Về “Con đường Tơ lụa Mới”: Lạc quan và thận trọng

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Nguyễn Quang Diệu

Đầu thế kỷ 20, nhà địa lý học Halford Mackinder đã nhìn thấy tầm quan trọng của vùng đất trải dài từ sông Volga đến sông Dương Tử, ông bảo rằng đó là khu vực xoay trục của chính trị thế giới. Trong cuốn sách The future is Asian (Tương lai thuộc về châu Á), tiến sĩ Parag Khanna cũng cho rằng tương lai Trung Quốc sẽ ăn sâu vào châu Á như quá khứ. Parag Khanna đưa ra một viễn tượng lạc quan về châu Á hóa thế giới thế kỷ 21, như thế kỷ 19 của châu Âu hay thế kỷ 20 của Hoa Kỳ.

Sau sự tan rã của Liên Xô đầu thập niên 1990 và những biến động khác của lịch sử thế giới, nhiều quốc gia mới ở Trung Á được thành lập. Cùng với sự vươn lên mạnh mẽ của Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia từ Vịnh Ba Tư đã dẫn đến nhu cầu về tài nguyên thiên nhiên và của cải nông nghiệp tăng theo. Trong cuốn sách Con đường tơ lụa mới,[1] giáo sư Peter Frankopan mở rộng đề tài đã bàn năm 2015,[2] ông luận bàn tiếp câu chuyện về sự gắn kết, xây dựng liên minh, đồng thuận, giảm nhiệt căng thẳng, hợp tác dài hạn bao trùm phần lớn khu vực giữa Thái Bình Dương và Địa Trung Hải.

Những con đường dẫn tới Bắc Kinh

Cuốn sách gồm 5 chương, thể hiện xu hướng dịch chuyển trung tâm quyền lực thế giới từ Tây sang Đông qua cách đặt tên chương, lần lượt: Những con đường dẫn tới phương Đông, Những con đường dẫn tới trung tâm thế giới, Những con đường dẫn tới Bắc Kinh, Những con đường dẫn tới đối đầu, Những con đường dẫn tới tương lai.

Sau khi dành chương đầu để diễn giải về cách thế giới đã thay đổi trong vòng 25 năm qua (1990-2015), Frankopan mở đầu chương hai bằng nhận định rằng phương Tây đang đứng trước ngã tư đường. Bằng cách trích dẫn nhiều lời của Tổng thống Donald Trump trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống Mỹ lần thứ nhất, về phương pháp trấn nước, sau đó là bức tường biên giới với Mexico, rút khỏi các hiệp ước quốc tế… Frankopan muốn chứng minh động lực ly khai, chủ nghĩa đơn phương của Trump ở Hoa Kỳ, Brexit và bất ổn chính trị ở châu Âu (phe cực hữu trỗi dậy, vấn đề nhập cư, bản sắc quốc gia…) trái ngược hoàn toàn với cách các quốc gia dọc Con đường tơ lụa cũ đang nỗ lực thúc đẩy hợp tác xuyên biên giới kể từ năm 2015.

Điều này được thể hiện qua sự thành lập các thể chế tài chính đa phương như Ngân hàng Phát triển châu Á và Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á, hay các tổ chức như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, Liên minh Kinh tế Á – Âu, Hội nghị Thượng đỉnh BRICS, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (không có sự tham dự của Hoa Kỳ) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)…

Những đàm phán thương mại, tăng cường quan hệ giữa Nga và các thành viên khác của Liên minh Kinh tế Á – Âu (gồm Kazakhstan, Kyrgyzstan, Armenia và Belarus) với Iran về việc xây dựng nên một khu vực mậu dịch tự do, thiết lập các dự án đầu tư chung hay các hiệp định liên ngân hàng… Những bước tiến lớn trong vấn đề tranh chấp biên giới khu vực Trung Á kéo dài hai thập niên trước đó như ký thỏa thuận pháp lý chấm dứt tranh chấp giữa các nước ven biển Caspi – vốn là trở ngại cho hợp tác năng lượng giữa Nga và Iran, Turkmenistan, Kazakhstan và Azerbaijan; ba nước Kazakhstan, Uzbekistan và Turkmenistan đồng ý thỏa thuận về vấn đề biên giới chung tháng 4-2018, tổng thống Kazakhstan Nazerbayev tuyên bố “không có bất cứ một tranh chấp biên giới nào”.

