Nhật ký Bắc Kinh (10/07/20): Dấu hiệu mâu thuẫn Lý Khắc Cường – Tập Cận Bình

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Tetsushi Takahashi, Beijing Diary”, Nikkei Asian Review, 7/2020.

Người dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Từ những bình luận gần đây của Thủ tướng Lý Khắc Cường, tôi có cảm giác con đường phục hồi của Trung Quốc hậu coronavirus có thể sẽ không ổn định như kỳ vọng.

“Các nhà máy tôi gặp trên đường đi đều không hoạt động”, ông Lý nói vào hôm thứ Hai khi ông đến thăm một công ty ở tỉnh Quý Châu miền tây nam. “Tôi muốn các anh tăng cường sản xuất tại các nhà máy này và thuê thêm nhiều lao động nhập cư trong khu vực.”

Tuyên bố của ông Lý rằng các nhà máy bị ngưng hoạt động – tức thừa nhận khó khăn và bày tỏ quan ngại về tình hình kinh tế – thể hiện sự trái ngược hoàn toàn với lập trường thường thấy của Đảng Cộng sản rằng mọi thứ đều tốt đẹp nhờ có sự lãnh đạo của Đảng.

Thủ tướng cũng từng nói ra sự thật mất lòng trong cuộc họp báo bên lề kỳ họp Nhân Đại hôm 28 tháng 5. Ông nói 600 triệu người Trung Quốc chỉ kiếm được 1.000 nhân dân tệ (142 USD) một tháng, và rằng nhiều người dân ở các thành phố hạng trung không đủ khả năng để thuê một căn hộ.

Tiết lộ của ông Lý có thể khiến Chủ tịch Tập Cận Bình khó chịu, bởi vì Đảng Cộng sản đã đặt mục tiêu đạt được “xã hội tương đối khá giả” vào năm 2020. Nếu 600 triệu người dân thành thị vẫn không đủ tiền thuê nhà, rất khó để khẳng định tham vọng này đã thành công.

Cũng trong cuộc họp báo đó, ông Lý ám chỉ chính phủ sẽ hỗ trợ những người bán hàng rong như một phần của nỗ lực phục hồi kinh tế.

Chính quyền từng dẹp những người buôn bán thực phẩm và hàng hóa trên đường phố vì cho rằng họ không tốt cho môi trường và cảnh quan đô thị. Nhận xét của ông Lý do đó trông như đi ngược lại chính sách.

Những người bán hàng rong nhanh chóng chớp lấy cơ hội và hầu hết người dân dường như hài lòng với sự trở lại của họ. Ngay sau tuyên bố của ông Lý, một người bán hàng đã bắt đầu bán một món ăn nhẹ Trung Quốc tương tự như mónokonomiyaki của Nhật Bản – bánh kếp dày có rau, thịt và hải sản – ngay cạnh tòa chung cư của tôi ở trung tâm Bắc Kinh. Tôi đã nghĩ rằng các quầy hàng rong – một biểu tượng của Bắc Kinh nhộn nhịp ngày xưa – đang trở lại.

Nhưng chúng không tồn tại lâu.

Nhật báo Bắc Kinh, tờ báo chính thức của Thành uỷ Bắc Kinh, ngày 7/6 đã đăng một bài bình luận nói các quầy hàng rong là “mất vệ sinh và không văn minh,” và không phù hợp với thủ đô. Gian hàng bên cạnh căn hộ của tôi biến mất ngay sau đó.

Tôi vẫn bắt gặp những quầy bán trái cây hoặc hàng hóa ở những hầm chui dưới lòng đất và những nơi khác, nhưng tất cả đều nhỏ. Đó là để họ có thể nhanh chóng bỏ chạy ngay nếu cơ quan chức năng ập đến.

Khá nhiều người trong chính phủ có vẻ không hài lòng với sự thẳng thắn của ông Lý về nền kinh tế. Việc dọn dẹp các quầy hàng rong trên đường phố Bắc Kinh có lẽ phản ánh điều này.

Hôm thứ Hai, thủ tướng cũng đã dành thời gian với các nạn nhân lũ lụt ở một ngôi làng Quý Châu. Đoạn phim quay ông Lý đi thăm vùng lụt, với đôi giày da dính đầy bùn, đã gây sốt trên mạng xã hội Trung Quốc. Ông đang xây dựng hình ảnh một chính trị gia dễ gần./.

Tetsushi Takahashi là trưởng văn phòng của Nikkei ở Trung Quốc.