Thượng đỉnh Mỹ-Triều: ‘Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên’

Tác giả: Trần Việt Thái

Mỹ-Triều đã dự thảo sẵn hai văn kiện là Tuyên bố chung và Tuyên bố Hà Nội về chấm dứt chiến tranh. Tiếc là mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”.

Tuần Việt Nam lược trích góc nhìn của Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Ngoại giao, Tiến sỹ Trần Việt Thái sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều thu hút sự quan tâm rộng khắp tại Hà Nội suốt tuần qua.

Quan điểm của mỗi bên 

Sau kết quả họp Thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Singapore tháng 6/2018, hai bên đã chốt 3 nội dung thảo luận tại Hà Nội. Thứ nhất là phi hạt nhân hoá, đi kèm với đó là dỡ lệnh cấm vận. Thứ hai là thiết lập hoà bình ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Thứ ba là thiết lập quan hệ ngoại giao.

Mỹ đã gói hai vấn đề làm một, tức là vấn đề phi hạt nhân hoá phải được gói với vấn đề dỡ lệnh cấm vận. Còn Triều Tiên thì muốn tách ra. Đây là điểm khác biệt nhất, là cái gốc của vấn đề dẫn đến đổ vỡ, không ký được tuyên bố chung.

Vấn đề thứ hai, thiết lập hoà bình trên bán đảo Triều Tiên, Mỹ sẵn sàng ký một tuyên bố kết thúc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên chỉ riêng giữa Mỹ và Triều Tiên thôi, nhưng Triều Tiên muốn phương án khác, muốn ký một Hiệp ước hoà bình có tính giá trị pháp lý, tương tự Hiệp định Paris của chúng ta. (Nhưng để đi đến Hiệp định Paris, chúng ta phải bắn rụng 54 máy bay trên bầu trời Hà Nội, và Mỹ không còn phương án nào tốt hơn họ mới chịu ký).

Còn cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) chỉ là hiệp định đình chiến. Và Triều Tiên Tiên không còn con bài nào đủ sức để ép buộc Mỹ phải ký một Hiệp ước hoà bình. Mỹ dứt khoát không chịu vì Triều Tiên không đủ lực ép Mỹ phải ký.

TS. Trần Việt Thái

Dù sao, đối với Triều Tiên, chỉ cần ký được một tuyên bố là có ý nghĩa chính trị tốt lắm rồi vì hiện nay, trên bán đảo Triều Tiên chỉ có một hiệp định đình chiến. Họ vẫn trong tình trạng chiến tranh nên phải chi cho quân đội rất nhiều. Nếu có tuyên bố kết thúc chiến tranh thì sẽ dùng nó để ép quân đội cải tổ và thu nhỏ quy mô. Ở Triều Tiên, nam giới đến tuổi 18 phải đi lính nghĩa vụ 10 năm, nữ giới phải đi nghĩa vụ 7 năm. Như vậy lấy đâu nguồn lực tham gia vào sản xuất hay các lĩnh vực.

Nếu không có tuyên bố đó thì Triều Tiên sẽ không sửa được Luật nghĩa vụ quân sự, không sửa được những thứ khác, từ đó sửa hệ thống. Vì thế, tuyên bố kết thúc chiến tranh dù chỉ có ý nghĩa về mặt chính trị nhưng với Triều Tiên lại cực kỳ cần thiết nếu muốn chuyển đổi và phát triển. Không kết thúc tình trạng chiến tranh thì không thể đầu tư cho các lĩnh vực khác.

Với Mỹ, tuyên bố đó không ý nghĩa lắm nhưng với Triều Tiên, giá trị của tuyên bố kết thúc chiến tranh rất lớn vì nó còn gắn với hình ảnh của cá nhân ông Kim Jong-Un nữa.

Theo tôi biết, hai bên đã dự thảo xong tuyên bố kết thúc chiến tranh rất ngắn gọn, có nửa trang thôi. Rất tiếc bản tuyên bố không ký được.

Vấn đề thứ 3 là thiết lập quan hệ ngoại giao, Triều Tiên muốn “duy trì liên lạc thường xuyên hơn”, còn Mỹ sẵn sàng đi xa hơn, tức là sẵn sàng thiết lập văn phòng liên lạc. Hai bên đã đạt được thoả thuận sẽ lập văn phòng liên lạc ở thủ đô của nhau. Triều Tiên đã đưa người xuống khảo sát địa điểm ở Wasington rồi và đưa địa điểm này vào tuyên bố, nhưng rất tiếc cuối cùng không đạt được. Mỹ không sẵn sàng lập Đại sứ quán nhưng sẵn sàng cử chuyên gia quân sự và cán bộ ngoại giao nằm trong văn phòng liên lạc. Cuối cùng cũng không thành công.

