Tóm lược nội dung “Nghị quyết lịch sử” lần thứ 3 của Trung ương ĐCSTQ (P3)

Print Friendly, PDF & Email

Lược dịch: Nguyễn Hải Hoành

Xem thêm: Phần 1; Phần 2

II. HOÀN THÀNH CÁCH MẠNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VÀ XÚC TIẾN XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI

Trong thời kỳ cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ chủ yếu của Đảng là thực hiện chuyển biến từ chủ nghĩa dân chủ mới lên chủ nghĩa xã hội, tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa, xúc tiến xây dựng chủ nghĩa xã hội, đặt tiền đề chính trị căn bản và nền móng chế độ cho sự phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa.

Sau khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Đảng đã lãnh đạo nhân dân chiến thắng hàng loạt thử thách gay gắt về chính trị, kinh tế, quân sự, quét sạch các lực lượng vũ trang còn lại của bọn phản động Quốc Dân Đảng và bọn thổ phỉ, hòa bình giải phóng Tây Tạng, thực hiện hoàn toàn thống nhất đại lục Tổ quốc; bình ổn giá cả, thống nhất công tác tài chính kinh tế, hoàn thành cải cách ruộng đất, tiến hành cải cách dân chủ trên các mặt trong xã hội, thực hiện nam nữ bình đẳng về quyền lợi, trấn áp bọn phản cách mạng, triển khai các phong trào “Tam phản” và  “Ngũ phản”, gột rửa sạch mọi vết tích bẩn thỉu do xã hội cũ để lại, làm cho bộ mặt xã hội sáng sủa, mới mẻ. Quân Chí nguyện nhân dân Trung Quốc hiên ngang vượt sông Áp Lục sát cánh chiến đấu cùng quân dân Triều Tiên, đánh bại kẻ thù lớn mạnh được vũ trang đến tận răng, thể hiện được uy lực của đất nước, của quân đội, thể hiện tinh thần tinh hoa của nhân dân Trung Quốc, giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc chiến tranh chống Mỹ giúp Triều và bảo vệ an ninh của nước Trung Quốc mới, thể hiện địa vị nước lớn của Tân Trung Quốc. Tân Trung Quốc có được chỗ đứng vững chắc trong môi trường trong nước và quốc tế phức tạp.

Đảng đã lãnh đạo xây dựng và củng cố chính quyền nhà nước chuyên chính dân chủ nhân dân trên cơ sở liên minh công nông do giai cấp công nhân lãnh đạo, tạo điều kiện cho đất nước phát triển nhanh chóng. Năm 1949, phiên họp toàn thể đầu tiên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc đã xây dựng “Cương lĩnh chung của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc.” Năm 1953, Đảng chính thức đưa ra Đường lối chung trong thời kỳ quá độ là: Trong một thời gian khá dài, từng bước thực hiện công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa của nhà nước, và từng bước thực hiện cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp, thủ công nghiệp và công thương nghiệp tư bản chủ nghĩa. Năm 1954, kỳ họp đầu tiên của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc [tức Quốc hội] lần thứ nhất được tổ chức và thông qua “Hiến pháp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”. Năm 1956, nước ta đã cơ bản hoàn thành việc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, cơ bản thực hiện chế độ sở hữu công cộng về tư liệu sản xuất và phân phối theo lao động, xây dựng hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa. Đảng lãnh đạo xác lập chế độ đại hội nhân dân, chế độ hiệp thương chính trị và hợp tác đa đảng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, chế độ tự trị khu vực dân tộc, cung cấp sự đảm bảo về chế độ cho nhân dân làm chủ đất nước. Đảng lãnh đạo thực hiện và củng cố khối đại đoàn kết nhân dân các dân tộc trong cả nước, hình thành và phát triển mối quan hệ dân tộc xã hội chủ nghĩa bình đẳng, giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc, thực hiện và củng cố khối đại đoàn kết công nhân, nông dân, trí thức và các tầng lớp nhân dân trong cả nước, tăng cường và mở rộng mặt trận thống nhất rộng rãi. Việc xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa đã đặt nền tảng quan trọng cho mọi sự tiến bộ và phát triển của nước ta.

