Minh bạch hoá hệ thống bầu cử với công nghệ Blockchain

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Alex Phạm

Bầu cử công khai là một trong những hoạt động nền tảng để xây dựng nên một quốc gia dân chủ, công bằng và minh bạch. Chính vì thế, yêu cầu tối quan trọng đặt ra ở đây đó là chính phủ và các tổ chức liên quan phải tổ chức được một cuộc bầu cử minh bạch, không có dấu hiệu gian lận. Từ trước đến nay, các phương pháp bầu cử đã và đang được áp dụng tại hầu hết các quốc gia là bỏ phiếu dựa trên lá phiếu bằng giấy hay bầu cử trên nền tảng điện tử. Tuy nhiên, các phương pháp hiện tại đều ít nhiều không cung cấp mức độ minh bạch thỏa đáng dành cho các cử tri.

Thời gian gần đây, có nhiều đề xuất về việc sử dụng công nghệ blockchain để minh bạch hóa hệ thống bầu cử một cách tuyệt đối. Hãy cùng tìm hiểu các vấn đề hiện hữu với hệ thống bầu cử hiện tại và công nghệ Blockchain sẽ có thể giúp khắc phục những vấn đề này như thế nào.

Vấn đề của hệ thống bỏ phiếu bầu cử truyền thống

Hệ thống bỏ phiếu bầu cử bằng giấy là hệ thống được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới từ trước đến nay với cách thức tổ chức đơn giản: các cử tri điền lựa chọn vào phiếu bầu và sau đó bỏ phiếu bầu vào các thùng phiếu kín. Khi kết thúc bầu cử, các phiếu này sẽ được gom lại và kiểm đếm, người được bầu nhiều phiếu nhất sẽ là người giành chiến thắng. Tuy nhiên, hiện tại hệ thống này đang gặp rất nhiều bất cập như:

  • Lãng phí tài nguyên giấy, gây tác động tiêu cực đến môi trường
  • Việc triển khai mất nhiều thời gian và chi phí
  • Không đảm bảo tính công khai và minh bạch khi các cử tri không được trực tiếp theo dõi quá trình kiểm đếm
  • Các thế lực có thể dễ dàng can thiệp bằng cách tự tạo các phiếu bầu giả khiến cho kết quả bầu chọn không chính xác.

Do các yếu tố bất cập này, đến năm 2005, một số quốc gia đã bắt đầu triển khai hệ thống bỏ phiếu điện tử. Hệ thống điện tử được xem là khắc phục được một số vấn đề của bỏ phiếu bằng giấy những cũng có những vấn đề nhất định.

Vấn đề của hệ thống bỏ phiếu điện tử

Mặc dù có nhiều tiến bộ hơn nhưng hệ thống bỏ phiếu điện tử vẫn tồn tại những vướng mắc sau:

  • Hệ thống máy chủ có thể bị tấn công, cài mã độc phá hỏng kết quả bầu cử
  • Kết quả phiếu bầu vẫn có thể bị can thiệp nếu như có người cố tình cài phần mềm chèn thêm phiếu bầu ảo.

Và trên thực tế, điều này đã từng xảy ra và việc làm thế nào để khắc phục được những vấn đề kể trên vẫn đang là điều khiến chính phủ các nước phải đau đầu.

Hệ thống bầu cử với công nghệ Blockchain

Mấy năm trở lại đây, công nghệ blockchain nổi lên như một hiện tượng công nghệ với những ưu điểm tuyệt vời có thể hỗ trợ cho cuộc sống của con người trở nên dễ dàng hơn. Đặc biệt trong hệ thống bầu cử, công nghệ blockchain hoàn toàn có thể khắc phục được những nhược điểm của các hệ thống bầu cử cũ.

Hệ thống bầu cử blockchain có nguyên tắc hoạt động tương tự như các hình thức bỏ phiếu truyền thống. Nhưng cử tri thay vì bỏ phiếu kín thì sẽ tiến hành bình chọn qua thiết bị điện tử và công nghệ blockchain sẽ giúp ngăn chặn sự sai lệch dữ liệu cũng như khả năng bị tấn công giúp kết quả được đảm bảo chính xác nhất.

Vào giữa năm 2018, West Virginia (Hoa Kỳ) trở thành tiểu bang đầu tiên áp dụng blockchain trong bầu cử. Mặc dù số lượng cử tri tham gia bầu cử qua nền tảng này vẫn là một con số nhỏ như một cuộc thử nghiệm nhưng với những kết quả tích cực mà nó mang lại, dự kiến công nghệ này sẽ được áp dụng ở quy mô lớn hơn.

Theo công nghệ blockchain được sử dụng trong cuộc bầu cử tại West Virginia, danh tính của cử tri được xác minh bằng các công cụ sinh trắc học như quét vân tay trước khi bỏ phiếu bằng thiết bị di động. Mỗi phiếu bầu là một phần của chuỗi các phiếu bầu. Khi sử dụng blockchain, tất cả dữ liệu của quá trình bầu cử sẽ được lưu lại trực tuyến và có thể kiểm chứng một cách công khai mặc dù vẫn duy trì được tính ẩn danh của cử tri.

Việc vận dụng công nghệ blockchain trong bầu cử có thể được triển khai bằng việc sử dụng các nền tảng bỏ phiếu blockchain mã nguồn mở. Nền tảng nguồn mở không có bất cứ yếu tố độc quyền nào nên tất cả cử tri đều có thể trực tiếp xem xét khiến cho tính minh bạch trong bầu cử luôn được đảm bảo.

Mặc dù có những ưu điểm rõ rệt, nhưng việc áp dụng công nghệ blockchain vào quá trình bầu cử vẫn còn khá nhiều thách thức để có thể phổ cập rộng rãi.

Trước hết, chính phủ cần phải có cái nhìn đổi mới và tích cực trong việc áp dụng công nghệ blockchain vào quá trình bầu cử nói riêng cũng như các lĩnh vực khác trong cuộc sống nói chung. Sau đó tiến hành triển khai ở các quy mô nhỏ và dần dần giáo dục nhận thức của người dân, phổ cập ở diện rộng để tất cả người dân có thể sử dụng.

Blockchain vẫn còn một chặng đường dài để đi nhưng với những tác động tích cực mang lại, nếu có hướng đi đúng đắn, chắc chắn công nghệ này có thể mang lại những đóng góp đáng kể không chỉ trong hoạt động bầu cử mà còn cả các hoạt động khác của đời sống con người trong thời gian tới.

Alex Phạm nghiên cứu về công nghệ blockchain và là biên tập viên điều hành trang web choicrypto.com.