Tác dụng và hạn chế trong ‘ngoại giao khẩu trang’ của Trung Quốc

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Dylan MH Loh, “The power and limits of China’s ‘mask diplomacy”, East Asia Forum, 22/05/2020.

Biên dịch: Đỗ Minh Châu

Mặc dù ban đầu Trung Quốc mắc sai lầm về xử lý COVID-19, đặc biệt là trong việc công bố các thông tin kịp thời và cập nhật chính xác, nhưng Trung Quốc phần lớn đã ngăn chặn được sự bùng phát của virus corona ở trong nước. Vì vậy, Bắc Kinh đã chuyển sự chú ý sang việc hỗ trợ các quốc gia khác thông qua việc cung cấp vật tư y tế, bộ dụng cụ xét nghiệm và hỗ trợ kỹ thuật. Trung Quốc hy vọng sẽ gây dựng được thiện chí với các nước nhận hỗ trợ và thu hút được sự chú ý tích cực từ truyền thông quốc tế.

Chẳng hạn, Trung Quốc đã cung cấp bộ dụng cụ xét nghiệm cho Campuchia, gửi máy trợ thở đến thành phố New York, điều nhân viên y tế tới Iran và tăng tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thêm 30 triệu USD (sau khi Washington quyết định đình chỉ tài trợ cho WHO vào ngày 14 tháng 4). Không thể phủ nhận rằng mục đích nhân đạo vẫn là chủ yếu, nhưng thật khó để bỏ qua những toan tính chính trị liên quan đến những nỗ lực tiếp cận các quốc gia khác của Trung Quốc.

Bắc Kinh đang nỗ lực làm dịu những chỉ trích về cách giải quyết đại dịch ban đầu và đánh bóng vai trò lãnh đạo toàn cầu hiện nay. Điều này đã thay đổi diễn ngôn từ chỗ Trung Quốc là nơi khởi phát dịch bệnh sang Trung Quốc là quốc gia tiên phong đứng lên giúp thế giới chống lại virus. Những động thái này đưa ra một thông điệp: Trung Quốc đã vượt qua thử thách COVID-19 và giờ có thể chuyển nỗ lực của mình sang giúp đỡ các quốc gia khác.

Trung Quốc cũng đã sử dụng các nỗ lực từ thiện tư nhân để thúc đẩy dòng quan điểm này. Người sáng lập Alibaba, Jack Ma, cũng đã đóng góp khẩu trang và vật tư y tế cho những nơi như Maldives, Mông Cổ, Myanmar, Nepal và Polynesia cùng những nước khác. Điều này được truyền thông Trung Quốc tung hộ rộng rãi. Mặc dù không có bằng chứng cho thấy bất kỳ sự phối hợp nào giữa Jack Ma và chính phủ Trung Quốc, điều đáng chú ý là các quốc gia tiếp nhận đều không có quan hệ chính thức với Đài Loan. Không có gì đáng ngạc nhiên khi các quốc gia nhận được nhiều sự giúp đỡ nhất là các quốc gia có mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc hay có vai trò chủ chốt trong Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường.

“Ngoại giao khẩu trang” của Trung Quốc không chỉ được thực hiện trên cơ sở song phương thông qua các chủ thể công và tư mà Bắc Kinh còn trực tiếp hỗ trợ các công dân Trung Quốc hiện đang sống ở nước ngoài. Ví dụ, Đại sứ quán Trung Quốc tại Singapore đã tích cực tham gia giúp đỡ công dân Trung Quốc ở đây. Đại sứ quán đã mua và tặng 60.000 khẩu trang cho công nhân Trung Quốc tại Singapore, với dòng chữ “chúc đồng bào Trung Quốc khỏe mạnh, Tổ quốc luôn nhớ về bạn” được ghi trên các hộp khẩu trang.

