Bán đảo Triều Tiên: Một chu kỳ căng thẳng – hòa dịu mới?

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Lê Như Mai

Trong khoảng ba tháng giữa năm 2020, tình hình bán đảo Triều Tiên đã căng thẳng trở lại, kết thúc thời kỳ hòa dịu bắt đầu từ năm 2018 và dường như đang bước sang một chu kỳ căng thẳng – hòa dịu mới. Những diễn biến này chủ yếu xoay quanh ba chủ thể chính là Triều Tiên, Mỹ và Hàn Quốc. Đó là một bức tranh phức tạp mà mục đích, ý đồ của mỗi bên cần phải được xem xét từ các hành động tưởng như mập mờ, khó hiểu. Đây sẽ là những căn cứ quan trọng để dự báo chiều hướng phát triển của tình hình bán đảo Triều Tiên trong thời gian tới.

Trận đấu “dò đá qua sông”

Về phía Triều Tiên, sau khi tổ chức Liên minh Vận động Tự do Triều Tiên của những người đào tẩu Triều Tiên tại Hàn Quốc dùng bóng bay rải truyền đơn có nội dung chỉ trích chính quyền ông Kim Jong-un qua biên giới liên Triều ngày 31/05, nước này đã đe dọa sẽ hủy bỏ Thỏa thuận quân sự Hàn – Triều ngày 19/09/2018 và các dự án hợp tác liên Triều khác. Đến ngày 26/06, Triều Tiên đã cho giật sập Văn phòng liên lạc liên Triều – cơ quan đóng vai trò duy trì kênh liên lạc trực tiếp giữa hai nước và là biểu tượng cho sự hòa dịu trong quan hệ liên Triều, đồng thời tuyên bố cắt đứt liên lạc với Hàn Quốc, coi Hàn Quốc như kẻ thù. Triều Tiên cũng đã tiến hành các hành động gây căng thẳng, làm phức tạp tình hình khác như bố trí loa phóng thanh gần Khu phi quân sự (DMZ) (đã dỡ đi rồi lắp lại), tái khởi động việc tuyên truyền qua biên giới – một hình thức tâm lý chiến mà hai nước đã áp dụng nhiều thập niên qua. Triều Tiên cũng lên kế hoạch rải truyền đơn đáp trả phía Hàn Quốc, phát hành hơn 12 triệu truyền đơn đặt trong 3.000 quả bóng bay và các phương tiện truyền tin khác; lên kế hoạch cho quân đội vào khu Công nghiệp Kaesong, khu du lịch núi Kumkang hay khôi phục lại các trạm gác trong DMZ. Triều Tiên cũng tuyên bố việc đàm phán với Mỹ là không cần thiết, nhấn mạnh rằng nước này sẽ không đàm phán với Mỹ. Tuy nhiên, mặt khác Triều Tiên lại có phần kiềm chế trong hành động đối đầu: Cho dừng các kế hoạch quân sự nhằm vào Hàn Quốc như triển khai thêm quân và nối lại tập trận quân sự ở biên giới liên Triều, kiềm chế đăng những bài viết chỉ trích Hàn Quốc.

Về phía Mỹ, hai ngày sau khi Triều Tiên giật sập Văn phòng liên lạc liên Triều, Mỹ đã gia hạn trừng phạt kinh tế đối với Triều Tiên thêm một năm, đồng thời tiến hành các hoạt động thăm dò từng động thái của Triều Tiên. Ngày 20/06, Mỹ đã điều máy bay do thám vào không phận của Hàn Quốc, hành động này được cho là để theo dõi các hoạt động hạt nhân của Triều Tiên. Hình ảnh vệ tinh của phía Mỹ cho thấy dường như có một nhà máy sản xuất vũ khí hạt nhân ở gần Bình Nhưỡng. CNN đưa tin giới học giả Mỹ cho rằng Triều Tiên có thể chưa từ bỏ vũ khí hạt nhân. Trong khi đó Bộ Quốc phòng Mỹ chưa có nhận xét chính thức về việc này. Mỹ cũng theo dõi và nhận thấy có nhiều chuyến xe chở hàng tới các cơ sở hạt nhân tại một tổ hợp hạt nhân ở Triều Tiên, một dấu hiệu cho thấy Triều Tiên có thể đang sản xuất thêm đầu đạn hạt nhân hoặc các vũ khí hạt nhân mới. Từ 08/07, đặc phái viên của Mỹ về vấn đề Triều Tiên, đồng thời là Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun đã có chuyến thăm 3 ngày đến Hàn Quốc và 2 ngày đến Nhật Bản. Trong đó, Mỹ – Hàn tái khẳng định quan hệ đồng minh và Mỹ tuyên bố sẵn sàng nối lại đàm phán hạt nhân Mỹ – Triều bất cứ lúc nào, còn Mỹ – Nhật thì cam kết tiếp tục hợp tác trong vấn đề Triều Tiên. Mỹ và Hàn Quốc cũng đã có động thái bỏ lệnh cấm Hàn Quốc sử dụng nhiên liệu rắn phát triển tên lửa đạn đạo, đồng nghĩa với việc Hàn Quốc có thể phát triển các tên lửa đạn đạo có tầm bắn xa hơn, trở thành mối đe dọa mới về an ninh cho Triều Tiên.

