Đằng sau hành trình 25 năm quan hệ Việt – Mỹ

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Trường Minh – Việt Lâm

Kỳ 1: Những người Mỹ nhiều “duyên nợ” với Việt Nam bắc nhịp cầu hàn gắn

Đầu tháng 4/2020, dòng tweet của Tổng thống Mỹ Donald Trump thu hút sự chú ý của đông đảo công luận quốc tế, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành dữ dội tại Mỹ và nhiều quốc gia.

Tổng thống Hoa Kỳ cảm ơn những người bạn ở Việt Nam đã hỗ trợ để chuyển giao nhanh chóng các trang thiết bị bảo hộ cá nhân cho nước Mỹ.

Đó chỉ là một trong những chi tiết cho thấy mối quan hệ giữa hai cựu thù giờ đã tiến đến mức độ tin cậy và nồng ấm như thế nào. Nhưng với những người đã từng tham gia tích cực vào quá trình bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ, đó là cả một hành trình đằng đẵng kéo dài hai thập kỉ, với biết bao nghi kị, thù địch, bao lực cản tưởng chừng không thể vượt qua.

Đó là một cuộc chiến dai dẳng. Cứ mỗi lần hai bên đạt được một bước tiến, chính phủ Hoa Kỳ lại lùi một bước, đưa ra một đòi hỏi mới, một yêu cầu mới buộc phía Việt Nam phải đáp ứng” – ông Thomas Vallely, Giám đốc Chương trình Việt Nam tại Đại học Harvard, người được xem là người kiến thiết mối hợp tác giáo dục Việt – Mỹ, người bạn thân sát cánh cùng Thượng nghị sĩ John Kerry trong nỗ lực thúc đẩy bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, kể lại.

Ngay tại những thời điểm tưởng chừng như bế tắc nhất, theo ông Vallely, các nhà lãnh đạo và ngoại giao Việt Nam vẫn luôn sẵn lòng chìa tay, chủ động nối lại và giữ liên lạc với phía Mỹ.

Đường lối ngoại giao mềm dẻo, linh hoạt của phía Việt Nam, cùng với những hoạt động vận động tích cực của thế hệ các nghị sĩ Mỹ là cựu chiến binh như Thượng nghị sĩ John McCain, John Kerry đã “đưa tiến trình làm bạn của hai nước giảm xuống còn một nửa” như cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Pete Peterson từng nói.

Kỳ 1: Những người Mỹ nhiều “duyên nợ” với Việt Nam bắc nhịp cầu hàn gắn - ảnh 1
Ông Thomas Vallely hồi tưởng lại câu chuyện 25 năm bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ. (Ảnh: Phạm Hải – VNN).

VietTimes đã ghi lại câu chuyện về tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ 25 năm trước từ chia sẻ của những người trong cuộc và nhân chứng của thời kì lịch sử đặc biệt này.

Cơ hội bị bỏ lỡ cuối thập niên 70

Ngay từ năm 1976, một năm sau khi chiến tranh kết thúc, phía Việt Nam đã gửi một thông điệp không chính thức cho Mỹ qua Liên Xô, đề nghị hai bên gặp nhau để thảo luận việc bình thường hóa quan hệ.

Tuy nhiên, những nỗ lực đầu tiên này không đạt được tiến triển bởi Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Gerald Ford vẫn theo đuổi chính sách cấm vận và cản trở Việt Nam vào Liên Hợp Quốc.

Đầu năm 1977, ông Jimmy Carter của Đảng Dân chủ lên đắc cử Tổng thống. Một trong những cam kết khi tranh cử của ông là bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Tháng 3/1977, ông cử một phái đoàn sang Hà Nội để bàn thảo việc nối lại quan hệ bang giao.

Cuộc đàm phán về bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ đầu tiên được tổ chức tại Paris ngày 3 và 4/5/1977 do Thứ trưởng Ngoại giao Phan Hiền và Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Dick Holbrooke dẫn đầu. Chính quyền Carter cũng đồng ý để Việt Nam gia nhập Liên Hợp Quốc.

Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm kể lại, tuy Washington yêu cầu đàm phán không có điều kiện tiên quyết, nhưng khi bước vào đàm phán, phía Mỹ vẫn đòi Việt Nam thông tin đầy đủ về lính Mỹ mất tích trong chiến tranh và trao trả hài cốt lính Mỹ (POW/MIA).

Điều kiện từ phía Việt Nam là Mỹ phải thực hiện lời hứa bằng văn bản góp phần vào việc tái thiết Việt Nam với số tiền 3,25 tỷ đô la Mỹ như điều 21 của Hiệp định Paris năm 1973 (thực chất là bồi thường chiến tranh).

Phía Mỹ từ chối thảo luận và nêu ý kiến nên để sau khi bình thường hóa sẽ thông qua buôn bán và cung cấp một số thiết bị cần thiết cho Việt Nam như một cách góp phần vào việc tái thiết. Bởi lẽ khi đó, Hạ viện Mỹ do phe Cộng hòa kiểm soát đã bỏ phiếu cấm bất kỳ hình thức viện trợ nào cho Việt Nam.

Do lập trường hai bên khác nhau nên cả ba vòng đàm phán trong năm 1977 đều lâm vào thế bế tắc.

Sang năm 1978, Việt Nam cử Trưởng đoàn đàm phán mới là Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch sang đàm phán kín với ông Holbrooke, chấp nhận bình thường hóa vô điều kiện, ngụ ý không nhắc lại việc thực hiện khoản viện trợ tái thiết 3,25 tỷ đô la.

Kỳ 1: Những người Mỹ nhiều “duyên nợ” với Việt Nam bắc nhịp cầu hàn gắn - ảnh 2
Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch trong vòng vây của các nhà báo quốc tế.

Ông John McAuliffe – Giám đốc Quỹ Hòa giải và Phát triển Mỹ – từng kể trong cuốn sách viết về ông Nguyễn Cơ Thạch rằng: Tháng 9/1978, ông gặp ông Nguyễn Cơ Thạch khi đến New York để tiến hành vòng đàm phán cuối cùng với ông Holbrooke.

Dù Việt Nam đã sẵn sàng và tha thiết với việc bình thường hóa quan hệ, nhưng ông Nguyễn Cơ Thạch ở lại New York vài tuần để rồi nhận được câu trả lời: Washington chưa sẵn sàng cho việc bình thường hóa.

Sự thực là khi đó, Washington và Bắc Kinh đã quyết định bắt tay nhau kiềm chế Moscow. Việt Nam, nước bị xem là đồng minh thân cận của Liên Xô ở Đông Nam Á trở thành mục tiêu tấn công ngấm ngầm lẫn công khai của Trung Quốc.

Suốt từ những năm 1975 đến năm 1978, chế độ Pol Pot được Bắc Kinh hậu thuẫn liên tục tiến hành các hoạt động tấn công dọc biên giới Tây Nam Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, việc bình thường hóa quan hệ với Việt Nam vào thời điểm quan hệ Việt – Trung vô cùng căng thẳng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc bình thường hóa quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh.

Hà Nội đã hiểu được những toan tính chiến lược của các “ông lớn” nhưng có vẻ như mọi chuyện đã quá muộn. Mike Morrow, người phỏng vấn Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch năm 1980, nói rằng ông Thạch từng nói thẳng với người đồng cấp Holbrooke rằng: Mỹ không cần phải lựa chọn giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Nói cách khác, lại một lần nữa, Việt Nam trở thành con “tốt thí” trên bàn cờ của các nước lớn.

Việt Nam đã đi gần đến nơi, nhưng câu chuyện chiến lược đã cản trở. Việt Nam đã tình cờ rơi vào ván bài chiến lược của các nước lớn, và lại là một con bài chẳng mấy quan trọng, có thể bị “dập” bất cứ lúc nào”, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Lê Văn Bàng nhận định trong một cuộc trò chuyện với Tuần Việt Nam – VietNamNet nhiều năm trước.

Sau này, khi nhìn lại nhiều người tiếc nuối cho rằng, giá như Việt Nam không đặt điều kiện đòi bồi thường chiến tranh và có thể bình thường hóa quan hệ với Mỹ, thì cuộc chiến tranh với Trung Quốc; và việc bị bao vây, cấm vận trong suốt hơn 10 năm sau đó, kéo theo vô vàn những hậu quả về kinh tế, là điều mà Việt Nam đã có thể tránh được.

Nhưng lịch sử không có chữ “Giá như”. Ngay cả khi chính quyền Carter sẵn sàng bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, những lực cản từ trong nội bộ nước Mỹ chưa chắc đã cho phép điều đó trở thành hiện thực.

“Bởi cuộc chiến tranh đã gây chia rẽ sâu sắc nước Mỹ hàng chục năm, gây nên hội chứng Việt Nam cho nhiều thế hệ, kéo dài dai dẳng mãi hàng chục năm sau” – ông Vallely lý giải.

Thế hệ Việt Nam tại Mỹ – những người nối lại nhịp cầu

Sau khi các cuộc đàm phán bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ thất bại, quan hệ hai bên trở lại trạng thái căng thẳng và thù địch kéo dài khi Mỹ và Trung Quốc bắt tay nhau thành lập mặt trận quốc tế bao vây, cô lập và cấm vận Việt Nam trong suốt 10 năm sau đó với cái cớ để phản đối việc Việt Nam đưa quân vào Campuchia, dù là để tiêu diệt chế độ diệt chủng Polpot.

Nhưng ngay cả khi mọi kênh liên lạc bị đóng băng, các nhà lãnh đạo Việt Nam vẫn nỗ lực tìm kiếm và duy trì cầu nối với phía Mỹ, trong đó có việc tổ chức cho các đoàn cựu chiến binh Mỹ thăm lại Việt Nam.

Tháng 12/1981, ông Bobby Mueller, một cựu trung úy thủy quân lục chiến bị thương trong chiến tranh Việt Nam, cùng với 3 cựu binh khác trở thành những cựu chiến binh Mỹ đầu tiên được thăm Hà Nội kể từ khi chiến tranh chấm dứt.

Chủ tịch Quỹ Cựu chiến binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam (VVAF) về sau trở thành người sáng lập Chiến dịch toàn cầu chống bom mìn sát thương được trao Nobel Hòa bình vẫn còn nhớ như in cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam khi đó là ông Nguyễn Cơ Thạch.

“Tôi trình bày với ông Thạch những mối quan tâm của chúng tôi về vấn đề lính Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA), về vấn đề hậu quả của chất độc hóa học. Bằng vẻ thâm trầm, ông Ngoại trưởng ghi nhận những ý kiến của chúng tôi và yêu cầu tổ chức một cuộc họp chung vào 8 giờ tối.

Phía Việt Nam gồm 6 đại diện của Bộ Ngoại giao. Khi chúng tôi nói về những hậu quả nặng nề của cuộc chiến mà các cựu binh Mỹ đang trải qua ở bên kia bờ Thái Bình Dương, những đại biểu Việt Nam lắng nghe trong im lặng. Rồi bỗng nhiên cả 6 đồng loạt đứng dậy, cởi bỏ những chiếc áo khoác của mình.

Họ chỉ cho chúng tôi những vết tích, những vết thương mà họ đang mang trên thân mình từ cuộc chiến tranh. Tất cả chúng tôi sững sờ. Và rồi không ai bảo ai, cả mười người chúng tôi ôm nhau khóc.

Chúng tôi nhận ra rằng hai bên đã tìm được sự đồng cảm. Chúng tôi ngầm hiểu với nhau sẽ làm nhiều điều hơn cho một tương lai tốt đẹp của cả hai phía” – ông Bobby Mueller kể lại.

Kỳ 1: Những người Mỹ nhiều “duyên nợ” với Việt Nam bắc nhịp cầu hàn gắn - ảnh 3

Ngày 7/2/1995, lá cờ Mỹ lần đầu tiên được kéo lên một cách chính thức tại Văn phòng liên lạc Mỹ (nay là Đại sứ quán Mỹ) trên phố Láng Hạ – Hà Nội. (Ảnh: Hoàng Đình Nam/ AFP)

Kể từ đó, theo lời Bobby Muller, VVAF hoạt động như “đại sứ quán Việt Nam tại Washington”, là nơi truyền tải những yêu cầu, những vấn đề về các hậu quả của cuộc chiến tranh Việt Nam lên quốc hội và chính giới Mỹ.

Bên cạnh kênh cựu chiến binh, các nhà ngoại giao Việt Nam nỗ lực khai thông trở lại các cuộc đối thoại với chính phủ Mỹ, tập trung vào vấn đề lính Mỹ mất tích ở Việt Nam. Đó là một mối quan tâm lớn trong xã hội Mỹ thời đó mà không có bất cứ chính trị gia nào có thể cưỡng lại được.

Bởi vậy, tháng 2/1982, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Richard Armitage bay sang Hà Nội thảo luận với Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch. Ông Armitage còn đến Việt Nam hai lần nữa vào năm 1984 và 1986, cho đến khi các cuộc đàm phán chính thức về bình thường hóa quan hệ được mở lại vào năm 1987.

