Thế giới hôm nay: 29/05/2020

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Biểu tình bạo lực bước vào ngày thứ hai ở thành phố Minneapolis sau cái chết của một người đàn ông da đen, George Floyd, người bị một cảnh sát da trắng ghì cổ tới chết khi bị bắt. Một người đàn ông đã bị bắn chết giữa các báo cáo xảy ra cướp bóc và đốt phá. Thị trưởng yêu cầu thống đốc bang Minnesota cho gọi Lực lượng Vệ binh Quốc gia, trong khi Bộ Tư pháp liên bang tuyên bố việc điều tra vấn đề này là “ưu tiên hàng đầu” của họ. Các cuộc biểu tình đã lan rộng ra ngoài bang Minnesota: ở California, hàng trăm người chặn đường cao tốc Los Angeles và đập vỡ cửa sổ trên các phương tiện tuần tra của bang.

Đài Loan hứa sẽ giúp những người trốn chạy khỏi Hồng Kông được tái định cư tại Đài Loan khi Trung Quốc tìm cách tăng cường kiểm soát lãnh thổ này. Nhiều người ở Đài Loan đồng cảm với hoàn cảnh của người Hồng Kông và sợ rằng Trung Quốc có thể cố gắng sáp nhập hòn đảo của họ. Trung Quốc phản pháo rằng Đài Loan đang tìm cách “cướp ngôi nhà đang cháy”. Trong khi đó, Anh cho biết sẽ mở rộng quyền cư trú cho cư dân Hồng Kông có hộ chiếu Cư dân hải ngoại của Anh.

Hàn Quốc, nước đã làm tốt trong việc ngăn chặn coronavirus lây lan, vừa ghi nhận 79 trường hợp mắc covid-19 mới vào thứ Năm, mức tăng theo ngày thứ ba liên tiếp. Phần nhiều trong số các ca mới của tuần này có liên quan tới một cơ sở hậu cần ở phía tây Seoul. Các biện pháp phong tỏa như đóng cửa công viên và bảo tàng sẽ được áp dụng lại ở thủ đô trong hai tuần kể từ hôm nay.

Hơn 2,1 triệu người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu vào tuần trước, đưa tổng số lên tới hơn 40 triệu. Số người nộp đơn mới đã giảm trong tuần thứ tám liên tiếp. Số người tiếp tục giữ nguyên đơn, những người đã nhận trợ cấp trong ít nhất hai tuần, giảm 3,9 triệu xuống còn 21,1 triệu, đi ngược lại dự đoán của các nhà kinh tế rằng con số sẽ tăng, giữa lúc những người Mỹ tìm kiếm trợ cấp giờ đây trở lại làm việc.

Chỉ còn 17 phút là phóng, song NASA đã dừng chuyến bay không gian có người lái đầu tiên kể từ 2011 vì sợ sét đánh. Tên lửa này, chế tạo bởi SpaceX của Elon Musk, có đích đến là Trạm Vũ trụ Quốc tế. Đây là lần đầu tiên NASA thuê tư nhân làm dịch vụ vận chuyển phi hành đoàn. Vụ phóng sẽ dời sang thứ Bảy.

Nissan công bố khoản lỗ hoạt động trị giá 40,5 tỷ yên (372 triệu đô la) trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3 vừa rồi, khoản lỗ lần đầu tiên sau 11 năm. Nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đổ lỗi đại dịch đã làm giảm nhu cầu ô tô mới. Hôm qua, liên minh Nissan, Renault và Mitsubishi đã công bố một chiến lược mới để tiết kiệm tiền, bao gồm chia sẻ nhiều trách nhiệm hơn trong việc phát triển các mẫu xe mới.

Cảnh sát Durham, ở phía đông bắc nước Anh, nói rằng Dominic Cummings, cố vấn chính trị cấp cao của thủ tướng Boris Johnson, có thể đã vi phạm các quy tắc phong tỏa khi đi 50 dặm đến một điểm tham quan ở địa phương, song gọi đó là một “vi phạm nhỏ”. Lãnh đạo các đảng đối lập và hàng chục nghị sĩ Bảo thủ chỉ trích cách ông Johnson xử lý vụ việc.

TIÊU ĐIỂM

Biên giới Ấn-Trung nóng lên

Trong những tuần gần đây, Trung Quốc gây gổ với cả Mỹ, Úc, Anh và Hồng Kông. Vẫn chưa thỏa mãn, hàng ngàn binh sĩ Trung Quốc đã được phái đến biên giới rộng lớn với Ấn Độ, một số thậm chí được cho là đã đi nhiều km vào lãnh thổ mà Ấn Độ tuyên bố chủ quyền ở vùng Ladakh, sát Kashmir. Bởi vì biên giới miền núi phần lớn là không phân định rõ, các nhóm tuần tra thường chạm mặt nhau. Điều bất thường là các cuộc chạm mặt đang xảy ra ở một vài nơi, cách nhau hàng trăm km, ở cả các khu vực mà biên giới đã được phân định.

Kết quả là có hai cuộc va chạm (không đổ máu) vào đầu tháng này. Việc Trung Quốc diễu võ dương oai có thể là vì Ấn Độ đang đẩy mạnh xây dựng đường sá và cơ sở hạ tầng ở Ladakh, khiến cho việc gửi tuần tra đến các khu vực xa xôi trở nên dễ dàng hơn. Nhưng có ít nhất một điều cả hai bên đều đồng ý: Donald Trump, người vừa đề nghị làm hòa giải vào thứ Tư cho cái mà ông gọi là “vụ xung đột biên giới dữ dội”, không nên xía mũi vào.

