịch

3-Trung tướng Tôn Thất Đính: Đệ Nhị phó chủ tịch

4-Trung tướng Trần Văn Minh: Ủy viên Kinh tế

5-Trung tướng Phạm Xuân Chiểu: Ủy viên An ninh

6-Trung tướng Trần Thiện Khiêm: Ủy viên Quân vụ

7-Thiếu tướng Đỗ Mậu: Ủy viên Chính trị

8-Trung tướng Lê Văn Kim: Ủy viên Ngoại giao kiêm Tổng thư ký

9-Trung tướng Mai Hữu Xuân: Ủy viên

10-Trung tướng Lê Văn Nghiêm: Ủy viên

11-Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiệu: Ủy viên

12-Thiếu tướng Nguyễn Hữu Có: Ủy viên.

-Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo: Ngày 25/05/1963, thiền sư Thích Tịnh Khiết, khi đó là Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam, triệu tập một cuộc gặp mặt giữa các tập đoàn thuộc Tổng Hội Phật giáo Việt Nam và đại diện các tổ chức và môn phái Phật giáo khác để thảo luận về kế hoạch tranh đấu. Một Ủy Ban Liên phái Bảo vệ Phật Giáo được thành lập để chỉ đạo cuộc vận động Phật giáo đồ do thiền sư Tâm Châu đứng đầu làm chủ tịch dưới quyền lãnh đạo tối cao của đại lão thiền sư Tịnh Khiết. Ủy Ban đã công bố một bản Tuyên Ngôn có chữ ký của các thiền sư Thiện Hoa, trị sự trưởng Giáo hội Tăng Già Nam Việt, cùng với:

– Thiền sư Bửu Chơn, tăng thống Giáo hội Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam,

– Thiền sư Lâm Em, tăng thống Giáo hội Theravada,

– Thiền sư Tâm Châu, phó hội chủ Tổng Hội Phật giáo Việt Nam,

– Cư sĩ Nguyễn Văn Hiếu, hội trưởng hội Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam,

– Cư sĩ Vũ Bảo Vinh, hội trưởng Hội Việt Nam Phật giáo (Bắc Việt, tại miền Nam),

– Cư sĩ Sơn Thái Nguyên, đại diện phật tử Theraveda (người Việt gốc Miên)

– Cư sĩ Mai Thọ Truyền, hội trưởng hội Phật học Nam Việt.

Tuyên ngôn “Ủng hộ toàn diện năm nguyện vọng tối thiểu và thiêng liêng nhất của Phật giáo Việt Nam” đã ghi trong bản Tuyên ngôn ngày 10/05/1963 và “Thệ nguyện đoàn kết đến cùng trong cuộc tranh thủ bất bạo động và hợp pháp để thực hiện những nguyện vọng ấy”.

Năm nguyện vọng trên bao gồm:

1-Không triệt hạ cờ Phật giáo quốc tế;

2-Lập một qui chế đặc biệt cho các tôn giáo (ngoài đạo Dụ số 10);

3-Không khủng bố Phật giáo đồ;

4-Không trở ngại sự tự do truyền bá của Phật giáo (trong đó có vấn đề các ngôi chùa làng);

5-Truy tố thủ phạm tàn sát Phật giáo đồ tại Đài Phát thanh Huế trong ngày 8-5-1963.

Sau chính biến ngày 01/11/1963, chế độ Ngô Đình Diệm kết thúc, tình hình tại Huế và miền Nam nói chung trở lại yên tĩnh, Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết – Hội chủ Tổng Hội Phật giáo Việt Nam – đã ra một bản Huấn từ đọc tại Chùa Từ Đàm ngày 24/11/1963 nhân dịp Phật tử đón Ngài trở về Huế sau thời gian tranh đấu cho Phật giáo. Trong đó Ngài kêu gọi: “….Trải qua 6 tháng, kể từ ngày Phật đản rằm tháng tư (08/03/1963) năm nay, toàn thể Tăng –Ni và tín đồ Phật giáo trên đất nước Việt Nam này đã gặp phải bao nhiêu cảnh đàn áp, khủng bố, bắt bớ, giam cầm; ngày nay ôn lại tấm thảm kịch ấy ai mà không đau lòng rơi lụy! Tôi vì nguyện vọng thiết tha của Phật giáo đồ, vì bảo vệ Phật pháp, nên đã khởi xướng lên phong trào tranh đấu cho Phật giáo, cho tự do tín ngưỡng, và cho nền đạo lý cổ truyền của dân tộc….”.

Với tôn chỉ hận thù không bao giờ ngăn được hận thù, hận thù chỉ ngăn được bởi tình thương, Ngài kêu gọi: “Ngày nay nguyện vọng chân chính của Phật giáo đồ đã thành  đạt, tôi mong rằng các giới Phật tử hãy trở về với nhiệm vụ của mình là chuyên tâm tu học, hoằng dương chánh pháp để cùng toàn dân xây đắp một khối đại đoàn kết, kiến tạo một xã hội thiện mỹ, hầu mong hòa bình thịnh vượng, chóng trở về với quốc gia và thế giới” .

