Sự thay đổi hoàng đế có ý nghĩa như thế nào với Nhật Bản?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: What the change of emperor means for Japan”, The Economist, 29/04/2019.

Biên dịch: Phan Nguyên

Vào ngày 30/04/2019, Hoàng đế Nhật Bản Akihito (trong ảnh, bên phải) sẽ thoái vị sau 30 năm cai trị. Quyết định của vị hoàng đế 85 tuổi xảy đến như một cú sốc vì đây là lần đầu tiên một hoàng đế Nhật Bản thoái vị kể từ năm 1817. Con trai cả của Akihito, Thái tử Naruhito (trong ảnh, bên trái), sẽ trở thành hoàng đế thứ 126 của chế độ quân chủ lâu đời nhất thế giới, mà theo huyền thoại Nhật Bản có nguồn gốc trực tiếp từ nữ thần mặt trời Amaterasu trong Thần đạo (Shinto). Sự thay đổi ngôi vị hoàng đế có ý nghĩa như thế nào đối với Nhật Bản?

Hiến pháp sau Thế chiến II đã thay đổi tư cách của hoàng đế Nhật Bản từ một vị thánh sống với quyền lực chính trị lớn, bao gồm quyền tuyên bố chiến tranh, thành một vị trí mang tính biểu tượng của Nhật Bản. Akihito, người lên ngôi năm 1989, đã đảm nhận vai trò này khác với cha mình. Thay vì ngồi trong cung điện và cầu nguyện, ông đã biến vai trò hoàng đế của mình trở nên dễ tiếp cận hơn với công chúng. Ông kết hôn với một thường dân, vị quân vương đầu tiên làm như vậy trong gần 2.680 năm lịch sử hoàng gia Nhật, thăm các viện điều dưỡng bệnh nhân mắc bệnh phong, và thúc đẩy phong trào Paralympics. Sau trận động đất Tohoku năm 2011 khiến phần lớn vùng đông bắc Nhật Bản bị tàn phá, ông và Hoàng hậu Michiko đã đến nói chuyện với những người sống sót, quỳ trên sàn nhà và nắm tay họ. Ông đã làm nhiều việc để xin lỗi cho lịch sử thời chiến của Nhật Bản, đến thăm các chiến trường như Saipan và Palau để tỏ lòng thành kính với những người đã thiệt mạng trong chiến tranh. Và ông cũng đã không đến thăm Đền Yasukuni, ngôi đền gây tranh cãi ở Tokyo nơi thờ phụng 14 tội phạm chiến tranh cấp cao của Nhật.

Sự thay đổi rõ ràng nhất mà sự kế thừa ngai vàng của Naruhito mang lại cho Nhật Bản là sự khởi đầu của một triều đại mới, có niên hiệu là Reiwa (Lệnh Hòa), có nghĩa là sự “hòa hợp tươi đẹp”. Naruhito sẽ có những ý tưởng riêng về vai trò của mình. Vị Thái tử từng học ở Đại học Oxford và hoàng hậu – từng tốt nghiệp Đại học Harvard và là một nhà ngoại giao biết nói nhiều thứ tiếng trước khi gia nhập hoàng gia – có thể xuất hiện thường xuyên hơn trên trường quốc tế so với Akihito và Michiko, những người có xu hướng tập trung hỗ trợ các nhóm yếu thế của Nhật Bản. Nhưng ít có khả năng Naruhito sẽ đi lệch xa khỏi con đường mà cha ông đã đi trong ba thập niên qua. Tỉ lệ ủng hộ của người dân đối với Akihito dao động quanh mốc 80%. Naruhito sẽ tiếp tục đến thăm các khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai và ủng hộ người khuyết tật. Ông cũng sẽ tiếp tục di sản của Akihito khi nhìn lại lịch sử thời chiến của Nhật và tránh không viếng thăm Đền Yasukuni.

Những nỗ lực của Akihito nhằm thu hẹp khoảng cách giữa hoàng gia và công chúng đã giúp hoàng gia được lòng dân. Nhưng các cuộc khủng hoảng hoàng gia vẫn xuất hiện mà ngay cả một vị hoàng đế được lòng dân cũng không thể khắc phục. Theo Luật Gia đình Hoàng gia Nhật Bản, phụ nữ không  thể trở thành hoàng đế, vì vậy sau khi Naruhito lên ngôi, người tiếp theo trong danh sách kế vị ngai vàng sẽ là anh trai ông, tiếp đến là đứa cháu trai 12 tuổi của ông. Gia đình hoàng gia sẽ giảm dần từ con số 18 thành viên hiện tại, vì các thành viên nữ sẽ phải rời khỏi hoàng gia nếu kết hôn với thường dân. Các ý tưởng để giải quyết những vấn đề này, như chấp nhận phụ nữ làm hoàng đế, đã gặp phải sự phản đối quyết liệt từ những người theo chủ nghĩa truyền thống, vốn là những người ủng hộ thủ tướng Shinzo Abe. Các nghi lễ hoàng gia, thường có yếu tố Thần đạo mạnh mẽ, cũng gây nhiều tranh cãi. Các nhà phê bình cho rằng việc sử dụng công quỹ cho các nghi lễ hoàng gia vi phạm nguyên tắc của hiến pháp là tách biệt tôn giáo và nhà nước.

Nhưng hiện tại, một hoàng đế mới đồng nghĩa với một sự khởi đầu mới. Sau một thời kỳ được đánh dấu bởi trì trệ kinh tế và thiên tai, nước Nhật đã sẵn sàng đón chào một kỷ nguyên mới.