Căn cứ vào tình hình sau khi hoàn thành cơ bản quá trình cải tạo xã hội chủ nghĩa của nước ta, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc đề ra mâu thuẫn chủ yếu trong nước đã không còn là mâu thuẫn giữa giai cấp công nhân và giai cấp tư sản, mà là mâu thuẫn giữa nhu cầu của nhân dân về sự phát triển nhanh chóng kinh tế, văn hóa với tình trạng kinh tế văn hóa hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Nhiệm vụ chủ yếu của nhân dân cả nước là tập trung sức phát triển sức sản xuất xã hội, thực hiện công nghiệp hóa đất nước, từng bước đáp ứng nhu cầu vật chất và văn hóa ngày càng tăng của nhân dân. Đảng đề xuất phải cố gắng từng bước xây dựng nước ta trở thành cường quốc xã hội chủ nghĩa, có nông nghiệp hiện đại, công nghiệp hiện đại, quốc phòng hiện đại và khoa học kỹ thuật hiện đại, Đảng lãnh đạo nhân dân triển khai công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa toàn diện, quy mô lớn. Sau khi thực hiện mấy kế hoạch 5 năm, nước ta đã xây dựng được hệ thống công nghiệp và kinh tế quốc dân độc lập tương đối hoàn chỉnh, điều kiện sản xuất nông nghiệp có thay đổi rõ rệt, giáo dục, khoa học, văn hóa, y tế, thể dục thể thao có phát triển rất lớn. Các khoa học kỹ thuật quốc phòng mũi nhọn như “Hai trái bom và một vệ tinh” [bom nguyên tử, bom khinh khí và vệ tinh nhân tạo] liên tục tạo ra đột phá, nền công nghiệp quốc phòng từ không đến có đã từng bước phát triển đi lên. Quân đội Giải phóng Nhân dân đã lớn mạnh và được nâng cao, từ lục quân đơn nhất phát triển thành một quân đội tổng hợp bao gồm hải quân, không quân và các binh chủng kỹ thuật khác, tạo ra sự hậu thuẫn mạnh mẽ cho việc củng cố chính quyền nhân dân mới ra đời, xác lập địa vị nước lớn của Trung Quốc, bảo vệ phẩm giá của dân tộc Trung Hoa.

Đảng kiên trì chính sách ngoại giao hòa bình độc lập tự chủ, đề xướng và tuân thủ Năm nguyên tắc chung sống hòa bình, kiên định bảo vệ độc lập, chủ quyền và phẩm giá của đất nước, ủng hộ và giúp đỡ sự nghiệp giải phóng các dân tộc bị áp bức trên thế giới, sự nghiệp xây dựng của các quốc gia mới độc lập, và cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân các nước, chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa bá quyền, chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa chủng tộc, chấm dứt hoàn toàn nền ngoại giao nhục nhã của Trung Quốc cũ. Đảng xem xét thời thế để điều chỉnh chiến lược ngoại giao, thúc đẩy khôi phục tất cả mọi quyền lợi hợp pháp của nước ta tại Liên Hợp Quốc, mở ra một giai đoạn mới của công tác đối ngoại và thúc đẩy việc hình thành một cục diện nơi cộng đồng quốc tế kiên trì nguyên tắc Một Trung Quốc. Đảng đề xuất chiến lược chia ba thế giới và trang nghiêm cam kết Trung Quốc sẽ mãi mãi không xưng bá, và đã giành được sự tôn trọng và ca ngợi của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là đông đảo các nước đang phát triển.

Đảng đã dự kiến đầy đủ những thách thức mới mà khi nắm chính quyền trên cả nước sẽ phải đối mặt. Ngay từ sớm, Hội nghị toàn thể lần thứ hai của Trung ương Đảng khóa VII được tổ chức trước khi cuộc Chiến tranh giải phóng giành thắng lợi trong cả nước, đã đề xuất với toàn Đảng rằng phải tiếp tục giữ tác phong khiêm tốn, cẩn trọng, không kiêu căng, không nóng vội, tiếp tục giữ tác phong gian khổ phấn đấu. Sau khi Tân Trung Quốc thành lập, Đảng đã chú trọng đưa ra những đề tài lớn về xây dựng Đảng trong điều kiện Đảng nắm chính quyền, tăng cường xây dựng Đảng và củng cố sự lãnh đạo của Đảng về tư tưởng và tổ chức. Đảng đã tăng cường học tập lý luận và bồi dưỡng kiến ​​thức cho cán bộ, nâng cao trình độ lãnh đạo của Đảng, yêu cầu toàn Đảng, nhất là cán bộ cấp cao, phải tăng cường tính tự giác giữ gìn sự đoàn kết thống nhất của Đảng. Đảng đã triển khai phong trào chỉnh phong, chỉnh Đảng, tăng cường giáo dục trong Đảng, chỉnh đốn các tổ chức cơ sở Đảng, nâng cao điều kiện đảng viên, chống chủ nghĩa quan liêu, chủ nghĩa mệnh lệnh, tham nhũng, lãng phí. Đảng đã cảnh giác cao và gắng sức ngăn chặn tình trạng biến chất, suy thoái của đảng viên, cán bộ, kiên quyết trừng trị nạn tham nhũng. Các biện pháp quan trọng đó đã tăng cường tính thuần khiết của Đảng và khối đoàn kết toàn Đảng, tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với quần chúng nhân dân, tích lũy được kinh nghiệm bước đầu về công tác xây dựng đảng cầm quyền.

