Hoàng đế Nhật: Người tù trong chính cung điện của mình?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: “Slave to the tortoise shell”, The Economist, 17/10/2019.

Biên dịch: Phan Nguyên

Trong hồi ký của mình, cuốn “The Thames and I” (Sông Thames và tôi), Hoàng tử Naruhito lúc đó kể lại những trải nghiệm của mình với món cá trích muối hun khói đầy mỡ hay những quán rượu đèn mờ khi còn là sinh viên tại Đại học Oxford vào những năm 1980. Ông kể lại việc người gác cửa ở một sàn nhảy đuổi ông về vì ông mặc quần jean, không phải là kiểu từ chối mà một thành viên hoàng gia Nhật thường gặp phải. Hình trên cho thấy cách ăn mặc của ông khi đang là sinh viên. Hai năm ông sống ở Merton College để nghiên cứu về giao thông trên sông Thames vào thế kỷ 18 có lẽ là “khoảng thời gian hạnh phúc nhất trong cuộc đời tôi”, ông viết.

Hoàng tử Naruhito trở thành hoàng đế thứ 126 của Nhật Bản vào tháng 5 khi cha ông, Akihito, thoái vị vì tuổi tác và bệnh tật. Ông sẽ chính thức lên ngôi vào ngày 22 tháng 10, trong một buổi lễ mà nhiều vị khách lớn, bao gồm cả phó chủ tịch Trung Quốc và thủ tướng Hàn Quốc, sẽ chỉ được chứng kiến qua màn hình video tại một góc khác của cung điện. Khi kết thúc, họ sẽ hô lên “Banzai”! (Vạn tuế!) Việc chiếu video đã là một sự cải thiện đáng kể so với hồi tháng Tư, khi Hoàng đế Akihito tuyên bố thoái vị chỉ trước nữ thần mặt trời, người được cho là tổ tiên của ông, trong một nghi lễ chỉ được chứng kiến bởi con trai ông, các giáo sĩ Thần đạo và người hầu.

Cuộc sống của các hoàng đế Nhật Bản là vô cùng nghiêm trang và phức tạp. Những hồi tưởng vui vẻ của Hoàng đế Naruhito về cuộc sống ở Anh suýt nữa không được xuất bản. Cung Nội Sảnh, cơ quan quy định những gì mà các thành viên hoàng gia Nhật có thể hay không thể làm, không muốn cuốn sách được xuất bản vì họ sợ nó sẽ khiến hoàng gia bị xem thường và chế giễu. Các quan chức của cơ quan này sẵn sàng làm mọi biện pháp để bảo vệ hình ảnh gia đình hoàng tộc. Khi em trai của Hoàng đế Naruhito, Fumihito, kết hôn vào năm 1990, một nhiếp ảnh gia đã bị cấm vào cung điện vì chụp ảnh cô dâu chải tóc một cách tình cờ thay vì trong tư thế trang trọng. Hoàng gia Nhật, theo Shihoko Goto thuộc Trung tâm Wilson, một viện nghiên cứu Mỹ, bị ràng buộc chặt chẽ bởi các quy tắc đến nỗi so với hoàng gia Nhật thì “Nhà Windsor (hoàng gia Anh) có vẻ vẫn còn thoáng”.

Báo chí Nhật nhìn chung tôn trọng các ranh giới do Cung Nội Sảnh đặt ra. Chẳng hạn, chính báo chí nước ngoài đưa tin đầu tiên về việc Naruhito đính hôn vào năm 1993 và sau đó là việc vợ ông bị trầm cảm hồi năm 2004, mặc dù rất nhiều nhà báo Nhật Bản đã biết về cả hai sự việc. Không giống như hầu hết các chế độ quân chủ châu Âu, ở Nhật không có các tờ báo lá cải chuyên đưa tin về đời sống tình ái của các thành viên hoàng gia mặc dù thường xuyên xuất hiện những lời chỉ trích đối với các bà vợ và con gái hoàng gia mỗi khi họ bị coi là trốn tránh nhiệm vụ.

Trong khi đó, tài sản cá nhân tương đối hạn chế của hoàng gia có nghĩa là có rất ít khả năng xuất hiện các hoàng tử playboy hoặc những công chúa nổi loạn. Mối quan tâm chính của hoàng đế là việc quản lý thủy lợi. Hầu hết tài sản của gia đình hoàng gia đã bị tịch thu sau Thế chiến II. Các cung điện và bất động sản mà hoàng gia sử dụng đều thuộc sở hữu nhà nước, và nhà nước cũng chi trả các chi phí sinh hoạt của gia đình hoàng gia. Một chuyên gia ước tính rằng Akihito, hiện là thái thượng hoàng, chỉ có số tiền 5 triệu yên (46.000 đô la) mỗi năm để chi cho các hoạt động và mua sắm cá nhân. Cha của ông, Hoàng đế Hirohito, chỉ để lại một bất động sản trị giá chưa tới 2 tỷ yên khi ông qua đời năm 1989.

