Hệ lụy thực sự của thương chiến Mỹ – Trung là gì?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Bejamin Studebaker, “The real stakes of Trump’s trade war with China,” The New Republic, 27/08/2019.

Biên dịch: Trần Mẫn Linh | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Cuộc chiến thương mại kéo dài giữa Tổng thống Donald Trump và Trung Quốc sẽ leo thang một lần nữa vào ngày 1/9, khi chính quyền Trump dự kiến áp đặt mức thuế 10% đối với 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Trước đó, mức thuế 25% đã được áp cho một số hàng hóa trị giá 250 tỷ USD khác. Nhiều động thái mới sẽ còn tiếp diễn vào mùa thu này khi hai quốc gia vẫn kiên trì cuộc chơi ăn miếng trả miếng của họ với nhau.

Theo ông Trump, chiến tranh thương mại là nhằm thúc đẩy mục tiêu tạo ra việc làm ở Mỹ, hay buộc Trung Quốc phải giao thương với Hoa Kỳ theo những điều khoản có lợi hơn. Các đảng viên Dân chủ lập luận rằng không kết quả nào kể trên sẽ xảy ra. Tuy nhiên, cuộc tranh luận xoay quanh việc liệu Trump có thể “thắng” cuộc chiến thương mại với Trung Quốc hay không đang khá mơ hồ về chính định nghĩa thế nào gọi là “thắng”.

Hơn thế, cuộc xung đột dường như đang dẫn đến một sự thay đổi lớn trong cách chúng ta tiếp cận Trung Quốc – sự chuyển sang chiến lược ngăn chặn có khả năng định hình lại cục diện kinh tế và chính trị. Việc ta có nên đi theo hướng này hay không, và sẵn sàng tới đâu cho những hệ quả đi kèm, đang là câu hỏi mà giới truyền thông bỏ ngỏ.

Có một số lý giải đơn giản cho việc áp thuế nhiều khả năng sẽ không tạo ra một cú hích trong vấn đề việc làm tại Hoa Kỳ. Thứ nhất, các công việc không nhất thiết phải trở về Hoa Kỳ khi chúng hoàn toàn có thể chuyển sang các quốc gia đang phát triển khác. Thứ hai, dù có quay về Hoa Kỳ, song khối lượng công việc gia tăng cũng sẽ được vận hành theo hướng tự động hóa để cắt giảm chi phí nhân công, theo đó kìm hãm cơ hội tạo ra các việc làm mới.

Bên cạnh chỉ ra điều này, phe Dân chủ còn dự đoán rằng việc xây dựng các chuỗi cung ứng mới sẽ làm giá cả tăng trong tương lai gần, từ đó gây tổn hại nền kinh tế. Họ cũng nhận định Trung Quốc nhiều khả năng sẽ không tiến tới một thỏa thuận thương mại với những điều khoản bất lợi hơn, bởi Trung Quốc có thể phần nào chống đỡ đòn đánh thuế của Mỹ bằng cách phá giá đồng tiền của họ. Nhưng nếu xem xét kỹ, sẽ thấy rằng vẫn còn nhiều rủi ro khác phía trước.

Từ khi Richard Nixon tới thăm Trung Quốc năm 1972, Hoa Kỳ đã bắt đầu theo đuổi chiến lược “can dự” với nước này, có nghĩa là Hoa Kỳ đã nỗ lực để vừa tăng cường liên kết thương mại với Trung Quốc, vừa gắn quốc gia này vào các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (World Bank), và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Thế nhưng khi kinh tế Trung Quốc phát triển, các học giả quan hệ quốc tế như John Mearsheimer (Đại học Chicago) lo ngại rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ đe dọa lợi ích của Mỹ, thách thức ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở Đông Á và trên toàn thế giới. Theo Mearsheimer, chúng ta nên thực thi một chiến lược ngăn chặn, chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc và hạn chế sức ảnh hưởng của quốc gia này bằng cách hợp tác với các nước láng giềng của họ trong một nỗ lực cô lập Trung Quốc, tước đi thị trường và nguồn đầu tư nước này cần cho phát triển.

