Sự thật và dối trá trong xét xử Khmer Đỏ tại Campuchia

Print Friendly, PDF & Email

338DF03A-1E2B-415D-9DC5-DCBABAE76117_w640_r1_s

Nguồn: Madeleine Willis, “Truth and deception in Cambodian courtroom,” East Asia Forum, 14/2/2015.

Biên dịch: Nguyễn Thị Ngọc Ánh | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Mâu thuẫn bên trong và xung quanh phòng xử án không phải là điều gì mới. Nhưng những sự việc hiện thời tại Tòa án đặc biệt xét xử tội ác Khmer Đỏ tại Campuchia (ECCC) cho thấy bên biện hộ sẽ còn phải thất vọng nhiều tại tòa án hỗn hợp[1] này. Với nhiều người, điểm khó khăn nhất chính là việc vừa phải cân bằng những thực tế về thể chế và chính trị nguy hiểm, vừa phải đảm bảo tòa án vẫn mang lại một số lợi ích cho xã hội Campuchia. Theo quan điểm của bên biện hộ, cách tiếp cận này đã dẫn đến tình trạng ngầm chấp nhận những sai phạm trong quá trình xét xử.

Vì vậy mà trong khi bản án hồi tháng 8/2014 đối với hai thủ lĩnh Khmer Đỏ là Nuon Chea và Khieu Samphan vì tội ác chống lại loài người được công nhận rộng rãi là một thành công tới trễ của ECCC, thì ghi dấu trong quá trình xét xử lại là những nỗ lực không ngừng của bên biện hộ nhằm truất quyền tham gia xét xử của các thẩm phán vì cáo buộc thiên vị pháp lý và can thiệp chính trị nhiều lần. Tháng 12/2014, bên bị đã nộp đơn kháng cáo, và những vấn đề này chắc chắn sẽ tái xuất trong Vụ số 002/02.[2] 

Nhiều thách thức hiện tại mà ECCC phải đối mặt bắt nguồn từ những vấn đề liên quan đến tính công bằng trong thủ tục tố tụng. Chúng không dễ khắc phục. ECCC hoạt động trong bối cảnh trong nước không thuận lợi, với sự tồn tại của một kênh ảnh hưởng để chính quyền tác động lên hoạt động của tòa án. Nhiều thành viên cấp cao trong chính phủ đã từng tham gia Khmer Đỏ, rất quan tâm đến việc giữ cho quá trình xét xử nằm trong giới hạn nhất định. ECCC cũng được thành lập bên trong cơ cấu tòa án hiện hành ở Campuchia và tuyển dụng đa số các thẩm phán trong nước làm việc tại mỗi phòng xử án, ở một quốc gia đứng thứ 156 trên 175 trong bảng xếp hạng Chỉ số Nhận thức Tham nhũng (CPI) 2014.

Vấn đề càng thêm phức tạp vì mối liên kết giữa tòa án và Hội đồng Thẩm phán Tối cao (Supreme Council of Magistracy), cơ quan chịu trách nhiệm bổ nhiệm, thăng cấp và kỷ luật các thẩm phán và công tố viên quốc gia. Thành viên của Hội đồng bao gồm Bộ trưởng Bộ Tư pháp Campuchia, điều thể hiện rõ mức độ ảnh hưởng của chính phủ lên số phận của các cơ quan tư pháp ở Campuchia. Hai thành viên khác của hội đồng – đồng công tố viên và đồng thẩm phán điều tra quốc gia của ECCC – đã lần lượt từ chối tham gia chuẩn bị cho hai phiên tòa sắp tới, đúng như ý nguyện không muốn tiến hành phiên tòa theo tuyên bố của chính phủ.

Đặc biệt, trong Vụ số 002/01, luật sư bào chữa của Nuon Chea đã cực lực chỉ trích việc các thẩm phán trong nước từ chối triệu tập Chủ tịch Quốc hội Campuchia Heng Samrin, một chính trị gia cấp cao trong suốt 3 thập kỷ qua. Đáp lại 6 lần đệ trình đề nghị triệu tập ông trước khi phiên tòa diễn ra, các thẩm phán trong nước nhẹ nhàng nói rằng điều này sẽ “đẩy Tòa xét xử vào tình thế đầy khó khăn”. Tuy nhiên, Heng Samrin được cho là quan chức quân sự cấp cao nhất còn sống đã tham gia vào cuộc di tản Phnom Penh vào tháng 04/1975, một trong những chủ đề chính của phiên tòa.

Nếu không được tự do triệu tập các nhân chứng liên quan thì không rõ ECCC có thể hiểu rõ những sự kiện dưới thời Khmer Đỏ và đảm bảo việc quy trách nhiệm chính xác ra sao. Khả năng hạn chế lời khai của chính phủ cũng làm giảm đi những ý kiến cho rằng phiên tòa đang thúc đẩy một cuộc thảo luận công khai hơn về quá khứ của Campuchia.

