Tình cảnh trớ trêu của các ngành khoa học do người TQ sáng lập

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Sái Văn | Lược dịch: Nguyễn Hải Hoành

Trong số hơn 3000 ngành khoa học hiện có trên thế giới, chỉ có khoảng 30 là do người Trung Quốc sáng lập. Hầu hết các khoa học này xuất hiện trong thập niên 1970-80 sau khi “Cách mạng văn hóa” kết thúc –– một thời kỳ được ghi vào sử sách với cái tên “Mùa xuân khoa học”. Nhưng ngày nay, sau hơn 30 năm, những kết tinh trí tuệ do người Trung Quốc đóng góp cho thế giới ấy lại đang lâm vào cảnh ngộ trớ trêu: hoặc là mất dần theo thời gian, hoặc chỉ người sáng lập nắm giữ được, hoặc trở thành thứ vô bổ về học thuật, bị các lực lượng khoa học dòng chính xếp xó.

Ngày 21/07/1981, tại đại hội toàn quốc “Toán học Mờ” (模糊数学) họp ở trường Đại học Sư phạm Bắc Kinh, ông Sái Văn (Cai Wen 蔡文,sinh 1942) giảng viên toán ĐH Công nghiệp Quảng Đông giới thiệu lý thuyết “Phân tích Vật nguyên” (物元分析). Đại hội nhiệt liệt hoan nghênh tư duy sáng tạo của Sái Văn dùng ký hiệu hình thức hóa để giúp máy móc giải quyết vấn đề mâu thuẫn. Được nhà toán học Ngô Học Mưu giúp đỡ, hai năm sau, tạp chí “Học báo Khám phá khoa học” đăng bài báo của Sái Văn, tuyên cáo sự ra đời một ngành khoa học do người Trung Quốc sáng lập –– “Khả Thác Học” (可拓学,  tiếng Anh: extenics].

Trên đây là một phác họa thời kỳ phục hưng khoa học Trung Quốc sau “Cách mạng Văn hóa”, khi tư tưởng con người được giải phóng. Thế nhưng lửa đom đóm rốt cuộc chưa thể đốt cháy cánh đồng. Ngày nay [2008], sau bao năm chịu tác động liên tục của khoa học và hệ giá trị phương Tây, sự lấn lướt của làn sóng hàng hóa thị trường, phần lớn các kết tinh trí tuệ ấy của người Trung Quốc đang rơi vào cảnh ngộ trớ trêu –– hoặc là mất dần theo thời gian, hoặc chỉ người sáng lập là còn nắm giữ được, hoặc trở thành thứ vô bổ về học thuật, bị các lực lượng khoa học dòng chính xếp xó.

Rõ ràng đây là một nghịch lý, một nan đề đối với một quốc gia đang nóng lòng tiến lên hàng ngũ cường quốc KHKT thế giới.

Nhà sáng lập cô đơn 

Nhà toán học Ngô Học Mưu (Wu Xue-Mou吴学谋; sinh 1935) là người sáng lập học thuyết “Phân tích Phiếm hệ” [泛系分析, Pansystems theory, 1976 sáng lập]. Hơn 30 năm nay, ông cố gắng dùng lý thuyết mạng ấy để thực hiện nghiên cứu liên ngành khoa học, thống nhất từ toán lý hóa tới văn sử triết … thậm chí vũ trụ bao la. Dự định quá ư hùng vĩ ấy quả là độc đáo ở một đất nước chủ yếu nghiên cứu theo kiểu thực dụng, khiến giới khoa học chính thống “kính nhi viễn chi”.

Thời kỳ “Chống phái hữu” và “Cách mạng Văn hóa”, họ Ngô bị đưa đi lao động cải tạo. Mỗi lần đi làm, ông đều giấu một cây bút trong người, lúc rảnh rỗi viết lên tay, lên đùi các công thức toán nghĩ ra. Đầu thập niên 1970, trên cơ sở sáng lập thuyết chuyển hóa bức cận toán học và động lực học môi chất điện từ, ông bắt đầu suy nghĩ về biện pháp thống nhất toán học. Kết quả Ngô Học Mưu bị chụp mũ “Chỉ chuyên không hồng”, bị tống vào sống ở gian phòng cạnh nhà vệ sinh hôi thối. Năm 1976, ông sáng lập ba nguyên lý cơ bản “Hệ thống nghĩa rộng, chuyển hóa nghĩa rộng, đối xứng nghĩa rộng”, thực hiện nối liền, chuyển hóa và thống nhất liên chuyên đề trong lĩnh vực toán học. Tác phẩm “Lý thuyết Phiếm hệ và phương pháp toán học”, “Phiếm hệ xuân thu” và “Phiếm hệ sử ký” của ông được xuất bản, đánh dấu sự chín muồi của học thuyết Phiếm hệ. Song những cuốn sách ấy chỉ nằm yên trên tủ sách, chẳng mấy ai đọc. Năm 2000, Ngô Học Mưu về hưu. Phòng nghiên cứu Phiếm hệ nơi ông tận tụy làm việc 21 năm bị đóng cửa. Toàn bộ tài sản riêng của ông bây giờ là một máy tính cũ màn hình đã mờ, một chiếc kính lúp, một chiếc điện thoại, mấy giá sách và bộ bàn ghế cũ nhặt về. Song ông không để tâm tới chuyện đó.

