Nhật ký Bắc Kinh (05/03/21): Đồng minh của Tập siết chặt Hồng Kông

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Tetsushi Takahashi, Beijing Diary, Nikkei Asia, 03/2021.

Người dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Kỳ họp thường niên của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (còn gọi là Nhân Đại, tức Quốc hội Trung Quốc), sẽ khai mạc vào sáng thứ Sáu tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh. Được chú ý nhất sẽ là việc cơ cấu lại hệ thống bầu cử Hồng Kông, nhằm loại trừ vĩnh viễn các lực lượng ủng hộ dân chủ khỏi hệ thống chính trị của thành phố này.

Hôm thứ Năm (04/03/2021), một nhân vật quan trọng trong vấn đề này đã xuất hiện tại hội trường buổi khai mạc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, hay còn gọi là Chính Hiệp, một cơ chế hoạch định chính sách chủ chốt khác của Trung Quốc.

Người đó là Hạ Bảo Long (Xia Baolong), giám đốc Văn phòng Các Vấn đề Hồng Kông và Macao của Quốc vụ Viện. Ông Hạ đồng thời là phó chủ tịch Chính Hiệp, cơ quan cố vấn chính trị cao nhất đất nước.

Bài phát biểu của Chủ tịch Chính Hiệp, Uông Dương, tại buổi lễ nhấn mạnh, ông sẽ kiên quyết ủng hộ nguyên tắc “người yêu nước quản lý Hồng Kông.” Ông Hạ ngồi nghe ngay sau ông Uông.

Nguyên tắc này là khẩu hiệu của Đặng Tiểu Bình, cố lãnh đạo tối cao của Trung Quốc, người đã chủ trì quá trình tiếp nhận lại Hồng Kông từ Vương quốc Anh. Ông Hạ đã biến những lời này thành cái cớ để cải tổ hệ thống bầu cử ở Đặc khu Hành chính Hồng Kông.

Trong một bài phát biểu vào ngày 22 tháng 2, ông Hạ đã thể hiện quyết tâm thay đổi cơ bản hệ thống này. Ông nhấn mạnh, cần phải đảm bảo “thành viên của các cơ quan hành pháp, lập pháp, và tư pháp, cũng như lãnh đạo các cơ quan lớn của Đặc khu, đều phải là người yêu nước chân thành.”

Ở Trung Quốc, từ “yêu nước” đồng nghĩa với cam kết trung thành với Đảng Cộng sản. Do đó, đây không khác gì việc thể chế hóa cơ chế ngăn những người không ủng hộ đảng ra tranh cử.

Ông Hạ được biết đến như một nhân vật thân tín của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông từng là phó bí thư tỉnh Chiết Giang, khi ông Tập làm bí thư tỉnh này vào giữa những năm 2000. Trong những năm qua, ông đã vài lần chứng tỏ lòng trung thành của mình với ông Tập.

Tại Chiết Giang, Hạ được thăng cấp thành bí thư tỉnh ủy. Khi rời chức vụ này vào năm 2017, ông đã ca ngợi “Tư tưởng của đồng chí Tập Cận Bình.” Người ta cho nhau rằng, Hạ chính là người đầu tiên công khai nói về “tư tưởng Tập Cận Bình”.

Tại đại hội toàn quốc gần đây nhất của Đảng Cộng sản vào tháng 10 năm 2017, Đảng đã thêm “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc cho kỷ nguyên mới” vào điều lệ đảng.

Trước đại hội đảng năm 2017, ông Hạ được coi là ứng viên có khả năng tham gia Bộ Chính trị, cơ quan lãnh đạo gồm 25 quan chức hàng đầu. Song điều này không xảy ra, và ông chuyển sang giữ chức phó chủ tịch Chính Hiệp, một vị trí hầu như chỉ hữu danh vô thực, và do đó có lẽ không làm ông hài lòng.

Thông báo bổ nhiệm ông làm giám đốc Văn phòng Các Vấn đề Hồng Kông và Macao vào tháng 2 năm 2020 đã gây bất ngờ cho nhiều người. Ông Tập bổ nhiệm ông Hạ làm quan chức cao nhất về các vấn đề Hồng Kông dù ông thiếu kinh nghiệm ở thành phố này, với mục đích: loại bỏ triệt để “những kẻ không yêu nước,” tức những người kêu gọi dân chủ hóa và chống Đảng Cộng sản.

Hạ thiết lập luật an ninh quốc gia Hồng Kông vào tháng 6 năm 2020. Giờ đây, ông đang xem xét lại hệ thống bầu cử. Có lẽ đây là tấm màn cuối cùng đang buông xuống nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”, vốn đảm bảo mức độ tự trị cao cho Hồng Kông.

Vào tối thứ Năm, một phát ngôn viên của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc nói rằng, việc “cải thiện” hệ thống bầu cử của Hồng Kông sẽ được đưa vào chương trình nghị sự của kỳ họp năm nay.

Ông Hạ từng đưa ra một cảnh báo không quá tế nhị đối với lực lượng dân chủ Hồng Kông: Không chỉ trích nào đối với ông Tập và Đảng sẽ được tha thứ.

Tetsushi Takahashi là trưởng văn phòng Nikkei ở Trung Quốc.