Nhật ký Bắc Kinh (01/03/21): Tại sao TQ tôn vinh Hoa Quốc Phong?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Tetsushi Takahashi, Beijing Diary, Nikkei Asia, 03/2021.

Người dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Khi chạy dọc một con đường gần Trung Nam Hải, nơi đặt trụ sở Đảng Cộng sản Trung Quốc, tôi vô tình bắt gặp một cánh cổng lớn. Theo bảng chỉ dẫn, đây là cổng dẫn vào khu Liwangfu (Lí Vượng Phúc), một trong những di sản văn hóa quan trọng của thành phố. Người ta tin công trình này từng là dinh thự được xây bởi thân thích của các hoàng đế nhà Minh và Thanh.

Liwangfu không mở cửa cho công chúng. Khi nhìn vào, tôi thấy một nhóm binh sĩ đang xếp hàng.

Tôi dừng lại ở đó vì từng nghe nói Hoa Quốc Phong, người được Mao Trạch Đông chỉ định kế vị, đã sống ở đây cho đến khi qua đời vào năm 2008 ở tuổi 87.

Một người lớn tuổi sống gần đó nói với tôi: “Đúng, ông ấy từng sống ở một tứ hợp viện bên trong. Tôi nghĩ vợ ông ấy vẫn sống ở đó”.

Ngày nay rất ít người bên ngoài Trung Quốc biết đến ông Hoa.

Mao được cho là đã trao lại quyền lực cho Hoa trong những năm cuối đời, nói rằng, “Nếu anh kế vị, tôi thấy rất an tâm.” Sau khi Mao qua đời vào tháng 9 năm 1976, Hoa ra lệnh bắt “Tứ nhân Bang” – những kẻ lãnh đạo cuộc Cách mạng Văn hóa 1966-1976 – và trở thành lãnh đạo tối cao với cương vị Chủ tịch Đảng.

Hoa tập trung quyền lực vào tay ông trong khi ủng hộ một chính sách mang tên “Hai Bất kỳ”: “Chúng ta kiên quyết nối tiếp bất kỳ chính sách nào của Mao Chủ tịch, và nhất định tuân theo bất kỳ chỉ dẫn nào từ Chủ tịch Mao.”

Nhưng những ngày vinh quang của Hoa không kéo dài được lâu. Đặng Tiểu Bình gạt ông sang một bên và hướng đất nước vào con đường “cải cách và mở cửa.” Hoa thua trong cuộc đấu chính trị và dần mất hết quyền lực trong đảng.

Ông cuối cùng phải từ chức chủ tịch vào năm 1981 và biến mất khỏi sân khấu chính trị.

Nhưng rồi ngày 20 tháng 2 năm nay trở thành một bước ngoặt bất ngờ cho câu chuyện của Hoa: Chính phủ tổ chức một sự kiện vinh danh ông tại Đại Lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ca ngợi thành tựu và kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhật ông.

Vương Hỗ Ninh, Thường vụ Bộ Chính trị với vị trí thứ năm trong hệ thống thứ bậc của đảng, đã đến tham dự cùng các quan chức cấp cao khác. Trong bài phát biểu, ông Vương dùng cụm từ “Đồng chí Hoa Quốc Phong” và nhấn mạnh cần phải “học tập… niềm tin vững chắc” cũng như “lòng trung thành không thể xoay chuyển đối với đảng của đồng chí Hoa.”

Lẽ nào là một chiến dịch đánh giá lại ông Hoa? Nếu thật vậy, nó có thể ảnh hưởng đến hình ảnh của Đặng, người đã đẩy Hoa khỏi quyền lực. Có khả năng lịch sử Đảng Cộng sản sẽ được viết lại.

Ông Vương giám sát bộ phận tuyên truyền và tư tưởng của Đảng Cộng sản. Ông là cố vấn của Chủ tịch kiêm Tổng bí thư Tập Cận Bình.

Cũng trong ngày 20 tháng 2, ông Vương đã chủ trì một cuộc họp tuyên bố khởi động chiến dịch học sử đảng. Chính ông Tập đã tham dự. Tôi thật sự nghĩ hai sự kiện có liên hệ với nhau.

Rất khó để tìm thấy các di vật về ông Hoa ở Bắc Kinh.

Trong đó, Nhà Tưởng niệm Mao Chủ tịch hay Lăng Mao Trạch Đông ở trung tâm Quảng trường Thiên An Môn là một trường hợp hiếm hoi.

Quyết định đưa Hoa, người thừa kế chức chủ tịch đảng từ Mao, quay lại ánh đèn sân khấu có ý nghĩa gì? Tôi đồ rằng, một chiến dịch nhằm phục hồi chức chủ tịch đảng, vốn bị Đặng hủy bỏ vào năm 1982, có thể đang bước vào cao trào.

Tetsushi Takahashi là trưởng văn phòng Nikkei ở Trung Quốc.