Câu chuyện Ngô Học Mưu là hình ảnh thu nhỏ của một số sáng tạo hồi thập niên 1970-80. Theo thống kê, trong số hơn 3000 ngành khoa học hiện có trên thế giới thì chỉ có 30 là do người Trung Quốc sáng lập, bao quát các lĩnh vực toán học, sinh vật, khí tượng, tin học v.v… Ngoài “Phân tích Phiếm hệ” và “Khả thác học” ra, đáng kể còn có: “Hệ thống màu xám” (灰色系统) của Đặng Tụ Long (邓聚龙), “Lý thuyết toàn tin tức” (全信息理论) của Chung Nghĩa Tín (钟义信), “Lý thuyết Giới xác” (界壳理论) của Tào Hồng Hưng (曹鸿兴), “Phiếm Logic học” (泛逻辑学) của Hà Hoa Sán (何华灿), “Tổ thành luận” (组成论) của Trương Học Văn (张学文).

Phần lớn các học thuyết và lý thuyết nói trên do cá nhân đề xuất; một số thậm chí còn chưa được các thế lực khoa học dòng chính của Trung Quốc thừa nhận, chẳng có ưu thế nào trong việc xin cấp kinh phí nghiên cứu, lập đề tài và cấp học vị. “Các bộ môn khoa học do học giả Trung Quốc sáng lập thật quá đáng thương, hơn nữa còn không được sự ủng hộ ngay trên đất nước mình.”  –– nhà tin học Chung Nghĩa Tín(钟义信) Tổng thư ký Hội Trí tuệ nhân tạo Trung Quốc nói.

Tác động của thị trường

Sau lần gặp nhau năm 1981 tại Bắc Kinh, Sái Văn và Ngô Học Mưu trở thành bạn thân suốt đời. Ngô đưa ra yêu cầu nghiêm ngặt đối với bài báo của Sái. Trong hai năm, Sái sửa lại bài viết hơn hai chục lần. Năm 1983 Sái Văn đăng bài báo “Tập họp Khả Thác và vấn đề bất tương dung”, từ đó chính thức sáng lập “Khả Thác học”. Môn học này nghiên cứu việc xử lý trí tuệ hóa vấn đề mâu thuẫn. “Vật nguyên” là khái niệm quan trọng của Khả Thác học, tức là đơn nguyên để mô tả yếu tố cơ bản của sự vật; mà “Biến đổi vật nguyên” là then chốt giải quyết vấn đề mâu thuẫn.

Ông Lý Ấu Bình, Viện sĩ Viện Công trình Trung Quốc, đánh giá Khả Thác học là một khoa học giao thoa, có hy vọng trở thành mắt xích liên kết khoa học tự nhiên với khoa học xã hội. Hồi ấy Sái Văn đang ở thời kỳ khó khăn nhất. Vì là lý thuyết hoàn toàn mới nên không thể tham khảo được gì từ công trình của người đi trước. Trong 7 năm ông chỉ viết được một bài báo; để tính ra một công thức toán phải mất một năm. Cuối thập niên 1980 khi ông xin chức danh nghiên cứu viên, cả 6 nhóm bộ môn khoa học đều không muốn thừa nhận Khả Thác học.