Thêm vào gánh nặng này là một tình trạng pháp lý đặc biệt, theo đó, tuyên bố cáo buộc ban đầu trong Vụ 002 sau này được chia ra làm các phiên tòa nhỏ hơn, một phần để đẩy nhanh thủ tục tố tụng. Nhưng bên biện hộ cho rằng quá trình chia nhỏ một vụ phức tạp như vậy vẫn chưa thành công và rằng những kết luận rút ra trong Vụ 002/01 cơ bản sẽ đảo ngược gánh nặng chứng cứ đối với các bên trong Vụ 002/02. Thời hạn bắt đầu phiên điều trần các bằng chứng cho phần cáo buộc thứ hai này là tháng 10/2014, nhưng nó đã bị trì hoãn đến tháng 01/2015 vì phía bào chữa tẩy chay.  Đây thực sự là một khởi đầu đầy gian nan trên bước đường đến phiên tòa cuối cùng của ECCC.

Cuối cùng, có thể không thể tránh khỏi việc những người ủng hộ tòa án tìm đến các giải pháp khác để được đền bù, tìm cách cân bằng những khó khăn trong việc xét xử với khả năng mang lại một vài lợi ích khác cho nhân dân trong nước. Chẳng hạn, bên ủng hộ nạn nhân đã thúc đẩy một chương trình bồi thường được tòa án hỗ trợ nhằm thực hiện các sáng kiến cộng đồng dài hạn. Những dự án được tài trợ gần đây bao gồm việc cung cấp hỗ trợ tâm lý cho các nạn nhân nhằm giúp họ cung cấp thông tin (testimonial therapy) và hoạt động giáo dục liên quan đến lịch sử của Campuchia Dân chủ. Hy vọng rằng các kỹ năng pháp lý sẽ được các nhân viên quốc tế chuyển giao cho nhân viên trong nước. Và cũng cần phải xây dựng hồ sơ lịch sử về các sự kiện diễn ra từ năm 1975 đến năm 1979, đặc biệt là ở một quốc gia nơi giai đoạn lịch sử này gần như không được đề cập trong chương trình học. Nhưng thật sai lầm nếu đưa cách tiếp cận “cân bằng” ấy vào thành công của ECCC – vì nó ám chỉ rằng việc xây dựng một lịch sử chính xác và di sản pháp lý vững chắc không cần phụ thuộc vào việc xét xử công bằng và độc lập.

Bên biện hộ sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi tiến hành công việc trong bối cảnh thể chế và chính trị hiện nay – nhưng cũng không nên từ bỏ một cách dễ dàng. Những sáng kiến trái pháp luật của tòa án không thể làm lu mờ những phiên tòa gần như hoàn hảo, và có thể bị chính bối cảnh này làm giảm tác động. Rốt cuộc, ECCC đã hứa hẹn những tiêu chuẩn quốc tế về công lý trong khi gắn thành công của mình vào một môi trường chính trị phải thỏa hiệp – đây là câu chuyện cảnh tỉnh và là một bài học về những điều không nên làm đối với các tòa án hỗn hợp trong tương lai.

Madeleine Willis tốt nghiệp Đại học Quốc gia Úc (ANU), và là thực tập sinh tại Tòa án đặc biệt xét xử tội ác Khmer Đỏ tại Campuchia (ECCC).

————————

[1] Tòa án đặc biệt xét xử tội ác Khmer Đỏ tại Campuchia là một trong bốn tòa án hỗn hợp (“hybrid tribunal”) hay tòa án quốc tế hóa (“internationalized tribunal”), một cơ quan tố tụng hình sự quốc tế thuộc thế hệ thứ ba (sau thế hệ thứ nhất là Tòa án Quân sự Quốc tế vùng Viễn Đông và Tòa án Nürnberg, thế hệ thứ hai là Tòa án Hình sự Quốc tế về Nam Tư cũ, Tòa án hình sự về Rwanda, và Tòa án Hình sự Quốc tế). Tên gọi hỗn hợp hay quốc tế hóa xuất phát từ bản chất kết hợp những đặc tính (như luật, thủ tục tố tụng, thẩm phán, luật sư, vv…) của cả tòa địa phương và tòa quốc tế – NHĐ.

[2] Ngày 15/9/2010, Nuon Chea và Khieu Samphan (cùng với Ieng Sary và Ieng Thirith) bị truy tố về các tội ác chống lại loài người, diệt chủng và vi phạm nghiêm trọng các Công ước Geneva năm 1949. Đây được gọi là Vụ số 002.