Tranh giành quyền lực tại Tòa thánh Vatican

Nguồn: Tony Barber, “Power struggles entangle the Vatican”, Financial Times, 09/10/2020.

Biên dịch: Phan Nguyên

Đôi khi vì những lý do chính đáng, các tổng thống và thủ tướng ở các nền dân chủ phải đối đầu với các âm mưu nhằm loại bỏ họ hoặc buộc họ thay đổi các chính sách cơ bản. Triều đại của Giáo hoàng Francis, hiện đã bước sang năm thứ tám, minh chứng cho thực tế là các cuộc tranh giành quyền lực tàn khốc cũng đang diễn ra ở Vatican.

Các cuộc đấu đá nội bộ xoay quanh các cáo buộc vi phạm tài chính, bê bối lạm dụng tình dục, tranh chấp giáo lý và nỗ lực của Giáo hoàng Francis nhằm cải cách bộ máy hành chính của Vatican. Tất cả đều được bị vũ khí hóa trong một cuộc tranh giành quyền kiểm soát Giáo hội Công giáo La Mã vốn diễn ra dai dẳng kể từ sau cái chết của Giáo hoàng John Paul II vào năm 2005, vị giáo hoàng tại vị lâu thứ hai trong lịch sử hơn 2.000 năm của Giáo hội.

Điều khiến những sự kiện này khác với những giai đoạn hỗn loạn trong các thời đại trước đó, chẳng hạn như thời Phục hưng ở Ý, là chúng bị cuốn vào những cuộc đấu tranh chính trị và văn hóa đang diễn ra ở Hoa Kỳ và các xã hội phương Tây khác, chưa kể ở châu Phi và châu Á. Các chính trị gia thế tục cánh hữu liên kết với các giáo sĩ cực đoan bảo thủ muốn hạ bệ Giáo hoàng và chấm dứt những cải cách của ông. Còn các chính trị gia tự do và những người tiến bộ trong số các giáo dân Công giáo La Mã trên thế giới, được Vatican ước tính lên tới hơn 1,3 tỷ người, hy vọng rằng ông sẽ thành công.

Các vấn đề đã lên tới đỉnh điểm vào tháng trước khi vị giáo hoàng sinh ra ở Argentina đã thực hiện một bước đi bất thường là buộc Hồng y Giovanni Angelo Becciu, một giám mục người Ý, từ chức vì nghi ngờ biển thủ công quỹ của Giáo hội. Vị Hồng y này, người phủ nhận mọi hành vi sai trái, đã mất chức Bộ trưởng Bộ Phong thánh, cơ quan giám sát việc phong thánh của Vatican.

Hồng y Becciu là một nhân vật rất quyền lực từ năm 2011 đến năm 2018 tại Giáo triều (Curia), cơ quan hành chính trung ương của Tòa thánh. Là người đứng thứ hai trong ban thư ký Giáo triều, ông đã mâu thuẫn với Hồng y George Pell, một người Úc được Giáo hoàng bổ nhiệm năm 2014 để mang lại sự minh bạch cho nền tài chính vốn nổi tiếng không rõ ràng của Vatican.

Hồng y Pell đã bị kết án tù ở Melbourne hồi năm ngoái vì tội quấy rối tình dục hai thiếu niên tham gia đội hợp xướng, nhưng vào tháng 4, tòa án tối cao của Australia đã bác bỏ bản án của ông. Giờ đây, các phương tiện truyền thông Ý đã xuất hiện những cáo buộc rằng Hồng y Becciu đã cố gắng gây ảnh hưởng lên phiên tòa xét xử đối thủ bằng cách hối lộ một nhân chứng để có được lời khai của họ. Cả hồng y người Ý và nhân chứng đều bác bỏ những cáo buộc này là sai sự thật.

Các cuộc đụng độ cho thấy các tranh cãi tại Tòa thánh chồng chất như thế nào. Hồng y Becciu đứng sau một thương vụ mua bán tài sản trị giá hàng triệu bảng Anh ở London đang được các thẩm phán Vatican điều tra. Cho đến khi mất việc vào năm ngoái, trách nhiệm của Hồng y Pell là phải làm sáng tỏ chính xác những khoản đầu tư bí ẩn như vậy.