Đến giữa thập niên 80 của thế kỉ trước, tiến trình bình thường hóa quan hệ hai nước thúc đẩy khi một thế hệ nghị sĩ trẻ từng là cựu chiến binh Việt Nam như John McCain, John Kerry, Bob Kerrey, Chuck Hagel,…bước vào chính trường.

Những nghị sĩ này có nguồn gốc, hoàn cảnh cá nhân khác nhau, tham gia các đảng phái chính trị đối lập, nhưng cùng có mối liên hệ chung: Cuộc chiến tranh Việt Nam, sự kiện đã định hình cả thế hệ của họ và đất nước nơi họ sinh ra và đến giờ vẫn còn để lại những di chứng nặng nề.

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa John McCain là một tù nhân chiến tranh (P.O.W: Prisoner of War), bị giam giữ 6 năm tại Hỏa Lò, Hà Nội sau khi máy bay của ông bị bắn rơi ven hồ Trúc Bạch năm 1967.

Sau này, ông từng tâm sự với Mark Salter, một cố vấn thân cận và là người chắp bút viết cuốn sách tiểu sử của ông, rằng những năm tháng trong phòng giam rộng vài mét vuông ở “Hilton Hà Nội” có lẽ đã “thay đổi hướng đi của cuộc đời tôi theo một cách nào đó, khiến tôi trở thành một con người khác trong mối quan hệ với mọi người xung quanh”.

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ, John Kerry, một luật sư tài năng là cựu lính hải quân trong chiến tranh Việt Nam và bị thương.

Trở về Mỹ với ba tấm huân chương trên ngực áo, cựu trung úy hải quân John Kerry trở thành người tiên phong trong phong trào phản chiến, với bài phát biểu chấn động nước Mỹ tại phiên điều trần Winter Soldier tháng 4/1971 (cuộc điều tra về tội ác của lính Mỹ trong chiến tranh Việt Nam).

Câu chất vấn nổi tiếng: “Làm sao có thể yêu cầu một con người phải chết cho một sai lầm?”, đã được trích dẫn nhiều nhất trong các bài viết về ông.

Kỳ 1: Những người Mỹ nhiều “duyên nợ” với Việt Nam bắc nhịp cầu hàn gắn - ảnh 4
John Kerry trở thành người tiên phong trong phong trào phản chiến, với bài phát biểu chấn động nước Mỹ tại phiên điều trần Winter Soldier tháng 4/1971.

Theo một thống kê, hơn 3 triệu thanh niên Mỹ đã từng tham chiến tại Việt Nam, 321 nghìn người bị thương, 58 nghìn người thiệt mạng. Cho đến giờ, vẫn còn khoảng hơn 250 nghìn cựu chiến binh phải vật lộn với những sang chấn tâm lý.

“Cuộc chiến tại Việt Nam là câu chuyện bi đát trong lịch sử cá nhân và lịch sử Hoa Kỳ. Chúng tôi mong muốn chấm dứt chương lịch sử đen tối đó như một cách để kết thúc cuộc chiến” – ông Vallely lý giải.

Bản thân Thomas Vallely, nguyên hạ nghị sĩ bang Massachusetts (1980 – 1987) cũng đã tham gia đơn vị thủy quân lục chiến đóng tại xã An Hòa, gần thánh địa Mỹ Sơn, Quảng Nam khi mới 18 tuổi.

Gắn bó với ông John Kerry từ những ngày của phiên điều trần Winter Soldier và là giám đốc tranh cử trong cuộc chạy đua vào Quốc hội đầu tiên của ông này năm 1972, ông Vallely trở thành người bạn thân thiết sát cánh cùng ông Kerry trong suốt tiến trình vận động bình thường hóa quan hệ với Việt Nam về sau./.

Kỳ 2: “Bóng ma” POW/MIA, “cuộc chiến” dai dẳng trong lòng nước Mỹ

Một trong những rào cản lớn nhất trong tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai cựu thù là vấn đề tù nhân và lính Mỹ mất tích trong chiến tranh (POW/MIA), từng được nêu lên như điều kiện tiên quyết trong các cuộc đàm phán bình thường hóa quan hệ những năm 1977-1978.

“Bóng ma” của cuộc chiến

Một báo cáo năm 1973 cho rằng có 1.303 lính Mỹ mất tích. Năm 1978, con số được đưa ra là 224 người. Đến năm 1987, con số thống kê chính thức lính Mỹ mất tích là 269 người.

Nhưng nhiều cựu chiến binh và các gia đình có người mất tích từ chối tin vào bất kỳ tuyên bố nào của chính phủ Mỹ. Theo thời gian, những giai thoại được thêu dệt dần lấn át thực tế.

“POW/MIA giống như một “bóng ma” ám ảnh nước Mỹ thời hậu chiến. Những câu chuyện được thêu dệt không một chút bằng chứng nào nhưng lại được lưu truyền rộng rãi trong xã hội Mỹ về việc Việt Nam vẫn còn giam lỏng tù binh sau chiến tranh” – ông Vallely, “cha đẻ” của trường Fulbright, người sát cánh cùng Thượng nghị sĩ John Kerry trong những nỗ lực vận động bình thường hóa quan hệ với Việt Nam nhớ lại.

Trong suốt thập niên 70 và 80 của thế kỉ trước, các bộ phim Rambo góp phần quảng bá rộng rãi hình ảnh về những lán trại trong rừng sâu, nơi những lính Mỹ hốc hác vì đói khát bị giam giữ trong các chuồng cọp.

Tìm kiếm những lính Mỹ mất tích thậm chí còn trở thành một ngành kinh doanh của những kẻ vô lương tìm cách kiếm lời trên nỗi đau và mong ngóng của các gia đình thân nhân lính Mỹ.

“Những nỗ lực giải quyết vấn đề POW/MIA qua 5 đời Tổng thống Mỹ thường xuyên bị chính trị hóa một cách vô vọng” – ông Vallely kể.

Kỳ 2: “Bóng ma” POW/MIA, “cuộc chiến” dai dẳng trong lòng nước Mỹ - ảnh 1
Một buổi lễ hồi hương hài cốt lính Mỹ tại sân  bay Nội Bài ngày 12/4/1994. (Ảnh: Hoàng Đình Nam/ AFP)

Năm 1987, Tổng thống Ronald Reagan chỉ định Đại tướng John Vesey, cựu Tổng Tham mưu trưởng Liên quân làm Đặc phái viên đến Việt Nam giải quyết vấn đề POW/MIA. Ông Vessey sau đó tiếp tục được tái bổ nhiệm vào vị trí này dưới thời Tổng thống Bush (cha) và Clinton.

Trong vai trò của mình, Đại tướng Vessey đã có những đóng góp lớn nhằm giải quyết chướng ngại lớn nhất trong tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ, với sáng kiến Vessey, nhằm mở đường cho hai nước xích lại gần nhau hơn, bao gồm cả việc tìm kiếm người Việt Nam mất tích trong chiến tranh, hay Operation Smile, đưa bác sĩ Mỹ sang mổ cho trẻ em khuyết tật (hở hàm ếch) của Việt Nam.

Mặc dù vậy, những năm đầu, “ông Vessey liên tục bị cản trở bởi nhóm thân cận quanh Tổng thống Reagan”, ông Vallely kể. “Họ muốn kéo dài cuộc chiến thêm một thời gian nữa”.

Bất cứ khi nào Hà Nội tiến gần đến việc hoàn tất những yêu cầu mà phía Mỹ đòi hỏi để bình thường hóa quan hệ, Washington lại tiếp tục đưa ra những đòi hỏi cao hơn.

Tháng 7/1991, một bức ảnh chụp 3 người Mỹ được cho là tù nhân chiến tranh đang bị giam giữ được lan truyền khắp nơi. Thân nhân của những người bị giam giữ lên tiếng xác nhận. Thậm chí, con gái của một đại tá không quân còn lên chương trình “Good Morning America” nói rằng “Đó là bố tôi”.

Mặc dù sau này người ta phát hiện ra sự thực rằng những kẻ lừa đảo người Campuchia đã chỉnh sửa bức ảnh 70 năm tuổi chụp 3 nông dân người Nga, vấn đề POW/MIA một lần nữa thổi bùng lên căng thẳng và bị chính trị hóa cao độ.

Trong cuốn sách “Những người tù của Hy vọng”, tác giả Susan Katz Keating cho biết: một cuộc thăm dò dư luận vào đầu thập niên 90 thế kỉ trước cho thấy 70 phần trăm công luận Mỹ tin rằng tù nhân chiến tranh vẫn đang bị giam giữ đâu đó ở Đông Nam Á.

Thượng nghị sĩ Bob Smith, người chống bình thường hóa quan hệ với Việt Nam kêu gọi mở một cuộc điều tra khác. Ủy ban đặc biệt về vấn đề POW/MIA trực thuộc Thượng viện Mỹ được thành lập.

Kỳ 2: “Bóng ma” POW/MIA, “cuộc chiến” dai dẳng trong lòng nước Mỹ - ảnh 2
John Kerry (phải) bước ra khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam với tư cách một lãnh tụ phản chiến.

Thượng nghị sĩ John Kerry được mời làm Chủ tịch Ủy ban đặc biệt này. Bỏ ngoài tai lời khuyên của thuộc cấp cho rằng một ủy ban như vậy sẽ là “hố sâu chính trị có thể kéo lùi sự nghiệp”, Thượng nghị sĩ Kerry đã nhận lời lãnh đạo Ủy ban này. Bà Frances Zwenig, thư kí của ông John Kerry và sau đó là Giám đốc nhân sự của Ủy ban đặc biệt về POW/MIA kể lại.

Thượng nghị sĩ John McCain cũng được triệu tập tham gia Ủy ban. Trước đó, ông đã từng đến Việt Nam, gặp gỡ các nhà lãnh đạo Hà Nội để hỗ trợ cho các nỗ lực của Tướng Vessey.

“Các nhà lãnh đạo Việt Nam không bao giờ hiểu nổi tại sao lại có những lời cáo buộc họ vẫn còn giam giữ tù nhân bí mật. Hết lần này tới lần khác, họ hỏi tôi: Tại sao chúng tôi phải giam giữ họ chứ?” – ông John MCain nhớ lại.

Hơn ai hết, ông McCain thấu hiểu những khó khăn khi phải thuyết phục các nhà lãnh đạo Việt Nam hợp tác điều tra số phận của vài trăm lính Mỹ mất tích, điều mà Hà Nội không thể làm được cho hàng trăm nghìn người lính mất tích phía mình.

Ông cũng biết rằng những người theo đạo Phật tin rằng khi một thi hài không được chôn cất hay mai táng tử tế thì linh hồn của họ sẽ vĩnh viễn không được siêu thoát. Bởi vậy, số phận của những người con Việt còn mất tích có ý nghĩa quan trọng không kém đối với những gia đình Việt Nam.

Tháo ngòi nổ POW/MIA

“Trước khi Ủy ban đặc biệt được thành lập, người ta dễ dàng tin tưởng ngay lập tức bất kỳ một lời cáo buộc hay câu chuyện nào về POW/MIA dù hoang đường hay ngớ ngẩn tới đâu. Nhưng bằng những nỗ lực bền bỉ của mình, John Kerry đã làm cho người Mỹ dần dần ý thức hơn về thực tế” – ông McCain kể lại với người bạn Mark Salter, tác giả cuốn sách tiểu sử về ông.

Trong suốt hai năm 1991-1992, Thượng nghị sĩ John Kerry đã đến Việt Nam tám lần; giám sát việc kiểm tra hàng ngàn tài liệu và tấm ảnh; lắng nghe điều trần từ các thân nhân người mất tích, các lãnh đạo các tổ chức cựu chiến binh, các nhân viên tình báo và cả những người tham gia đàm phán Hiệp đình hòa bình Paris.

Ông cũng cho triệu tập hàng trăm người, và lần đầu tiên buộc những người đã từng điều hành cuộc chiến tranh phải ra điều trần, trong đó có cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger.

Một trong những chuyến đi đặc biệt ấn tượng đối với ông Kerry, theo ông Vallely kể lại, là cuộc gặp với cố Chủ tịch nước Lê Đức Anh ngày 18/11/1992. Ở thời điểm đó, Chính phủ Mỹ hoài nghi những cáo buộc từ một số tướng lĩnh cũ của Việt Nam Cộng hòa rằng “Việt Nam đang giam giữ một số sĩ quan Mỹ tại thành Hoàng Diệu”.

Tại cuộc gặp, ông Kerry bày tỏ mong muốn được vào thăm Thành cổ Hà Nội, nơi đang là đại bản doanh của Bộ Quốc phòng Việt Nam và công trình ngầm dưới Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trước sự ngạc nhiên của phía Mỹ, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã chấp thuận và mời ông Kerry cùng Thượng nghị sĩ Bob Smith tới thị sát hai nơi này.

“Đó là một quyết định vô cùng nhạy cảm và dũng cảm về mặt chính trị của các nhà lãnh đạo Việt Nam. Không nghi ngờ gì nữa, hành động đó có sức thuyết phục đối với phía Mỹ rằng Việt Nam sẵn sàng và thiện chí hợp tác giải quyết vấn đề POW/MIA” – ông Vallely nhận xét.

