Thế giới hôm nay: 01/04/2020

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Số ca nhiễm coronavirus toàn cầu đã tăng lên trên 800.000. Mỹ có nhiều ca nhất: 164.610. Tây Ban Nha, nước cũng bị ảnh hưởng nặng nề, ghi nhận 849 ca tử vong trong hôm qua, mức cao nhất trong một ngày của họ. Hệ thống y tế của nước này đang cố gắng đuổi kịp tốc độ lây nhiễm; trong số 95.000 người mắc bệnh có 13.000 nhân viên y tế. Tại Ý, số người chết tăng lên 12.428, cao nhất thế giới.

Ngân hàng Thế giới cảnh báo rằng đại dịch covid-19 có thể khiến 11 triệu người ở các nền kinh tế mới nổi châu Á rơi vào nghèo đói, làm tăng trưởng hàng năm trong khu vực giảm gần 4% và gây suy thoái kinh tế. Nhiều nền kinh tế Đông Nam Á từng thành công trong việc tránh được suy thoái kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998.

Pháp, Đức và Anh đã gửi hàng tiếp tế y tế để giúp Iran chống covid-19. Nước này bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Trung Đông, với 2.898 người chết. Viện trợ được gửi theo cơ chế tài chính Instex, vốn được thiết lập để lách lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ. Iran cáo buộc chính quyền Trump đã “khủng bố y tế” giữa lúc xảy ra đại dịch.

Một cuộc phong tỏa ở Lagos đưa thành phố lớn nhất Châu Phi vào đình trệ sau khi Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari ra lệnh cho cư dân ở nhà để hạn chế sự lây lan của covid-19. Nigeria đã ghi nhận 135 trường hợp nhiễm, song ngăn virus ở một thành phố 20 triệu dân có thể trở thành “một vấn đề sống còn”, theo lời ông Buhari.

Mỹ tiết lộ kế hoạch phá vỡ bế tắc chính trị ở Venezuela, nói rằng họ sẽ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và cung cấp viện trợ nhân đạo nếu Tổng thống Nicolás Maduro và Juan Guaidó, người được phương Tây ủng hộ chống Maduro, chấp nhận bước sang một bên và trao quyền cho một chính phủ lâm thời. Mỹ đề xuất rằng các cuộc bầu cử mới sẽ được tổ chức trong vòng 6 đến 12 tháng. Nước Mỹ đã cố gắng buộc ông Maduro từ chức suốt từ năm 2018 khi họ cáo buộc ông gian lận trong cuộc bầu cử tổng thống.

Lợi nhuận của Huawei năm 2019 tăng đạt 62,7 tỷ nhân dân tệ (9 tỷ đô la), song chậm hơn so với năm trước (5,6% so với 25%), ngay cả khi tăng trưởng doanh thu vẫn ổn định. Lợi nhuận giảm tốc là do chính phủ Mỹ cấm các công ty sử dụng thiết bị của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc, cũng như nỗ lực của họ nhằm thuyết phục các đồng minh làm điều tương tự.

Các siêu thị Anh đạt kỷ lục tháng bán hàng tạp hóa tốt nhất của họ khi người tiêu dùng chi thêm 2 tỷ bảng Anh (2,5 tỷ đô la) cho các nguồn cung cấp và thực hiện thêm 80 triệu chuyến đi mua sắm trong bốn tuần trước ngày 22 tháng 3. Mặc dù những người đi mua hàng tích trữ chuẩn bị cho phong tỏa do coronavirus đang thu hút sự chú ý của báo giới, các nhà phân tích lưu ý rằng lợi nhuận chủ yếu đến từ những người mua hàng ghé thăm nhiều hơn và chi tiêu nhiều hơn mỗi lần.

TIÊU ĐIỂM

Giá dầu rơi tự do và vai trò của OPEC

Một thỏa thuận cắt giảm sản lượng giữa các nhà sản xuất dầu chính thức kết thúc hôm nay. Thị trường dầu đã rơi tự do. OPEC trong nhiều thập niên đã cố gắng kiềm chế sản lượng và đẩy giá lên cao. Nga đã hợp tác với OPEC trong những năm gần đây, nhưng từ đầu tháng 3 đã từ chối gia hạn thỏa thuận mà họ có với tổ chức này. Ả Rập Saudi đáp trả bằng một cuộc chiến giá dầu. Một thỏa thuận từ OPEC có thể đã giúp chống lại tác động của covid-19 lên nhu cầu dầu mỏ.

Giá dầu Brent đã giảm hơn một nửa trong tháng 3, xuống dưới 23 USD/thùng. Bộ Năng lượng của tổng thống Donald Trump, vốn thường muốn hỗ trợ các công ty dầu khí trong nước, đã tìm cách mua 77 triệu thùng dầu thô cho kho dự trữ chiến lược của Mỹ, song bị Quốc hội từ chối cấp tiền. Một số thượng nghị sĩ Mỹ muốn Ả Rập Saudi rời khỏi OPEC và chấm dứt cuộc chiến giá dầu. Nhưng chính OPEC đã tìm cách tránh một cuộc chiến giá dầu nên hai mục tiêu này của các nghị sĩ lại không phù hợp với nhau.

Bangladesh gặp khó khăn trong chống dịch

Đất nước có mật độ dân số cao nhất thế giới hôm nay bước vào nửa sau của lệnh phong tỏa kéo dài 10 ngày. Cho đến nay, nhà chức trách mới chỉ ghi nhận năm ca tử vong do covid-19; khoảng 50 ca dương tính trong số khoảng 1.200 người được xét nghiệm. Xem ra Bangladesh sẽ cần giữ số nhiễm thấp vì họ chỉ có 29 giường chăm sóc đặc biệt có máy thở cho 165 triệu người. Song, đáng ngại hơn, kể từ tháng 1, khoảng 700.000 công nhân nhập cư đã trở về từ nước ngoài. Hầu hết, bao gồm hàng chục ngàn người từ Ý, đều nhập cảnh mà không bị kiểm dịch.

