Thế giới hôm nay: 07/02/2020

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Các thị trường tài chính khắp thế giới tăng điểm sau khi bộ tài chính Trung Quốc cho biết họ sẽ giảm một nửa thuế quan đối với hơn 1.700 mặt hàng Mỹ. Động thái này là nỗ lực đầu tiên của Trung Quốc nhằm thực hiện thỏa thuận thương mại “giai đoạn 1” với Mỹ vào tháng trước, và có thể làm giảm bớt thiệt hại kinh tế do dịch coronavirus gây ra.

Giá cổ phiếu Twitter tăng 15% sau khi hãng này công bố doanh thu quý IV năm 2019 lần đầu tiên vượt 1 tỷ đô la. Bước tăng này được cho là do tăng trưởng về số lượng người dùng đang hoạt động. Song những người dùng đó cũng làm công ty mất tiền: chi tiêu tăng 22% so với cùng kỳ năm trước, khiến lợi nhuận ròng trong quý giảm 12%, xuống còn 119 triệu đô la.

Fiat Chrysler cảnh báo rằng một trong những nhà máy của họ ở châu Âu sẽ phải ngừng sản xuất trong vài tuần tới, vì họ đang phải vật lộn để có được linh kiện từ những nhà cung cấp Trung Quốc đang bị đóng cửa do coronavirus Vũ Hán. Hyundai và Kia, hai nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc, cho biết họ cũng đã đóng cửa một số dây chuyền sản xuất do thiếu linh kiện sản xuất ở Trung Quốc.

Tom Perez, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ, kêu gọi kiểm lại kết quả các cuộc họp kín ở Iowa. Một số vấn đề, bao gồm trục trặc trong ứng dụng được được dùng để đối chiếu kết quả, khiến kết quả cuối cùng bị trì hoãn đến vài ngày sau hôm bỏ phiếu vào thứ Hai. Với 97% kết quả được công bố, Pete Buttigieg và Bernie Sanders đang bám sát nhau. Đảng Dân chủ Iowa cho biết họ sẽ tiến hành đếm lại nếu một trong số các ứng viên yêu cầu.

Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ giữ lãi suất ở mức 5,15%. Tuy nhiên, để thúc đẩy cho vay và tăng trưởng, họ nới lỏng để các ngân hàng có thể mở rộng tín dụng đến các doanh nghiệp nhỏ và người mua nhà hoặc xe hơi. Trong khi đó, ngân hàng trung ương Philippines quyết định giảm lãi suất 0,25% xuống 3,75%. Họ lo ngại coronavirus Vũ Hán sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr đề nghị Mỹ và các đồng minh nên mua cổ phần của NokiaEricsson, hai nhà sản xuất thiết bị viễn thông Bắc Âu. Chính quyền Trump muốn hạn chế sức mạnh của Huawei, công ty Trung Quốc thống trị công nghệ 5G. Không công ty Mỹ nào có thể cạnh tranh với Huawei; song người châu Âu có thể.

Bộ trưởng tài chính Scotland từ chức – vài giờ trước khi ông dự kiến trình bày dự thảo ngân sách –sau các cáo buộc rằng ông đã gửi vô số tin nhắn trên mạng xã hội cho một cậu bé 16 tuổi. Derek Mackay thuộc Đảng Quốc gia Scotland, người được cho là sẽ kế nhiệm Nicola Sturgeon làm thủ hiến Scotland, nói ông đã “hành xử dại dột”. Bộ trưởng tài chính công, Kate Forbes, đã trình bày dự thảo thay ông.

Thủ hiến bang Thuringia miền đông nước Đức đã bỏ cuộc khi đối mặt với cơn thịnh nộ của cả nước. Thomas Kemmerich, người thuộc đảng Dân chủ Tự do, đã được bầu vào hôm thứ Tư với sự hỗ trợ của đảng cực hữu Sự lựa chọn khác cho nước Đức (AfD). Đây là lần đầu tiên AfD, thường bị các đảng truyền thống của Đức xa lánh, hậu thuẫn thành lập một chính phủ tiểu bang. Ông Kemmerich sẽ tiến hành tổ chức các cuộc bầu cử mới.

TIÊU ĐIỂM

New Delhi bầu cử cấp thành phố

Thành phố lớn nhất Bắc Ấn Độ, nơi có khoảng 20 triệu người, sẽ bỏ phiếu vào thứ Bảy. Delhi sẽ được cả nước theo dõi. Thị trưởng đương nhiệm Arvind Kejriwal và đảng Aam Aadmi của ông được ngưỡng mộ vì những bước cải thiện trường tiểu học, phòng khám và cung cấp điện. Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) theo chủ nghĩa dân tộc Hindu của Thủ tướng Narendra Modi, hiện chiếm ưu thế ở cấp liên bang, muốn điều hướng các cuộc bầu cử địa phương về phía chủ nghĩa dân tộc.

Họ công kích những người đã phản đối luật quốc tịch mới có thể trục xuất người Hồi giáo và chống lại một kế hoạch đăng ký công dân có thể khiến hàng triệu người Ấn Độ mất quốc tịch. Các nhà lãnh đạo của BJP đã gọi người biểu tình là những kẻ hiếp dâm hay những người Pakistan, khuyến khích hô hào “bắn chết mấy thằng con hoang”. Ông Kejriwal đã từ chối để bị khiêu khích. Nếu được bầu lại, ông nói, chống ô nhiễm môi trường sẽ trở thành ưu tiên tiếp theo của chính quyền ông, và ông hứa sẽ thúc đẩy “sự sạch sẽ”.