Trong mọi cuộc thảo luận của Ủy ban đặc biệt, theo bà Frances Zwenig, ông Kerry luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tất cả các thành viên Ủy ban – cả Dân chủ lẫn Cộng hòa – đều cần ký vào bản báo cáo.

“Ông ấy hiểu rằng, chỉ cần có một hai thượng nghị sĩ không kí là những kẻ cực đoan chống phá bình thường hóa sẽ nhảy bổ vào người đó” – bà Zwenig giải thích.

Kỳ 2: “Bóng ma” POW/MIA, “cuộc chiến” dai dẳng trong lòng nước Mỹ - ảnh 3

Từ năm 1993, một lá cờ Mỹ đã được nhìn thấy treo song song cùng một lá cờ Việt Nam trước cửa công ty tư vấn Vatico (Mỹ) trên phố Nguyễn Khuyến – Hà Nội (Ảnh chụp ngày 6/5/1993) (Ảnh: Hoàng Đình Nam/ AFP)

Bản báo cáo dài 1.223 trang, được Ủy ban công bố ngày 13/1/1993, có chữ ký đồng thuận của tất cả các thành viên. Báo cáo khẳng định “không tìm thấy bằng chứng thuyết phục nào cho thấy bất kỳ người Mỹ nào còn sống sót và bị giam giữ ở Đông Nam Á”.

Kết luận của Ủy ban đặc biệt cuối cùng đã loại trừ được vấn đề tù binh Mỹ bị lãng quên ra khỏi các cuộc tranh cãi chính trị nhưng tiến trình để đi đến kết luận đó cũng có ý nghĩa quan trọng không kém.

Thực chất, Thượng nghị sĩ Kerry và Thượng nghị sĩ McCain đã dẫn dắt những giai đoạn cuối cùng trong quá trình hàn gắn vết thương chiến tranh của nước Mỹ, bằng cách cung cấp một diễn đàn, nơi những câu chuyện cuối cùng chưa được kể của những người chết trong cuộc chiến đã được kể lại.

Trò chơi chính trị vào phút chót

Sau khi Ủy ban Đặc biệt về POW/MIA của Thượng viện hoàn tất những công việc sau cùng, việc kế tiếp sẽ là Tổng thống Mỹ ra quyết định gỡ bỏ cấm vận, tạo điều kiên cho việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.

Khi đó, tất cả đều nghĩ rằng, việc bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ đã nằm trong tầm tay. Nhưng vào phút cuối, ông Bush (cha) đã quyết định gác lại, không kí văn bản. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1992, ông Bush bị một nhóm các nhà hoạt động POW/MIA la hét phản đối.

Có lẽ, như ông Vallely lý giải, ông Bush đã quyết định “để lại đống hỗn độn này cho người kế nhiệm giải quyết. Bill Clinton chưa từng tham chiến, thậm chí còn bị dư luận chỉ trích vì trốn quân dịch, nên ít nhiều sẽ gặp khó khăn trong giải quyết vấn đề POW/MIA, khi đối diện với những gia đình thân nhân lính Mỹ”.

Mang mặc cảm thất hứa với Việt Nam, nhóm nghị sĩ Mỹ tiếp tục nỗ lực vận động tổng thống mới, ông Bill Clinton gỡ bỏ cấm vận và bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.

Đầu nhiệm kỳ, Clinton từng bị các lãnh đạo nhóm cựu chiến binh cảnh cáo không được xuất hiện tại Tượng đài tưởng niệm Cựu binh Việt Nam. Ngay khi nghe được điều này, ông Kerry và ông McCain đã tháp tùng Clinton đến dự sự kiên cho đến phút cuối cùng.

Ngày 11/6/1993, hai tuần sau khi Kerry và McCain trở về từ Việt Nam, hai thượng nghị sĩ ra sức thuyết phục Tổng thống dỡ bỏ cấm vận. Hai ông đưa ra những lý do về kinh tế và địa chính trị cũng như nhấn mạnh vào vấn đề danh dự quốc gia, rằng phía Việt Nam đã thực hiện đầy đủ tất cả những gì mà phía Mỹ yêu cầu trong việc giải quyết vấn đề lính Mỹ mất tích.

Nhưng Thượng nghị sĩ Cộng hòa Bob Smith, phó chủ tịch Ủy ban Đặc biệt, kêu gọi Clinton “đừng để bị mắc lừa” và chống lại việc dỡ bỏ cấm vận.

Kỳ 2: “Bóng ma” POW/MIA, “cuộc chiến” dai dẳng trong lòng nước Mỹ - ảnh 4

Những năm đầu của thập kỷ 90 (thế kỷ trước), tháng nào cũng có những đợt hồi hương hài cốt lính Mỹ được tìm thấy ở Việt Nam. Ảnh chụp một buổi hồi hương hài cốt ngày 8/6/1993  tại sân bay Nội Bài (Ảnh: Hoàng Đình Nam/ AFP)

Một tuần sau, ngày 19/6, Tổng thống Clinton đến Boston để phát biểu tại lễ tốt nghiệp của Đại học Northeastern. Thượng nghị sĩ bang Massachusetts, ông John Kerry, tháp tùng Tổng thống.

“Ông Kerry đã dành toàn bộ thời gian có được với Tổng thống phía sau sân khấu để thuyết phục ông Clinton đồng ý bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Đó là một phần thuyết trình trực diện và có sức thuyết phục mạnh mẽ” – ông Vallely nhớ lại. Nhưng mùa hè và mùa thu năm đó, ông Clinton vẫn không đưa ra cam kết nào.

Tháng 1/1994, hai ông Kerry và McCain đồng bảo trợ một nghị quyết thúc giục Tổng thống gỡ bỏ cấm vận đối với Việt Nam. Một nhóm cựu binh tìm cách chống lại, lôi kéo sự ủng hộ của lãnh đạo đảng Cộng hòa. Nhưng sự bảo trợ của McCain đã thuyết phục 20 thượng nghị sĩ Cộng hòa bỏ phiếu tán thành. Nghị quyết được thông qua với 62/38 phiếu thuận, trao cho Tổng thống “lá chắn chính trị mà ông cần để dỡ bỏ cấm vận”.

Vào ngày 4/2/1994, Tạp chí Time giật tít trang nhất “Clinton tháo bỏ lệnh cấm vận kéo dài 19 năm với Việt Nam”. Phía trên là bức ảnh nổi tiếng thế giới về cuộc chiến Việt Nam: hình ảnh một cô bé trần truồng đang chạy về phía ống kính, giữa những đứa trẻ khác, nhằm chạy thoát khỏi cuộc ném bom napalm năm 1972.

Thế nhưng, những lực cản từ chính trị nội bộ Mỹ vẫn tiếp tục dai dẳng.

Bob Dole, lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện khi đó phát biểu rằng việc dỡ bỏ cấm vận là “một quyết định sai tại một thời điểm sai lầm vì một lý do sai trái”. Mùa Xuân năm 1995, ông ta và Thượng nghị sĩ Phil Gramm giới thiệu một dự luật yêu cầu Clinton không công nhận đầy đủ về mặt ngoại giao đối với Việt Nam.

Ngày 23/5/1995, hai ông Kerry và McCain gặp ông Clinton tại phòng Bầu dục nhằm thuyết phục Tổng thống bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Thượng nghị sĩ McCain đã nói: “Ngài Tổng thống, việc ai ủng hộ hay ai chống cuộc chiến tranh này không còn quan trọng đối với tôi nữa. Tôi đã mệt mỏi với việc phải nhìn lại quá khứ trong nỗi giận dữ rồi. Điều quan trọng hơn cả là giờ chúng ta phải tiến về phía trước”.

Trước sự chứng kiến của nhiều người có mặt hôm đó, Tổng thống dường như bị cảm động bởi những lời tâm huyết của ông McCain dù không đưa ra lời hứa nào, ông Vallely nhớ lại.

Kỳ 2: “Bóng ma” POW/MIA, “cuộc chiến” dai dẳng trong lòng nước Mỹ - ảnh 5
“Ngày hôm nay, tôi tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam”, Tổng thống Bill Clinton tuyên bố ngày 11/7/1995.

Cuối cùng, ngày 11/7/1995, Tổng thống Bill Clinton triệu tập các thành viên chính phủ, các lãnh đạo quân đội, quốc hội, các nhóm cựu chiến binh tới Nhà Trắng.

Đứng trên bục, ông tuyên bố: “Ngày hôm nay, tôi tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Khoảnh khắc này đem lại cho chúng ta cơ hội để khép lại những vết thương quá khứ. Những vết thương này đã âm ỉ quá lâu. Giờ đây chúng ta có thể tiến về phía trước trên một nền tảng chung. Hãy để chúng ta bỏ lại đằng sau những gì từng chia rẽ chúng ta trước kia. Hãy để khoảnh khắc này, như lời kinh thánh nói, là thời khắc để hàn gắn, và thời khắc để dựng xây tương lai”.

Kỳ 3Việt Nam – khởi nguồn một tình bạn lạ kỳ của hai ông John

Đối với người Việt Nam, cố Thượng nghị sĩ John McCain và Thượng nghị sĩ John Kerry luôn được tôn kính và nhớ đến như những người đi đầu trong nỗ lực bình thường hóa quan hệ giữa hai cựu thù.

Hai thượng nghị sĩ đến từ hai đảng đối lập, từng ở thế đối địch nhau khi mới bước chân vào chính trường.

Nhưng sau cùng, mối liên hệ mang tính cá nhân và hết sức đặc biệt của họ với Việt Nam lại trở thành sợi dây gắn kết cựu trung úy hải quân Kerry và cựu tù binh Hỏa Lò McCain trong một mục tiêu chung: hàn gắn quá khứ để bước tới tương lai.

Một tình bạn lặng lẽ nhưng sâu đậm đã nảy nở giữa họ trong suốt hành trình dài đầy chông gai đó mà mỗi lần nhắc tới, những người chứng kiến như ông Thomas Vallely, một người bạn cố tri của John Kerry vẫn thấy rưng rưng xúc động.

Hai người khách đặc biệt của Hilton Hà Nội

Một ngày cuối tháng 5/1993, cũng là ngày lễ tưởng niệm những binh sĩ Mỹ đã tử nạn trong quân ngũ (Memorial Day), có hai thượng nghị sĩ Mỹ được tháp tùng đến thăm một nhà tù ở ngay trung tâm Hà Nội. Đó là một khối nhà thấp màu nâu trầm, với hai cánh cổng lúc nào cũng khép kín và dường như tách biệt hẳn với những dòng người sôi động lại qua.

Đó là nhà tù Hỏa Lò, mà người Mỹ thường goi là Hilton Hà Nội, nơi từng giam giữ các phi công Mỹ bị bắn rơi trong chiến tranh Việt Nam.

Ngày hôm đó, một trong những cựu phi công từng bị giam tại Hỏa Lò đã trở lại nơi đây lần đầu tiên. Người đó là John McCain, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa của bang Arizona.

Kỳ 3: Việt Nam – khởi nguồn một tình bạn lạ kỳ của hai ông John - ảnh 1
Thượng nghị sỹ John McCain (phải) và Hạ nghị sỹ Pete Peterson (trái) (sauu này là Đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam sau chiến tranh) thăm nhà tù Hỏa Lò (Hilton hotel) vào tháng 6/1993 (Ảnh: Hoàng Đình  Nam/ AFP)

Tháng 10/1967, máy bay của phi công hải quân John McCain bị bắn rơi ven hồ Trúc Bạch. Ông McCain trở thành khách của Hilton Hà Nội gần 6 năm, cho đến tháng 3/1973 khi toàn bộ các tù binh được trao trả cho phía Mỹ như cam kết trong Hiệp định Paris.

Người đi cùng McCain hôm đó tới thăm Hỏa Lò là ông John Kerry, một thượng nghị sĩ Dân chủ của bang Massachusetts. Ông Kerry, cũng là một cựu lính hải quân trong chiến tranh Việt Nam, khi đó là chủ tịch Ủy ban đặc biệt về vấn đề POW/MIA của Thượng viện Mỹ (ông McCain đứng đầu nhóm thành viên Cộng hòa trong ủy ban này).

Họ đến Hà Nội để thảo luận với các nhà lãnh đạo Việt Nam về vấn đề tìm kiếm lính Mỹ mất tích trong chiến tranh.

Họ bước theo một hành lang dài, hẹp và tối và đứng trước ngưỡng cửa phòng giam ông McCain, một căn phòng rộng chừng 5m2.

Sau này, ông Kerry từng kể lại với bạn mình về khoảnh khắc đặc biệt ấy. “Tôi vẫn nhớ bầu không khí im lặng lúc đó. Tôi nhớ rất rõ cảm giác như chỉ có mình chúng tôi ở đó. Có những người khác ở xung quanh chúng tôi nhưng họ dường như đã tan biến vào không gian, và chỉ còn mình chúng tôi đứng đó. Tôi vẫn còn nhớ mình đã cảm thấy sợ hãi biết bao khi cảm nhận được những gì mà người đàn ông này đã trải qua ở nơi này”.