Đại dịch này là thách thức lớn nhất cho đến nay đối với thủ tướng Sheikh Hasina. Nước này giành độc lập từ Pakistan một năm sau khi một cơn bão giết chết nửa triệu người hồi năm 1970; Sheikh Mujibur Rahman, cha của Sheikh Hasina, bị lật đổ và ám sát sau một nạn đói lớn; và nền cai trị độc tài của Mohammed Ershad bị chấm dứt do thảm họa lũ lụt vào năm 1988. Sheikh Hasina hy vọng sẽ tránh được thảm họa và lịch sử sẽ không lặp lại.

Nước Mỹ điều tra dân số thường kỳ giữa đại dịch

Hôm nay là ngày điều tra dân số tại Hoa Kỳ, ngày mà mọi người phải cung cấp thông tin nhân khẩu học cơ bản. Thống kê 10 năm một lần này là cuộc khảo sát dân số tốn kém nhất thế giới, năm nay tốn khoảng 16 tỷ đô la. Được quy định bởi hiến pháp, nó giúp phân bổ số phiếu đại cử tri đoàn, lập ra các khu vực bầu cử Quốc hội, và một cách gián tiếp giúp phân bổ 1,5 nghìn tỷ đô la từ ngân sách liên bang mỗi năm.

Song coronavirus, đến nay đã giết chết hơn 3.000 người Mỹ, sẽ khiến công việc này trở nên khó nhằn. Hầu hết mọi người sẽ khai online, nhưng trong cuộc điều tra dân số năm 2010, gần một phần tư người Mỹ chỉ khai sau khi hàng chục nghìn nhân viên đi gõ cửa từng nhà. Điều đó sẽ khó khăn trong bối cảnh phong tỏa ở hầu hết các thành phố lớn. Thống kê năm nay vốn đã rất khó khăn khi nhiều người e ngại chính sách của Donald Trump sẽ khiến người nhập cư không muốn khai báo. Hậu quả của một cuộc thống kê tệ hại có thể còn tồn tại lâu hơn nhiều so với virus.

Trung Quốc lấp lửng mở cửa ngành tài chính cho nước ngoài

Nhiều người từ lâu đã hoài nghi việc Trung Quốc hứa chào đón các ngân hàng nước ngoài. Đó là tâm trạng chung của các nhà tài chính nước ngoài khi Thủ tướng Lý Khắc Cường tuyên bố vào mùa hè năm ngoái rằng các nhà đầu tư nước ngoài có thể nộp đơn xin mua toàn bộ cổ phần các ngân hàng đầu tư và công ty bảo hiểm vào năm 2020, sớm hơn một năm so với lời hứa trước đây. Quá trình đó có thể bắt đầu từ hôm nay.

Tiến trình được tăng tốc lên một phần là nhằm phản ứng với cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ: một cách để chứng minh với Donald Trump rằng Trung Quốc có thể chơi sòng phẳng (bất chấp những lời buộc tội khác), trong khi vẫn lấy được thiên cảm từ các công ty nước ngoài, những người sẽ giúp thuyết phục Trump nhẹ tay hơn với Trung Quốc. Các công ty nước ngoài nắm giữ chưa tới 2% tài sản trong khu vực tài chính trị giá 45 nghìn tỷ đô la của Trung Quốc, nhưng hãng nghiên cứu Bloomberg Intelligence dự đoán rằng trừ khi có suy thoái, họ có thể kiếm được lợi nhuận hơn 9 tỷ đô la mỗi năm vào năm 2030. Visa có thể hoài nghi về việc này: gã khổng lồ thanh toán thẻ vẫn còn đang chờ được cấp phép dù họ nộp đơn mãi từ năm 2015.

Người dân Mỹ đối mặt khó khăn tài chính

Ngày đầu tháng là ngày vui nhất và cũng là buồn nhất đối với hầu hết người lao động Mỹ. Hôm nay là ngày trả lương, và cũng là hạn thanh toán các hóa đơn lớn nhất của họ – tiền thuê nhà hoặc thanh toán thế chấp. Hôm nay sẽ đặc biệt khó khăn đối với những người Mỹ phải thanh toán hóa đơn nhưng không có lương. Họ bao gồm ít nhất 3,3 triệu lao động đã đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc vào ngày 21 tháng 3. Khoảng hai phần ba trong số 159 triệu lao động Mỹ không thể làm việc hoàn toàn tại nhà, do đó có thể mất lương.

Đối với các doanh nghiệp, triển vọng cũng ảm đạm: tiền lương và tiền thuê cơ sở kinh doanh đều là chi phí. Nếu các doanh nghiệp hoặc hộ gia đình vỡ nợ tiền thuê nhà hoặc tiền thế chấp, hệ quả sẽ quét qua hệ thống tài chính. Đã có nhiều nỗ lực nhằm ngăn điều này dẫn đến các hậu quả tồi tệ nhất đối với các cá nhân, như bị trục xuất khỏi nhà hoặc bị tịch thu nhà. Chính phủ đã ra lệnh cấm tịch thu nhà trong vòng 60 ngày, và nhiều tiểu bang cũng cấm trục xuất. Nhưng điều này lại càng gây căng thẳng lớn hơn nữa cho hệ thống tài chính khi dòng thanh toán đã dừng lại.