Thay đổi trong đám cưới tập thể ở Hàn Quốc

Hôm nay, hàng ngàn cặp vợ chồng từ khắp nơi trên thế giới sẽ kết hôn tại “buổi lễ chúc phúc” do Giáo hội Thống nhất Hàn Quốc tổ chức. Sự kiện này nhằm kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 và 60 năm ngày cưới của người sáng lập giáo hội quá cố, Mục sư Moon Seon-myeong, người qua đời năm 2012. Các nghi lễ như vậy từ lâu đã trở thành thương hiệu của Giáo hội Thống nhất, vốn đòi hỏi lòng trung thành nghiêm ngặt từ các thành viên và không khuyến khích kết hôn ngoài tổ chức. (Những người phản đối cho rằng đây là một giáo phái nguy hiểm, ăn chặn tiền bạc).

Mục sư Moon trước đây từng tác hợp ngẫu nhiên các tín đồ, dạy rằng tình yêu lãng mạn gây ra tính lăng nhăng và rối loạn xã hội. Thông thường các cặp vợ chồng thậm chí không nói cùng một ngôn ngữ. Ngày nay, mọi người nhiều khả năng đã được gặp nhau trước khi được Giáo hội ban phước. Điều đó sẽ làm người sáng lập thất vọng, nhưng có thể làm cho các tín đồ hạnh phúc về sau.

Đảng Dân chủ tiếp tục bỏ phiếu ở New Hampshire

Các ứng viên tổng thống Dân chủ hôm nay sẽ tranh luận với nhau ở New Hampshire, trước thềm cuộc bầu cử sơ bộ của đảng tại đây vào thứ Ba. Bernie Sanders, một thượng nghị sĩ theo chủ nghĩa xã hội từ bang láng giềng Vermont, dự kiến sẽ có kết quả tốt ở bang này, nơi ông đã thắng vào năm 2016. Câu hỏi lớn là liệu Pete Buttigieg, một người ôn hòa đạt số phiếu sít sao so với ông Sanders ở Iowa hôm thứ Hai, có thể phát huy thành công bất ngờ đó hay không.

Nếu ông Buttigieg có kết quả tốt ở New Hampshire, có khả năng người bị ảnh hưởng nhất sẽ là Joe Biden, một người ôn hòa bị tụt xuống tận thứ tư ở Iowa. Thêm một màn trình diễn tệ hại nữa có thể đe dọa vị thế ứng viên dẫn đầu của ông. Song một điều có vẻ chắc chắn là New Hampshire sẽ tránh không để hỗn loạn xảy ra như ở Iowa khi trục trặc của một ứng dụng, cùng với hệ thống họp kín phức tạp, đã trì hoãn kết quả trong nhiều ngày. New Hampshire sử dụng một hệ thống truyền thống với các quầy bỏ phiếu, phiếu bầu bằng giấy và bỏ phiếu kín.

Công bố số liệu việc làm của Mỹ không còn nhiều tác động

Trước đây, khi Cục Thống kê Lao động phát hành bản số liệu hàng tháng về thị trường lao động Mỹ, các doanh nhân khắp thế giới sẽ tạm ngưng mọi việc để theo dõi. Nhưng không còn nữa. Hôm nay, các con số thể hiện số việc làm phi nông nghiệp có thể cung cấp thêm bằng chứng cho thấy đợt tăng trưởng kinh tế lâu nhất trong lịch sử nước Mỹ sẽ còn tiếp tục. Tuy nhiên, điều đáng chú ý hơn là tại sao dữ liệu này, từng được coi là bản công bố thống kê quan trọng nhất trên thế giới, giờ lại ít được quan tâm đến vậy.

Hồi năm 2004, lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn năm năm biến động trung bình 0,17% trong ngày công bố số liệu việc làm. Năm ngoái chỉ còn chưa tới 0,04%. Tăng trưởng việc làm mạnh mẽ từng là một dấu hiệu tốt dự báo lạm phát, điều sẽ thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang tăng lãi suất. Nhưng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính, áp lực lạm phát gây ra bởi tỷ lệ thất nghiệp thấp không còn tồn tại nữa. Fed hiện đang chờ lạm phát trở nên rõ ràng trước khi thay đổi chính sách.

Tình hình trước tổng tuyển cử ở Ireland

Ireland sẽ bỏ phiếu vào ngày mai trong một cuộc tổng tuyển cử đầy kịch tính. Các cuộc thăm dò cho thấy Thủ tướng Leo Varadkar và đảng Fine Gael của ông có thể rơi từ vị trí thứ nhất xuống thứ ba về số phiếu. Đảng này từng hy vọng sẽ được tưởng thưởng vì đã xử lý khéo léo vấn đề Brexit. Song sau mười năm thắt lưng buộc bụng và dịch vụ công nghèo nàn, nỗi buồn chán của các cử tri đã khiến Fine Gael mất phiếu, cùng với đối thủ lịch sử của họ, Fianna Fail.

Nhiều cuộc thăm dò ý kiến đã đặt Sinn Fein, một đảng cánh tả trước đây là nhánh chính trị của Quân đội Cộng hòa Ailen, một nhóm khủng bố, đứng đầu về số phiếu. Dù vậy, Sinn Fein khó có thể tham gia chính phủ. Lãnh đạo Fianna Fail, Micheal Martin, đã loại trừ khả năng lập chính phủ liên minh. Fine Gael cũng vậy. Ông Martin có thể buộc phải tìm kiếm một cuộc chung sống gượng ép với Fine Gael, giống như những gì xảy ra bốn năm trước.