Kỳ 3: Việt Nam – khởi nguồn một tình bạn lạ kỳ của hai ông John - ảnh 2

Thượng nghị sỹ John Kerry nhận từ tay Giám đốc bảo tàng quân đội Việt Nam chiếc mũ phi công của John McCain (Ảnh: Hoàng Đình  Nam/ AFP)

Hai người đàn ông với quá khứ chiến tranh khác nhau, đã lần đầu tiên đối mặt và trò chuyện với nhau về những ký ức mà họ muốn quên đi.

“Ông ấy kể cho tôi nghe cách ông ấy giao tiếp với người bạn tù ở phòng kế bên bằng cách gõ lên tường như thế nào. Ông ấy nói rằng họ biết một số cựu chiến binh đã đứng lên và nói rằng cuộc chiến tranh Việt Nam là một sai lầm. Họ biết điều gì đang xảy ra bên ngoài kia” – ông Kerry kể lại.

Sự kiện mà McCain nói đến chính là phong trào phản chiến gây chấn động nước Mỹ đầu năm 1971. Hơn một nghìn cựu chiến binh vừa trở về từ Việt Nam đã tụ tập tại khu vực gần tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Thủ đô Washington DC để phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam.

Họ đã ném những huân chương và ruy-băng mà họ đã nhận được nhờ chiến đấu ở Việt Nam lên bậc thềm tòa Quốc hội.

Viên cựu sĩ quan hải quân, lãnh tụ phong trào phản chiến khi đó chính là John Kerry, người vừa trở về từ Việt Nam. Tháng 4 năm đó, cựu trung úy Kerry ra điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, vạch trần những sai trái của cuộc chiến với bài phát biểu chấn động nước Mỹ.

Mỗi ngày, một ai đó phải hi sinh mạng sống để nước Mỹ không phải thừa nhận điều mà cả thế giới đã biết, để chúng ta không phải nói rằng chúng ta đã mắc sai lầm. Ai đó phải chết để Tổng thống Nixon, như lời ông ta nói, sẽ không phải là “tổng thống đầu tiên thua một cuộc chiến”.

Chúng tôi kêu gọi người dân Mỹ hãy nghĩ về điều đó, bởi vì làm thế nào mà các bạn có thể yêu cầu một người thanh niên phải là người cuối cùng chết cho một sai lầm?”.

Kỳ 3: Việt Nam – khởi nguồn một tình bạn lạ kỳ của hai ông John - ảnh 3
John Kerry (phải), người vừa trở về từ Việt Nam, trở thành lãnh tụ phong trào phản chiến.

Nhưng đối với McCain, một người sinh ra trong gia đình có truyền thống quân nhân, và lòng tin như nhất vào lý tưởng phụng sự tổ quốc, hành động ném huân chương của Kerry không khác gì một sự phản bội.

Năm 1984, 13 năm sau sự kiện phản chiến ở Đồi Capitol, ông John McCain, trong tư cách Thượng nghị sĩ bang Arizona, đã đến Massachusetts để tiến hành vận động tranh cử cho đối thủ của ông Kerry trong cuộc chạy đua vào Thượng viện. Tại đây, ông công khai chỉ trích hành động ném huân chương của Kerry năm đó.

Tình bạn âm thầm

Thượng nghị sĩ John McCain có thể chưa bao giờ thay đổi quan điểm về sự tham gia của ông Kerry trong phong trào phản chiến năm xưa, nhưng ông đã thay đổi suy nghĩ của mình về cá nhân người đàn ông này.

Thoạt nhìn, họ là hai con người vô cùng khác biệt, từ ngoại hình tới tính cách và cả hệ tư tưởng. Kerry là một nhân vật Dân chủ có tư tưởng tự do, trong khi McCain được xem là điển hình cho những giá trị truyền thống của Cộng hòa.

Nếu như Kerry bước ra khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam với tư cách một lãnh tụ phản chiến thì McCain lại được xem như một trong số ít những người hùng thực thụ.

Và hai con người tưởng như ở hai phía đối lập đó, cuối cùng đã xích lại gần nhau khi họ quyết định sát cánh bên nhau cho một mục tiêu chung: Thúc đẩy bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, để thực sự khép lại cuộc chiến đã để lại nhiều nỗi đau cho cá nhân họ và cho nước Mỹ.

Kỳ 3: Việt Nam – khởi nguồn một tình bạn lạ kỳ của hai ông John - ảnh 4

Thượng nghị sỹ John Kerry phát biểu với báo giới sau hội đàm với Thứ trưởng Bộ ngoại giao Lê Mai ngày 16/11/1992 tại Nhà khách Chính phủ (Ảnh: Hoàng Đình Nam/ AFP)

Năm 1991, Ủy ban Đặc biệt về các vấn đề POW/MIA của Thượng viện được thành lập. Thượng nghị sĩ John Kerry được mời làm Chủ tịch ủy ban còn ông McCain là thủ lĩnh nhóm các thành viên Cộng hòa.

Hành trình kề vai sát cánh giải quyết bóng ma POW/MIA – nỗi ám ảnh của nước Mỹ hàng thập kỉ đã dẫn đến một tình bạn kì lạ nhất trên chính trường nước Mỹ. Đó không bao giờ là một tình bạn kiểu vồ vập, nồng nhiệt, xét theo tính cách kín đáo và giữ kẽ của ông John Kerry, nhưng những sự kiện xảy ra đã cho thấy mối dây liên hệ giữa họ sâu sắc đến mức nào.

“Tôi rất thích ông ấy. Chúng tôi hòa hợp với nhau về quan điểm trong nhiều việc. Sự thực là ở Thượng viện, bạn hầu như chẳng thực sự chơi với ai cả. Nhưng khi chúng tôi cùng nhau đến Việt Nam, chúng tôi đã trò chuyện rất nhiều” – ông McCain kể.

Trong suốt hai năm hoạt động của Ủy ban đặc biệt về POW/MIA, hai người đàn ông này, theo mô tả của ông Vallely, luôn “che chắn, chống đỡ cho nhau” trong cuộc chiến chính trị khốc liệt xoay quanh vấn đề người Mỹ mất tích.

“Mỗi ngày, ai đó lại cố gắng hủy hoại những thành quả vừa đạt được. Và mỗi ngày, hai người đàn ông này bảo vệ cho nhau…và điều đó đã làm nảy sinh một tình bạn bền chặt”.

Thượng nghị sĩ Ted Kennedy cũng đồng tình với quan sát này của ông Vallely: “Kerry và McCain đã sát cánh cùng nhau ở thời điểm mà các thành viên khác trong ủy ban này chỉ tìm cách thỏa mãn cảm xúc của đám đông. Và bởi vậy, những kẻ chỉ trích đã lên án họ rất nặng nề”.

Kỳ 3: Việt Nam – khởi nguồn một tình bạn lạ kỳ của hai ông John - ảnh 5
Thượng nghị sỹ John Kerry và Quyền Ngoại trưởng Trần Quang Cơ tại một cuộc hội đàm ngày 15/5/1993 (Ảnh: Hoàng Đình Nam/ AFP)

Những nhóm cựu binh cực hữu còn đi xa hơn khi cáo buộc John McCain là “Việt gian”, bị “Việt cộng tẩy não” trong thời gian ở tù. Một số thượng nghị sĩ và nhân chứng cũng tấn công McCain dữ dội tại các phiên điều trần của Ủy ban.

Bà Frances Zwenig, Giám đốc Nhân sự của Ủy ban kể lại, trong những thời khắc khó khăn đó, khi ông Kerry và ông McCain ngồi cạnh nhau trên bục dành cho các thượng nghị sĩ, ông Kerry thường kín đáo đặt tay mình lên cánh tay McCain một lúc lâu, một cử chỉ thầm lặng nhằm bày tỏ sự ủng hộ lẫn nhau một cách tuyệt đối.

Sau này, ông McCain nói rằng ông thấy “biết ơn khi Kerry đã làm vậy”.

Năm 1992, khi các phiên điều trần và thảo luận của Ủy ban gần đi tới kết luận cuối cùng thì McCain chuẩn bị tái cử. Mùa thu năm đó, ông có chuyến công du tới Việt Nam và trở về vào cuối tuần. Đối thủ phía Đảng Dân chủ đã công kích chuyến đi của ông McCain như một hành động đánh bóng cá nhân thuần túy.

Từng là nạn nhân của các cuộc công kích tương tự, ông Kerry đã ngay lập tức tập hợp các thành viên của ủy ban, Dân chủ cũng như Cộng hòa để thảo chung một lá thư bảo vệ cho ông McCain. Mùa bầu cử năm đó, ông McCain đã chiến thắng.

Tháng 1 năm 1993, báo cáo kết luận của Ủy ban được công bố với chữ kí của toàn bộ các thành viên Dân chủ và Cộng hòa khẳng định “không tìm thấy bằng chứng thuyết phục nào cho thấy bất kỳ người Mỹ nào còn sống sót và bị giam giữ ở Đông Nam Á”.

Thế nhưng, mãi một năm sau, Tổng thống Bill Clinton mới ra quyết định dỡ bỏ cấm vận đối với Việt Nam và một năm rưỡi sau Mỹ mới bình thường hóa quan hệ hoàn toàn với cựu thù.

Sở dĩ như vậy vì ông Clinton gặp phải nhiều lực cản nội bộ trong khi bản thân ông lại có quá khứ trốn nghĩa vụ quân sự gây tranh cãi, khiến Tổng thống rơi vào tình thế lưỡng nan khi ra quyết định về một vấn đề nhạy cảm như bình thường hóa quan hệ với cựu thù Việt Nam.

Kỳ 3: Việt Nam – khởi nguồn một tình bạn lạ kỳ của hai ông John - ảnh 6
Tổng thống Clinton được người dân chào đón khi tới thăm khu vực Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội (Ảnh: Hoàng Đình Nam/ AFP)

Một lần nữa, hai thượng nghị sĩ tên John lại tiếp tục sát cánh bên nhau trong cuộc chiến đấu loại bỏ những rào cản chính trị cuối cùng trên con đường bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.

Tháng 1/1994, hai ông Kerry và McCain đồng bảo trợ một nghị quyết thúc giục Tổng thống gỡ bỏ cấm vận đối với Việt Nam. Nghị quyết được thông qua với 62/38 phiếu thuận, trao cho Tổng thống “lá chắn chính trị mà ông cần để dỡ bỏ cấm vận”.

Nhưng thực chất, chính uy tín tuyệt đối của ông Kerry và McCain, một là đại diện cho những người quyết tâm nói lên sự thực về chiến tranh Việt Nam và một là người anh hùng quân đội trở thành nhân vật hàn gắn, mới đem lại lá chắn chính trị thực sự cho Clinton, ông Vallely nhận xét.

Vào ngày 11/7/1995, sau khi tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam, Tổng thống Bill Clinton đã quay ngay sang người đàn ông đứng kế bên, Thượng nghị sĩ John McCain. Họ bắt đầu bắt tay nhau, nhưng rồi ôm chầm lấy nhau đầy xúc động. Người kế tiếp Tổng thống Clinton ôm hôn là Thượng nghị sĩ John Kerry.

Vượt qua các lằn ranh ý thức hệ, hai người đàn ông này đã xây dựng được mối quan hệ hợp tác lưỡng đảng hiệu quả, dựa trên một nền tảng chung, đó là “những trải nghiệm về sự mất mát, nỗi đau và cay đắng đã định hình nên thế hệ những người Mỹ chiến đấu trong cuộc chiến ở Việt Nam và những người đấu tranh chống lại cuộc chiến đó”, ông Thomas Vallely nhận xét.

Kỳ 4: Đi để học từ “kẻ thù” quá khứ

“Khi tôi nói với cha tôi, một cựu chiến binh Việt Nam rằng tôi sẽ đến Mỹ để lấy bằng thạc sĩ. Cha tôi hỏi: “Con muốn làm gì ở đó khi họ là kẻ thù lâu đời của chúng ta?”, ông Nguyễn Thiện Nhân kể lại.

Một trong những Ủy viên Bộ Chính trị Việt Nam, đương nhiệm là Bí thư Thành ủy TP.HCM, ông Nguyễn Thiện Nhân đã kể lại câu chuyện của cá nhân ông với những sinh viên rất trẻ của trường ĐH Fulbright tại TP. HCM vào tháng 9/2018, khi lễ khai giảng khóa cử nhân đầu tiên được mở.

Tôi giải thích với cha tôi rằng: Cha ơi, chúng ta là kẻ thù trong quá khứ nhưng con không nghĩ chúng ta sẽ là kẻ thù trong tương lai. Con muốn biết lý do tại sao họ rất thành công trong phát triển kinh tế và công nghệ khoa học và chúng ta có thể hợp tác với họ vào một ngày nào đó.

Cách tốt nhất để hợp tác là ở đó, như những người bạn và là đối tác của nhau. Con sẽ không quên nhiệm vụ quốc gia của mình. Một ngày sau, cha tôi nói: Được rồi, con hãy đến Mỹ và cho cha biết con học được những gì.

