Tác giả: Lê Hồng Hiệp
Hôm 08/04/2021, Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn việc bổ nhiệm hai phó thủ tướng và 12 bộ trưởng mới trong nội các của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Các ứng viên được bổ nhiệm phù hợp với những tin đồn đã được lan truyền từ sau Đại hội 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) kết thúc cách đây hai tháng, trừ trường hợp Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên.
Việc ông Diên được chọn làm người đứng đầu Bộ Công Thương là điều gây bất ngờ. Cho đến gần đây, ứng viên hàng đầu cho vị trí này được cho là ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp (CMSC). Nền tảng giáo dục và chuyên môn của ông Anh khiến ông trở thành ứng viên phù hợp cho vị trí này do ông được đào tạo về kinh tế và trước đây từng làm việc tại một công ty thương mại ở thành phố Hải Phòng. Tại CMSC, ông giám sát vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước, trong đó có nhiều doanh nghiệp từng do Bộ Công Thương quản lý trước khi chuyển giao cho ủy ban.
Ngược lại, lý lịch của ông Diên khiến ông trông có vẻ không phù hợp với công việc này. Ông Diên quê ở Thái Bình, có bằng tiến sĩ chính sách công và hai bằng cử nhân, một về lịch sử và một về kinh tế. Ông bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình với tư cách là Bí thư Tỉnh đoàn Thái Bình trước khi leo lên các nấc thang sự nghiệp để trở thành trưởng ban tuyên giáo tỉnh ủy và sau đó là bí thư và chủ tịch tỉnh. Ông chỉ mới xuất hiện trên chính trường quốc gia vào tháng 5 năm 2020 khi được bổ nhiệm làm Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Việc tại sao Đảng bổ nhiệm một chuyên gia tuyên giáo đứng đầu một bộ quan trọng phụ trách các vấn đề kinh tế vẫn là một câu hỏi lớn. Tuy nhiên, việc xem xét kỹ hơn bối cảnh chính trị hiện tại của Việt Nam, tiểu sử của ông Diên cũng như những diễn biến gần đây ở Bộ Công Thương có thể mang lại một số manh mối hữu ích.
Việc bổ nhiệm ông Diên có thể là một nỗ lực của nhóm kiểm soát Đảng nhằm áp đặt quyền kiểm soát của mình đối với Bộ Công Thương, một bộ đóng vai trò thiết yếu trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Được coi là một siêu bộ, Bộ Công Thương quản lý các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế từ dầu khí và điện, đến sản xuất thép và nền kinh tế số. Bộ cũng giám sát tất cả các vấn đề liên quan đến nội thương và ngoại thương, từ điều tiết giá xăng dầu đến chống buôn lậu, xúc tiến thương mại và đàm phán các hiệp định thương mại tự do. Vai trò thiết yếu của Bộ có nghĩa là bất kỳ phe phái nào kiểm soát Bộ đều sẽ có một công cụ thiết yếu để thúc đẩy các chương trình nghị sự về kinh tế và chính trị của mình.
Gốc gác của ông Diên với vai trò là một quan chức đảng ở Thái Bình cho thấy ông có thể đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng minh, đặc biệt là ông Trần Cẩm Tú, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, hậu thuẫn. Ông Tú, một đồng minh thân thiết và là cánh tay phải đắc lực cho chiến dịch “đốt lò” chống tham nhũng của ông Trọng, từng là Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình từ năm 2011 đến năm 2015, khi ông Diên là chủ tịch hội đồng nhân dân tỉnh. Nếu xét mối liên hệ gần gũi này, ông Tú, và xa hơn là ông Trọng, có thể đã hậu thuẫn cho việc bổ nhiệm ông Diên vào vị trí này. Đổi lại, ông Diên được kỳ vọng sẽ ủng hộ các chương trình nghị sự của ông Trọng, đặc biệt là việc lựa chọn một ứng viên phù hợp để kế nhiệm ông và tiếp tục chiến dịch chống tham nhũng.
Tổng Bí thư Trọng từng được dự kiến sẽ nghỉ hưu tại Đại hội 13 vừa qua do quy định về giới hạn nhiệm kỳ, tuổi cao và sức yếu. Tuy nhiên, ông đã được bầu ở lại nhiệm kỳ thứ ba, một điều chưa từng có tiền lệ, chủ yếu vì Đảng không thể thống nhất được về ứng cử viên phù hợp kế nhiệm ông. Với việc một trong những đồng minh của mình kiểm soát Bộ Công Thương, một bộ có nhiều ảnh hưởng đối với các quan chức chủ chốt ở trung ương và địa phương, ông Trọng và các đồng minh của ông có thể có một công cụ quan trọng để tác động đến việc bỏ phiếu cho người kế nhiệm theo hướng phù hợp với các tính toán của mình.
Ông Diên cũng sẽ được kỳ vọng chống tham nhũng và siết chặt kỷ luật tại Bộ Công Thương, nơi tham nhũng diễn ra phổ biến, đặc biệt là trong các doanh nghiệp nhà nước. Đặc biệt, cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng dự kiến sẽ ra hầu tòa vào cuối tháng này về các tội danh liên quan đến tham nhũng và buông lỏng quản lý. Gần đây, các thủ tục cấp phép không minh bạch liên quan đến các dự án năng lượng tái tạo, trong đó nhiều nhà đầu tư được cho là đã bỏ tiền “chạy giấy phép”, khiến công suất năng lượng mặt trời của Việt Nam tăng đột biến lên 9.000 MW bất chấp mục tiêu ban đầu là 800 MW mà Tổng sơ đồ điện 7 đặt ra cho năm 2020. Sự gia tăng thiếu kiểm soát các dự án điện mặt trời đã tạo ra các vấn đề đối với sự an toàn của hệ thống điện quốc gia, khiến cơ quan điều tiết điện lực phải cắt giảm công suất của các dự án điện mặt trời hiện có. Việc cắt giảm công suất này có thể ảnh hưởng tình hình tài chính của nhiều dự án, gây căng thẳng cho hệ thống ngân hàng, vì hầu hết các dự án này đều được tài trợ bởi các khoản vay từ các ngân hàng thương mại.
Mặc dù việc bổ nhiệm ông Diên trông có vẻ bất thường nhìn từ khía cạnh chuyên môn, nhưng lại hợp lý nếu nhìn từ góc độ chính trị. Dưới sự lãnh đạo của ông, Bộ Công Thương có thể có một cách tiếp cận thận trọng hơn, điều có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng trong một số lĩnh vực nhất định, chẳng hạn như năng lượng tái tạo. Là một người ngoài cuộc, việc không quen với các công việc của Bộ sẽ khiến ông Diên mất nhiều thời gian hơn trong việc học hỏi và tiếp nhận công việc mới, một điều cũng có thể sẽ làm chậm quá trình ra quyết định của Bộ. Tuy nhiên, ông có thể ở vị trí thuận lợi để cải cách Bộ Công Thương nhằm nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Nếu ông Diên thành công trong việc giảm tham nhũng trong các quan chức của Bộ cũng như các doanh nghiệp nhà nước, thì nền kinh tế Việt Nam, và có thể là cả sự nghiệp chính trị của ông, sẽ được hưởng lợi về lâu dài.
Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được xuất bản trên Fulcrum.sg.