Frankopan cũng đưa ra một loạt kế hoạch khác nơi Liên minh châu Âu hoàn toàn vắng mặt, như: Tầm nhìn 2030 của Ả-rập Xê-út; Sáng kiến Con đường Rực rỡ của Kazakhstan; Sáng kiến Hai hành lang-Một vành đai kinh tế của Việt Nam; Sáng kiến Hành lang Trung tâm của Thổ Nhĩ Kỳ; Sáng kiến Con đường Phát triển của Mông Cổ và các kế hoạch phát triển của Lào, Campuchia hay Myanmar. Các kế hoạch do Ấn Độ đề xuất như chính sách Hành động phía Đông, dự án đường bộ ba bên, chiến lược hướng Tây hay kế hoạch Láng giềng Trước tiên… Và đặc biệt là Sáng kiến Vành đai Con đường đầy tham vọng của Trung Quốc.

Nhờ nguồn lực tài chính, quy mô rộng lớn và sự thèm khát nguồn tài nguyên thiên nhiên từ bên ngoài, thông qua Sáng kiến Vành đai Con đường và Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á, Trung Quốc dần trở thành đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của hầu hết các quốc gia ở châu Á, Trung Đông, châu Phi và châu Mỹ Latinh.

Kế hoạch vành đai và con đường cho thấy tham vọng của Trung Quốc trong việc xây dựng các kết nối trên bộ và trên biển với thế giới, cũng là “con đường” để Trung Quốc vươn ra thế giới. Frankopan cho biết, hiện có hơn 80 quốc gia đã tham gia vào sáng kiến với tổng dân số lên tới 4,4 tỉ người, chiếm 63% dân số toàn cầu, làm ra tổng sản lượng 21 nghìn tỉ đô-la, tương đương 20% tổng sản lượng kinh tế toàn cầu.

Mọi số liệu dẫn chứng, tài liệu từ nhiều nguồn ngôn ngữ, đi kèm lập luận của Frankopan nhằm để chứng minh trọng tâm kinh tế toàn cầu đang dịch chuyển từ phương Tây sang phương Đông. Frankopan viết: “không ai có thể nghi ngờ rằng trong hầu hết mọi trường hợp, Trung Quốc chính là chất xúc tác cho quá trình biến đổi của khu vực có vai trò quan trọng trong lịch sử thế giới” (tr. 102), và “mọi con đường từng dẫn tới thành Rome. Nhưng ngày nay, mọi con đường đều dẫn tới Bắc Kinh” (tr. 119).

Ưu thế về tài nguyên thiên nhiên

Frankopan sớm có cái nhìn lạc quan về bước khởi đầu của thế kỷ châu Á một phần là dựa vào đánh giá tầm quan trọng của các nguồn tài nguyên thiên nhiên mà các quốc gia dọc Con đường tơ lụa đang sở hữu.

Nếu như vào khoảng một trăm năm trước đây, hầu hết các quyết định quan trọng được đưa ra ở những trung tâm chính trị Paris, London, Berlin, Rome thì trong một thế giới mới đã biến đổi sâu sắc ngày nay điều này không còn nữa. Viết cuốn sách này, Frankopan muốn chứng minh một điều rằng, các quyết định quan trọng xảy ra trên thế giới được kết nối hiện nay nằm ở Bắc Kinh, Moscow, Tehran và Riyadh, Dehli và Islamabad, Kabul hay tại các khu vực do Taliban kiểm soát ở Afghanistan, Ankara, Damascus và Jerusalem. Đã có sự dịch chuyển từ Tây sang Đông, từ Âu sang Á trong cách nhìn thế giới. Frankopan viết: “Tôi muốn nhắc nhở các độc giả của mình rằng những gì từng xảy ra dọc theo Con đường tơ lụa đã định hình nên quá khứ của thế giới này. Và tôi muốn nhấn mạnh tương lai cũng sẽ như thế.”

Vùng đất nằm giữa Đông Địa Trung Hải và Thái Bình Dương đang có những ưu thế vượt trội, như: Trung Đông, Nga và Trung Á ước tính chứa khoảng 70% tổng lượng dự trữ dầu mỏ đã được xác định, gần 65% tổng lượng dự trữ khí đốt; Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine, Kazakhstan, Ấn Độ, Pakistan và Trung Quốc chiếm hơn 1/2 tổng sản lượng lúa mì toàn cầu; nền nông nghiệp của các quốc gia ấy cộng thêm Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Myanmar chiếm hơn 85% sản lượng gạo toàn cầu. Chưa hết, những vũ khí thương mại và chính trị như đất hiếm hoặc silicon đều do Nga và Trung Quốc kiểm soát phần lớn: Nga và Trung Quốc chiếm đến 3/4 trữ lượng silicon (dùng trong ngành vi mạch điện tử và bán dẫn) toàn cầu; Trung Quốc chiếm hơn 80% trữ lượng đất hiếm – những nguyên vật liệu quan trọng cấu tạo nên thế giới số (dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo)…

Frankopan cũng cho rằng heroin là một “tài nguyên” quan trọng – thứ hàng hóa này đem lại nguồn tài chính phục vụ lực lượng Taliban ở Afghanistan (hơn 3.200km2 đất trồng cung ứng 80% thị trường thế giới) suốt thập niên vừa qua.