Các phe phái đối địch ở Vatican và các đồng minh của họ trong các giáo hội Công giáo các quốc gia đang tận dụng những vụ bê bối này và những vụ bê bối khác để làm mất uy tín đối thủ trong các vấn đề giáo lý tôn giáo. Trong thời gian trị vì của mình, Giáo hoàng Francis đã nỗ lực rất nhiều nhằm giành quyền kiểm soát Bộ Giáo lý Đức tin, cơ quan của Vatican phụ trách kỷ luật thần học, từ tay những người bảo thủ nắm quyền sau năm 1981 dưới thời John Paul và Benedict XVI.

Giáo hoàng Francis đã tách mình ra khỏi hai người tiền nhiệm vào năm 2016 bằng cách xuất bản một tông huấn có tựa đề Amoris Laetitia (Niềm vui Yêu thương), trong đó đưa ra khả năng cho phép những người Công giáo đã ly hôn và tái hôn nhận các bí tích. Những người bảo thủ phản ứng giận dữ với điều họ coi sẽ là một sự phá vỡ truyền thống Công giáo.

Đức Tổng Giám mục Carlo Maria Viganò, một cựu sứ thần của Giáo hoàng tại Hoa Kỳ, đã kêu gọi Đức Francis từ chức vào năm 2018. Trong năm bầu cử Hoa Kỳ này, vị tổng giám mục đã nổi lên như một người ủng hộ mạnh mẽ Tổng thống Donald Trump và tán thành nhiều thuyết âm mưu đen tối khác của phe cánh hữu cực đoan.

Cần phải nhớ rằng dù Giáo hoàng có tư tưởng cải cách nhưng ngài không phải là ví dụ tương đương Mikhail Gorbachev của Tòa thánh. Nhà lãnh đạo Liên Xô cũ đã thúc đẩy các cải cách tự do đến mức đất nước mà ông tìm cách cải cách đã sụp đổ. Sẽ khó có chuyện Giáo hoàng Francis chấp nhận những rủi ro như vậy, trong việc giải thích lại giáo lý lẫn tổ chức lại Giáo triều.

Trên thực tế, nhiều nhà bình luận Công giáo cho rằng sứ mệnh quan trọng nhất đối với Giáo hoàng là điều mà Vatican gọi là “sự chuyển đổi truyền giáo” của các xã hội nơi tôn giáo có tổ chức bị đình trệ hoặc suy tàn. Như ông đã nói vào năm ngoái, trong lời chúc mừng Giáng sinh với các quan chức Giáo triều, rằng đức tin Cơ đốc “đặc biệt là ở châu Âu, cũng như ở phần lớn phương Tây, không còn là tiền đề hiển nhiên của cuộc sống chung của chúng ta, mà thường bị phủ nhận, bị chế giễu, bị gạt ra ngoài lề”.

Tuy nhiên, Giáo hoàng Francis đã cố gắng – dù không đủ mạnh như lời các nhà phê bình thế tục – để giải quyết các vấn đề lạm dụng tình dục và các hành vi sai trái tài chính của Tòa thánh. Những mặt trái này đã diễn ra tràn lan kể từ triều đại của Giáo hoàng John Paul giai đoạn 1978-2005. Một lý do khiến chúng rất khó khắc phục là vị giáo hoàng gốc Ba Lan là một nhân vật được tôn kính trong lịch sử Công giáo hiện đại – vào năm 2014, ông đã được phong thánh.

Đức Francis, vị Giáo hoàng đầu tiên không phải người châu Âu kể từ Đức Gregory III người Syria gần 1.300 năm trước, đã 83 tuổi. Đức Benedict, người tiền nhiệm của ông, từ chức Giáo hoàng vào năm 2013 ngay trước khi bước sang tuổi 86. Việc sa thải Hồng y Becciu cho thấy Giáo hoàng Francis vẫn quyết tâm giành ưu thế trong các cuộc tranh giành quyền lực của Vatican. Nhưng các cuộc đấu tranh có gốc rễ sâu xa đến mức có đủ lý do để nghĩ rằng chúng sẽ vẫn tiếp tục kéo dài ngay cả sau khi triều đại của Giáo hoàng Francis kết thúc.