Nhật ký Bắc Kinh (28/08/20): TQ chuẩn bị cho trường hợp bị không kích

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Tetsushi Takahashi, Beijing Diary, Nikkei Asian Review, 8/2020.

Người dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Tôi bắt gặp một tấm biển kỳ lạ, khá đáng lo ngại trên một con phố ở Bắc Kinh.

Tiêu đề của nó có nghĩa là “Nghĩa vụ phòng không dân sự.” Đề cập đến “phòng không thời chiến”, tấm bảng viết rằng “Tùy vào nhu cầu bảo vệ tổ quốc, các biện pháp bảo vệ được tiến hành bằng cách huy động và tổ chức quần chúng, và thiệt hại do các cuộc không kích được giảm bớt.”

Một bức ảnh về một tấm bảng tương tự khác cũng đang lan truyền trên mạng xã hội, có nội dung “Làm thế nào để bình tâm trở lại sau các cuộc không kích”. Sau đó, nó đưa ra lời khuyên về giảm thiểu ảnh hưởng tâm lý sau khi bị địch không kích.

Sẽ không ngạc nhiên nếu người ta cho rằng Trung Quốc đang đứng trước chiến tranh.

Quốc gia này có Văn phòng Phòng không Dân sự được thành lập vào tháng 11 năm 1950 trong Chiến tranh Triều Tiên. Nhiệm vụ chính của nó là thu thập hàng hóa để chuẩn bị đối phó với các cuộc không kích của quân địch và đẩy mạnh tuyên truyền. Văn phòng này dường như là tác giả của những tấm bảng này.

Không rõ chúng đã được tung ra từ khi nào, nhưng đây rõ ràng là thời điểm căng thẳng chưa từng có giữa Mỹ và Trung Quốc xoay quanh Biển Đông. Một số người dùng internet Trung Quốc đã bày tỏ lo ngại nước này có thể sắp xảy ra chiến tranh với Mỹ.

Hôm thứ Ba (25/08/2020), một máy bay do thám U-2 của Không quân Hoa Kỳ đã đi vào vùng cấm bay do Giải phóng quân Nhân dân (PLA) áp đặt giữa các cuộc tập trận bắn đạn thật. Ngày hôm sau, PLA bắn 4 tên lửa đạn đạo tầm trung về phía Biển Đông từ Trung Quốc đại lục, như một lời cảnh báo Washington.

PLA và máy bay trinh sát U-2 có nhiều mối liên hệ lịch sử.

Hoa Kỳ đã cung cấp U-2 cho Đài Loan vào những năm 1960. Quân đội Quốc dân Đảng thường xuyên cho máy bay bay đến Trung Quốc đại lục, và đến năm 1967, đã có 5 chiếc bị bắn rơi.

Xác của 5 chiếc U-2 Đài Loan bị bắn rơi đang được trưng bày tại Bảo tàng Quân sự Cách mạng Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh, được ca ngợi là “một thành tựu quân sự vĩ đại”.

Sau chuyến bay U-2 hôm thứ Ba, chính phủ của Chủ tịch Tập Cận Bình có thể đã cảm thấy không thể ngồi yên, bất chấp bất kỳ do dự nào mà họ có thể có do lo ngại leo thang căng thẳng hơn nữa với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Quyết định phóng bốn quả tên lửa có thể là cách Trung Quốc tuyên bố họ sẽ không lùi bước.

Trên trang web của Văn phòng Phòng không Dân sự người ta có thể nghe được tiếng còi báo động thực tế khi có không kích. Âm thanh kỳ quái khiến tôi thấy bất an.

Đối với các lãnh đạo chính phủ, sự khởi đầu khủng hoảng không hẳn là một điều xấu, vì nó cho họ cơ hội vàng để chứng tỏ khả năng và tập hợp quần chúng ủng hộ. Có lẽ giới lãnh đạo Trung Quốc đang tạo ra bầu không khí thời chiến cho mục đích này. Nhìn từ những tấm bảng “phòng không thời chiến” gần đây, tôi cho rằng điều này là hoàn toàn có thể.

Tetsushi Takahashi là trưởng văn phòng của Nikkei ở Trung Quốc.