Khu vực rộng lớn của Âu – Á trải dài từ sông Volga đến sông Dương Tử trở thành vùng đất trung tâm đối với thương mại và an ninh của thế kỷ 21. Kiểm soát Con đường tơ lụa, tức kiểm soát thế giới, là điều những cường quốc luôn hướng đến.

Những rạn nứt, bất đồng

Đồng thời với sự kết nối, hợp tác phát triển liên quốc gia thì khu vực mà Trung Quốc đang cố gắng định hình theo lợi ích của mình cũng tồn tại nhiều cạnh tranh, cuộc chơi quyền lực, và các mối quan hệ rạn nứt giữa các quốc gia như: tình trạng thù địch và các cáo buộc lẫn nhau giữa Ả-rập Xê-út và Iran, Ấn Độ và Pakistan, Trung Quốc và Ấn Độ, Hoa Kỳ và châu Âu…

Cùng thời điểm với Diễn đàn Vành đai Con đường ở Bắc Kinh năm 2017, Bộ Ngoại giao Ấn Độ đưa ra tuyên bố trong một bản báo cáo rằng: “Không quốc gia nào có thể chấp nhận một dự án bỏ qua những mối quan ngại cốt lõi về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của chính mình” (tr. 129). Chính phủ Ấn Độ cũng luôn nhấn mạnh quan điểm “bảo lưu nghiêm túc” với Sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc.

Không dừng lại, một chuyên gia nhận định trên báo Ấn Độ là các kế hoạch của Trung Quốc “không gì khác hơn là một dạng công ty thuộc địa” (tr. 129), một nhà bình luận Trung Quốc đáp trả: “Nếu Trung Quốc chưa bao giờ là một nước thực dân trong quá khứ, tại sao chúng tôi lại phải làm như thế trong hiện tại?” (tr. 129). Thực tế là, không cần phải là đế quốc mới có thể hành động như một đế quốc thực dân.

“Hòa bình và ổn định không hề miễn phí”, như chính Frankopan viết, nếu lướt qua tình hình ở Syria, Iraq, Yemen hay Afghanistan sẽ thấy “sự phát triển hạn chế của các thể chế dân chủ, sự hòa quyện giữa quyền lực và tiền bạc trong một nhóm nhỏ tinh hoa và sự trỗi dậy của một tầng lớp trung lưu có học thức, tất cả đã tạo ra trên khắp châu Á một nhóm các nhà lãnh đạo hùng mạnh – tuy mạnh nhưng cũng mong manh, có nghĩa là các quốc gia này có thể sụp đổ đột ngột và bất ngờ bất cứ lúc nào.” (tr. 48)

Hợp tác quốc tế cũng không hề dễ dàng khi mà sự ganh đua chiến lược, sự tranh giành tài nguyên vẫn là một phần của lợi ích quốc gia, cũng có thể vì sự đối đầu, ganh đua giữa các cá nhân. Ví như sau sự kiện Nga thôn tính Crimea, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdoğan liền thúc giục NATO hành động, Erdoğan nói với Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg rằng: “Biển Đen gần như đã trở thành ao nhà của Nga. Nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ, lịch sử sẽ không tha thứ cho chúng ta” (tr. 216).

Tình trạng thiếu nước ở Trung Á, thể hiện rõ qua hiện trạng khô cạn biển Aral, dẫn đến sự việc cơn bão cuốn muối từ đáy Aral làm ảnh hưởng đến mùa màng ở Uzbekistan và Turkmenistan hồi cuối tháng 5-2018. Trước sự trỗi dậy của khoa học, những con sông cấp nước cho biển Aral bị đổi dòng để phục vụ nông nghiệp khiến biển Aral bị bức tử. Tình trạng thiếu nước cũng xảy ra ở Afganistan, do lượng mưa giảm đáng kể và các dòng sông khô cạn, khiến mùa màng bị hủy hoại. Một phần lý do là ba con sông Syr Darya, Amu Darya và Irtysh là những tuyến đường thủy xuyên biên giới, quyết định đưa ra của một quốc gia bất kỳ sẽ có tác động lớn tới tình hình hạ nguồn các dòng sông.

