11/04/2015: Barack Obama và Raúl Castro gặp nhau ở Panama

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Barack Obama and Raúl Castro meet in Panama, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 2015, lần đầu tiên sau hơn 50 năm, Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Cuba đã chính thức gặp nhau. Barack Obama và Raúl Castro, em trai của Fidel Castro, người mà phía Mỹ đã cắt đứt liên lạc ngoại giao vào năm 1961, đã bắt tay nhau và bày tỏ sẵn sàng cùng khép lại một trong những mối thâm thù ngoại giao nổi bật nhất thế giới.

Tổng thống Dwight D. Eisenhower đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Cuba sau khi cuộc cách mạng do Castro lãnh đạo đã lật đổ một nhà độc tài được Mỹ hậu thuẫn và thiết lập một chế độ thân thiện hơn với Liên Xô. Trong vòng 50 năm tiếp theo, Mỹ đã tìm cách cô lập Cuba về kinh tế và chính trị; mặc dù không lôi kéo được các quốc gia khác tham gia lệnh cấm vận của mình, nhưng Mỹ vẫn cản trở nghiêm trọng sự phát triển kinh tế của Cuba.

Fidel Castro từ chức chủ tịch năm 2008, cùng năm Obama đắc cử tổng thống. Trong thời kỳ đầu lên nắm quyền, Obama đã ký các đạo luật và sắc lệnh hành pháp nhằm nới lỏng lệnh cấm vận của Mỹ đối với Cuba và giúp người Mỹ đến đảo quốc  này dễ dàng hơn. Lên thay anh trai, Raúl Castro cũng đã bày tỏ thiện chí đáp lại, và cả hai đã bắt tay nhau tại lễ tưởng niệm Nelson Mandela vào năm 2013. Cũng trong năm đó, các quan chức hai nước đã thảo luận về việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao trong cuộc hội đàm bí mật do Giáo hoàng Francis I tổ chức ở Canada và Vatican.

Tháng 4 năm sau, Castro và Obama đã gặp nhau, bắt tay và chụp ảnh cùng nhau tại Thành phố Panama. Cả hai nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh mong muốn hợp tác, nhưng vẫn thận trọng nói rằng cuộc gặp của họ chỉ là bước khởi đầu cho một cuộc đối thoại lâu dài. Chẳng bao lâu sau, chính quyền Obama loại Cuba khỏi danh sách các nước bảo trợ khủng bố, và quan hệ ngoại giao chính thức được tái lập vào tháng 7.

Sự kiện “Tan băng Cuba” (Cuba Thaw), cùng với Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (Joint Comprehensive Plan of Action, tên thường gọi là Thỏa thuận Hạt nhân Iran) giữa Iran với Mỹ và các đồng minh, là một trong những thành tựu chính sách đối ngoại quan trọng của chính quyền Obama, và do đó, việc đảo ngược nó được xem là ưu tiên của người kế nhiệm Donald Trump. Chính quyền Trump đã tìm cách áp đặt nhiều hạn chế lên Cuba, nhưng vẫn chưa chấm dứt hoạt động vận tải thương mại giữa hai nước, cũng không đóng cửa đại sứ quán Mỹ tại Cuba, hoặc yêu cầu Cuba đóng cửa đại sứ quán ở Washington, D.C.