Có một số bằng chứng cho thấy chính quyền Trump đang ngả theo hướng này. Kiron Skinner, cựu Giám đốc Hoạch định Chính sách tại Bộ Ngoại giao, được giao trách nhiệm phát triển một chiến lược lâu dài đối phó Trung Quốc. Đoạn trích sau đã thể hiện sự ủng hộ của bà đối với chiến lược ngăn chặn: “Tôi nghĩ Bộ Ngoại giao đang dẫn đầu trong nỗ lực chung để cho Trung Quốc một Lá thư X, như lá thư Kennan đã từng viết.” Trong trường hợp này, “Lá thư X” ám chỉ “Bài báo X” năm 1947 của George F. Kennan, trong đó kêu gọi Hoa Kỳ theo đuổi chiến lược ngăn chặn chống lại Liên Xô. Dù mới đây Skinner đã bị cho nghỉ việc ở Bộ Ngoại giao, nhưng việc bà được trao quyền hoạch định chiến lược về Trung Quốc gợi ý mạnh mẽ rằng chính quyền đang cân nhắc phương án ngăn chặn.

Trong thời gian Hoa Kỳ ngăn chặn Liên Xô, hai quốc gia đã vận hành các thể chế kinh tế quốc tế riêng biệt và hai bên hiếm khi giao thương với nhau. Bằng cách thu hẹp sự tiếp cận với đầu tư từ Mỹ, Mỹ có thể trừng phạt các nước gia nhập phe Xô-viết. Còn bằng cách cho phép họ tiếp cận, Hoa Kỳ có thể loại bỏ các quốc gia này khỏi ảnh hưởng của Liên Xô. Ngày nay, chiến lược này vẫn được Mỹ sử dụng – khi Ukraine cố gắng tách ra khỏi ảnh hưởng của Nga với hy vọng giành được đầu tư của phương Tây.

Nếu Hoa Kỳ quyết định theo đuổi chính sách ngăn chặn, họ cần tách nền kinh tế của mình khỏi Trung Quốc, dịch chuyển dần thương mại và đầu tư từ Trung Quốc sang các quốc gia Châu Á khác. Chiến lược này đòi hỏi ta phải ép các nước khác giảm khối lượng giao thương của họ với Trung Quốc, bởi nếu họ vẫn giao thương cùng lúc với Mỹ và Trung Quốc mà không phải chịu bất cứ hình phạt nào, điều này vẫn sẽ góp phần làm cho Trung Quốc lớn mạnh.

Cách tốt nhất để buộc họ phải làm vậy là đem đến các nguồn đầu tư và thương mại thay thế. Thuế đánh vào các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ buộc các công ty phải di dời sang một số nơi như Việt Nam hoặc Ấn Độ, từ đó thúc đẩy giá trị giao thương với Mỹ. Nếu Mỹ cô lập Trung Quốc thành công về mặt kinh tế, điều này có thể dồn nền kinh tế Trung Quốc tới đường cùng trước khi Trung Quốc trở nên lớn mạnh hơn để trả đũa.

Bởi Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn liên kết chặt chẽ với nhau trên khía cạnh kinh tế, sự tách rời này cần có thời gian. Hoa Kỳ cần dịch chuyển chuỗi cung ứng của mình một cách chậm rãi khỏi Trung Quốc và giảm đi các khoản đầu tư ngắn hạn của nước này. Việc Hoa Kỳ và Trung Quốc không thể đạt được đồng thuận thương mại sẽ diễn ra nhất quán trong quá trình này.

Một số nhà bình luận cho rằng 1,2 nghìn tỷ USD trái phiếu trong tay Trung Quốc có thể khiến Mỹ ngần ngại chuyện tách rời, nhưng con số tổng quát này đang gây nên sự hiểu lầm. Trung Quốc chỉ nắm giữ hơn 5% tổng số trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ. Cục Dự trữ Liên bang đã mua một lượng tương đương trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ trong các vòng nới lỏng định lượng và hiện giữ khoảng gấp đôi số trái phiếu mà Trung Quốc đang giữ. Có rất ít lý do để nghĩ rằng lượng trái phiếu Trung Quốc nắm giữ có thể là một trở ngại một khi chính quyền đã quyết tâm theo đuổi hướng đi này.

Trong khi đó, mới đây Mearsheimer đã đến Úc để lập luận rằng Hoa Kỳ đang bước đầu chuyển sang chiến lược ngăn chặn, cho rằng Úc sẽ buộc phải lựa chọn hoặc giao thương với Trung Quốc và rời khỏi chiếc ô an ninh của Mỹ, hoặc duy trì hợp tác an ninh với Mỹ và mất quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc.

Các lựa chọn đã rất rõ ràng, nhưng không một ai trong báo giới đưa vấn đề này ra bàn luận. Thay vào đó, họ tập trung vào hệ quả ngắn hạn của thuế quan lên các vấn đề như tốc độ tăng trưởng, đàm phán thương mại với Trung Quốc, và tạo việc làm ở quê nhà, khiến những câu hỏi tổng quan kể trên ít được chú ý.

Có một yếu tố khác trong câu chuyện này – đó là sự tự động hóa. Như đã đề cập ở trên, chiến lược ngăn chặn sẽ đẩy nhiều việc làm sang các quốc gia quan trọng về chiến lược như Việt Nam hay Ấn Độ. Nhưng nếu các công ty trở về Mỹ, họ sẽ đầu tư vào máy móc để thay thế lực lượng nhân công đắt đỏ của Mỹ.

Thung lũng Silicon rất thích điều này. Một chiến lược ngăn chặn không những bảo vệ các tập đoàn công nghệ khỏi nạn đánh cắp tài sản trí tuệ mà còn gia tăng đầu tư cho rô-bốt và trí tuệ nhân tạo. Công nghệ ra đời từ nguồn đầu tư ấy có thể mang đến những kết quả sâu rộng, đẩy nhanh tốc độ tự động hóa và gây mất ổn định thị trường lao động trong nhiều lĩnh vực theo những cách khó lường trước.

Vấn đề then chốt này đã được bàn luận rộng rãi trong các hội đồng quản trị, để lại những câu hỏi lớn về việc liệu nền kinh tế Hoa Kỳ có sẵn sàng đương đầu với hệ quả từ đẩy nhanh tự động hóa, và cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho thất nghiệp cơ cấu có khả năng xảy ra hay không. Đây là cuộc thảo luận phần lớn dành cho các ông trùm công nghệ, và hầu hết ý tưởng họ đưa ra để giải quyết xu hướng gia tăng tự động hóa lực lượng lao động vẫn còn nửa vời.

Ít nhất một ứng viên cho vị trí Tổng thống, Andrew Yang, đã nghĩ tới tương lai này. Điều làm nổi bật cuộc chạy đua của ông Yang là ý tưởng về thu nhập cơ bản phổ quát (UBI) nhằm hỗ trợ người dân sau khi bị đẩy ra khỏi lực lượng lao động bởi tự động hóa. Tuy nhiên, lượng thu nhập UBI mà ông đề xuất quá nhỏ để một người thất nghiệp có thể trang trải cuộc sống. Hơn nữa, những phiên bản đề xuất của Yang đã loại bỏ người cao tuổi hoặc đề nghị cắt giảm một lượng lớn phúc lợi và An sinh Xã hội để chi trả cho đề xuất này.

Gần đây, ông Yang đã cố gắng đáp trả lại những người chỉ trích bằng lời hứa sẽ đưa UBI đóng vai trò bổ sung cho An sinh Xã hội. Nhưng sự thay đổi này càng làm khó ông Yang trong việc chi trả UBI, và ông cũng chưa giải thích được cách kiếm ngân sách để chi trả UBI. Một ứng viên Tổng thống, người đang vật lộn để tài trợ cho lượng UBI khiêm tốn mà không phải cắt giảm các chương trình phúc lợi xã hội được yêu thích, khó giúp củng cố niềm tin của chúng ta vào khả năng chúng ta có thể đối phó được với hệ quả của tự động hóa.

Bất chấp các cuộc tranh luận xung quanh thuế quan của Trump đối với hàng hóa Trung Quốc, hệ lụy ở tầm vĩ mô vẫn còn chưa được bàn luận nhiều. Thương chiến kéo dài dự báo khả năng quay lưng lại với tiến trình toàn cầu hóa trong nửa thế kỷ qua, hướng tới một trật tự thế giới hai cực một lần nữa. Sự thay đổi này sẽ đưa đến những hệ quả rất lớn, vượt qua chuyện tốc độ tăng trưởng của quý tới sẽ là bao nhiêu. Toàn bộ hệ thống thế giới đang được định hình lại. Chúng ta đang đối mặt với một dấu hỏi lớn về quản trị toàn cầu, và cần suy nghĩ về nó một cách nghiêm túc.

Bejamin Studebaker giảng dạy chính trị học tại Đại học Cambridge.