Riêng đối với nhà nước, Ngài chủ trương thực hiện chung sống nhân ái. Ngài nói: “Tôi xin gởi đến Hội đồng tướng lĩnh, quân nhân các cấp và đồng bào các giới lòng tri ân sâu đậm của toàn thể Phật giáo đồ”.

Được biết vào lúc 5h30 ngày 28/11/1963, Trung tướng Trần Văn Đôn, Tổng trưởng quốc phòng kiêm Tổng Tham mưu trưởng quân đội VNCH và Trung tướng Tôn Thất Đính, Tổng trưởng Bộ An ninh, đã đến Chùa Từ Đàm thăm viếng Hòa thượng Thích Tịnh Khiết và các vị cao tăng trong chùa. Trung tướng Trần Văn Đôn hối tiếc về sự việc đã qua và nói:

“Trong thời gian qua tôi rất buồn, hôm nay tôi ghé để xin lỗi.., có những việc quân đội vì theo lệnh trên mà phải làm.”

Cũng trong lúc ấy, Trung Tướng Đính nói: “Tôi vô cùng hoan hỷ thấy cảnh tượng toàn dân an lạc, chùa chiền hồi sinh trong không khí trang nghiêm, thanh tịnh, xóa sạch vết chân của kẻ bạo tàn tội lỗi đã từng dẫm đạp lên đây. Trong Nam, tại Huế và khắp nước Phật tử đã tranh đấu gan dạ và bền bỉ, thúc đẩy những điều kiện thuận lợi cho Cách mạng thành công; tôi ca ngợi tinh thần đấu tranh bất bạo động đó như tôi vừa trình bày với Ngài Hòa Thượng Hội chủ và quí vị Thượng Tọa ở đây”.

Để tìm hiểu kỹ hơn thái độ khoan hòa của các vị lãnh đạo Phật giáo cũng như giáo đồ trong thời điểm ấy, ta có thể tìm hiểu thêm những chủ trương của Phật giáo qua Bản Thông bạch của Tổng hội Phật giáo Việt Nam và Ủy Ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo. Thông bạch này, ngoài phần nhắc lại tình hình chung trước đó, đã nêu rõ 5 việc cần thiết như sau:

1-Cần nắm vững truyền thống thuần túy cao đẹp của nền Phật giáo dân tộc với lòng từ bi, khoan độ bất luận trong hoàn cảnh nào.

2-Ngoài Tổng hội và Ủy ban Liên phái, không một ai có quyền và danh nghĩa để tuyên bố hoặc hành động nhân danh Phật giáo, nếu không có phép hay ủy nhiệm của hai tổ chức nói trên.

3-Không nên dùng cờ Phật giáo một cách bừa bãi và ngoài những ngày Lễ Phật giáo.

4-Chư Tăng, Ni trở về nếp sống cũ và tạm thời chịu sự hướng dẫn của Ủy Ban Liên phái cho đến khi có thông bạch mới.

5-Các Phật tử trong nước nên tích cực tham gia việc úy lạo anh em binh sĩ để tỏ lòng tri ân và tuân hành các thông cáo, chỉ thị, huấn lệnh của  nhà chức trách.

Thông bạch này do Hòa thượng Thích Tịnh Khiết và Hòa thượng Thích Tâm Châu đồng ký vào ngày 06/11/1963.

Vậy là đã rõ tinh thần ôn hòa của Phật giáo sau sự kiện bị chính quyền Ngô Đình Diệm phân biệt đối xử và đàn áp. Được biết, trước đó lãnh đạo Phật giáo đã tổ chức lễ truy niệm chư Thượng Tọa, Đại Đức và Phật tử đã hy sinh vì Chánh pháp .

Với niểm tin của mình, Phật giáo đồ luôn tâm niệm: Đức độ khoan dung, phát nguyên bởi đức Từ bi của Phật giáo. Phật giáo đồ có thể chịu nhiều đau khổ trong những năm qua, nhất là trong 6 tháng từ 05/1963 đến 11/1963 vì một chính sách tàn ác, kỳ thị tôn giáo và bất bình đẳng xã hội. Chính sách đó đã cáo chung cùng những kẻ chủ trương nó. Những kẻ tay sai đắc lực của chế độ cũ cũng đã bị trừng trị. Phật giáo đồ không còn lưu tâm vào sự báo oán trả thù mà để mất tinh thần khoan dung độ lượng của con nhà Phật. Họ – những người chịu nạn – đủ lượng từ bi để cố gắng làm cho quả ác bớt nặng nề.

Sau sự kiện tháng 11/1963, Phật giáo Việt Nam phát triển hài hòa và tốt đẹp trong khuôn khổ của Đệ Nhị Cộng hòa.

Hình: Thượng tọa Thiện Minh đang trò chuyện với Trung tướng Tôn Thất Đính.