Muhammad Ali: Tôi chẳng thù ghét gì Việt cộng cả!

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Bob Orkand, “‘I Ain’t Got No Quarrel With Them Vietcong’”, The New York Times, 27/06/2017.

Biên dịch: Trương Dũng Thuyết | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Ngày 22/06/1967, tôi cầm lên một tờ Pacific Stars and Stripes – tờ báo chính thức của quân đội – ở Sài Gòn và tìm thấy trên trang nhất câu chuyện về Muhammad Ali, người mà một thẩm phán vừa mới kết án năm năm tù. Lúc đó, Muhammad Ali là võ sĩ quyền Anh vĩ đại nhất trên thế giới, thậm chí ngay cả sau khi ông bị tước danh hiệu vô địch hạng nặng thế giới vài tháng trước đó. Và tội ác của ông là gì? Từ chối quân dịch.

Việc buộc tội và kết án – ông đồng thời bị phạt 10.000 đô la – đã diễn ra hai ngày trước đó, nhưng phải mất khá nhiều thời gian để thông tin đó đến được Việt Nam. Đó thực sự không phải là một cú sốc: ông đầu tiên đã từ chối thủ tục nhập ngũ tại Trạm Tiếp nhận và Kiểm tra Tân binh Lực lượng vũ trang ở Houston vào mùa xuân năm đó, và từ chối được đưa vào Quân đội, nói rằng ông là một người phản đối có lương tâm – “Tôi không có thù ghét gì với Việt cộng cả”, ông nói với các phóng viên.

Tuy nhiên, tất cả mọi người ở Việt Nam đều nói về bản án. Ali, người đã cải sang đạo Hồi gần đây nhưng vẫn được báo chí nhắc tới bằng cái tên khai sinh, Cassius Clay, luôn tạo ra những tin tức lớn, bất kể ông làm gì, và ông dễ dàng trở thành người nổi tiếng nhất từng từ ​​chối phục vụ tại Việt Nam cho đến nay. Và ông làm như vậy vì những lý do chỉ rõ những biến động xã hội phức tạp của thời đại. Bởi vì  nước Mỹ đối xử với cộng đồng người da đen của mình như những công dân hạng hai, nhà vô địch nói rằng ông sẽ giữ vững lập trường bằng cách từ chối phục vụ trong quân đội nước này. Còn đối với Chiến tranh Việt Nam, Muhammad Ali đã lên án nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ và tuyên bố rằng “không Việt cộng nào từng gọi tôi là mọi đen cả”.

Các hành động của Ali trái ngược hoàn toàn với những hành động của một trong số các tiền bối của ông trong một cuộc chiến trước đó. Tháng 1 năm 1942, chỉ một tháng sau khi Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng, Joe Louis, nhà vô địch quyền Anh hạng nặng thế giới, đã tới Trại Upton trên Long Island, New York, để đầu quân làm binh nhì trong Quân đội Hoa Kỳ. Giống như Ali, Louis là một người da đen từ miền Nam – chính xác là hạt Chambers, Alabama – và ông cũng đã tận dụng danh hiệu thể thao của mình để nói về vấn đề chủng tộc. Khi được hỏi về quyết định của ông tình nguyện nhập ngũ phục vụ Quân đội vốn phân biệt chủng tộc của Mỹ, Joe Louis – người được mọi người Mỹ thuộc các sắc tộc và tôn giáo khác nhau yêu quý và gọi là “Brown Bomber” (Oanh tạc cơ da nâu) – trả lời: “Có rất nhiều điều sai trái với nước Mỹ, nhưng Hitler sẽ không giải quyết được chúng.”

Câu chuyện của Ali có hơi khác một chút. Ban đầu, ông đã tuân theo yêu cầu của liên bang khi đăng ký quân dịch ở tuổi 18, vào tháng 4 năm 1960 tại quê nhà, Louisville. Nhưng ông đã trượt bài Kiểm tra Năng lực của Quân đội, vốn kiểm tra kiến thức số học, từ vựng và đọc hiểu đoạn văn, cùng với các bài kiểm tra tư cách đạo đức khác.

Được phân loại Đăng kí quân dịch hạng 1-Y (“Người đăng ký chỉ đủ điều kiện phục vụ trong thời chiến hoặc khi có tình trạng khẩn cấp quốc gia”) vì điểm thi thấp, Clay có vẻ an tâm với niềm tin rằng ông sẽ không bao giờ bị gọi quân dịch.

“Tôi đã nói tôi là người vĩ đại nhất, không phải là người thông minh nhất”, ông nói đùa sau khi biết được điểm thi của mình. Nhưng sau đó một điều không vui vẻ đến vậy đã xảy ra. Khi Tổng thống Lyndon Johnson mở rộng các nỗ lực quân sự ở Nam Việt Nam, nhu cầu cần thêm quân nhân trở nên rõ ràng hơn, và các tiêu chuẩn cho lính nghĩa vụ bị hạ xuống. Bất ngờ, tình trạng của Ali đã được Ban quân dịch Louisville nâng từ hạng 1-Y lên 1-A, và ông ngay lập tức trở thành diện sẵn sàng gọi nhập ngũ.

