Thế giới hôm nay: 17/08/2021

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Một phát ngôn viên của Taliban tuyên bố “chiến tranh đã kết thúc” ở Afghanistan sau khi họ chiếm Kabul và tiến vào dinh tổng thống. Tổng thống Ashraf Ghani đã bỏ trốn khỏi đất nước. Mullah Abdul Ghani Baradar, thủ lĩnh chính trị của Taliban, thừa nhận tốc độ tiến quân nằm ngoài dự đoán. Taliban sau đó tuyên bố sẽ khôi phục Tiểu Vương quốc Hồi giáo Afghanistan, tức phục hồi chế độ trước đây hồi những năm 1990. Trung Quốc cho biết sẵn sàng thúc đẩy “quan hệ hữu nghị” với Taliban. Một số quốc gia khác, bao gồm Anh và Pháp, đã hứa sẽ sơ tán công dân của họ khỏi nước này.

Ít nhất bảy người được cho là đã chết tại sân bay Kabul khi hàng nghìn người tranh chỗ trên các chuyến bay, trong đó một số người bị rơi khỏi máy bay đang cất cánh. Quân đội Mỹ – những người đã tiếp quản sân bay để sơ tán công dân Mỹ, nhân viên các nước đồng minh và những người Afghanistan có “thị thực nhập cư đặc biệt” – đã bắn chỉ thiên để giải tán đám đông.

Số người chết trong trận động đất 7,2 độ  hôm thứ Bảy ở Haiti đã tăng lên ít nhất 1.297 người, và còn có thể tăng thêm. Hàng nghìn người khác bị thương và nhiều người vẫn mất tích. Trận động đất này còn mạnh hơn trận động đất giết chết hơn 200.000 người vào năm 2010. Trong khi đó, dự báo thời tiết cho thấy cơn bão Grace sẽ đổ bộ vào Haiti trong đêm nay.

Edgar Lungu thua Hakainde Hichilema trong cuộc bầu cử tổng thống Zambia. Ông Hichilema thắng với khoảng cách 1 triệu phiếu bầu. Đây là lần thứ sáu ông ra tranh cử. Ông hứa chống tham nhũng, đàm phán cứu trợ IMF và thu hút đầu tư nước ngoài. Người ta từng lo ông Lungu sẽ can thiệp bầu cử; nhưng rồi chính ông lại là người tố cáo nó “phi tự do và không công bằng”.

Các cơ quan quản lý an toàn giao thông đường bộ ở Mỹ đã mở cuộc điều tra Tesla sau khi một số xe của hãng này đâm vào xe cứu nạn. Kể từ năm 2018 đã có 17 người bị thương và một người thiệt mạng trong 11 vụ tai nạn liên quan đến hệ thống lái tự động một phần của Tesla. Hầu hết đều xảy ra khi trời tối. Cuộc điều tra sẽ xem xét 765.000 chiếc xe do Tesla bán ra kể từ năm 2014.

Người ta ngày càng lo ngại cho đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc sau khi số liệu về sản lượng nhà máy và tăng trưởng doanh số bán lẻ trong tháng 7 thấp hơn dự kiến. Các nhà kinh tế nói nguyên nhân do hạn chế đi lại, lũ lụt và bão. Trong những tuần gần đây nhiều bên đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP năm nay của Trung Quốc do biến thể Delta lây lan trong nước.

Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin từ chức sau khi thừa nhận mất thế đa số trong nghị viện. Ông vẫn là thủ tướng tạm quyền cho đến khi người kế nhiệm được chỉ định. Để bảo vệ liên minh yếu ớt của mình, ông Muhyiddin đã thông qua tình trạng khẩn cấp vào tháng 1 và đình chỉ quốc hội cho đến tháng 7, khiến quốc vương Sultan Abdullah phải lên tiếng khiển trách. Đấu đá nội bộ trong liên minh và tình hình dịch covid-19 tồi tệ làm ông Muhyiddin bị mất uy tín.

TIÊU ĐIỂM

Tiến trình dân chủ hóa của Sudan gặp nhiều trở ngại

Hai năm trước, các nhà lãnh đạo dân sự Sudan đã ký một thỏa thuận chia sẻ quyền lực với các tướng lĩnh đã lật đổ Omar al-Bashir, nhà cựu độc tài của đất nước. Thỏa thuận quy định tiến hành bầu cử vào năm 2023 (sau đó được lùi đến năm 2024). Vào thời điểm ấy, sau khi thoát khỏi nhiều tháng biểu tình chống chế độ tàn bạo của ông Bashir, các đường phố ở thủ đô Khartoum tràn ngập không khí ăn mừng. Ngày hôm nay đáng lẽ sẽ tổ chức phiên khai mạc của cơ quan lập pháp dân sự. Nhưng vào hôm 15 tháng 8 thủ tướng Abdalla Hamdok đã tuyên bố trì hoãn nó.