Về vấn đề phi hạt nhân hoá, Mỹ nêu 6 điểm rất cụ thể.

Một là kiểm kê đầy đủ các cơ sở hạt nhân, số lượng chủng loại đầu đạn, các phương tiện đóng, thực trạng và các địa điểm công khai và bí mật của tất cả các cơ sở hạt nhân tên lửa của Triều Tiên. Nhưng Triều Tiên dứt khoát không chịu điểm này vì cho rằng nếu khai báo hết không khác gì “phơi lưng”.

Thứ hai là thanh sát. Mỹ yêu cầu Triều Tiên chấp nhận thanh sát không giới hạn, thanh sát viên quốc tế có thể đi bất kỳ nơi đâu, kiểm tra bất cứ cái gì và được đảm bảo an ninh trong suốt thời gian ở Triều Tiên.

Thứ ba là phá huỷ tại chỗ, cái gì không thể di dời khỏi lãnh thổ được thì Triều Tiên phải phá huỷ tại chỗ, ví dụ như nhà cửa, kho tàng.

Thứ tư là chuyển khỏi Triều Tiên một số những phương tiện, nguyên liệu đặc biệt nhạy cảm như các đầu đạn hạt nhân, các phương tiện phóng, đặc biệt là tên lửa tầm xa.

Tiếp năm là kiểm soát về con người. Mỹ yêu cầu Triều Tiên thống kê có bao nhiêu chuyên gia, học về cái gì, ở đâu, rồi công tác bao nhiêu năm, gia đình thế nào.

Cuối cùng là phải có cơ chế giám sát và đảm bảo thực thi.

Sáu điểm đó là phương án cao nhất mà Mỹ mong muốn. Còn phía Triều Tiên chỉ muốn thực thi từng bước và có lộ trình mà Triều Tiên kiểm soát được.

Còn đối với dỡ bỏ lệnh cấm vận, Mỹ nói rõ không dỡ bỏ lệnh cấm vận cho đến khi nào Triều Tiên hoàn thành phi hạt nhân hoá. Nhưng vì khác biệt quan điểm ở vấn đề phi hạt nhân hoá và chưa có lộ trình nên về sau này, trong quá trình đàm phán, Mỹ có linh hoạt điều chỉnh một chút và nói sẵn sàng dỡ bỏ một số lệnh cấm vận có tính nhân đạo. Mỹ nói, nếu Triều Tiên đi một bước có ý nghĩa thì Mỹ cũng sẽ đáp lại một bước có ý nghĩa, nhưng Mỹ không nói cụ thể dỡ bỏ thế nào.

Theo tôi, một trong những nguyên nhân hội nghị thượng đỉnh không đạt kết quả có lẽ vì Triều Tiên đặt kỳ vọng hơi cao, chưa hiểu hết Mỹ.

Bản dự thảo dang dở 

Bắt đầu từ ngày 21/2, đại diện của Mỹ và Triều Tiên đã đàm phán tại khách sạn Nikko; đã dự thảo được 2 văn kiện và 4 điểm then chốt.

Hai văn kiện là một tuyên bố chung và tuyên bố về chấm dứt chiến tranh, thậm chí đã đưa chữ Tuyên bố Hà Nội về chấm dứt chiến tranh vào rồi. Theo tin, đến 12h trưa ngày 28 vẫn nghĩ sẽ ký được hai văn kiện này nhưng rồi tiến triển sau đó thì chúng ta đã biết. Tiếc là mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên.

Còn 4 nội dung then chốt bao gồm:

Một là kết thúc chiến tranh. Hai là Triều Tiên chấp nhận cho Mỹ vào thanh sát và phá huỷ có kiểm chứng cơ sở ở Yongbyon, nhưng không nói rõ nội dung và để ngỏ cho hai nhà lãnh đạo Mỹ – Triều quyết định. Ba là Triều Tiên đã chấp nhận thanh sát hạn chế. Bốn là Triều Tiên đồng ý cho phép Mỹ lập văn phòng liên lạc và Mỹ cũng đồng ý cho phép Triều Tiên lập văn phòng liên lạc.