Sau đó, tôi đến Mỹ để học và tôi không bao giờ hối hận về điều đó”, ông Nguyễn Thiện Nhân kể lại.

Kiến tạo tương lai từ hợp tác giáo dục

Nếu như POW/MIA giải quyết câu chuyện hậu quả của cuộc chiến, nhằm thực sự “khép lại quá khứ” chiến tranh đau buồn thì các sáng kiến hợp tác giáo dục ngay từ đầu những năm 90 như chương trình Học bổng Fulbright và Trường Fulbright đã góp phần kiến tạo tương lai khi giúp đào tạo những thế hệ lãnh đạo và cán bộ quản lý cho Việt Nam trong suốt thời kỳ Đổi mới.

Các nhà lãnh đạo hiện tại của Việt Nam như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đều từng theo học những chương trình này.

Người đứng sau những sáng kiến hợp tác giáo dục quan trọng này là ông Thomas Vallely, Giám đốc Chương trình Việt Nam tại Đại học Harvard, cựu binh thủy quân lục chiến trong chiến tranh Việt Nam.

Nhiều người Việt Nam thường gọi ông bằng cái tên thân mật “Tommy”, còn báo chí gọi ông là “ông bầu Fulbright”.

Kỳ 4: Đi Mỹ để học từ “kẻ thù” quá khứ - ảnh 1
Từ phải sáng trái: Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, ông Thomas Vallely, Đại sứ Nguyễn Trung Thành, Thượng nghị sĩ John Kerry và Đại sứ Nguyễn Vũ Tú chụp ảnh tại Đại học Harvard năm 1995. Nhóm cán bộ ngoại giao trẻ khi ấy được ông Vallely tuyển chọn và đưa sang học Trường Quan hệ Quốc tế và Ngoại giao Fletcher, Đại học Tufts, theo Chương trình học bổng Fulbright (Ảnh do ông Thomas Vallely cung cấp)

“Lần đầu tiên đến Việt Nam, tôi chỉ biết cầu nguyện để mau chóng được trở về nhà. Lần thứ hai đến Việt Nam, kể từ đó, tôi dường như chưa thực sự quay về Mỹ”. Ông Vallely nói về chuyến thăm đã đánh thức những mối quan tâm sâu hơn của ông đối với mảnh đất nơi ông đã từng cầm súng một thời trai trẻ, đã từng xem những người bạn của ông sau này từng có lúc là… kẻ thù.

Năm 1985, Vallely khi đó là hạ nghị sĩ bang Massachusetts có mặt trong đoàn cựu chiến binh Mỹ trở lại thăm Việt Nam vào đúng dịp kỉ niệm 10 năm kết thúc chiến tranh. Thượng nghị sĩ John Kerry, người bạn thân thiết với Vallely khi đó bận nên không thể thu xếp tham gia chuyến đi này.

“Tôi được gặp cố thứ trưởng ngoại giao Lê Mai và tôi rất ấn tượng. Tôi quan tâm đến Việt Nam” – ông kể.

Khi Đại học Harvard mời Vallely về làm việc, ông từ chối chức vụ được đề nghị khi đó nhưng nói rằng mình sẽ nhận lời nếu có bất cứ chương trình nào liên quan đến Việt Nam.

Kết quả, là Chương trình Việt Nam (Vietnam Program) được thành lập ở Đại học Harvard từ năm 1986.

Đó là chương trình nghiên cứu sớm nhất về Việt Nam hiện đại ngay từ giai đoạn Việt Nam đổi mới trong các trường đại học hàng đầu ở Mỹ thời bấy giờ.

“Chương trình Việt Nam” đã đóng vai trò như một chất xúc tác, nơi tổ chức các hoạt động nghiên cứu, đào tạo và tư vấn chính sách với mục tiêu kép là thúc đẩy sự hiểu biết giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cũng như giúp Việt Nam hội nhập thành công vào nền kinh tế toàn cầu.

Thomas Vallely làm Giám đốc Chương trình Việt Nam suốt từ đó đến nay.

Nhóm cố vấn Harvard giữa lòng Hà Nội

Đầu năm 1989, Thomas Vallely trở lại Việt Nam lần thứ hai. Đi cùng ông có Giáo sư Dwight Perkins, lúc đó là Giám đốc Viện Phát triển Quốc tế Harvard. Việt Nam thời bấy giờ mới bắt đầu tiến trình Đổi mới và đang đương đầu với một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng.

Ấn tượng của nhóm Harvard về Hà Nội thuở ấy là “các kệ hàng trống trơn, khách sạn hầu như không hoạt động và các con đường toàn người đi xe đạp, hãn hữu lắm có vài chiếc xe Jeeps chạy qua”, Vallely nhớ lại.

Kỳ 4: Đi Mỹ để học từ “kẻ thù” quá khứ - ảnh 2
Giáo sư Dwight Perkins, Giáo sư David Dapice trong một buổi ăn tối với Tiến sĩ Lưu Bích Hồ, cố viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ông Lê Đức Thúy, thành viên trong đoàn tham quan khảo sát về kinh tế thị trường ở Đông Á năm 1991 (về sau ông Lê Đức Thúy sang trường Quản lý Hành chính Nhà nước Kennedy Harvard học Thạc sĩ Hành chính Công và là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2 nhiệm kì). (Ảnh do ông Thomas Vallely cung cấp)

Những vết thương chiến tranh với Mỹ đã cản trở bất kỳ khả năng hợp tác nào, trong khi “hầu như có rất ít người hiểu biết về kinh tế học để chúng tôi có thể nói chuyện được” – Giáo sư Perkins kể.

Giáo sư Perkins ấn tượng mãi với chia sẻ của ông Nguyễn Cơ Thạch, khi ấy là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (chức vụ tương đương với Phó Thủ tướng).

Ông Thạch kể ông đã phải dịch sang tiếng Việt cuốn “Kinh tế học” của Paul Samuelson để giúp các nhà lãnh đạo Việt Nam hiểu về các khái niệm cơ bản của kinh tế thị trường – bất kỳ điều gì để tìm ra con đường thoát khỏi hiện trạng đổ nát hoang tàn thời hậu chiến.

Nhờ sự ủng hộ và thu xếp của ông Nguyễn Cơ Thạch, nhóm học giả Harvard đươc tạo điều kiện nghiên cứu bất kỳ vấn đề kinh tế quan trọng nào (nông nghiệp và công nghiệp là hai trọng tâm nghiên cứu ban đầu) và chỉ cần báo cáo kết quả nghiên cứu lên Ủy ban Kế hoạch Nhà nước.

Kỳ 4: Đi Mỹ để học từ “kẻ thù” quá khứ - ảnh 3

Giám đốc Chương trình Việt Nam tại Harvard, ông Thomas Vallely và Giáo sư Dwight Perkins, Giám đốc Viện Phát triển Quốc tế Harvard thảo luận với ông Nguyễn Cơ Thạch, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng trong chuyến thăm của đoàn giáo sư Harvard năm 1989. Ông Nguyễn Cơ Thạch là người tạo điều kiện để nhóm học giả Harvard tiến hành các nghiên cứu về Việt Nam mà kết quả là cuốn “Theo dấu rồng bay” nổi tiếng. (Ảnh do ông Thomas Vallely cung cấp)

Những kết quả nghiên cứu đầu tiên được tập hợp thành cuốn “Theo dấu Rồng bay”, xuất bản vào năm 1994, trong đó các tác giả ứng dụng lý thuyết kinh tế thị trường để giải thích ý nghĩa của những cân đối kinh tế cơ bản trong nền kinh tế “định hướng thị trường” ở Việt Nam, từ đó đề xuất những chính sách về kinh tế vĩ mô với hoài bão là Việt Nam sẽ tận dụng những tiềm năng quý báu của mình để “hóa rồng” như kinh nghiệm của một số con rồng ở Đông Á.

Trước sự ngạc nhiên của nhóm học giả Harvard, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã thực sự lắng nghe những lời khuyên của họ. Cuốn sách được dịch ra tiếng Việt và “được nhiều nhà lãnh đạo cấp cao chuyền tay đọc”, theo lời Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung.

“Các nhà lãnh đạo Việt Nam mong muốn đất nước không chỉ thoát nghèo nàn, mà còn sớm công nghiệp hóa, hiện đại hóa” – ông Trung kể lại.

Theo dấu Rồng bay” đã thực sự có “đóng góp nổi bật vào tiến trình đổi mới”, nguyên Bộ trưởng Nông nghiệp Cao Đức Phát, người tham gia hỗ trợ nhóm nghiên cứu nhận xét.

Nhưng có lẽ, những nỗ lực giáo dục mà chương trình Việt Nam của Harvard đã triển khai mới để lại dấu ấn lâu dài hơn cả. Trong những năm 1990 và 1991, Thomas Vallely và David Dapice (một nhà kinh tế khác của Viện Phát triển Quốc tế Harvard) đã tổ chức hai chuyến tham quan, khảo sát cho các bộ trưởng phụ trách kinh tế và nhiều quan chức cấp cao khác của Việt Nam đến Indonesia, Hàn Quốc, Đài Loan và Thái Lan, những nền kinh tế Đông Á đang tăng trưởng bùng nổ khi đó để học hỏi về kinh tế thị trường.

Mỗi khi thành viên trong đoàn bắt gặp điều gì họ thích thú, họ hỏi ngay lập tức “chúng tôi có thể làm được điều này bằng cách nào?”, Vallely nhớ lại.

Các buổi trao đổi, theo lời kể của Tiến sĩ Dapice, xoay quanh nhiều chủ đề, từ các nguyên lý vận hành kinh tế thị trường, vai trò của giáo dục và tổ chức của xã hội hiện đại, cho đến những đối thoại thẳng thắn về những vấn đề mà các nhà lãnh đạo Việt Nam rất quan tâm như tiền bạc và quyền lực có mối quan hệ ra sao, tham nhũng xảy ra như thế nào.

Trong các thành viên tham gia chuyến học tập ngày ấy có ông Phan Văn Khải, người trở thành Thủ tướng Việt Nam từ năm 1997 đến năm 2006, một trong những nhà cải cách, nhà kỹ trị có đóng góp quan trọng trong thời kỳ đất nước mở cửa.

Kỳ 4: Đi Mỹ để học từ “kẻ thù” quá khứ - ảnh 4

Cố Thủ tướng Phan Văn Khải tham dự diễn đàn tại Trường Quản lý Hành chính Nhà nước Kennedy nhân chuyến thăm Mỹ tháng 6 năm 2005, chuyến thăm chính thức đầu tiên của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam kể từ khi kết thúc chiến tranh. Ông Khải lúc sinh thời nói rằng mình là học trò của Harvard. (Ảnh do ông Thomas Vallely cung cấp)

Sau này, cố Thủ tướng Phan Văn Khải từng chia sẻ, ông đã học hỏi được rất nhiều, đặc biệt về nền kinh tế thị trường chỉ qua các buổi gặp gỡ, trao đổi này với nhóm giáo sư Harvard.

“Những kiến thức đó, tôi đã áp dụng thành công trong thời kỳ đương nhiệm, góp phần đưa đất nước phát triển”, ông Khải phát biểu trong buổi lễ trao bằng tốt nghiệp cho những thạc sĩ chính sách công khóa đầu tiên của Trường Fulbright năm 2010.

“Đốt đuốc tìm người tài”

Cũng trong những năm đầu thập niên 1990, các sáng kiến hợp tác giáo dục chính thức giữa hai nước bắt đầu thành hình nhờ những nỗ lực vận động của hai Thượng nghị sĩ John Kerry và John McCain (Đây cũng là hai nhân vật dẫn dắt quá trình giải quyết vấn đề POW/MIA mở đường cho tiến trình bình thường hóa Việt – Mỹ đã được đề cập ở những kỳ trước).

Trong dự luật ngân sách 1991, Thượng nghị sĩ John Kerry, cùng với sự hỗ trợ của các cựu binh khác như Thượng nghị sĩ John McCain,Thượng nghị sĩ Bob Kerrey…đã thuyết phục để đưa được một khoản 300.000 USD cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam, theo Chương trình Học bổng mang tên Thượng nghị sĩ William Fulbright. Sau đó, Harvard góp thêm 300.000 USD nữa.

Lúc đó, vì Mỹ và Việt Nam chưa khôi phục quan hệ ngoại giao, nên nhóm cố vấn Harvard, đứng đầu là Thomas Vallely, được giao trọng trách tìm kiếm và tuyển chọn những sinh viên Việt Nam lứa đầu tiên đưa sang Mỹ du học, bắt đầu từ năm 1992. Mãi cho đến năm 1997, sau khi Mỹ đã mở đại sứ quán tại Hà Nội, việc tuyển chọn và cấp học bổng Fulbright mới được chuyển giao về cho cơ quan này.

Những người nhận học bổng Fulbright các thế hệ đầu tiên vẫn nhớ cách tuyển chọn kỹ lưỡng theo kiểu “đốt đuốc tìm người tài” của “Tommy” như cách họ trìu mến gọi Thomas Vallely.

