30/12/1936: Biểu tình ngồi bắt đầu ở nhà máy của GM

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Sit-down strike begins in Flint, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1936, lúc 8 giờ tối, trong một trong những cuộc đình công đầu tiên ở Mỹ, các công nhân lắp ráp xe hơi đã chiếm Nhà máy Fisher Body I của hãng General Motors (GM) ở Flint, Michigan. Nhóm nhân viên này đang đình công nhằm giành được sự công nhận cho Liên đoàn Công nhân Xe hơi (United Auto Workers, UAW), vốn là đại diện thương lượng duy nhất của công nhân GM. Họ cũng muốn công ty ngừng chuyển công việc cho các nhà máy không thuộc công đoàn, đồng thời thiết lập thang lương tối thiểu công bằng, cũng như thiết lập một hệ thống khiếu nại và một bộ quy trình giúp bảo vệ công nhân trong dây chuyền lắp ráp khỏi bị thương. Tổng cộng, cuộc đình công này kéo dài 44 ngày.

Biểu tình ngồi tại Flint không phải là hành động tự phát; lấy cảm hứng từ các cuộc đình công tương tự trên khắp châu Âu, các nhà lãnh đạo UAW đã lên kế hoạch từ trước đó nhiều tháng. Cuộc đình công thực ra bắt đầu từ các nhà máy nhỏ hơn: Fisher Body ở Atlanta vào ngày 16/11, GM ở Thành phố Kansas vào ngày 16/12 và nhà máy dập Fisher ở Cleveland vào ngày 28/12. Tuy nhiên, nhà máy Flint là nơi diễn ra đình công lớn nhất, vì nơi đây có một trong hai bộ khuôn dập thân xe mà GM sử dụng để dập hầu hết mọi chiếc xe năm 1937 của mình. Bằng cách nắm quyền kiểm soát nhà máy Flint, các công nhân có thể đóng cửa GM gần như hoàn toàn.

Vào tối ngày 30/12, ca làm việc ban đêm của Nhà máy Flint chỉ đơn giản là ngừng hoạt động. Các công nhân tự nhốt mình và ngồi xuống đình công. “Nhà máy này là của chúng ta!” một công nhân hét lên.

GM lập luận rằng những người tham gia đình công đã vi phạm quy định và đã được tòa án cấp cho một lệnh nhằm yêu cầu buộc nhóm đình công phải rời đi. Tuy nhiên, những thành viên công đoàn đã kiên quyết không rời đi. GM cho tắt hệ thống sưởi của tòa nhà, nhưng nhóm biểu tình đã mặc thêm áo khoác và quấn thêm chăn rồi tiếp tục biểu tình. Sang ngày 11/01, cảnh sát đã cố gắng cắt nguồn cung cấp thực phẩm của những người đình công. Trong cuộc bạo loạn diễn ra sau đó – ngày nay thường được biết đến với tên gọi “Trận chiến của những con bò đực” (Battle of the Running Bulls) – 16 công nhân và 11 cảnh sát đã bị thương và UAW đã tiếp quản luôn nhà máy Fisher II gần đó. Đến ngày 01/02, UAW đã giành được quyền kiểm soát nhà máy sản xuất động cơ khổng lồ Chevrolet No.4. Sản lượng của GM sụt giảm nghiêm trọng từ 50.000 xe trong tháng 12 xuống chỉ còn 125 xe vào tháng 2.

Bất chấp ảnh hưởng chính trị to lớn của GM, Thống đốc Michigan Frank Murphy đã từ chối sử dụng vũ lực để đàn áp cuộc đình công. Mặc dù ông cho rằng biểu tình ngồi trong nhà máy là bất hợp pháp, thống đốc cũng tin rằng việc ủy quyền cho Lực lượng Vệ binh Quốc gia đến ngăn chặn đình công sẽ là một sai lầm lớn. “Nếu tôi gửi những người lính đó đến đàn áp công nhân,” ông nói, “chuyện sẽ chỉ là bao nhiêu người bị giết.” Kết quả là, ông tuyên bố: “Cơ quan nhà nước sẽ không đứng về phía nào cả. Chúng tôi ở đây chỉ để bảo vệ sự bình yên cho cộng đồng.”

Trong khi đó, Tổng thống Roosevelt thúc giục GM công nhận UAW để các nhà máy có thể mở cửa trở lại. Vào giữa tháng 2, nhà sản xuất xe hơi này đã ký một thỏa thuận với UAW, với các điều khoản bao gồm việc các công nhân được tăng lương 5% và được phép nói chuyện trong phòng ăn trưa.