Một điểm nữa là hai bên đã đạt được thoả thuận về cơ chế bảo đảm thực thi trong quá trình này.

Mỹ nói rõ nếu Triều Tiên có bước đi ý nghĩa thì Mỹ sẽ có những biện pháp tương ứng về mặt cấm vận, nhưng Mỹ cũng không nói rõ là cái gì. Cái này cũng để ngỏ cho Trump và Kim đàm phán.

Khi đi vào đàm phán cụ thể, phía Triều Tiên xin gỡ bỏ 5/11 lệnh cấm vận, nhưng Mỹ lại hiểu hơi khác. Trên thực tế Triều Tiên chỉ muốn gỡ bỏ những lệnh cấm vận đã được công khai rồi chứ không phải gỡ bỏ hết.

Vấn đề là Triều Tiên chỉ muốn cho phép thanh sát, phá huỷ và dỡ bỏ cơ sở Yongbyon, là nơi cộng đồng quốc tế đã biết. Tuy nhiên Mỹ đã biết từng cm ở Triều Tiên. Thực ra Mỹ có danh sách rồi nhưng Triều Tiên không công nhận nên họ cho rằng Triều Tiên không chân thành. Chữ chân thành được nhắc đến rất nhiều. Sở dĩ người Mỹ rất tôn trọng và quý người Việt vì người Việt rất chân thành.

Cái mấu chốt nhất dẫn đến 2 bên không ký được tuyên bố chung là vào phút chót sau cuộc họp mở rộng 1-1 là do bất đồng về gói cấm vận và vấn đề hạt nhân hoá. Hai bên đã không đạt được mục đích của mình.

Theo tôi, một phần khác do cách làm, khi đàm phán ở cấp dưới đã không chốt ngay được mà để ngỏ cho cấp cao. Sau đó, 2 bên ra về ngay nên không còn cơ hội cho trung gian. Việt Nam cũng thiện chí muốn giúp nhưng họ ra đi nhanh quá, gần như không còn cơ hội cho bên thứ ba can dự, đó là điều đáng tiếc.

Tình hình tới đây

Tới đây hai bên cần thời gian lắng lại để định hướng chiến lược, đánh giá và xắp xếp lại cuộc chơi. Tuy không đạt tuyên bố chung nhưng cuộc gặp thượng đỉnh ở Hà Nội có nhiều ý nghĩa.

Thứ nhất là làm cho hai bên xích lại gần nhau hơn, cả hai có nỗ lực giải quyết một trong những vấn đề nặng nề nhất còn lại của chiến tranh lạnh là vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Thứ hai, hai bên vẫn để ngỏ khả năng gặp lại.

Theo quan sát của tôi, nếu 2 bên kiềm chế hơn một chút nữa thì hoàn toàn có thể ký được những thoả thuận tương đối có ý nghĩa.  Ở Singapore họ ký được tuyên bố chung hơn 400 chữ nhưng khả năng không thực hiện được gì. Ở Việt Nam tuy họ không ký được gì nhưng có khi ý nghĩa lại rất lớn.

Khi đoàn Triều Tiên đến Hà Nội ngày 26/2, đoàn Triều Tiên đi thăm viếng khắp nơi. Triều Tiên ngỡ ngàng trước phong cảnh của Vịnh Hạ Long, hay ngỡ ngàng khi đi thăm những khu công nghệ cao, hay đi trên con đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.

Triều Tiên là dân tộc có lòng tự tôn rất cao, không chịu thua kém ai. Họ nghĩ họ là cường quốc, nhưng vài ngày nay, đoàn Triều Tiên đi thăm thú và vô cùng ấn tượng với sự phát triển của Việt Nam. Tôi tin, chuyến thăm song phương là thành công nhất.

Chúng ta cần nhìn lại quan hệ Mỹ-Triều cực xấu trong các năm 2016-2017 gần đây khi ông Trump lên cầm quyền. Mỹ đe dọa huỷ diệt Bình Nhưỡng, điều 3 hạm đội cùng lực lượng hạt nhân quanh bán đảo Triều Tiên. Về phần mình, Triều Tiên thử tên lửa hạt nhân và tuyên bố hoàn thành chương trình thử hạt nhân tên lửa, ám chỉ hoàn toàn có thể đánh tới Mỹ. Tuy nhiên, sang 2018 tình hình thay đổi chóng mặt. Vì thế, những diễn biến gần đây vẫn gieo hi vọng.

Tư Giang lược ghi

Nguồn: Tuần Việt Nam