Tương tự, các đập thủy điện nằm trên lãnh thổ Trung Quốc là một trong những nguyên nhân khiến mực nước sông Mekong giảm, hoặc sự việc Trung Quốc ngăn dòng sông Mekong ngày 31-12-2020 gây ảnh hưởng đến hoạt động trồng trọt và đánh bắt của người dân vùng hạ lưu, trong đó có Việt Nam. Vấn đề phân chia nguồn nước sông Ấn giữa Ấn Độ và Pakistan cũng nan giải khi các đập và nhà máy thủy điện vẫn được xây dựng…

Sương mù do ô nhiễm, biến đổi khí hậu và các lo ngại khác liên quan đến tác động môi trường từ quá trình xây dựng những dự án lớn cũng như hoạt động khai thác tài nguyên cũng là vấn đề của quá trình hợp tác.

Với sự tập trung nguồn lực cho kế hoạch trí tuệ nhân tạo (AI), sự phát triển của công nghệ quân sự dẫn đến cạnh tranh về mặt quân sự giữa Hoa Kỳ, Nga và Trung Quốc ngày càng lớn. Nick Carter, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Anh cho rằng “năng lượng, tiền bạc, các hành vi kinh doanh thiếu lành mạnh, tấn công mạng, ám sát, tin giả, tuyên truyền” hiện đang được sử dụng như vũ khí. “Thứ định nghĩa nên vũ khí không còn là những gì có thể nổ tung nữa rồi”.

Sự mở rộng khái niệm “lợi ích an ninh quốc gia” của Trung Quốc dẫn đến việc quốc gia này tiến hành bồi đắp một chuỗi các đảo nhân tạo mới trên Biển Đông có thể dùng làm những căn cứ quân sự. Quá trình quân sự hóa này khiến Việt Nam lo ngại và lên tiếng yêu cầu “Trung Quốc phải chấm dứt ngay các hoạt động quân sự hóa và tôn trọng chủ quyền của Việt Nam” (tr. 112) trên các đảo và quần đảo ở Biển Đông. Điều xảy ra ở quần đảo Senkaku trên Biển Hoa Đông cũng khiến Nhật Bản và Trung Quốc căng thẳng. Những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trong “đường chín đoạn” đe dọa đến an ninh hàng hải quốc tế, khiến Hoa Kỳ và đồng minh không thể đứng ngoài, và đe dọa chủ quyền của các quốc gia ven biển liên quan….

Trong sự vận hành mới tại khu vực, Con đường tơ lụa tạo ra những mối liên kết mới trong các lĩnh vực thương mại, giao thông, năng lượng, truyền thông… tất cả hướng đến sự hợp tác vì sự phát triển và thịnh vượng chung.

Thực phẩm, năng lượng và đặc biệt là tài nguyên nước đóng vai trò tối quan trọng trong việc vận hành và định hình thế giới, quốc gia nào kiểm soát được các nguồn tài nguyên này sẽ có vị thế lớn trong cuộc chơi. Biển Đông, Biển Hoa Đông và Ấn Độ Dương rất quan trọng đối với hoạt động nhập khẩu dầu và hàng hóa của Trung Quốc, là tuyến đường huyết mạch cả về thương mại lẫn quân sự đối với Trung Quốc. Kiểm soát nguồn nước đối với Trung Quốc trở thành mục tiêu hàng đầu, để kiểm soát cuộc chơi.

Châu Á và Con đường tơ lụa đang trỗi dậy rất nhanh, đó là điều không thể phủ nhận, nhưng có lẽ là quá sớm khi Frankopan lạc quan so sánh sự chuyển đổi này với hai cuộc thám hiểm của Columbus và Vasco da Gama “đặt nền tảng cho sự thay đổi mang tính bước ngoặt dịch chuyển trọng tâm kinh tế và chính trị toàn thế giới”.

Vụ hạm đội Biển Đen của Nga bắn cảnh cáo tàu khu trục Defender của Anh hôm 23-6-2021 vừa qua một lần nữa cho thấy cách hiểu “vùng biển quốc tế” “chủ quyền trên biển” giữa các bên không nhất quán. Ngày 25-6-2021, Nhật Bản chính thức phê chuẩn Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) – hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới (gồm 2,27 tỉ dân với tổng GDP là 26.000 tỉ đô-la và tổng kim ngạch xuất khẩu là 5.200 tỉ đô-la) với sự tham gia của ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Australia. Hai sự kiện một lần nữa cho thấy đối thoại là điều tiên quyết để cùng nhau phát triển nhưng tranh chấp là một tồn tại hiển nhiên vì chủ quyền và lợi ích quốc gia là thứ không thể đánh đổi.

———————

[1] Nguyễn Thế Phương dịch, Omega+ và NXB Hà Nội, tháng 6-2021.

[2] Peter Frankopan, Những con đường tơ lụa: Một lịch sử mới về thế giới, Trần Trọng Hải Minh dịch, Huỳnh Hoa hiệu đính, PhanBook và NXB Đà Nẵng, 2019.