Ngoài những ứng viên mà Vallely đã có dịp làm việc cùng trong thời gian tiến hành dự án nghiên cứu của Harvard và đưa các quan chức Việt Nam đi học tập về kinh tế thị trường như Cao Đức Phát, Lê Đức Thúy…ông còn nhờ bạn bè Việt Nam giới thiệu những người mà họ thấy có tiềm năng trong hệ thống nhà nước.

Kỳ 4: Đi Mỹ để học từ “kẻ thù” quá khứ - ảnh 5

Giám đốc Chương trình Việt Nam tại Harvard, ông Thomas Vallely và Giáo sư Dwight Perkins, Giám đốc Viện Phát triển Quốc tế Harvard trong một buổi trò chuyện với Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười (sau  này là Tổng Bí thư) trong chuyến thăm Việt Nam năm 1990. (Ảnh do ông Thomas Vallely cung cấp)

Tiến sĩ Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), một người bạn lâu năm từng làm việc chặt chẽ với nhóm cố vấn Harvard giai đoạn đầu chia sẻ bản thân ông từng được Tommy nhờ cậy giới thiệu những ứng viên như vậy.

Mỗi khi nhận được đề cử, Tommy thường đến tận nơi những người đó làm việc, dành thời gian nói chuyện với họ – Tiến sĩ Lưu Bích Hồ nhớ lại.

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn kể rằng năm 1995, Tommy từng về tận đồng bằng Sông Cửu Long để gặp ông, khi đó đang là một cán bộ nghiên cứu trẻ, để thuyết phục ông ứng tuyển vào chương trình học bổng Fulbright. Mãi sau này Tiến sĩ Sơn mới biết ông được ông Cao Đức Phát giới thiệu với Tommy.

Chưa từng gặp nhau bao giờ, song ông Phát vô cùng ấn tượng với người cán bộ trẻ này khi đọc cuốn sách “Hệ thống canh tác ĐBSCL” của ông Sơn.

Nhưng điều khiến ông Sơn nhớ mãi là khi ông xin rút khỏi chương trình sau mấy tháng học tại Đại học Harvard vì thấy không phù hợp, chính Tommy lại “chạy đôn chạy đáo” dàn xếp để ông Sơn thi chuyển tiếp sang học ngành chính sách nông nghiệp ở Đại học Stanford.

Những thế hệ Fulbrighters do Tommy tuyển chọn và đưa sang Mỹ học, về sau đều nắm giữ các vị trí quan trọng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ khu vực nhà nước đến các doanh nghiệp tư nhân. Họ đã có nhiều đóng góp cho đất nước ở giai đoạn quan trọng nhất của thời kì Đổi mới, khi góp phần định hình những tư duy và cách làm hiện đại.

“Những gì tôi đã được học ở Harvard năm đó thực sự hữu ích, nhất là về mặt tư duy chính sách”, ông Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhớ lại.

Trở về Việt Nam năm 1995, ông Phát được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp. Ông là người có công lớn trong việc xóa bỏ thế độc quyền của nhà nước trong xuất khẩu nông sản ra thị trường thế giới, nhờ đó góp phần tăng thu nhập bình quân của khu vực nông thôn lên 1/3.

Năm 1993, cùng thời điểm ông Cao Đức Phát sang Harvard học về chính sách công thì ông Nguyễn Thiện Nhân, nay là Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh cũng lên đường sang Đại học Oregon theo chương trình học bổng Fulbright. Ông Nhân khi đó là giảng viên Đại học Bách khoa TP.HCM.

“Đây là những người muốn Việt Nam trở thành một đất nước hiện đại. Nhưng họ cũng không muốn đó là một phiên bản của Mỹ — họ hiểu đất nước mình cần gì” – Thomas Vallely nhận xét.

Lẽ dĩ nhiên, việc ứng dụng những khái niệm mới, tư duy mới từ Mỹ vào bối cảnh đặc thù của Việt Nam chưa bao giờ là một việc dễ dàng, Vallely thừa nhận. “Trong hệ thống của Việt Nam vẫn có những người lo sợ rằng những ý tưởng mới mà họ học được từ Mỹ có thể thay đổi Việt Nam quá nhanh.

Nhưng mặt tích cực là, Việt Nam có được một khuôn khổ tư duy chính sách đúng để hội nhập thành công vào nền kinh tế toàn cầu”.

Kỳ 5 : “Phòng thí nghiệm” của nhịp cầu Việt – Mỹ

Khi những sinh viên Việt Nam đầu tiên như ông Cao Đức Phát, Nguyễn Thiện Nhân, Lê Đức Thúy, Phạm Bình Minh…đang theo học tại Mỹ thì ở TP. Hồ Chí Minh, Thomas Vallely cũng bắt đầu hành trình kiến tạo một trong những di sản quan trọng bậc nhất trong hợp tác giáo dục Việt – Mỹ: Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, tiền thân của Đại học Fulbright Việt Nam sau này.

Bằng việc đưa các phân tích kinh tế – chính sách chuẩn mực quốc tế vào các thách thức phát triển ở Việt Nam, trường Fulbright đã góp phần ươm tạo các thế hệ lãnh đạo – hơn 1.400 cựu học viên – trong chính phủ, các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, các tổ chức học thuật trên khắp cả nước – những tổ chức đang “khát” nhân tài được đào tạo bài bản, trong bối cảnh nền kinh tế thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ngôi trường mang tên Fulbright giữa trung tâm Sài Gòn

Mong muốn ban đầu của Vallely và nhóm cố vấn Harvard là thiết lập sự hiện diện tại Hà Nội. Tuy nhiên, vào đầu thập niên 90, khi hai nước còn chưa bình thường hóa quan hệ ngoại giao thì đề nghị trên quá táo bạo về mặt chính trị.

Thomas Vallely được những người bạn Việt Nam như ông Phan Văn Khải khuyên nên chuyển hướng về TP. Hồ Chí Minh, khi đó đang được xem như “phòng thí nghiệm” của các ý tưởng cải cách để từ đó nhân rộng ra cả nước.

Năm 1994, Thượng nghị sĩ John Kerry, Thượng nghị sĩ John McCain, Thượng nghị sĩ Bob Kerrey…là những người đi đầu vận động Quốc hội Mỹ thông qua việc phân bổ tiền từ Quỹ Học bổng Fulbright để thành lập một trường đào tạo cao học tại TP. Hồ Chí Minh.

Đại học Kinh tế TP.HCM được chọn để hợp tác cùng Chương trình Việt Nam, Đại học Harvard thành lập Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (viết tắt là FETP, hay được gọi là trường Fulbright).

Năm 1994, cơ sở đào tạo của FETP được khởi công xây dựng tại khu đất Võ Thị Sáu, quận 3, với số vốn 1.750.000 USD tài trợ của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Kỳ 5: “Phòng thí nghiệm” của nhịp cầu Việt - Mỹ - ảnh 1

Ông Thomas Vallely và Giáo sư Drew Faust, Chủ tịch Đại học Harvard tại Trường Fulbright tháng 3 năm 2017. Bà Drew Faust là Chủ tịch Harvard đầu tiên đến thăm Việt Nam. Ảnh: Lê Anh Tuấn/ FUV.

Khi mới bắt đầu, FETP tổ chức các khóa đào tạo một năm về kinh tế học, mô phỏng chương trình giảng dạy của Trường Harvard Kennedy, với mục tiêu đơn giản là dạy những kiến thức cập nhật nhất về kinh tế thị trường cho cán bộ nhà nước, phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Các giảng viên kì cựu được huy động từ những trường đại học hàng đầu của Mỹ – trong số đó có Giáo sư Perkins, người đứng lớp một khóa học mô phỏng lớp về Kinh tế Phát triển Đông Á của ông ở Harvard, Giáo sư Dapice (Đại học Tufts), và Giáo sư James Riedel (Đại học John Hopkins)…với sự giúp sức của nhóm trợ giảng người Việt.

“Khi đó, chúng tôi dạy các khóa kinh tế học tân cổ điển theo đúng cách mà bạn sẽ học ở Harvard. Chúng tôi sử dụng sách giáo khoa Mỹ và không thực sự kết nối những gì chúng tôi giảng dạy với các vấn đề chính sách công ở Việt Nam thời bấy giờ” – Thomas Vallely kể lại.

Phải mất 5-6 năm sau, theo ông Vallely, khi Trường đã xây dựng thành công đội ngũ giảng viên người Việt bao gồm những chuyên gia có tiếng như Vũ Thành Tự AnhNguyễn Xuân Thành,…các vấn đề thực tiễn sinh động của Việt Nam mới được lồng ghép vào chương trình đào tạo.

Có những môn học đặc trưng chỉ có ở Fulbright như Tiếp thị địa phương, Thẩm định dự án đầu tư, Mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường…

“Ở những nền kinh tế phát triển, những vấn đề này không nóng bỏng và có nhiều tính thời sự. Nhưng trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang chuyển đổi và bước vào giai đoạn đòi hỏi cải cách quyết liệt, những khái niệm và kiến thức mới này trở nên hết sức quan trọng” – Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh giải thích.

Kỳ 5: “Phòng thí nghiệm” của nhịp cầu Việt - Mỹ - ảnh 2
Thượng nghị sĩ John Kerry trò chuyện với các giảng viên vầ sinh viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright. Ông là người có công vận động để Chính phủ Mỹ tài trợ khoản ngân sách xây dựng và hỗ trợ Trường Fulbright hoạt động trong suốt hai thập kỷ (Ảnh: Lê Anh Tuấn – FUV)

Ông Phan Chánh Dưỡng, giảng viên môn Tiếp thị địa phương của Trường Fulbright, một môn học dạy học viên cách thức làm thế nào để thúc đẩy đầu tư và phát triển kinh tế địa phương.

Bằng những trải nghiệm sâu sát thực tế của một người tham gia sáng lập khu chế xuất Tân Thuận, khu chế xuất đầu tiên của cả nước đầu những năm 1990, và sau này là khu đô thị Phú Mỹ Hưng, từ một vùng đầm lầy hoang vu trở thành trung tâm kinh tế – tài chính phồn thịnh của TP.HCM ngày nay, ông Dưỡng đã biến mỗi giờ học thành những cuộc thảo luận sôi nổi về những tình huống và câu hỏi mà mỗi học viên đối mặt trong thực tiễn công việc của họ.

Nếu như ở trường Harvard Kennedy, các khóa học tập trung vào lý thuyết và xây dựng các mô hình để cố gắng tìm hiểu cách thức vận hành của thế giới thì ở đây, học viên luôn trăn trở với những vấn đề mà Việt Nam phải đối mặt – làm thế nào để bạn tìm ra giải pháp, làm thế nào bạn đến được đó?” – Ông Dưỡng nhận xét.

Một trong những cựu học viên chương trình Đào tạo cao cấp của FETP những khóa đầu tiên, ông Nguyễn Xuân Phúc, trong thời gian làm lãnh đạo Quảng Nam những năm 2000, đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét với các chính sách và sáng kiến phát triển kinh tế vùng, mà nổi bật là Khu kinh tế mở Chu Lai và thành phố Hội An.

Ông Thomas Vallely nhớ lại, nhóm giảng viên Fulbright được ông Phúc mời đến thăm Quảng Nam và chia sẻ tầm nhìn biến Hội An, khi ấy vẫn còn vắng khách, trở thành một điểm đến sống động.

Lúc đó, Quảng Nam cũng dự định xây một nhà máy nhiệt điện than. Giáo sư David Dapice đã góp ý thẳng thắn với người học trò cũ rằng: “Ông chỉ có thể chọn hoặc du lịch, hoặc nhiệt điện. Quảng Nam không thể vừa có Hội An như ông muốn, vừa có nhà máy nhiệt điện”.

Giờ đây, Hội An đã trở thành điểm đến du lịch được toàn thế giới biết đến. Còn người chủ tịch tỉnh Quảng Nam năm xưa, nay đã là Thủ tướng Chính phủ.

Thúc đẩy cải cách

Hơn hai mươi năm cải cách mở cửa, Việt Nam đã thay đổi rất nhiều. Trường Fulbright cũng vậy – theo cách mà các giảng viên của Trường dấn thân ngày càng sâu hơn vào quá trình giải quyết các thách thức lớn mà Việt Nam phải đối mặt.

Kỳ 5: “Phòng thí nghiệm” của nhịp cầu Việt - Mỹ - ảnh 3

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh cùng ông Thomas Vallely nhân chuyến thăm Đại học Harvard. Ông Phúc là cựu học viên khóa đầu tiên của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright năm 1994 khi còn là một cán bộ trẻ đầy triển vọng của tỉnh Quảng Nam (Ảnh: FUV)

Đầu năm 2008, một bầu không khí thỏa mãn và lạc quan bao trùm ở Việt Nam. Sau hơn 20 năm Đổi Mới với thành tích tăng trưởng cao, rất nhiều người dân đã thoát khỏi cảnh đói nghèo và gia nhập tầng lớp trung lưu.