Colombia dỡ bớt phong tỏa

Colombia sẽ kết thúc phong tỏa mười tuần vào ngày 31 tháng 5. Tổng thống Iván Duque nói nước này có thể giảm bớt các biện pháp giãn cách xã hội cho mọi người, ngoại trừ một vài nhóm dễ bị tổn thương. Bảo tàng và trung tâm mua sắm có thể mở cửa trở lại, mặc dù chỉ với 30% công suất. Các thành phố nơi có tỷ lệ nhiễm bệnh cao có thể duy trì các hạn chế. Nhờ vào việc này, Colombia trở thành quốc gia đầu tiên ở Nam Mỹ nới lỏng phong tỏa, mặc dù số ca nhiễm covid-19 có tăng.

Đất nước này đã đối phó tốt với cuộc khủng hoảng, ngay cả khi toàn bộ khu vực Mỹ Latinh bị WHO gọi là tâm dịch mới. Khoảng 24.000 ca nhiễm covid-19 đã được xác nhận ở Colombia, trong đó chỉ có 1% cần được chăm sóc đặc biệt. Ông Duque kỳ vọng việc mở cửa trở lại có thể đảo ngược một số thiệt hại kinh tế gây ra bởi phong tỏa. Tỷ lệ người sống dưới 2 đô la một ngày dự kiến sẽ tăng trong năm nay lên 45%, quay lại mức của năm 2005.

Người New York bỏ lỡ dịp ngắm hoàng hôn “Manhattanhenge”

Mọi năm, người dân New York sẽ tụ tập cùng nhau vào tối nay để xem “Manhattanhenge”, tức sự kiện mặt trời lặn xuống đúng ở cuối các con đường chạy song song của khu Manhattan. Trong khi mặt trời và đường phố đã ở đó trong hai thế kỷ, sự quan tâm của đám đông vẫn còn tương đối mới; thuật ngữ cho sự kiện này chỉ mới được đặt ra vào năm 2002 bởi Neil deGrasse Tyson, một nhà vật lý thiên văn. Các bài đăng trên Instagram tiết lộ rằng hàng ngàn người đã xem sự kiện này vào năm ngoái: những bức ảnh phổ biến nhất được chụp từ xung quanh Tudor City, tại đường 42 và Đại lộ số 2.

Năm nay sẽ thật khác biệt. Các quy tắc giãn cách xã hội nghiêm cấm tụ họp hơn mười người, và thậm chí sau đó còn phải đảm bảo đứng cách xa nhau. Một số người có thể xem mặt trời lặn từ nhà. Những người khác có thể xem các bài đăng trên Instagram từ năm ngoái để tham khảo, không phải tìm điểm đến, mà là xem không nên đến nơi nào. Nhưng những con đường song song Manhattan vẫn sẽ mang đến nhiều cơ hội cho những khoảnh khắc kì diệu, ngay cả trong thời kỳ bi quan.

Renault và liên minh ô tô chật vật

Tương lai của Renault và liên minh với Nissan và Mitsubishi, từng một thời cạnh tranh với Volkswagen về ngôi vị nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, sẽ trở nên rõ ràng hơn vào hôm nay khi công ty Pháp vạch ra kế hoạch trung hạn. Liên minh đã từ bỏ ý tưởng sáp nhập hoàn toàn, vốn là mục tiêu của sếp cũ Carlos Ghosn, người đã bỏ trốn khỏi Nhật Bản sau khi bị buộc tội sai phạm tài chính vào năm 2018.

Hãng cũng từ bỏ kế hoạch thống trị thị trường thế giới của ông Ghosn, để nghiêng về lợi nhuận hơn là thị phần; mỗi công ty sẽ tập trung vào các vùng của thế giới nơi họ mạnh nhất. Đối với Renault, vốn ở trong tình trạng tồi tệ, sự ốm yếu của thị trường châu Âu sau nhiều tuần phong tỏa là một mối lo ngại, bên cạnh nỗ lực tái cấu trúc của họ. Để tránh bị rơi vào lãng quên, có lẽ họ sẽ thông báo thêm chi tiết về gói giải cứu của chính phủ, vốn phụ thuộc vào khả năng giữ việc làm ở Pháp. Dù khởi đầu mới có nhiệm vụ giúp xua tan căng thẳng trong liên minh, nhưng các động thái này sẽ không làm được như vậy.

Đại dịch khiến thống kê kinh tế gặp khó

Giống như một chiếc điều hòa hỏng khi trời nóng, một số thứ ngừng hoạt động đúng lúc bạn cần chúng nhất. Đây chính là vấn đề của thống kê GDP trong đại dịch. Hôm nay, số liệu GDP từ các quốc gia bao gồm Brazil, Canada, Pháp, Ấn Độ và Thụy Điển sẽ được công bố. Nhưng các nhà thống kê lo lắng rằng ước tính của họ có thể bị sửa đổi đáng kể trong tương lai. Nhiều công ty đã ngừng trả lời các cuộc khảo sát vốn được dùng để tính GDP.

Các nhà thống kê không còn được phép đi lang thang quanh các cửa hàng để thu thập thông tin về giá cả. Và dữ liệu từ bộ phận bị ảnh hưởng nhiều nhất của nền kinh tế – ngành dịch vụ –  thường được công bố trễ. Các nhà thống kê đang làm những gì họ có thể. Một số đang lấy dữ liệu từ các trang web; một số ở Liên minh châu Âu đang xem xét số thẻ tín dụng. Những người khác đang sử dụng dữ liệu khí tượng để ước tính dòng người. Song công việc của họ, cũng như mọi người khác, giờ đây đã khó khăn hơn.