Hoạt động cứu trợ của Công Giáo miền Nam giai đoạn 1954-1975

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Nguyen-Marshall, V. (2009). “Tools of Empire? Vietnamese Catholics in South Vietnam”, Journal of the Canadian Historical Association20 (2), 138–159.

Biên dịch: Lê Văn Luận | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Ở Việt Nam, các hoạt động nhân đạo không mới mẻ và cũng không phải là đặc quyền của Kitô Giáo. Lòng nhân từ chiếm một vị trí quan trọng trong Nho Giáo và Phật Giáo. Vì vậy, công tác bác ái được đề cao như là một hành vi xã hội lẫn tôn giáo. Những nỗ lực làm từ thiện ở thời tiền thực dân ở Việt Nam luôn nhận được sự ủng hộ từ nhà nước và cộng đồng địa phương.[1] Trong suốt thời Pháp thuộc, các tổ chức bác ái Kitô Giáo, Phật Giáo và dân sự đã tồn tại. Nhiều dòng tu Công Giáo khác nhau đã thành lập và điều hành các tổ chức bác ái như trường học, bệnh viện, cô nhi viện. Rất nhiều những tổ chức này đã nhận được các khoản trợ cấp từ chính phủ thuộc địa Pháp. Sau 1954, một số tổ chức này vẫn còn hoạt động, vài tổ chức ở miền Bắc đưa cơ sở của mình vào miền Nam. Một số tổ chức bác ái Công Giáo được lập trước 1954 bao gồm :[2]

    • Asile Soeur Antoine, chăm sóc trẻ mồ côi, người già và người bệnh. Thành lập năm 1911, tổ chức này chăm sóc 921 người vào năm 1948.
    • Saint Theresa Orphanage tại Hà Nội, thành lập năm 1943 bởi cha Seitz. Năm 1948 có 250 trẻ mồ côi.
    • Asile des Orphelins tại Hải Dương, quản lý bởi một cơ sở Công Giáo và chăm sóc 100 trẻ em.
    • Orphanage Fatima tại Gia Lâm, Bắc Việt Nam, được thành lập và quản lý bởi cha Mai Đức Thân.

Trong thời hậu thuộc địa ở Nam Việt, các tổ chức Công Giáo tiếp tục tham gia vào các công tác nhân đạo. Cũng như ở thời thuộc địa, các cô nhi viện tiếp tục là tâm điểm trong các công tác bác ái của Công Giáo. Trong khi vẫn có các cô nhi viện của nhà nước, đa phần các cô nhi viện và trung tâm chăm sóc bác ái là của tư nhân. Tuy nhiên, nhà nước Nam Việt có trợ cấp các cô nhi viện tư nhân dựa theo con số trẻ em được chăm sóc.[3] Trong những năm 1950 – 1970, một số cô nhi viện quan trọng của Công Giáo bao gồm Mái Ấm Thiên Phước được xây dựng vào năm 1878 và được quản lý bởi các sơ Dòng Phaolô thành Satres.[4] Một cô nhi viện quan trọng khác là Mái Ấm Nữ Vương Hoà Bình thành lập năm 1935 ở Thủ Đức, ngoại ô Sài Gòn, nhưng được chuyển vào Sài Gòn năm 1956. Mái ấm này được thành lập bởi Caritas International (một tổ chức Công Giáo quốc tế tập trung vào trợ giúp phát triển) và có một nguồn quỹ ngoại quốc từ American Women’s Organization, nhưng được hướng dẫn và quản lý bởi quý sơ dòng Nữ Tữ Bác Ái Vinh Sơn. Năm 1973, cô nhi viện này nuôi 397 trẻ em.[5]