Vào giữa tháng 04/1967, Ali nói với các phóng viên tại Louisville rằng ông muốn từ chối nhập ngũ: “Tại sao họ có thể ra lệnh cho tôi mặc quân phục và rời khỏi nhà cả vạn dặm để đến rải bom và nã đạn lên những người da màu (brown people) tại Việt Nam khi mà những người da đen ở Louisville bị đối xử như những con chó và bị từ chối các quyền con người cơ bản?” Và vậy là vào ngày 28/04/1967, Ali, lúc đó đang ở Houston, đã từ chối nhập ngũ khi được gọi. (Ông đã ở Houston sau khi bảo vệ thành công danh hiệu tại Astrodome vào tháng 01/1966 và tháng 02/1967).

Trong một sự kiện được sắp xếp trước nhiều cơ quan báo chí, ông đã được yêu cầu ba lần bởi chỉ huy doanh trại quân đội, Trung tá J. Edwin McKee, tiến hành thủ tục nhập ngũ. Nhưng ông đều từ chối. Trung tá McKee sau đó đã đưa ông rời khỏi đó và bắt giữ. Vào ngày 20/06, một bồi thẩm đoàn gồm toàn các thẩm phán da trắng ở Houston đã bỏ phiếu buộc tội ông với tỉ lệ 11-0. Trong vòng vài ngày, tin tức trên lan khắp Việt Nam.

Hầu hết những người lính mà tôi biết đều hiểu rằng bất chấp các tiến bộ xã hội và chính trị trong những năm 1960, các quyền dân sự ở Mỹ vẫn còn một chặng đường xa nữa mới hoàn thiện. Tuy nhiên, thật khó để tách nhận thức đó ra khỏi cảm giác rằng anh chàng đó đang làm màu và những người từ chối quân dịch đều đang khiến cuộc sống của những người chấp nhận quân dịch trở nên càng khó khăn hơn. Rốt cuộc, tất cả chúng ta đều biết rằng ông ta sẽ không bao giờ bị lệnh phải “ném bom và rải đạn vào người da màu ở Việt Nam”. Thay vào đó, ông ta nhiều khả năng sẽ được phân công về Bộ phận Dịch vụ Đặc biệt của Quân đội, bộ phận mang các nhà giải trí như Bob Hope, Sammy Davis Jr. và Ann-Margret đến với chúng ta.

Ali, giống như Joe Louis đã làm trong Thế chiến II, sẽ đeo găng đấm bốc, có thể dạo vài cú đấm với một người nổi tiếng khác và không chừng sẽ huých cùi trỏ với một hay hai người lính trong khi mọi người reo hò cổ vũ. Quân đội đối xử bình đẳng với tất cả mọi người, nhưng đối xử với một số người bình đẳng hơn những người khác.

Thay vào đó, Ali trở thành một diễn giả nổi tiếng tại các trường cao đẳng và đại học. Những tuyên bố chống chiến tranh của ông nhận được sự đồng cảm từ các sinh viên không muốn bị gửi đến Việt Nam (mặc dù những người khác bị mất hứng bởi sự ủng hộ nhiệt tình của ông đối với một số đề xuất cực đoan hơn của tổ chức Hồi giáo Nation of Islam). Tôi giả định rằng bạn có thể nói rằng chúng ta rốt cuộc đã có những cảm xúc lẫn lộn, chúng ta không thích ông ta từ chối tham gia cùng chúng ta, nhưng khác với những người nổi tiếng phản chiến khác như Jane Fonda, ông ta không ủng hộ kẻ thù. Chúng ta không thích những bài diễn văn chống chiến tranh của ông ta, nhưng chúng ta cũng không chắc rằng ông đã sai.

Năm 1971, Tòa án tối cao lật ngược phán quyết và ông đã được quay trở lại với nghiệp quyền Anh, dù bị cản trở bởi hơn ba năm rời xa sự nghiệp của mình. Trong 32 năm cuối cùng của cuộc đời, ông đã chịu đựng sự hành hạ của căn bệnh Parkinson và qua đời vào tháng 6 năm ngoái (2016) tại Scottsdale, Ariz, ở tuổi 74, được tôn kính như một người tử vì đạo vì những gì mà ông tin tưởng và đấu tranh.

Louis, nhà vô địch hạng nặng thế giới trong gần 12 năm, qua đời vì trụy tim ở Las Vegas, vào tháng 04/1981, ở tuổi 66. Tổng thống Ronald Reagan đã sắp xếp để Louis được chôn cất tại Nghĩa trang Quốc gia Arlington với tất cả nghi thức danh dự dành cho quân nhân. Ngôi mộ của ông được ghi dấu bằng một bia mộ có huy hiệu bằng đồng với dòng chứ ngắn gọn “Louis, Oanh tạc cơ da nâu, Nhà vô địch hạng nặng thế giới, 1937-1949” và phía dưới là bức hình bầu dục của võ sĩ trong tư thế quyền Anh nổi tiếng của ông.

Hai thời điểm khác nhau, hai cuộc chiến khác nhau, hai phản ứng khác nhau của hai vận động viên xuất sắc, cả hai đều là những người bảo vệ theo đạo đức chống lại những thách thức mà cuộc sống đã mang lại cho họ.

Bob Orkand tham gia Quân đội Mỹ theo chế độ quân dịch khi đang học năm thứ 2 tại Đại học Columbia và nghỉ hưu với quân hàm trung tá bộ binh.

Xem thêm: Các bài khác trong series Vietnam 1967

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]