Vốn đầu tư nước ngoài ồ ạt đổ vào Việt Nam, thị trường chứng khoán bùng nổ. Với tư cách một quốc gia, Việt Nam ngày càng nhận được sự nể trọng và có ảnh hưởng lớn hơn trong cộng đồng quốc tế.

Trong bối cảnh đó, bản phân tích chính sách “Lựa chọn thành công” của nhóm tác giả là các học giả Đại học Harvard và Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP) được công khai, tạo hiệu ứng bùng nổ trong giới hoạch định chính sách và công chúng nói chung.

Lựa chọn Thành công” cảnh báo khẩn thiết về nguy cơ hiện hữu ngày một rõ của “chủ nghĩa tư bản thân hữu” ở Việt Nam. Nói cách khác, sự xuất hiện của các nhóm đặc quyền được hưởng đặc lợi từ việc giữ nguyên trạng thái hiện tại làm cho quá trình hoạch định chính sách bị biến dạng và thiếu động cơ tiếp tục cải cách.

Kỳ 5: “Phòng thí nghiệm” của nhịp cầu Việt - Mỹ - ảnh 4
Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương tham dự Diễn đàn Đối thoại Chính sách cấp cao VELP tại Harvard tháng 12 năm 2019 do Đại học Fulbright Việt Nam phối hợp với Đại học Harvard tổ chức. (Ảnh: FUV)

Bằng các phân tích và dẫn chứng số liệu thuyết phục, nhóm tác giả không ngần ngại chỉ rõ nếu Việt Nam thất bại trong việc xây “bức tường lửa” cách ly quyền lực kinh tế khỏi quyền lực chính trị, đất nước sẽ “mắc kẹt” trong bẫy thu nhập trung bình.

Từ đó, nhóm khuyến nghị một khuôn khổ chính sách phát triển kinh tế – xã hội cho Việt Nam trong giai đoạn 2011-2020.

Những đánh giá và cảnh báo của nhóm học giả Harvard và trường Fulbright, không có gì ngạc nhiên, đã “gây sốc” cho cả hệ thống khi đó, nhất là khi Việt Nam không ngớt nhận được những lời ngợi ca của các nhà tài trợ như Ngân hàng Thế giới, các ngân hàng đầu tư, và báo chí quốc tế.

Chỉ vài tháng sau, những cảnh báo của nhóm tác giả đã thành hiện thực. Các doanh nghiệp nhà nước, như phân tích của nhóm Fulbright, đã tận dụng “mối quan hệ khăng khít” với các ngân hàng nhà nước và lãnh đạo đảng, say sưa vay mượn tràn lan và bành trướng ra ngoài ngành kinh doanh cốt lõi để lao vào bất động sản và các hoạt động đầu cơ khác, góp phần đẩy lạm phát lên tới 23% vào năm 2008.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra nửa cuối năm 2008, kéo theo suy thoái sau đó đã khiến tốc độ tăng trưởng của Việt Nam rớt xuống mức thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng mà các con rồng châu Á đã duy trì trong suốt hơn ba thập niên.

Những “ông lớn nhà nước” một thời từng được coi là “cú đấm thép” của nền kinh tế, điển hình như Vinashin, Vinalines rơi vào cảnh thua lỗ, đứng trước bờ vực phá sản, trong khi các doanh nghiệp tư nhân thì èo uột từ trước bởi sự cạnh tranh không lành mạnh của các doanh nghiệp nhà nước.

Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chỉ bằng 1/3 so với Trung Quốc và bằng một phần lẻ mức thu nhập bình quân của Hàn Quốc và Đài Loan (thậm chí còn thua xa những nước Đông Nam Á ít thành công hơn như Thái Lan và Indonesia) – những nơi mà các nhà lãnh đạo Việt Nam đã đến tham quan, học hỏi hơn hai mươi năm trước với sự háo hức và khát vọng lặp lại bài học thành công của họ.

Tiếng nói ngược dòng

Nhiều người lo lắng trường Fulbright có thể gặp rắc rối vì những phản biện quá thẳng thắn, thậm chí có phần “đụng chạm” vào những vấn đề nhạy cảm. Nhưng những nhà lãnh đạo đã từng biết hoặc làm việc với nhóm Fulbright đều không xa lạ với phong cách phản biện trực diện nhưng mang tinh thần tích cực và xây dựng.

Ông Thomas Vallely, Giám đốc Chương trình Việt Nam tại Đại học Harvard, người sáng lập Trường Fulbright định nghĩa công thức tạo nên sự khác biệt và thành công của các phản biện chính sách mà Trường đã theo đuổi trong hơn hai thập kỷ vừa qua, đó là: nghiên cứu chất lượng cao + phê bình chính sách theo cách có thể ứng dụng được.

Các nghiên cứu chính sách của Fulbright không được viết để đăng trên tạp chí kinh tế học. Nếu bạn viết cho một tạp chí kinh tế học, không ai ở Việt Nam có thể hiểu được bạn đang nói về cái gì bởi vì nó không khác gì một bài toán.

Bạn phải viết và phân tích vấn đề để làm sao dễ hiểu nhất với đại chúng. Bạn phải hiểu vấn đề và viết thành một cái gì đó có thể thực hiện được cho một quan chức chính phủ, cán bộ đảng để họ có thể nắm bắt rõ vấn đề và thực thi các giải pháp” – ông Vallely giải thích.

Một trong những ví dụ sống động về ảnh hưởng tích cực của tinh thần phê bình mang tính xây dựng mà Fulbright đã tạo dựng với giới làm chính sách ở Việt Nam hay được ông Thomas Vallely chia sẻ là việc Chính phủ Việt Nam đã bắt đầu nới lỏng các quy định đối với hệ thống viễn thông vào giữa những năm 90 của thế kỷ trước.

“Ngày nay, các bạn trẻ có thể dễ dàng nhấc điện thoại lên, vào facebook, và họ nghĩ rằng chúng hoạt động một cách tự động. Nhưng thực ra không phải thế. Các bạn có thể dễ dàng tiếp cận với Internet là bởi vì Việt Nam đã quyết định thực hiện điều mà chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ.

Khuyến nghị của chúng tôi sau các nghiên cứu ấy là: Hãy để hệ thống viễn thông vẫn do nhà nước sở hữu nhưng phải có cạnh tranh. Tôi nhớ là nghiên cứu ấy ra đời khi mà trường Fulbright là một trong số ít trường được tiếp cận với Internet, và lúc ấy chính phủ đang đắn đo về chính sách phổ cấp Internet ở Việt Nam”.

Kỳ 5: “Phòng thí nghiệm” của nhịp cầu Việt - Mỹ - ảnh 5

: Ông Thomas Vallely bắt tay bà Charlene Barshefky, Đại diện Thương mại Mỹ thời kì đàm phán Hiệp định Thương mại  Việt – Mỹ tới thăm Trường Fulbright (Ảnh: FUV)

Mặc dù trong nội bộ còn nhiều tranh cãi, Chính phủ đã thực sự cân nhắc nghiêm túc khuyến nghị của họ. Năm 1995, Viettel chính thức trở thành nhà cung cấp dịch vụ viễn thông thứ hai ở Việt Nam, cạnh tranh trực tiếp với VNPT.

Cuộc cạnh tranh dù chỉ giữa các công ty nhà nước với nhau cũng đã giúp thay đổi hoàn toàn diện mạo thị trường viễn thông, khiến cho Internet trở nên rẻ hơn, dễ tiếp cận và được kết nối rộng rãi khắp đất nước.

Giờ đây, Việt Nam trở thành nước có độ phủ Internet thuộc nhóm cao nhất ở khu vực Đông Nam Á với 58 triệu dân sử dụng Internet. Việt Nam cũng là một trong những thị trường viễn thông có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới liên tục trong suốt 10 năm qua.

“Chúng tôi biết rằng không phải lúc nào góp ý của mình cũng được tiếp thu, nhưng chí ít chúng tôi đã đóng vai trò nhất định trong cuộc tranh luận về chính sách. Và điều tuyệt vời về Việt Nam là họ thích chúng tôi làm việc đó”, ông Vallely chia sẻ.

Sau khi “Lựa chọn thành công” ra mắt, Chính phủ Việt Nam đã quyết định “bật đèn xanh” cho một kênh đối thoại cởi mở và thường xuyên hơn về những vấn đề cải cách hóc búa mà đất nước phải đối mặt. Kết quả là Chương trình Lãnh đạo Quản lý Cao cấp Việt Nam (VELP) ra đời cuối năm 2008, với tài trợ từ Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc.

Kể từ đó đến nay, VELP đã đưa các nhà lãnh đạo và hoạch định chính sách cấp cao của Việt Nam, thường được dẫn đầu bởi một phó thủ tướng hoặc ủy viên bộ chính trị, sang Harvard Kennedy và dành một tuần để thảo luận với các chuyên gia hàng đầu thế giới về những xu hướng và vấn đề tác động đến sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam.

Kỳ cuối: Khi Thủ tướng Việt Nam “đặt hàng” tới Harvard

Một ngày đầu năm 2005, Thomas Vallely, Giám đốc Chương trình Việt Nam tại Đại học Harvard nhận được cuộc điện thoại đặc biệt từ người bạn lâu năm, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải: “Tommy, tôi muốn đến thăm Harvard”.

Ông Khải cũng chính là người đóng vai trò chủ chốt trong việc thành lập Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, hay còn gọi là Trường Fulbright tại TP.HCM, một dấu nối quan trọng để xây từng viên gạch hợp tác giữa hai cựu thù trong thời kì khó khăn nhất của quan hệ Việt – Mỹ khi còn cấm vận.

Họ quen biết nhau từ năm 1990 khi ông Khải, với vai trò là người đứng đầu Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, tham gia các chuyến tham quan học hỏi mô hình kinh tế Đông Á do Vallely tổ chức.

“Khi đó, ông Khải chuẩn bị có chuyến thăm lịch sử đến Mỹ với tư cách Thủ tướng Việt Nam đầu tiên kể từ khi kết thúc chiến tranh. Ông ấy bảo tôi: “Tommy, tôi muốn đến thăm Harvard, nhờ Harvard giúp chúng tôi xây dựng trường đại học”. Vậy là tôi sắp xếp chuyến thăm cho ông ấy”, Vallely nhớ lại.

Khi ấy, người sáng lập Trường Fulbright, Thomas Vallely không thể hình dung chuyến thăm này chính là khởi đầu cho hành trình xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế đầu tiên ở Việt Nam, được truyền cảm hứng bởi những giá trị truyền thống của giáo dục khai phóng kiểu Mỹ, khiến ông cùng các cộng sự miệt mài theo đuổi trong suốt hơn một thập niên về sau.

“Từ Tuyệt vọng tới Triển vọng”

Ngày 24/6/2005 là ngày Chủ tịch Đại học Harvard, Giáo sư Lawrence H. Summers đón tiếp một vị khách đặc biệt: Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải. Chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ lần đầu tiên của một nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam kể từ khi hai nước kết thúc chiến tranh và bình thường hóa quan hệ đã thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế.

Câu chuyện của Thủ tướng Phan Văn Khải với Chủ tịch Harvard Lawrence H. Summers không chỉ dừng ở Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, một chương trình hợp tác giữa Trường Quản lý Nhà nước Kennedy thuộc Đại học Harvard và Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, nơi đã đào tạo hàng trăm cán bộ quản lý cho các cơ quan chính phủ và địa phương kể từ khi Việt Nam bắt đầu đổi mới kinh tế.

Ông Khải chủ động đề cập một tầm nhìn rộng lớn hơn, đó là đặt vấn đề nhờ Harvard, với kinh nghiệm và uy tín của một trường đại học số một thế giới, sẽ giúp Việt Nam xây dựng một trường đại học đẳng cấp quốc tế ở Việt Nam và dành cho người Việt Nam.

Kỳ cuối: Khi Thủ tướng Việt Nam “đặt hàng” tới Harvard - ảnh 1
Thủ tướng Phan Văn Khải trao đổi với Chủ tịch Harvard Lawrence H. Summers tại Đại học Harvard ngày 24/6/2005. Người ngồi sau Chủ tịch Harvard phiên dịch là Giám đốc Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright Nguyễn Xuân Thành (Ảnh: Thomas Vallely cung cấp)

Khi đó, các nhà lãnh đạo đất nước thực sự sốt ruột với những yếu kém, trì trệ của hệ thống giáo dục đại học quốc gia. Nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh chóng và trên đà hội nhập quốc tế của Việt Nam đang khát cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, nhưng các trường đại học chưa đáp ứng được nhu cầu bức thiết này.

Dù có đến hàng trăm trường đại học, nhưng Việt Nam không có một trường đại học nào có chất lượng được công nhận ở khu vực hay quốc tế.

Mặc dù, đúng như Vallely đã cảnh báo trước, “Harvard sẽ không mở chi nhánh ở nước nào cả vì họ muốn duy trì uy tín”, nhưng ban lãnh đạo Harvard “sẵn sàng tư vấn và hỗ trợ Việt Nam trong việc quản lý giáo dục đại học”, xuất phát từ mối quan hệ hợp tác bền chặt đã được gây dựng từ năm 1994 thông qua Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright.