Điều đó khiến hoàng gia trở thành những công chức được chăm lo chu đáo nhưng cũng bị hạn chế đến mức vô lý. Cuộc sống của họ được sắp xếp chi tiết từng phút bởi các quan chức, các tuyên bố công khai của họ được xem xét cẩn thận để đảm bảo họ không vượt qua vai trò là những nhân vật có quyền lực tượng trưng theo quy định của hiến pháp. Mặc dù hoàng đế và hoàng hậu, giống như các hoàng thân ở các quốc gia khác, cũng thực hiện các chuyến thăm hữu nghị ra nước ngoài và các chuyến thăm động viên tới các trường học và các tổ chức từ thiện ở trong nước, những người theo chủ nghĩa truyền thống coi công việc chính của hoàng đế là thực hiện các nghi lễ Thần đạo ít người biết. Tháng tới, ông sẽ dâng gạo từ hai vùng của Nhật Bản (được lựa chọn bằng cách đọc các vết nứt trên mai rùa bị cháy của các giáo sĩ Thần đạo) lên các vị thần nhằm cảm ơn thần linh giúp mùa màng bội thu, bên cạnh các giáo sĩ cầm đuốc. Ông cũng phải tự trồng lúa, với sự giúp sức có lẽ là từ những người làm vườn của hoàng gia. Nhiệm vụ của Hoàng hậu Masako bao gồm việc chăm sóc những con tằm trong vườn tằm của hoàng gia, cho chúng ăn lá dâu và đan các cấu trúc từ rơm rạ để giúp tằm nhả tơ đóng kén. Cả hoàng đế và hoàng hậu đều sáng tác những bài thơ cổ điển để ngâm trước triều đình vài lần trong một năm.

Liệu Hoàng đế Naruhito có muốn hay có thể hiện đại hóa vai trò của mình hay không vẫn chưa chắc chắn. Ông đã đấu tranh bảo vệ vợ mình sau khi bà bị chỉ trích vì những vi phạm nhỏ về nghi thức hoàng cung mang màu sắc phân biệt giới tính, từ việc bà phát biểu dài hơn chồng một chút trong cuộc họp báo chung đầu tiên của họ, tới việc đi trước chồng mình một bước khi xuất hiện trước công chúng. Naruhito đã phàn nàn vào năm 2004 rằng Masako, trước từng là một nhà ngoại giao, “đã nỗ lực hết sức” để cố gắng thích nghi với cuộc sống trong cung điện, nơi mà “tính cách” của bà đã bị kìm nén. Nhưng ông chưa tỏ rõ dấu hiệu nào cho thấy ông muốn được kế vị bởi con gái mình, chứ không phải bởi cháu trai (luật hiện tại cấm phụ nữ giữ ngai vàng mặc dù đã có trường hợp nữ hoàng trong quá khứ).

Nhật hoàng Akihito đã kín đáo phản đối cả các nghi lễ lỗi thời trong đời sống hoàng gia cũng như những người theo chủ nghĩa dân tộc đang tôn sùng chúng. Ông đã thực hiện bài phát biểu trên truyền hình đầu tiên bởi một hoàng đế Nhật Bản sau thảm họa sóng thần và hạt nhân năm 2011. Ngay sau đó, ông đến thăm một số người vô gia cư do thảm họa, uống trà với họ khi ngồi trên sàn nhà. Ông cũng chất vấn, dù không rõ ràng, kế hoạch của Thủ tướng Shinzo Abe nhằm sửa đổi điều khoản hòa bình của hiến pháp Nhật Bản. Vào năm 2001, ông đã nhắc đến một tổ tiên xa người Hàn Quốc tại một cuộc họp báo, một sự làm ngơ trước những người ủng hộ ý tưởng về sự thuần khiết chủng tộc của người Nhật, theo lời Ken Ruoff từ Đại học Bang Portland. Gần đây, ông đã thuyết phục chính phủ thông qua một đạo luật để cho phép ông thoái vị.

Về mặt hiến pháp, hoàng đế là “biểu tượng của nhà nước và sự đoàn kết dân tộc”. Nhưng cái kén hoàng gia mà ông bị giữ trong đó khiến ông dễ trở thành một thánh tích cũ kỹ. Giống như cha mình, Hoàng đế Naruhito tỏ ra tương đối gần gũi khi đi tuần du đất nước, vuốt ve những chú chó và trò chuyện với các em học sinh. Nhưng thanh niên Nhật dường như ít quan tâm đến gia đình hoàng gia – và bản thân hoàng gia cũng không có nhiều lựa chọn để làm cho bản thân mình phù hợp hơn trong mắt công chúng.