Trong thời kỳ này, đồng chí Mao Trạch Đông đã đề xuất việc tiến hành “Kết hợp lần thứ hai” những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lê với thực tiễn cụ thể của Trung Quốc, những người Cộng sản Trung Quốc, với đại diện chính là đồng chí Mao Trạch Đông, đã kết hợp sự phong phú của thực tế mới và phát huy tư tưởng Mao Trạch Đông, đề ra một loạt tư tưởng quan trọng về  xây dựng chủ nghĩa xã hội, bao gồm quan điểm cho rằng xã hội xã hội chủ nghĩa là một giai đoạn lịch sử rất lâu dài, phân biệt nghiêm ngặt và xử lý đúng đắn mâu thuẫn địch ta với mâu thuẫn nội bộ nhân dân, xử lý đúng đắn mười mối quan hệ lớn của công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, đi lên con đường công nghiệp hoá phù hợp với tình hình nước ta, tôn trọng quy luật giá trị, thực hành phương châm “cùng tồn tại lâu dài và giám sát lẫn nhau” trong mối quan hệ giữa Đảng với các đảng phái dân chủ, thực hành phương châm “Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng” trong công tác khoa học và văn hóa. Cho tới nay, những thành quả lý luận sáng tạo độc lập này vẫn có ý nghĩa chỉ đạo quan trọng.

Tư tưởng Mao Trạch Đông là sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin ở Trung Quốc, là nguyên tắc lý luận đúng đắn và tổng kết kinh nghiệm về cách mạng và xây dựng Trung Quốc đã được thực tiễn chứng minh, là bước nhảy vọt có tính lịch sử đầu tiên trong quá trình Trung Quốc hóa chủ nghĩa Mác. Linh hồn sống của tư tưởng Mao Trạch Đông là lập trường, quan điểm và phương pháp xuyên suốt các bộ phận hợp thành, thể hiện ở ba mặt cơ bản là thực sự cầu thị, đường lối quần chúng và độc lập tự chủ, cung cấp chỉ dẫn khoa học cho sự phát triển sự nghiệp của Đảng và của nhân dân.

Đáng tiếc là đường lối đúng đắn do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng hình thành đã không được hoàn toàn kiên trì, trước sau đã xuất hiện những sai lầm như phong trào “Đại nhảy vọt”, phong trào Công xã nhân dân, cuộc đấu tranh chống phái hữu cũng bị mở rộng nghiêm trọng. Trước tình hình môi trường bên ngoài gay gắt và phức tạp lúc bấy giờ, Đảng đã hết sức quan tâm đến việc củng cố chính quyền xã hội chủ nghĩa và đã có cố gắng trên nhiều mặt. Tuy nhiên, những sai lầm về lý luận và thực tiễn đấu tranh giai cấp trong xã hội xã hội chủ nghĩa của đồng chí Mao Trạch Đông phát triển ngày càng nghiêm trọng và Trung ương Đảng đã không kịp thời sửa chữa những sai lầm đó. Đồng chí Mao Trạch Đông đã đánh giá sai hoàn toàn về tình hình giai cấp ở nước ta, tình hình chính trị của Đảng và đất nước lúc bấy giờ, đã phát động và lãnh đạo cuộc “Đại cách mạng văn hóa”, hai tập đoàn phản cách mạng Lâm Bưu và Giang Thanh đã lợi dụng sai lầm của đồng chí Mao Trạch Đông và tiến hành nhiều hoạt động tội ác tác hại cho đất nước và nhân dân, gây ra 10 năm nội loạn, khiến cho Đảng, Nhà nước và nhân dân hứng chịu những trắc trở và tổn thất nghiêm trọng nhất kể từ ngày thành lập Tân Trung Quốc, bài học này thật vô cùng đau đớn. Tháng 10 năm 1976, Bộ Chính trị Trung ương Đảng chấp hành ý chí của Đảng và nhân dân, đã kiên quyết đập tan “Bè Lũ Bốn Tên”, chấm dứt tai nạn của “Đại Cách mạng Văn hóa”.

Từ khi thành lập nước Trung Hoa mới cho đến trước khi cải cách mở cửa, Đảng đã lãnh đạo nhân dân hoàn thành cách mạng xã hội chủ nghĩa, tiêu diệt mọi chế độ bóc lột và thực hiện những biến đổi xã hội sâu sắc và rộng lớn nhất trong lịch sử dân tộc Trung Hoa, thực hiện bước nhảy vọt vĩ đại đưa một nước lớn phương Đông vốn một nghèo hai trắng và đông dân tiến bước dài trở thành một xã hội xã hội chủ nghĩa. Trong quá trình tìm tòi, mặc dù từng trải qua những quanh co nghiêm trọng, nhưng các thành quả lý luận độc lập sáng tạo và thành tựu to lớn của Đảng trong công cuộc cách mạng và xây dựng xã hội chủ nghĩa đã cung cấp những kinh nghiệm quý báu, sự chuẩn bị về lý luận và cơ sở vật chất cho sự sáng lập chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc ở thời kỳ lịch sử mới.

Bằng công cuộc đấu tranh dũng cảm và ngoan cường của mình, Đảng Cộng sản Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc trang nghiêm tuyên bố với thế giới rằng nhân dân Trung Quốc không những chỉ giỏi phá hoại thế giới cũ, mà cũng giỏi xây dựng một thế giới mới, chỉ có chủ nghĩa xã hội mới cứu được Trung Quốc, chỉ có chủ nghĩa xã hội mới có thể phát triển được Trung Quốc.

(còn nữa)