Nhật ký Bắc Kinh (04/12/20): Trung Quốc nắn gân Australia

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Tetsushi Takahashi, Beijing Diary, Nikkei Asian Review, 12/2020.

Người dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Các nhà ngoại giao “chiến lang” của Trung Quốc lại lên tiếng – lần này mục tiêu của họ là Australia.

Đợt căng thẳng ngoại giao mới nhất giữa hai nước khai màn khi Triệu Lập Kiên, Phó Vụ trưởng Vụ Thông tin Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đăng một bức ảnh gây hấn lên Twitter vào hôm thứ Hai (30/11/2020).

Bức ảnh này mô tả một binh sĩ Úc đang tươi cười kề con dao dính máu vào cổ một đứa trẻ Afghanistan. “Bị sốc trước việc binh lính Australia sát hại thường dân và tù nhân Afghanistan”, ông Triệu viết, đề cập đến cuộc điều tra của chính Australia về các cáo buộc tội ác chiến tranh của quân đội nước này. “Chúng tôi lên án mạnh mẽ những hành vi như vậy, và kêu gọi họ chịu trách nhiệm.”

Thủ tướng Australia Scott Morrison phản ứng ngay lập tức khi nói chính phủ Trung Quốc nên “hoàn toàn xấu hổ” vì đã chia sẻ hình ảnh “đáng ghê tởm”. Ông yêu cầu Trung Quốc xóa dòng tweet và xin lỗi.

Ông Triệu có một bề dày lịch sử các dòng tweet gây tranh cãi: bài đăng của ông hồi tháng 3 ngụ ý quân đội Hoa Kỳ có thể đã đưa coronavirus đến Vũ Hán, nơi đại dịch khởi phát, vẫn còn nguyên vẹn trong trí nhớ của thế giới.

Bất chấp lời phản đối quyết liệt của Morrison, Triệu vẫn chưa xóa bức ảnh khỏi tài khoản của ông. Thậm chí, dòng tweet về Afghanistan còn được ghim lên đầu trang.

Hoa Xuân Ánh, Vụ trưởng Vụ Thông tin và là cấp trên của Triệu, đã bảo vệ dòng tweet này trong một cuộc họp báo thường kỳ hôm thứ Ba (01/12/2020). Bà dứt khoát bác bỏ lời chỉ trích của Morrison rằng đó là “bức ảnh giả”.

“Một bức ảnh giả ư? Úc cáo buộc Trung Quốc sử dụng một bức ảnh giả hay xuyên tạc, và thậm chí lan truyền thông tin sai lệch, nhưng cáo buộc như vậy tự nó đã là giả hiệu”, Hoa nói. “Những gì đang lan truyền trên mạng không phải là một ‘bức ảnh’, mà là một hình ảnh được tạo ra bằng kỹ thuật máy tính bởi một nghệ sĩ trẻ Trung Quốc.”

Bà tiếp tục: “Đồ họa do máy tính tạo ra và ảnh giả là hai thứ khác nhau. Đồ họa mô tả sự thật vì nó dựa trên báo cáo điều tra của chính Bộ Quốc phòng Úc.”

Quan hệ giữa hai nước đã xấu đi đáng kể từ tháng 4 khi Morrison kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc COVID-19. Trung Quốc phản pháo với một loạt các hình phạt thương mại, bao gồm đình chỉ nhập khẩu một số loại thịt và áp thuế hơn 80% lên lúa mạch của Úc.

Tuần này, khi Morrison chia sẻ quan điểm của ông về bức ảnh Afghanistan trên WeChat, bài đăng của ông đã bị xóa khỏi nền tảng mạng xã hội Trung Quốc. Khi bị một nhà báo nước ngoài hỏi, bà Hoa hôm thứ Năm (03/12/2020) cho biết bà “không biết về điều đó.”

“Bạn đang hỏi về một vấn đề giữa công ty WeChat và Thủ tướng Morrison,” bà nói. “WeChat giải quyết các vấn đề kinh doanh theo quy tắc riêng của họ.”

Dĩ nhiên chẳng ai tin lời bà Hoa. Mọi người đều biết rằng ở Trung Quốc tất cả các trang mạng xã hội đều chịu sự quản lý của chính quyền.

Các “chiến lang” này là bộ mặt toàn cầu của chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình. Với chiến thuật cứng rắn của họ, tôi không thể hiểu liệu họ có thực sự phục vụ lợi ích quốc gia Trung Quốc hay không.

Trung Quốc đã bị không chỉ Australia mà cả Mỹ và Anh chỉ trích về dòng tweet Afghanistan. Ngay những nước mà họ có quan hệ tương đối tốt, chẳng hạn như New Zealand, cũng bày tỏ quan ngại.

Sáng thứ Năm, tôi đi một vòng quanh Đại sứ quán Australia ở Bắc Kinh. Nó nằm gần Sanlitun, một khu vực tụ tập của thanh niên. Tôi cứ tưởng an ninh phải được thắt chặt vì đang có căng thẳng, nhưng nó vẫn như mọi ngày – không như khu vực xung quanh Đại sứ quán Hoa Kỳ nơi có rất đông cảnh sát.

Tôi cũng không thấy tình cảm chống Úc lan rộng trong người dân Trung Quốc. Vậy thì các “chiến lang” đang đại diện cho ai? Việc các nhà ngoại giao nhắm thẳng vào một nước cụ thể công khai như thế thật không bình thường. Tôi rất muốn biết họ thực sự nghĩ gì.

Tetsushi Takahashi là trưởng văn phòng Nikkei ở Trung Quốc.