Ông Hamdok nói phải trì hoãn vì thiếu ý chí chính trị trong số nhiều lực lượng đang tranh giành thế đa số trong chính phủ chuyển tiếp mong manh của Sudan. Đấu đá nội bộ không phải là vấn đề duy nhất của chính quyền ông Hamdok. Thỏa thuận 2019 quy định Abdel-Fattah al-Burhan, vị tướng kiêm tổng thống trên thực tế của Sudan, phải sớm bàn giao quyền lực cho giới dân sự. Có lẽ thời hạn cho việc này cũng sẽ bị trì hoãn nốt.

Sắp công bố dữ liệu tiêu dùng của Mỹ

Người tiêu dùng Mỹ đã hồi phục trong năm nay và giúp nền kinh tế phục hồi sau đại dịch. Dữ liệu về doanh số bán lẻ, công bố hôm nay, sẽ giúp ta trả lời câu hỏi liệu chi tiêu có chậm lại khi biến thể Delta lan rộng khắp đất nước hay không. Hầu hết các nhà kinh tế đều dự báo doanh số bán lẻ tháng 7 giảm nhẹ so với tháng truớc.

Dự kiến ​​có chậm lại, khi đợt bùng nổ nửa đầu năm 2021 qua đi. Song điều đáng lo hơn là cách mọi người chi tiêu. Trong những tháng gần đây số lượt ghé thăm các nhà hàng và trung tâm mua sắm đều tăng mạnh, báo hiệu cuộc sống trở lại bình thường. Nhưng khảo sát lại cho thấy người tiêu dùng đang sụt giảm niềm tin vì tâm lý bi quan về đại dịch. Nó có thể làm giảm chi tiêu. Và để nền kinh tế Mỹ thực sự lành mạnh, mọi người cần phải được thoải mái tiêu tiền.

Nigeria thông qua luật mới cho ngành dầu khí

Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari hôm qua đã ký thành luật một dự luật dầu khí mang tính bước ngoặt, 13 năm sau khi nó được trình ra quốc hội lần đầu. Dự luật này được thông qua sau những xung đột đáng kể – bao gồm cả một cuộc ẩu đả trong nghị viện – xoay quanh vấn đề để lại bao nhiêu tiền cho các cộng đồng sản xuất dầu ở miền nam đất nước. Các nhà lập pháp cuối cùng thống nhất con số 3% doanh thu dầu mỏ, ít hơn nhiều so với mức 10% dự thảo ban đầu.

Trong khi phần lớn thế giới đang hướng tới năng lượng tái tạo, luật này lại yêu cầu đầu tư một phần ba lợi nhuận của tập đoàn dầu khí quốc gia vào hoạt động thăm dò dầu khí. Họ kỳ vọng tăng sản lượng trong dài hạn sẽ giúp bổ sung nguồn dự trữ ngoại hối đang ngày càng cạn kiệt của Nigeria, trong đó có 90% là đến từ dầu mỏ. Luật cũng cố gắng hài hòa hóa các quy định của một ngành công nghiệp vốn nổi tiếng phân mảnh. Song có thể đã quá muộn. Hồi tháng 5 Shell cho biết đã đàm phán với chính phủ Nigeria để bán mọi tài sản dầu mỏ trên đất liền của hãng. Và chỉ vài năm trước Chevron thông báo bán một số mỏ dầu ở Nigeria. Các công ty khác có thể sẽ làm theo.

BHP đón tin tốt giữa giai đoạn khó khăn

Hôm nay, BHP, công ty khai mỏ lớn nhất thế giới, sẽ công bố kết quả năm. Họ được dự đoán bội thu lợi nhuận. Trước đó các đối thủ như Rio Tinto và Glencore đều đã công bố những con số ấn tượng. Sở dĩ ngành công nghiệp này phát đạt vậy là nhờ giá hàng hóa cơ bản tăng vọt. Giá than nhiệt của Úc đã tăng gấp 3 lần trong năm nay, do nhu cầu điện ngày càng tăng của Trung Quốc cũng như chuỗi sản xuất tắc nghẽn. Quặng sắt cũng lên giá cao đáng kinh ngạc (dù có giảm gần đây). Năm ngoái, than và quặng sắt chiếm tới gần hai phần ba doanh thu của BHP.

Nhưng công ty Anh-Úc này cũng có nhiều vấn đề. Tòa án Anh đã mở lại một vụ kiện 7 tỷ đô la chống lại BHP, vốn được trình bởi 200.000 người yêu cầu bồi thường sau sự cố vỡ một con đập Brazil do BHP đồng sở hữu vào năm 2015. Và các nhà đầu tư lẫn các nhóm môi trường đều đang gây áp lực buộc công ty phải thoái vốn khỏi nhiên liệu hóa thạch (họ đang bán dần mảng than). BHP cũng đã bắt đầu đàm phán bán mảng xăng dầu cho một công ty Úc.