Các tổ chức Công Giáo ở ngoại quốc đóng vai trò quan trọng trong vấn đề huy động tài chính và hướng dẫn cho các hoạt động nhân đạo ở Việt Nam. Nhiều cố gắng nhân đạo của Công Giáo Hoa Kỳ được dẫn dắt bởi tổ chức Catholic Relief Services (CRS), tổ chức chiếm 50% những giúp đỡ từ Hoa Kỳ cho Việt Nam.[6] Thật vậy, CRS là đơn vị giúp đỡ nhiều nhất cho Nam Việt.[7] CRS đóng vai trò quan trọng trong việc tái định cư người tị nạn. Trong chiến tranh, 318 ngôi làng và dự án cộng đồng được giúp đỡ bởi nguồn đóng góp ngoại quốc và những quyên góp cá nhân của Hoa Kỳ.[8] CRS cũng giúp thiết lập và tái tổ chức những tổ chức tình nguyện dân sự bao gồm trại tình nguyện giới trẻ, tổ chức lao động, nhóm công tác xã hội.[9]

Một tổ chức Công Giáo quan trọng khác trong lãnh vực nhân đạo là Caritas Việt Nam. Giám đốc CRS Joseph Harnett tham gia vào việc thành lập một chi nhánh Caritas tại Việt Nam vào năm 1957, nhưng tổ chức ấy đã không đi vào hoạt động cho đến năm 1965 khi giám đốc chương trình của CRS Lawson Mooney tái tổ chức lại nó.[10] Đức Giám mục Phạm Ngọc Chi là người đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập Caritas Việt Nam, và chi nhánh Sài Gòn được dẫn dắt bởi cha Hồ Văn Vui, một người chống cộng gay gắt và rất năng động trong lãnh vực chính trị.[11] Tổ chức này nhận viện trợ từ văn phòng Toà Tổng Giám mục Sài Gòn, Caritas International, và Vietnam Christian Service.[12] Năm 1970, Caritas hỗ trợ cho 267 cô nhi viện, cung cấp 66 lớp học may, và điều hành 69 phòng khám y tế.[13] Năm 1969, tiền chi ra của Caritas là 1,1 triệu Mỹ kim,[14] cùng với 20.000 tấn lương thực, áo quần và thuốc men khác.

Trong khi các tổ chức ngoại quốc và Hoa Kỳ cung cấp những trợ giúp về tài chính và quản trị cho nhiều hoạt động từ thiện bác ái, người Công Giáo Việt Nam cũng rất tích cực trong việc khởi xướng và thực hiện các công tác. Ví dụ, dòng Bác Ái Vinh Sơn đóng vai trò quan trọng trong việc điều hành một số các tổ chức bác ái của Caritas International. Những tổ chức này bao gồm: Caritas Daycare Centre, Caritas Social Centre, và Caritas Nutritional Centre, và Mái Ấm Nữ Vương Hoà Bình đã nói đến ở trên.[15] Caritas Daycare Centre được thiết lập năm 1953 dưới sự trợ giúp tài chính của tổ chức Chữ Thập Đỏ của Pháp và Đức. Dịch vụ chăm sóc được dành cho các trẻ em từ 1 tháng tuổi đến 6 tuổi của các gia đình lao động. Vào cuối những năm 1960, có khoảng 150 trẻ em ở trung tâm này, hầu hết là các trẻ em nam. Chính phủ Nam Việt hỗ trợ mỗi trẻ em ở trung tâm khoảng 150 đồng/tháng.[16]

Caritas Nutritional Centre được thiết lập bởi Caritas School of Social Work và được quản lý với sự giúp đỡ của tổ chức American Women’s Organization, UNICEF, và của Bộ Thương binh Xã hội của chính phủ Nam Việt. Trung tâm cung cấp những chăm sóc tức thời cho các trẻ em bị bệnh của các gia đình nghèo.[17] Caritas Social Centre được thành lập năm 1964 bởi Caritas School of Social Work trên đường Nguyễn Thông. Tổ chức này cung cấp cho sinh viên của trường Social Work School những kinh nghiệm thực tế, cũng như cung cấp những dịch vụ xã hội cho địa phương, bao gồm các lớp mầm non và tiểu học cho trẻ em, điều hành các xưởng may, thiết lập phòng đọc sách cho trẻ em.[18] Dòng Bác Ái Vinh Sơn cũng giúp thiết lập và điều hành trường Caritas School of Nursing, nhận quỹ tài trợ từ tổ chức Chữ Thập Đỏ Pháp. Năm 1958, họ thiết lập trường Caritas về huấn luyện giáo viên mầm non – trường đầu tiên về lãnh vực này ở Việt Nam. Dòng Bác Ái Vinh Sơn cũng tham gia vào việc đào tạo giáo viên tiểu học, trung học.[19]