Về phía Hàn Quốc, dường như thời gian qua nước này vẫn muốn cứu vãn vai trò trung gian, hòa giải trong quan hệ Mỹ – Triều của mình sau khi đã họp khẩn ngày 14/06 giữa các quan chức an ninh hàng đầu để thảo luận về các phản ứng của Triều Tiên. Ông Moon Jae-in đã đề xuất bổ nhiệm những nhân sự mới là những người có tư tưởng cải thiện quan hệ liên Triều với hy vọng có thể khôi phục lại đàm phán Mỹ – Triều. Các vị trí quan trọng trong danh sách này gồm có Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc, Cố vấn An ninh Quốc gia, Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc, Cố vấn đặc biệt về chính sách đối ngoại và an ninh. Ngày 30/06, trong một cuộc họp trực tuyến với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, ông Moon Jae-in cũng khẳng định tiếp tục làm cầu nối giữa Kim Jong-un và Donald Trump, kêu gọi hai nhà lãnh đạo gặp nhau lần tiếp theo trước khi bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra. Ngày 14/12, Quốc hội Hàn Quốc cũng đã thông qua dự luật cấm rải truyền đơn chống Triều Tiên qua biên giới như một động thái làm xoa dịu căng thẳng với Triều Tiên.

Mục đích của các bên

Đối với Triều Tiên, những hành động có phần mập mờ, khó lường trong thời gian qua dường như là có chủ ý. Việc tỏ ra vừa cứng vừa mềm, lúc nóng lúc lạnh giúp Triều Tiên lôi kéo sự chú ý của Mỹ và Hàn Quốc vào vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Hành động cho nổ tung Văn phòng liên lạc liên Triều có phần quá mức cần thiết và có thể là một cách để Triều Tiên đánh động gián tiếp đến Mỹ thông qua Hàn Quốc, nhằm gây sức ép để Mỹ có động thái nối lại đàm phán Mỹ – Triều, giải quyết vấn đề phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên. Nhìn chung, mục đích cuối cùng của phía Triều Tiên có thể là gây áp lực để Mỹ và Hàn Quốc có những động thái giúp cải thiện tình hình kinh tế khó khăn hiện nay của Triều Tiên như viện trợ, nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với nước này.

Việc Triều Tiên gấp gáp, dồn dập như vậy cũng chịu ảnh hưởng lớn của yếu tố thời gian. Từ sau khi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều lần hai tại Hà Nội không ra được thỏa thuận nào, Triều Tiên vốn đã khởi động lại các hành vi gây căng thẳng, như cho phóng các vật thể bay không xác định, nhưng ở mức độ kiềm chế trong giới hạn cho phép, cốt yếu để Mỹ không buông lỏng sự chú ý đối với vấn đề hạt nhân Triều Tiên, từ đó tạo điều kiện cho việc đạt được một thỏa thuận trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump. Việc này rất quan trọng đối với Triều Tiên vì Trump là Tổng thống đầu tiên trong lịch sử của Mỹ chấp nhận đàm phán trực tiếp ở cấp cao nhất với Triều Tiên. Nếu Mỹ thay đổi Tổng thống sau bầu cử, cơ hội đàm phán Mỹ – Triều trực tiếp như vậy có thể sẽ không còn và Triều Tiên sẽ để lỡ cơ hội nếu Tổng thống Mỹ sau năm 2020 không tiếp tục chính sách của Trump. Hiện nay, với việc ông Joe Biden đã chính thức được các đại cử tri Mỹ bầu làm Tổng thống nhiệm kỳ tới, đàm phán hạt nhân Mỹ – Triều có thể sẽ phải khởi động lại từ đầu. Trên cơ sở thực tế này, cộng với việc Triều Tiên ngày 14/08 thay Thủ tướng mới là một chuyên gia kinh tế, có thể nói rằng các biểu hiện hành vi của Triều Tiên thời gian qua đã cho thấy nỗ lực khuấy động tình hình của nước này, “đánh tiếng” Mỹ để đạt được một thỏa thuận Mỹ – Triều nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên trước khi kết thúc nhiệm kỳ này của Tổng thống Trump.