Do suốt ngày mải suy nghĩ về đề tài nghiên cứu nên Sái Văn trở thành “quái nhân” nổi tiếng nhà trường: ăn mặc lôi thôi lếch thếch, đãng trí kinh  khủng… Năm 1990 ông suýt bị mù mắt do làm việc quá mệt. Tình cảnh của Ngô Học Mưu cũng rất lâm ly. Đầu thập niên 1990, làn sóng kinh tế thị trường tràn ngập Trung Quốc, các học trò của ông lần lượt bỏ đi, người ra nước ngoài, người vào công ty … “Rất nhiều ngành khoa học mới chưa được trong nước thừa nhận, do đó bài báo khó được đăng, khi bình xét giải thưởng hoặc cấp chức danh khoa học đều trắc trở. Các chỉ tiêu cứng chẳng khác gì vòng kim cô thắt chặt trên đầu khiến nhiều người không thể kiên trì nghiên cứu tiếp.” –– Sái Văn nói.
Cuối thập niên 1980, một nhà khoa học Nhật đến gặp Sái Văn nói ông ta rất quan tâm đến Khả Thác học, hy vọng có thể áp dụng vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Sái Văn bèn giảng giải lý thuyết của mình cho khách nghe. Một năm sau khi quay lại, lúc này người Nhật kia đã có thể trình bày trơn tru Khả Thác học. Nghe nói sau khi về Nhật ông này đã nghiên cứu chế tạo thành công chip mờ và máy giặt mờ. “Người nước ngoài rất nhạy cảm với cái mới, còn chúng ta thì ngược lại.” –– Sái Văn than thở.

Cơ chế lạc hậu

Năm 1986, tạp chí “Học báo Khám phá khoa học” do Ngô Học Mưu phụ trách phải đình bản vì nhà xuất bản không cấp tiếp kinh phí. Ý tưởng hùng vĩ ông đưa ra 6 năm trước –– nâng đỡ mọi lý thuyết khoa học mới –– tan thành mây khói. Những bài viết của ông gửi tới các tạp chí khoa học chủ yếu trong nước cũng bị từ chối đăng với lý do “đọc không hiểu” hoặc “viết dài quá”. Người ta lãnh đạm với Ngô Học Mưu, nhà toán học từng làm phó tổng biên tập hoặc biên tập viên của nhiều tạp chí khoa học quốc tế. Cho tới nay, chưa một quỹ khoa học nào tài trợ cho các nghiên cứu của ông.
“Đó là do tiêu chuẩn bình xét của chúng ta có vấn đề…Phần lớn là người ngoài ngành bình xét người trong ngành.” ––Sái Văn nói. Một trong các tiêu chuẩn đó là số lượng nghiên cứu sinh tiến sĩ và người hướng dẫn. “Các lý thuyết khoa học mới không thể đạt được tiêu chuẩn ấy; hơn nữa rất có thể người bình xét chẳng hiểu gì về lý thuyết mới đó.” ––ông nhận xét.

Hồi ấy ở Thượng Hải có tạp chí “Tiềm khoa học” (潜科学) là thiên đường của các học thuyết mới. Tiềm khoa học là thuật ngữ phổ biến hồi thập niên 1980, dùng để gọi các học thuyết đang thai nghén. Trương Học Văn, nhà khí tượng học năm nay 73 tuổi, người sáng lập học thuyết “Tổ thành luận” rất ủng hộ tạp chí nói trên. Ông nói: Tạp chí “Tiềm khoa học” là một loại tinh thần. Nó tin rằng bất cứ một thứ hiện nay không thuộc dòng chính trong tương lai không xa sẽ trở thành dòng chính. Không thể một gậy đập chết nó.” Nhưng “Tiềm khoa học” chỉ phát triển mạnh được vài năm rồi cũng xẹp xuống khi bị đình bản.

Cuối thập niên 1990, trong giới khoa học Trung Quốc xuất hiện 3 sự kiện tranh cãi có ảnh hưởng sâu xa:  “Toàn tức sinh vật học” (全息生物学) của Trương Dĩnh Thanh (张颖清) ở ĐH Sơn Đông; “Đi-ốt không lệch” (无偏的二极管)của Từ Nghiệp Lâm (徐业林);  Tưởng Xuân Huyên(蒋春暄) chứng minh được định lý lớn Fermat (费马大定理, 1991). Ba cuộc tranh luận này cho tới nay vẫn chưa có hồi kết. Rốt cuộc người ta đều nhìn vào cơ chế khoa học.

“Cơ chế khoa học của Trung Quốc là dinh lũy cuối cùng của nền kinh tế kế hoạch.” Sái Văn nói, “Phần lớn các dự án nghiên cứu khoa học hiện nay đều là nghiên cứu kiểu bám theo, không cung cấp đủ ô-xy cho các nghiên cứu có tính sáng tạo.”

Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ KHKT Ủy ban Kế hoạch Nhà nước Nghiêm Cốc Lương nói: “Lĩnh vực nghiên cứu khoa học chỉ biết cái thứ nhất, không biết cái thứ hai; nếu cứ mãi mãi lẽo đẽo đi sau phương Tây thì chúng ta sẽ không có duyên đạt được những thành quả thực sự mang tính cách mạng. Đây cũng là một trong các nguyên nhân tại sao Trung Quốc khó mà có các nhà khoa học lớn.”

Tín hiệu tốt lành

Viện sĩ Ngô Văn Tuấn (吴文俊, 1919-2017),một đại gia toán học Trung Quốc phát biểu: “Năm xưa khi tôi sáng lập thuyết chứng minh máy móc định lý kỷ hà(几何定理的机械化证明), lúc đầu giới khoa học trong nước cũng ngạc nhiên cho rằng đây là lý thuyết quái gở. Mãi cho tới khi được nước ngoài coi trọng và căn cứ theo đó làm được thành tích nổi bật thì mới từ xuất khẩu chuyển sang tiêu thụ trong nước… Mọi sáng tạo nguyên thủy thường bị người ta nghi ngờ; ở nước ngoài cũng thế, không có gì lạ cả” –– ông nói khi trả lời phỏng vấn của báo “Phương Nam cuối tuần”.

Năm 2003, Bộ KHKT, Bộ Giáo dục, Viện Khoa học, Viện Công trình, Quỹ Khoa học tự nhiên nhà nước liên ngành ban hành “Quyết định cải tiến công tác đánh giá KHKT”, đưa ra nhận định: hiện nay “cơ chế lựa chọn thiếu sự hợp lý khoa học đối với các dự án ‘chưa có nhất trí chung’, không lợi cho việc lập một số dự án sáng tạo”, và quyết định “đối xử công bằng với các dự án ‘nhân vật nhỏ’ và ‘chưa có nhất trí chung’”. “Cung cấp cơ hội tài trợ ở mức nhỏ có tính thăm dò cho các dự án có tính sáng tạo nhưng ‘chưa được nhất trí chung’, xúc tiến người tài bộc lộ khả năng, khuyến khích cơ chế sáng tạo mới”.

Chính sách mới này đang dần dần có lợi cho những người sáng lập học thuyết mới. Tháng 2/2004, Ủy ban Giám định gồm 4 viện sĩ Ngô Văn Tuấn, Vương Tử Khôn, Lý Ấu Bình, Uông Húc Quang đã khẳng định công tác nghiên cứu hơn hai chục năm của “Khả Thác học” và gọi “đó là một khoa học có tính sáng tạo nguyên khai”. Thế là “Khả Thác học” bắt đầu từ chỗ “chưa được nhất trí chung” chuyển thành “có nhất trí chung”. Sái Văn đã xuất bản 11 trước tác, đã lập tiểu ban chuyên môn Khả Thác học, và định kỳ tổ chức họp hội nghị toàn quốc hằng năm về đề tài này.

Giờ đây phần lớn các ngành khoa học lần đầu sáng lập này đã có lịch sử khoảng ba chục năm, những người sáng lập chúng phần lớn đã sang tuổi 80-90, trải qua những số phận khác nhau. Đặng Tụ Long, Tào Hồng Hưng hiện nay ít ra khỏi nhà; Chung Nghĩa Tín, Sái Văn vẫn hoạt động sôi nổi; Trương Dĩnh Thanh thì đã qua đời sau một thời gian sống bằng nghề bán thuốc giảm béo; Ngô Học Mưu năm 2003 được đề cử viện sĩ Viện Công trình nhưng nhanh chóng bị gạt. Năm nay ông 73 tuổi, bệnh tật triền miên.
Điều đáng nói là Trương Học Văn, nhà sáng lập học thuyết “Tổ thành luận” bắt đầu sử dụng mạng Internet để trở lại tìm kiếm tinh thần “Tiềm khoa học” hồi thập niên 1980. Website “Tiềm khoa học” của ông trở thành nơi các nhà khoa học tự do (nguyên văn dân gian) gặp nhau, tại đây các loại lý thuyết “cổ linh tinh quái” đều có thể tìm được sàn đối thoại. Trương Học Văn miễn phí công bố trên website này toàn bộ các công trình nghiên cứu của ông.

“Mong sao mảnh đất nhỏ bé này cuối cùng có thể mọc lên những cây đại thụ.” – Trương Học Văn nói.

Nguyễn Hải Hoành lược dịch từ  “Nam phương Châu mạt” ngày 18/9/2008 南方周末:中国原创学科尴尬走在边缘.