Các hoạt động nhân đạo Công Giáo cũng tập trung vào người tị nạn và việc cứu trợ khẩn cấp. Trong cuộc đại di cư 1954, các linh mục Công Giáo đóng vai trò lãnh đạo trong việc giúp đỡ khâu hậu cần cho việc tái định cư. Joseph Buttinger miêu tả sự lãnh đạo của các linh mục trong suốt giai đoạn này là rất quan trọng: “Khả năng của ban lãnh đạo [Công Giáo] địa phương trong việc tổ chức hỗ trợ lẫn nhau giữa những người tị nạn có lẽ là điều quan trọng nhất trong toàn bộ công tác tái định cư.”[20] Giáo hội Công Giáo Việt Nam có tiếng nói trong việc vận động sự quyên góp và tình nguyện viên cho những công tác nhân đạo. Cụ thể, các sinh viên được vận động tham gia giúp đỡ người tị nạn và các công tác cứu trợ khẩn cấp. Các nhóm thanh niên Công Giáo tham gia cùng với các nhóm thanh niên Phật Giáo và các nhóm thanh niên dân sự trong việc xây dựng các khu tạm cư, tiếp nhận và phân phối lương thực và nhu yếu phẩm cho người tị nạn.

Không chỉ có những người tị nạn chiến tranh và các trẻ em mồ côi được chăm sóc, mà còn có nạn nhân của các thảm hoạ thiên nhiên. Lũ lụt thường xảy ra và tàn phá các khu vực ở miền Trung Việt Nam. Tập san của Giáo Phận Sài Gòn thường đăng những lời kêu gọi quyên góp cho nhiều mục đích khác nhau. Trong số tập san tháng 11 năm 1961, Đức Tổng Giám mục Sài Gòn Nguyễn Văn Bình đã kêu gọi quyên góp cho nạn nhân lũ lụt ở Miền Tây Nam Bộ.[21] Đức Tổng Bình nhắc nhở người Công Giáo Việt Nam rằng việc giúp đỡ tha nhân là một trách nhiệm tôn giáo. Tổng Giám Mục cũng có một lời kêu gọi khẩn thiết khác vào số báo tháng 12. Lần kêu gọi này huy động được tất cả 400.000 đồng cùng với 200 túi quần áo. Bản danh sách người ủng hộ ghi nhận một vài sự quyên góp đến từ những người không theo Công Giáo.[22]

Vào giữa những năm 1960, khi cuộc chiến trở nên gay gắt, vấn đề tị nạn lại càng khó khăn. Hàng triệu người Việt Nam bị đẩy ra khỏi làng quê của họ vì chiến tranh. Theo Jame Carter, có khoảng 380.000-500.000 người tị nạn vào mùa hè năm 1965. Một vài người đến với các trại tập trung, những người khác được gom vào các thành phố.[23] Theo Carter, con số chính xác những người tị nạn thật khó xác định, vì có những lý do để những người quản lý các trại tị nạn thổi phòng các con số. Tuy vậy, có những đồn đoán rằng chính phủ Nam Việt cũng tìm cách che đậy vấn đề.[24] Một cuộc điều tra của Quốc hội Hoa Kỳ cho rằng có khoảng 1,6 triệu người tị nạn vào tháng 12 năm 1966.[25]

