11/09/1915: Hội nghị Zimmerwald kêu gọi chấm dứt Thế chiến I

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Zimmerwald Conference issues a call for immediate peace, History.com

Biên dịch: Lê Hồng Loan

Vào ngày này năm 1915, tại Zimmerwald ở Thụy Sĩ, các đại biểu tham dự Hội nghị Quốc tế Xã hội Chủ nghĩa lần thứ nhất đã kêu gọi chấm dứt ngay lập tức Thế chiến I. Ngay cả khi xung đột kéo dài trên các chiến hào của Mặt trận phía Tây và cuộc chiến trên không tăng cường với các cuộc không kích của Đức vào London và các vùng xung quanh, một nhóm các nhà hoạt động chống chiến tranh và các nhà xã hội chủ nghĩa tận tụy đã tập trung tại Thụy Sĩ từ ngày 5 đến 11 tháng 9 năm 1915, tại Hội nghị Quốc tế Xã hội Chủ nghĩa lần đầu tiên.

Được chính thức tổ chức bởi các đảng Xã hội Thụy Sĩ và Ý, hội nghị bao gồm khoảng 40 đại biểu đến từ 11 quốc gia, bao gồm Nga, Ba Lan, Pháp, Đức, Bulgaria, Romania, Ý, Thụy Sĩ, Hà Lan, Thụy Điển và Na Uy. Trong số những người tham dự nổi tiếng có Vladimir Lenin, nhà lãnh đạo lưu vong của Đảng Bolshevik xã hội chủ nghĩa cấp tiến; Leon Trotsky, cựu đối thủ chính trị và cấp phó tương lai của Lenin; và Karl Liebknecht, một đại diện được bầu vào Nghị viện (Reichstag) Đức, người sau đó sẽ rời khỏi đảng Dân chủ Xã hội để thành lập phong trào Spartacus lấy cảm hứng từ đảng Bolshevik cùng với Rosa Luxemburg.

Theo tuyên ngôn của hội nghị, “cuộc chiến tranh tạo ra sự hỗn loạn này là kết quả của chủ nghĩa đế quốc, là nỗ lực của giai cấp tư sản tại mỗi quốc gia, để nuôi dưỡng lòng tham của họ trong việc tìm kiếm lợi nhuận thông qua bóc lột sức lao động của con người và kho báu tự nhiên của toàn cầu.” Hội nghị khẳng định, để kết thúc chiến tranh ngay lập tức, tầng lớp công nhân ở mỗi quốc gia nên cố gắng bằng mọi cách cần thiết để chuyển đổi cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản hiện tại thành một công cuộc mang tính khai sáng hơn: một cuộc cách mạng công nhân quốc tế hoặc một cuộc nội chiến “giữa các giai cấp” vốn sẽ lan rộng khắp châu Âu và cuối cùng là toàn thế giới.

Hai năm sau, với cuộc cách mạng toàn diện ở Nga và việc Sa hoàng Nicholas II bị phế truất, Lenin trở về Nga sau những ngày tháng lưu vong – với sự âm thầm giúp sức của người Đức – để thực hiện những gì mà ông coi là bước đầu tiên trong việc thực hiện nghị quyết được thống nhất tại Hội nghị Zimmerwald. Sau khi giành quyền kiểm soát Nga từ tay chính phủ lâm thời, ông và Trotsky đã củng cố quyền lực cho những người Bolshevik, tuyên bố đình chiến ngay lập tức với các cường quốc thuộc Liên minh Trung tâm và rút Nga ra khỏi Thế chiến I vào cuối năm 1917.