Đối với Mỹ, các hành vi của nước này thể hiện mục đích thăm dò ý định thực sự của Triều Tiên, chưa thực sự tin tưởng vào quyết tâm đối đầu mà Triều Tiên đang cố gắng tỏ ra. Bằng chứng là Bộ Quốc phòng Mỹ chưa lên tiếng về những nghi vấn của giới học giả xung quanh việc Triều Tiên tiếp tục chương trình hạt nhân, còn phía ngoại giao thì đánh tiếng cho Triều Tiên về thiện chí nối lại đàm phán Mỹ – Triều thông qua hai đồng minh là Hàn Quốc và Nhật Bản nhân chuyến thăm của Thứ trưởng Stephen Biegun. Việc Mỹ bỏ lệnh cấm Hàn Quốc sử dụng nhiên liệu rắn cho tên lửa đạn đạo cũng là một động thái để thử xem nếu Hàn Quốc có thêm năng lực để tự vệ trước Triều Tiên thì Triều Tiên sẽ có phản ứng tiếp theo như thế nào. Có thể thấy rằng cách chơi của Mỹ cũng là vừa cứng vừa mềm, thận trọng thăm dò từng bước, Mỹ đang áp dụng đúng cách hành xử của Triều Tiên để phản ứng lại. Cách tiếp cận này vừa giúp Mỹ thăm dò được Triều Tiên, vừa là một hình thức đảm bảo giúp Triều Tiên bớt nóng vội trong việc có tiến triển thực chất trong tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa. Điều này là cần thiết với nước Mỹ ở thời điểm đó vì chính quyền Trump đang phải bận rộn đối phó và giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết hơn như các hệ quả kinh tế do dịch bệnh Covid-19, bất ổn nội bộ do phong trào biểu tình Black Lives Matter cũng như phải chuẩn bị cho bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11/2020.

Còn đối với Hàn Quốc, những hành động của nước này thời gian qua cho thấy họ đang muốn hối thúc hai bên Mỹ – Triều nối lại hình thức đàm phán Hội nghị Thượng đỉnh nhằm tiếp tục vai trò trung gian, hòa giải của mình. Đây là một động thái nhằm triển khai đường lối của chính quyền Moon Jae-in đối với vấn đề Triều Tiên: Ông Moon luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên bằng đối thoại thay vì dùng vũ lực hay chiến tranh; cũng như kiến tạo hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Hành động bổ nhiệm các nhân sự mới có tư tưởng cải thiện quan hệ liên Triều và kêu gọi Mỹ – Triều gặp Thượng đỉnh cũng là những động thái nhằm xoa dịu Triều Tiên, bởi trong thời gian qua Hàn Quốc cũng có phần lơ là vấn đề này do phải tập trung giải quyết các vấn đề cấp bách khác ở trong nước như đối phó với suy thoái kinh tế do dịch bệnh Covid-19, tổ chức bầu cử Quốc hội (04/2020), ổn định nội bộ và nhất là điều hòa quan hệ giữa Đảng Dân chủ cầm quyền của ông Moon Jae-in và đảng đối lập chính (Đảng Tương lai Thống nhất – UFP).[1]

Chiều hướng phát triển sắp tới

Trên cơ sở phân tích các diễn biến mới đáng chú ý ở bán đảo Triều Tiên, có thể thấy rằng thời kỳ ấm lên đáng ngạc nhiên trong quan hệ giữa các chủ thể chính Triều Tiên – Mỹ – Hàn Quốc từ năm 2018 đã chính thức nhường chỗ cho một chu kỳ căng thẳng – hòa dịu mới. Những vận động trong hành vi của Triều Tiên và Mỹ thời gian tới sẽ là những nhân tố chính tác động đến tình hình ở bán đảo này, còn động thái của các bên đóng vai trò thúc đẩy đối thoại trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên là Hàn Quốc và Trung Quốc sẽ khó được đẩy mạnh, nhất là trong bối cảnh cả thế giới đều đang bận rộn với các kế hoạch phục hồi kinh tế hậu Covid-19.

Xét đến Triều Tiên, kinh tế của nước này vẫn đang gặp khó khăn, đại cử tri Mỹ đã xác nhận có Tổng thống mới là ông Joe Biden, Mỹ – Hàn tuy đã có phản ứng trước sự khuấy động của Triều Tiên nhưng vẫn chưa đi vào chuẩn bị thực chất cho việc tổ chức một Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều khác, chưa đáp ứng nhu cầu đạt được một thỏa thuận Mỹ – Triều trong năm nay của Triều Tiên. Trong tương lai, Triều Tiên có thể sẽ tiếp tục vừa thăm dò phản ứng của các bên, vừa tiếp tục có những động thái vừa cứng vừa mềm, gửi thông điệp gián tiếp cho Mỹ thông qua các hành động với Hàn Quốc, nhưng với cường độ vừa phải, không quá lớn, dù tần suất có thể dày đặc hơn do sức ép của yếu tố thời gian. Sự thận trọng từng bước sẽ là cần thiết cho Triều Tiên ở thời điểm hiện tại, vì một bước đi bốc đồng lúc này sẽ chỉ làm căng thẳng tình hình và khi đó Mỹ có thể sẽ trừng phạt Triều Tiên mạnh hơn – ngược lại với mong muốn của Triều Tiên.