Dưới sự sắp xếp của Thomas Vallely, ông Phan Văn Khải được mời tham dự một buổi thuyết trình mang tên ”Giáo dục Đại học ở Việt Nam: Từ Tuyệt vọng tới Triển vọng” do Giáo sư Henry Rosovsky, một nhà lãnh đạo giáo dục nổi tiếng từng phụ trách phát triển hệ đại học của Harvard trình bày.

Giáo sư Rosovsky đưa ra một vài gợi ý về cách thức các nước đang phát triển như Việt Nam có thể xây dựng hệ thống giáo dục đại học thành công.

“Ông Khải hỏi Rosovsky: Thế nào là một trường đại học đẳng cấp quốc tế? Rosovsky đã trả lời rằng: Đó là sự kết nối với thế giới. Họ phải biết rõ những gì người khác đang làm trong cùng lĩnh vực của mình, dù là ở Harvard, Stanford hay Thanh Hoa.

Vấn đề của Việt Nam, như Giáo sư Hoàng Tụy từng chỉ ra, là Việt Nam luôn chỉ tự so sánh với chính mình, từ khoa học, y dược đến mọi ngành khác. Muốn trở nên xuất sắc thì anh phải kết nối được và tự so sánh mình với thế giới”, Vallely kể.

Kỳ cuối: Khi Thủ tướng Việt Nam “đặt hàng” tới Harvard - ảnh 2
Nhóm thành viên Fulbright cùng đoàn đại biểu Việt Nam và Thủ tướng Phan Văn Khải chụp ảnh lưu niệm bên tượng John Harvard (Ảnh: Thomas Vallely cung cấp)

Sau chuyến thăm, một nhóm đặc trách do Thomas Vallely dẫn đầu đã thực hiện các nghiên cứu, phân tích quan trọng về việc làm thế nào để Việt Nam có thể xây dựng được trường đại học đẳng cấp quốc tế.

Bản báo cáo mang tên “Giáo dục Đại học – Cao đẳng Việt Nam: Khủng hoảng và đối phó” của nhóm tác giả Harvard ra đời năm 2009 không chỉ mô tả chính xác thực trạng yếu kém và tụt hậu ngày càng xa hơn của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam so với khu vực, chỉ ra những căn nguyên dẫn tới cuộc khủng hoảng này mà còn đưa ra những đề xuất cải cách táo bạo.

“Nếu không có cải cách khẩn cấp và căn bản đối với hệ thống giáo dục đại học – cao đẳng, Việt Nam sẽ không đạt được đúng mức tiềm năng to lớn của mình”; báo cáo cảnh báo.

Mặc dù cải cách quản lý sâu rộng là chìa khóa cho việc cải thiện giáo dục đại học Việt Nam, nhưng nhóm tác giả cũng thừa nhận rằng “đổi mới các cơ sở giảng dạy ở bất cứ đâu đều là một quá trình lâu dài”.

Bởi vậy, Thomas Vallely và các cộng sự đề xuất rằng “Việt Nam phải xây dựng một cơ sở giáo dục đại học hoàn toàn mới mà ngay từ khi bắt đầu đã phải có được sự quản lý tốt ngay trong gien thể chế của mình. Một nỗ lực như vậy sẽ có tác động mang tính biến đổi đối với giáo dục đại học Việt Nam”.

Kỳ cuối: Khi Thủ tướng Việt Nam “đặt hàng” tới Harvard - ảnh 3
Các sinh viên chương trình cử nhân ĐH Fulbright trong lớp học Nhập môn Kỹ thuật (Ảnh: FUV cung cấp cho VietTimes)

Nói cách khác, cơ sở giáo dục đại học mới này sẽ đóng vai trò như một “cuộc thử nghiệm mô hình quản trị”, với môi trường tự do học thuật và tự chủ về cơ chế quản trị, tương tự như mô hình của các đại học tinh hoa trên thế giới.

“Từ vài văn bản đề xuất đó, lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam đặt vấn đề với chúng tôi: Tại sao các ông không thử làm đi? Chúng tôi đã bắt đầu ý tưởng xây trường đại học đẳng cấp quốc tế theo cách như vậy” – Vallely nhớ lại.

Gần một thập niên “hào hứng lẫn e ngại”

Vào thời điểm mà rất nhiều thứ khác ở Việt Nam đang được nhìn nhận, đánh giá lại, bản đề xuất đó đã đem đến “cả sự hào hứng lẫn e ngại” khi được đặt trên bàn của các nhà lãnh đạo Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, một thành viên nòng cốt trong nhóm sáng lập Đại học Fulbright nhận xét.

Giống như Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright trước đó, Đại học Fulbright Việt Nam khi ấy có thể xem như một thách thức mới với một hệ thống chủ yếu được xây dựng trên nền tảng những trường đại học công lập hiện có và những cơ sở tư thục vì lợi nhuận, vốn bị trì kéo bởi cơ chế quản lý tập trung hóa cao độ, thiếu trách nhiệm giải trình và động lực cạnh tranh.

Ý tưởng về một cơ sở giáo dục đại học có tự do học thuật và cơ chế quản trị độc lập theo mô hình Mỹ, do đó, được xem là táo bạo trong bối cảnh chính trị – xã hội Việt Nam khi ấy.

Suốt nhiều năm sau đó, bằng các mối quan hệ thân thiết với chính giới ngoại giao hai nước, đặc biệt cùng các bạn bè của ông là Thượng nghị sĩ John Kerry – sau đó là Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Thượng nghị sĩ John McCain cùng nhiều cựu binh Mỹ, Thomas Vallely đã nỗ lực vận động để ý tưởng xây dựng một đại học kiểu Mỹ ở Việt Nam chính thức hiện diện trên bàn nghị sự trao đổi giữa hai nước.

Tháng 7/2013 đánh dấu một bước ngoặt trong hành trình theo đuổi giấc mơ xây trường đại học đẳng cấp quốc tế của những người bạn Mỹ – Việt với chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Trong Tuyên bố chung về Quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Barack Obama lần đầu tiên đề cập đến sáng kiến này. Dòng chữ trong Tuyên bố chung ghi rõ: “Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Obama ghi nhận thành công của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hoan nghênh sáng kiến thành lập trường Đại học Fulbright ở Việt Nam”.

Kỳ cuối: Khi Thủ tướng Việt Nam “đặt hàng” tới Harvard - ảnh 4
Tổng thống Barack Obama cùng các thành viên Việt Nam trong nhóm sáng lập Đại học Fulbright (Ảnh: Nhà Trắng)

Bên lề chuyến thăm quan trọng này, Thomas Vallely và bạn, cựu Thượng nghị sĩ Bob Kerrey, khi đó là Chủ tịch Đại học New School (trụ sở tại New York), đã tổ chức một bàn tròn thảo luận về chủ đề: Việt Nam cần làm gì để có một đại học độc lập ưu việt, với sự tham dự của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận tại khuôn viên trường New School (New York).

Vào thời điểm đó, New School nổi lên trong giới đại học Mỹ như một cơ sở giáo dục đại học đổi mới với nhiều ý tưởng cải cách sáng tạo, được dẫn dắt bởi ông Bob Kerrey. Ông Bob Kerrey cũng là một cựu binh trong chiến tranh Việt Nam và từng sát cánh cùng John Kerry, John McCain trong các nỗ lực vận động bình thường hóa quan hệ ngoại giao.

Năm 2000, ông Kerrey và ông John Kerry đồng bảo trợ một dự luật thành lập Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) từ khoản tiền trả nợ công của chính quyền Sài Gòn mà chính phủ Việt Nam kế thừa để cung cấp các học bổng cao học về khoa học và kỹ thuật cho sinh viên Việt Nam.

“Cũng từ đây, lộ trình thành lập Đại học Fulbright Việt Nam đã được hai bên thống nhất” – Thomas Vallely kể.

Tháng 5/2016, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama chính thức tuyên bố sự ra đời của Đại học Fulbright Việt Nam, “trường đại học độc lập, không vì lợi nhuận đầu tiên của Việt Nam – nơi sẽ mang đến tự do học thuật và cấp học bổng cho những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn”.

Ông Obama tin rằng “những người trẻ tuổi xứng đáng được theo học những chương trình đẳng cấp quốc tế ngay tại Việt Nam”.

Sứ mệnh kiến tạo đổi mới

Một nhà ngoại giao Việt Nam từng nhận xét, dự án Đại học Fulbright giống như một lăng kính phản chiếu quan hệ Việt – Mỹ, khi mỗi bước tiến của dự án này luôn gắn liền với những bước tiến trong quan hệ song phương. Sự gia tăng tin cậy chính trị giữa hai nước được xem là nền tảng quan trọng giúp cho ý tưởng về một trường đại học kiểu Mỹ không còn có vẻ đáng sợ như lúc đầu.

Kỳ cuối: Khi Thủ tướng Việt Nam “đặt hàng” tới Harvard - ảnh 5
Các thạc sĩ chương trình Chính sách Công trong lễ tốt nghiệp (Ảnh: Đại học Fulbright))

Cũng giống như sự ra đời của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright hơn hai thập kỉ trước, Đại học Fulbright là kết quả của những thay đổi trong nhận thức và tầm nhìn của các nhà lãnh đạo Việt Nam về sứ mệnh của giáo dục.

“Các nhà lãnh đạo Việt Nam biết rõ những vấn đề của hệ thống giáo dục hiện tại. Họ hiểu rằng, đã đến lúc phải thay đổi nếu không giáo dục sẽ là nút thắt cổ chai đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước” – bà Đàm Bích Thủy, Chủ tịch sáng lập Đại học Fulbright Việt Nam giải thích.

“Bước ra từ một hệ thống nặng về học thuộc lòng, tầm chương trích cú, họ không thể nghĩ và hình thành chính kiến của mình đối với bất kỳ vấn đề nào. Họ có bảng điểm đẹp, nhưng họ không có kỹ năng giải quyết vấn đề khi đối mặt với thực tế công việc” – bà Thủy nhận xét về khả năng phản biện và sáng tạo của các sinh viên tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Thiện Nhân (Bí thư Thành ủy TP.HCM, người từng là Bộ trưởng Giáo dục) chia sẻ quan điểm này: “Văn hóa đặt câu hỏi là chìa khóa cho sự đổi mới. Vì thế, Đại học Fulbright được kì vọng như một người tiên phong, kiến tạo những đổi mới trong giáo dục đại học, bắt đầu từ cách tiếp cận của giáo dục khai phóng “dạy sinh viên cách nghĩ, cách học và cách sống”.

Nhưng để hiện thực hóa khát vọng trở thành trường đại học mang tầm ảnh hưởng dẫn dắt ấy, Đại học Fulbright, theo người sáng lập Thomas Vallely, sẽ không thể là “một phiên bản sao chép của Harvard hay bất kỳ trường đại học Mỹ nào khác”.

Vallely tin rằng, cũng giống như cách Đại học Thanh Hoa hơn 100 năm trước được xây dựng từ nguồn tài trợ của Mỹ, nhưng sau cùng đã trở thành trường đại học tinh hoa – tài sản tri thức của Trung Quốc; Fulbright cũng phải “bắt rễ sâu sắc vào xã hội Việt Nam bằng cách đảm bảo rằng chương trình giảng dạy, nghiên cứu của nó đáp ứng được những đòi hỏi của xã hội Việt Nam”.

Kỳ cuối: Khi Thủ tướng Việt Nam “đặt hàng” tới Harvard - ảnh 6
Ông Thomas Vallely, Chủ tịch Hội đồng tín thác Đại học Fulbright Việt Nam trao đổi với Tiến sĩ Douglas Elmendorf, Hiệu trưởng Trường Kennedy, Đại học Harvard tại trụ sở Đại học Fulbright nhân dịp kỉ niệm 25 năm quan hệ hợp tác giữa Harvard và Trường Fulbright (Ảnh: Đại học Fulbright)

25 năm trước, Thomas Vallely cùng những người bạn tâm huyết Việt – Mỹ đã cùng nhau xây dựng Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright Việt Nam với mục tiêu đào tạo những kiến thức tốt nhất, cập nhật nhất về kinh tế thị trường cho các thế hệ lãnh đạo và quản lý khi Việt Nam mới chập chững đổi mới.

Hơn hai thập kỷ sau, người cựu binh năm xưa lại tiếp tục hành trình mới, xây dựng Đại học Fulbright Việt Nam, nơi kiến tạo những thế hệ có hiểu biết, tầm nhìn và năng lực giải quyết những thách thức của tương lai.

Đã ngoài 70 tuổi, vừa trải qua một cuộc phẫu thuật, nhưng Thomas Vallely vẫn tất bật bay đi bay về giữa hai bờ đại dương.

Ý thức được sự truy đuổi ráo riết của thời gian, song người cựu binh già vẫn lạc quan bởi ông đã tập hợp được một đội ngũ những người Việt tài năng và tâm huyết, những người cùng chia sẻ khát vọng tạo dựng một di sản giáo dục ý nghĩa cho Việt Nam trong tương lai./.

Nguồn: Viettimes