Khả năng huy động các doanh nghiệp và cộng đồng người Trung Quốc ở nước ngoài để phục vụ mục đích ngoại giao và nhân đạo là rõ ràng. Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc (Singapore) cũng đã làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc tại Singapore để phân phối khẩu trang. Trước đó, Đại sứ Trung Quốc tại Singapore đã thực hiện các chuyến thăm tới các trường học để thể hiện “sự quan tâm của chính phủ Trung Quốc đối với sinh viên Trung Quốc đang học tập ở nước ngoài”. Singapore không phải là trường hợp duy nhất – Đại sứ quán Trung Quốc tại Malaysia cũng đã phối hợp với các bệnh viện, tổ chức phi chính phủ và các nhóm chính trị địa phương để hỗ trợ cuộc chiến chống COVID-19.

Tuy nhiên, những nỗ lực của Trung Quốc để làm dịu dư luận về vai trò của họ trong đại dịch không phải là không có vấn đề. Có báo cáo cho rằng Tây Ban Nha đã ngừng sử dụng các bộ xét nghiệm nhanh do Trung Quốc sản xuất bởi tỷ lệ chính xác của chúng chỉ dưới 30%. Ấn Độ, bên cạnh nhiều quốc gia khác, cũng đã ngừng sử dụng bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh của Trung Quốc với những lo ngại về độ chính xác tương tự như trên. Trung Quốc khẳng định rằng đó chỉ là những vấn đề nhỏ và các quan ngại về chất lượng đã bị thổi phồng lên.

Trung Quốc gặp khó khăn trong việc thuyết phục truyền thông và các chính phủ phương Tây rũ bỏ sự hoài nghi của họ. Hoa Kỳ đã không ngừng chỉ trích cách giải quyết vấn đề virus corona của Trung Quốc. Tổng chưởng lý bang Missouri của Mỹ mới đây đã khởi kiện Trung Quốc. Bang Mississippi cũng đã đệ đơn kiện tương tự. Điều này nhận được sự chú ý từ Nhà Trắng, với việc Trump nói rằng ông đang tìm các biện pháp để khiến Trung Quốc phải trả giá. Úc và New Zealand cũng đã hưởng ứng những lời kêu gọi của Washington về một cuộc điều tra độc lập về sự khởi phát dịch bệnh ở Vũ Hán, qua đó cho thấy giới hạn trong các nỗ lực ngoại giao công chúng của Trung Quốc.

Báo cáo mới được EU công bố sẽ là mối quan tâm lớn đối với các nhà ngoại giao và nỗ lực nâng cao hình ảnh của Trung Quốc. Báo cáo nói rằng “có bằng chứng đáng kể cho thấy các hoạt động bí mật của Trung Quốc trên các phương tiện truyền thông xã hội” khi Trung Quốc tìm cách dập tắt ‘những cáo buộc rằng họ khiến cho cuộc khủng hoảng trở nên tồi tệ hơn bằng cách cố gắng che đậy sự bùng phát dịch bệnh ở Trung Quốc’. Hơn nữa, những nỗ lực tiếp cận cộng đồng quốc tế của Bắc Kinh cũng có thể bị hoài nghi bởi các chính phủ sở tại. Mặc dù không có bằng chứng cụ thể nào về sự mờ ám của Trung Quốc trong các hoạt động ngoại giao xoay quanh COVID-19, nhưng các lo ngại về can thiệp và vận động chính trị từ nước ngoài vẫn luôn là nỗi lo sợ thường trực.

Diễn ngôn mà Trung Quốc đang thúc đẩy chỉ đem lại thành công hạn chế. Tuy nhiên, diễn ngôn này đã đạt được kết quả thuận lợi ở các nước Đông Âu như Hungary và Serbia – vốn là những quốc gia then chốt trong dự án Vành đai và Con đường. Có lẽ, điều quan trọng nhất đối với Bắc Kinh là cách công dân của chính họ nhìn nhận các nỗ lực quản lý khủng hoảng và củng cố sự phụ thuộc của các quốc gia vốn đã thân thiết với Trung Quốc từ trước.

Dylan MH Loh hiện là Trợ lý Giáo sư tại Phòng Chính sách công và Ngoại giao toàn cầu, Đại học Công nghệ Nanyang (NTU), Singapore. Ông cũng là biên tập viên sáng lập của trang ThePolitburo.org.