Xét đến Mỹ, dịch bệnh Covid-19 hiện vẫn hoành hành, diễn biến phức tạp, Mỹ vẫn dần đầu thế giới về tổng số ca nhiễm bệnh với gần 17,6 triệu ca.[2] Quá trình chuyển giao quyền lực từ chính quyền Trump sang chính quyền mới của ông Joe Biden vẫn đang được tiến hành. Vì thế trước mắt Mỹ sẽ tiếp tục tập trung vào nội bộ và khó dành sự chú ý cho vấn đề Triều Tiên như trước. Trong thời gian tới, nếu Triều Tiên tiếp tục có những động thái làm căng thẳng tình hình, Mỹ có thể sẽ tiếp tục áp dụng chiêu thức hành động vừa cứng vừa mềm như hiện nay: Một mặt có thể gia tăng lệnh trừng phạt kinh tế đối với Triều Tiên, mặt khác lên tiếng và gửi thông điệp gián tiếp nhiều hơn cho Triều Tiên liên quan đến việc tổ chức một Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều, nhưng nhiều khả năng sẽ tìm cách trì hoãn vì Mỹ còn cần giải quyết các vấn đề nội bộ, nhất là việc hoàn thiện bộ máy nhân sự mới dưới thời ông Joe Biden.

Đối với các bên đóng vai trò xúc tác cho đối thoại Mỹ – Triều là Hàn Quốc và Trung Quốc, khó có thể khẳng định các chủ thể này sẽ tích cực thúc đẩy hai nhà lãnh đạo gặp mặt Thượng đỉnh lần tiếp theo, mặc dù Hàn Quốc sẽ có vai trò chủ động hơn Trung Quốc. Hiện nay, Hàn Quốc đang gặp khó khăn trước làn sóng dịch Covid-19 thứ hai với số ca nhiễm mới mỗi ngày đạt đến kỷ lục hơn 1,000 ca và đứng trước sức ép chấp nhận thiệt hại lớn hơn về kinh tế, áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn. Về phía Trung Quốc, dưới tác động của dịch bệnh Covid-19, trước mắt nước này cần tập trung phục hồi kinh tế hậu Covid-19, khắc phục hậu quả nặng nề của thiên tai lũ lụt cũng như bận rộn trong năm cuối chuẩn bị cho mục tiêu 100 năm lần thứ nhất vào năm 2021 (trở thành xã hội khá giả toàn diện) và Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 vào năm 2022. Với việc cả Hàn Quốc và Trung Quốc đều phải tập trung vào các vấn đề bên trong như vậy, khả năng thúc đẩy đối thoại Mỹ – Triều của họ cũng sẽ bị hạn chế.

Tóm lại, triển vọng để có được một thỏa thuận Mỹ – Triều trong tương lai gần là khó xảy ra. Trong thời gian tới, trong khi phía Hàn Quốc và Triều Tiên chưa có sự thay đổi chính quyền hay chuyển hướng chính sách, biến số chính quyền nội bộ và chính sách đối với vấn đề hạt nhân Triều Tiên của Mỹ hiện vẫn chưa được Tổng thống đắc cử Joe Biden xác định rõ ràng. Cộng với diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19, vượt ngoài khả năng chi phối của các chủ thể, và vai trò trung gian hạn chế ở thời điểm hiện tại của cả Hàn Quốc và Trung Quốc, có thể kết luận là tình hình bán đảo Triều Tiên nhiều khả năng sẽ được duy trì ở thế trì hoãn vừa cứng rắn vừa mềm mỏng như hiện tại. Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều chưa được nối lại, cũng như chưa hết hy vọng hoàn toàn. Chính sách và hành vi của Mỹ đối với bán đảo Triều Tiên dưới thời Joe Biden trong thời gian tới có thể sẽ là một trong những nhân tố quan trọng làm thay đổi cục diện hiện tại của bán đảo Triều Tiên.

ThS Lê Như Mai là nghiên cứu viên tại Học viện Ngoại giao Việt Nam.

—————

[1] Đảng này đã đổi tên thành Đảng “Quyền lực Nhân dân” (People’s Power Party – PPP) trong một cuộc họp của Ban Lãnh đạo Đảng ngày 31/08/2020.

[2] Số liệu mới nhất cập nhật ngày 20/12/2020 của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC).