Nguồn: Nguyễn Anh Dương, “Time for Vietnam to get cracking on CPTPP reforms”, East Asia Forum, 13/01/2022.
Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Sau nhiều năm thương thảo, Việt Nam đã khép lại đàm phán Hiệp định Thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào năm 2015. Sau khi Mỹ rút khỏi hiệp định, Việt Nam đã cùng với các thành viên khác hồi sinh lại hiệp định dưới tên gọi mới, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Bản thân Việt Nam là thành viên thứ bảy phê chuẩn hiệp định này.
Thái độ nhiệt tình của Việt Nam đối với CPTPP chủ yếu là vì Việt Nam muốn thúc đẩy cải cách bằng cách gây áp lực từ bên ngoài lên các nhóm lợi ích trong nước, một cách tiếp cận mà Việt Nam đã áp dụng kể từ năm 1986. Quãng đường dài từ đàm phán đến phê chuẩn đã cho phép Việt Nam xây dựng năng lực thể chế trong một số lĩnh vực, bao gồm luồng dữ liệu, doanh nghiệp nhà nước và quyền sở hữu trí tuệ.
Các quy định của Việt Nam về luồng dữ liệu xuyên biên giới hầu như không thay đổi nhiều kể từ khi CPTPP có hiệu lực năm 2019, dù cộng đồng doanh nghiệp kêu gọi cải cách. Các bên tham gia hiệp định đã cho Việt Nam 5 năm để sửa đổi những quy định về địa phương hóa dữ liệu [tức yêu cầu đặt máy chủ lưu trữ dữ liệu người dùng tại Việt Nam – NBT] nghiêm ngặt trong Luật An ninh Mạng năm 2018, điều không phù hợp với các quy định thương mại điện tử của CPTPP. Dù vẫn chưa công bố bất kỳ thay đổi pháp lý nào, nhưng trên thực tế Việt Nam không kiểm soát dữ liệu quá gắt gao như bề ngoài. Năm 2019, Việt Nam xếp thứ 7 toàn cầu về di chuyển dữ liệu xuyên biên giới.
Cải cách doanh nghiệp nhà nước cũng chưa đạt nhiều tiến bộ kể từ năm 2019. Việt Nam đã lên kế hoạch cổ phần hóa 127 doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn 2017–2020, nhưng đến nay vẫn còn 54 doanh nghiệp chưa hoàn thành mục tiêu. Kết quả cho thấy các doanh nghiệp đã cổ phần hóa có cải thiện hiệu quả kinh doanh, mặc dù trên tổng thể toàn bộ khối doanh nghiệp nhà nước không có nhiều cải thiện.
Trong khi đó, các thay đổi đối với chế độ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam diễn ra nhanh chóng hơn. Năm 2019, Việt Nam đã sửa đổi luật sở hữu trí tuệ để tuân thủ các cam kết theo lộ trình được CPTPP đề ra. Việt Nam hiện đã hoàn thành các cam kết về đơn đăng ký sáng chế, chỉ dẫn địa lý, cũng như các biện pháp thực thi và hải quan.
Dù CPTPP chỉ yêu cầu thiết lập hệ thống nhãn hiệu điện tử, Việt Nam đã đi xa hơn và cho phép mọi loại quyền sở hữu trí tuệ được đăng ký trên hệ thống này. Việt Nam cũng đã soạn thảo các sửa đổi pháp lý bổ sung trình Quốc hội thông qua trong năm 2022 nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn tại liên quan đến các cam kết về sở hữu trí tuệ theo CPTPP.
Trong nội bộ Việt Nam cũng đã có tranh luận về việc nên cải cách theo CPTPP ở tốc độ ra sao. Một số chuyên gia về hội nhập kinh tế kêu gọi đáp ứng các cam kết CPTPP nhanh và triệt để hơn, theo tiếp cận cải cách đơn phương. Nhưng việc Mỹ rút khỏi TPP dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump và quan điểm thiếu nhiệt tình của chính quyền Biden trong việc tái gia nhập hiệp định khiến lựa chọn này không còn quá hấp dẫn.
Việc Trung Quốc xin gia nhập CPTPP vào tháng 9 năm 2021 đã làm dấy lên cuộc tranh luận liệu Việt Nam có nên nghiêm túc hơn với CPTPP, và liệu đây có phải là một động lực khác khiến Việt Nam cần đẩy nhanh cải cách hay không. Một số chuyên gia cho rằng Trung Quốc có thể đáp ứng các tiêu chuẩn CPTPP nếu họ đàm phán được những miễn trừ mà Việt Nam được hưởng. Tuy nhiên, nếu Việt Nam mạnh tay hơn trong cải cách doanh nghiệp nhà nước cho đến nay thì có lẽ Việt Nam đã không bị xem là một trường hợp được hưởng các ưu tiên trong điều kiện gia nhập hiệp định.
Tương tự, đối với luồng dữ liệu, Trung Quốc hoàn toàn có thể hướng đến những miễn trừ Việt Nam được hưởng trong CPTPP. Việc Trung Quốc xin gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế Kỹ thuật số giữa Singapore, Chile và New Zealand cũng là một yếu tố khác cần được xem xét. Nếu Việt Nam có thể nhanh chóng cải thiện quy định trong nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các luồng dữ liệu xuyên biên giới, ít nhất là phù hợp với cam kết của CPTPP, thì Việt Nam có thể giúp CPTPP duy trì được tiêu chuẩn cao và hiện thực hóa mục tiêu đóng góp cho quá trình soạn thảo các quy tắc thương mại toàn cầu.
Trong khi đó, thực hiện các cam kết còn lại về sở hữu trí tuệ trong CPTPP là một nhiệm vụ phức tạp cho các cơ quan quản lý Việt Nam.
Việc sửa đổi các quy định sở hữu trí tuệ cho phù hợp với cam kết CPTPP sẽ giúp Việt Nam có dư địa để tùy chỉnh việc thực thi các quy tắc ở trong nước và thậm chí có thể góp phần định hình các quy tắc mới trong các cuộc đàm phán thương mại tương lai. Nhưng do các cam kết sở hữu trí tuệ được thực hiện theo lộ trình theo từng giai đoạn nhất định, một loạt các sửa đổi đối với luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam theo thời gian có thể chỉ làm tăng tính biến động, thay vì khả năng thích ứng, của các quy định này. Việt Nam có thể cần một cách tiếp cận cụ thể hơn đối với chính sách sở hữu trí tuệ, đặc biệt nếu xét việc hồi năm 2019, Việt Nam chỉ đứng thứ 19 trong các nền kinh tế APEC về khả năng thích ứng của khung pháp lý trong việc phục vụ các mô hình kinh doanh kỹ thuật số.
Đối với Việt Nam, CPTPP cho đến nay vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng về thúc đẩy các cải cách khó liên quan đến doanh nghiệp nhà nước, quyền sở hữu trí tuệ hay luồng dữ liệu. Thay vì phân tâm vào các chi tiết vụn vặt về kinh tế và địa chính trị trong quá trình tiến hành, Việt Nam nên lưu ý rằng các cải cách này phù hợp với lợi ích quốc gia về lâu dài và vì vậy không nên ngần ngại trong việc thực thi chúng.
Nguyễn Anh Dương là Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp tại Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), Việt Nam.