Con số người tị nạn biến động nhiều sau cuộc tấn công Tết Mậu Thân ngày 30 tháng 1 năm 1968. Là chiến dịch do Bắc Việt và Mặt trận Giải phóng Dân tộc Miền Nam Việt Nam phối hợp vào dịp Tết Âm Lịch, cuộc tấn công bất ngờ vào Nam Việt tạo ra một cuộc hoảng loạn rất lớn cho dân thành thị, những người cho đến lúc đó vẫn đang được cách ly tương đối với chiến sự. Trong những tuần tiếp sau cuộc tấn công vào Sài Gòn, các tổ chức tình nguyện tôn giáo và dân sự rất bận rộn để chăm lo cho những người bị thương và mất nhà ở bởi cuộc tấn công.[26] Việc vận chuyển lương thực như gạo và dầu ăn là những nhu cầu khẩn thiết. Các ấn phẩm Công Giáo, như nhật báo Xây Dựng, đã nêu bật những hành động cứu trợ này, đặc biệt là những việc chúng được thực hiện bởi các nhóm Công Giáo. Theo cha Huỳnh Văn Nghi của Caritas Việt Nam, tổ chức này đã bắt đầu công việc cứu trợ vào ngày 2 tháng 2, chỉ mấy ngày sau cuộc tấn công vào Sài Gòn. Suốt thời gian này, Caritas Việt Nam đã giúp đỡ khoảng 280.000 người tị nạn trong toàn bộ khu vực Sài Gòn.[27]

Chiến tranh đã đưa đến những nhu cầu cấp thiết phải có các chương trình bác ái được tổ chức bởi Giáo Hội Công Giáo và các tổ chức của giáo dân Công Giáo. Người Công Giáo Việt Nam đã nhiệt tâm lãnh lấy các công tác bác ái này. Đối với Công Giáo Việt Nam, hành động cứu trợ mang hai khía cạnh có tầm quan trọng như nhau. Một mặt, bác ái là giá trị cốt lõi của Công Giáo; do vậy, các linh mục và giới lãnh đạo giáo dân nhấn mạnh khía cạnh tôn giáo của việc cứu trợ để huy động những người tình nguyện và việc đóng góp tài chính. Mặt khác, công tác cứu trợ cho phép Công Giáo đóng góp vào quá trình xây dựng đất nước và cuộc chiến chống cộng. Đối với những nhà lãnh đạo Giáo Hội có khuynh hướng chính trị, như các cha Hoàng Quỳnh và Hồ Văn Vui, những dự án bác ái này là lời nhắc nhở hữu ích cho nhà nước và toàn xã hội về chủ nghĩa yêu nước của người Công Giáo, về sự dấn thân đối với chính phủ Nam Việt, cũng như về tầm quan trọng chính trị của Công Giáo.

Đối với vấn đề này, giới lãnh đạo Giáo Hội đã cố ý nhấn mạnh bản chất phi đảng phái khi sự giúp đỡ được cung cấp cho người dân thuộc mọi tôn giáo. Khi viết về Caritas Việt Nam, các phóng viên của tờ Xây Dựng nhấn mạnh rằng tổ chức này giúp đỡ tất cả các đồng bào không phân biệt tôn giáo.[28] Trong công tác cứu trợ sau cuộc tấn công Mậu Thân, các nhân viên Caritas Việt Nam chỉ ra rằng hai phần ba người tị nạn mà tổ chức này giúp đỡ trong các trại tạm cư không phải là người Công Giáo. Thật khó để kiểm chứng độ chính xác của khẳng định này; tuy vậy, một nguồn tin cho hay nhân viên Caritas cảm thấy việc thực thi các công tác bác ái Công Giáo không mang tính cục bộ, mà chủ yếu nhằm mang đến lợi ích cho toàn dân. Lập luận này cũng là ý kiến của những nhân viên bác ái Công Giáo, những người nhấn mạnh rằng họ không chủ trương cải đạo những người theo “đạo gạo”;[29] nói cách khác, cải đạo những người nhận viện trợ không phải là mục tiêu của những hoạt động cứu trợ khẩn cấp của các tổ chức bác ái Công Giáo. Dù việc truyền đạo không phải là mục đích chính thức nhưng đó vẫn là một hy vọng về mặt lâu dài đối với vài vị lãnh đạo tôn giáo khi làm công tác cứu trợ. Tuy vậy, đối với các nhà lãnh đạo khác, truyền giáo trong giai đoạn chiến tranh và bất ổn chính trị không phải là mục tiêu quan trọng bằng việc tạo ảnh hưởng về chính trị và xã hội cho Công Giáo ở Nam Việt.

(Còn tiếp 1 phần)

Van Nguyen-Marshall là phó giáo sư (Associate Professor) thuộc khoa Lịch Sử của Đại Học Trent. Bà đã xuất bản các bài nghiên cứu về các hoạt động nhân đạo và yêu nước của Việt Nam thời thuộc địa, và đang tiếp tục nghiên cứu về tầng lớp trung lưu và đời sống xã hội ở miền Nam Việt Nam giai đoạn những năm 1960 – 1970.

The article was first published in English in Journal of the Canadian Historical Association (volume 20, number 2, 2009, pp. 138–159). Neither the Canadian Historical Association nor the author is responsible for the translation.

Công Giáo miền Nam Việt Nam có phải là công cụ của đế quốc?

————-

[1] Van Nguyen-Marshall, In Search of Moral Authority (New York: Peter Lang, 2008), chap. 2.

[2] National Archives of Vietnam, Number Two, Ho Chi Minh City, Phu Tong Thong De Nhat Cong Hoa [the President’s Office of the First Republic], # 16188, “V/v Chinh phu Viet Nam tro cap cho cac co quan tu thien nam 1948-56” [Re: Government subsidies to charitable agencies, 1948-56].

[3] Dao Thi Kim Dung, “Khao Luan ve mot so co-nhi-vien hoat dong tai Do-Thanh Saigon” [An examination of some orphanages in Saigon], (M.A. thesis, National Institute of Administration, Saigon, 1973), 5–10.

[4] Ibid., 27.

[5] Ibid.

[6] Kauffman, 232.

[7] Flipse, “The Latest Casualty of War,” 247.

[8] Ibid., 250.

[9] Ibid.

[10] Kauffman, 232 and 238.

[11] Xay Dung, (19 October 1965), 1.

[12] Le Thi Sam, “Cac to chuc tu thien ton giao tai Do Thanh” [Religious charitable organizations in the Capital], (M.A. thesis, National Institute of Administration, Saigon, 1970), 33.

[13] Ibid., 34.

[14] Le Thi Sam đưa ra con số tình bằng tiền Việt Nam là 224 triệu, 34. Tôi đã dùng tỉ giá 196.8 cung cấp bởi Douglas Dacy, Foreign Aid, War, and Economic Development: South Vietnam 1955–1975 (Cambridge: Cambridge University Press, 1986), Table 9.1, 181.

[15] Le Thi Sam, 20.

[16] Ibid., 22.

[17] Ibid., 23.

[18] Ibid.

[19] The Daughters of Charity, St. Vincent de Paul, Vietnam Province, <http://www.doc-vietnam. org/about/history/apostolic-activities-in-vietnam-1928–1975>, (viewed June 11, 2009).

[20] Buttinger, 921–2.

[21] Ban Thong Tin: Giao Hoi Cong Giao dia phan Sai Gon [Bulletin of the Catholic Diocese of Saigon] 5 (November 1961): 7.

[22] Ibid., 6 (December 1961): 3.

[23] James Carter, Inventing Vietnam: The United States and State Building, 1954–1968 (Cambridge: Cambridge University Press, 2008), 207.

[24] Ibid., 208.

[25] Ibid.

[26] Xay Dung (17 February 1968); (23 February 1968); (24 February 1968).

[27] Ibid., (25 February 1968).

[28] Ibid., (7 August 1965), 1.

[29] Ibid., (29 December 1965), 1.