Thế giới hôm nay: 21/01/2022

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Phát biểu tại cuộc họp báo đánh dấu một năm cầm quyền, Tổng thống Joe Biden dự đoán tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ xâm lược Ukraine và phải trả một “cái giá đắt” cho việc này. Ông Biden cũng cho biết ủng hộ việc chia đôi dự luật chi tiêu xã hội và chống biến đổi khí hậu của ông để có thể thông qua từng phần ở Quốc hội. Ngoài ra ông nói Cục Dự trữ Liên bang đã đúng khi thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát.

Đảng BLP cầm quyền của Barbados giành chiến thắng vang dội trong cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của đất nước kể từ khi nữ hoàng Anh không còn là nguyên thủ quốc gia của nước này hồi năm 2021. Kết quả sơ bộ cho thấy BLP thắng tất cả 30 ghế trong quốc hội. Phe đối lập đã gọi quyết định tổ chức bầu cử sớm của thủ tướng Mia Mottley ngay giữa làn sóng dịch covid-19 là “liều lĩnh.”

Ít nhất 29 người được xác nhận thiệt mạng trong vụ giẫm đạp tại một cơ sở tôn giáo ở ngoại ô Monrovia, thủ đô Liberia. Vụ việc xảy ra khi một băng cướp có vũ trang tấn công vào đám đông. Tổng thống George Weah đã tuyên bố ba ngày quốc tang.

Gã khổng lồ hàng gia dụng Unilever cho biết sẽ không tăng đề nghị hiện tại trị giá 50 tỷ bảng Anh (68 tỷ USD) để mua mảng chăm sóc sức khỏe của GlaxoSmithKline. Hãng dược này trước đó đã từ chối Unilever hai lần. GSK gọi mức giá gần nhất là sự “định giá cực kỳ thấp” đối với công ty họ.

Sàn giao dịch chứng khoán Singapore cho niêm yết  công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC) đầu tiên của mình. Vertex Technology Acquisition Corp đã huy động được 200 triệu đô la Singapore (148 triệu đô la Mỹ) và đang nhắm đến các lĩnh vực như an ninh mạng và fintech. Hiện Singapore vượt mặt Hong Kong, đối thủ trong khu vực, về tiến độ ra mắt luật mới cho các vụ lên sàn SPAC.

Đảng Dân chủ của ông Biden đã không thể thông qua dự luật quyền bỏ phiếu và dự luật cải cách quy tắc Thượng viện. Luật bỏ phiếu, bao gồm mở rộng bỏ phiếu sớm và bỏ phiếu qua thư, bị phe Cộng hòa chặn bằng thủ thuật filibuster. Trong khi đề xuất sửa thủ tục filibuster — tức quy định phải có 60% đa số Thượng viện nhất trí để thông qua nhiều dự luật — bị hai thượng nghị sĩ Dân chủ bỏ phiếu chống.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc cắt giảm lãi suất cơ bản do lo ngại suy thoái kinh tế. Cụ thể Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa đã giảm lãi suất chuẩn cho vay một năm từ 3,8% xuống 3,7% — hồi tháng trước họ đã lần đầu tiên giảm lãi suất trong gần hai năm. Ngoài ra lãi suất 5 năm, được coi là lãi suất chuẩn cho vay thế chấp, cũng giảm, với kỳ vọng thúc đẩy nhu cầu mua nhà.

Con số trong ngày: -52, là tỉ lệ ủng hộ ròng của thủ tướng Anh Boris Johnson.

TIÊU ĐIỂM

Phương Tây chia rẽ về vấn đề Ukraine

Liệu có thể ngăn Nga tấn công Ukraine? Ngay cả Tổng thống Joe Biden cũng cho rằng Nga sẽ tấn công. Do đó, các cuộc nói chuyện hôm thứ Sáu tại Geneva giữa Antony Blinken và Sergei Lavrov, hai ngoại trưởng Mỹ và Nga, trông khá bi quan. Cả “những nỗ lực ngoại giao không ngừng nghỉ” của Mỹ, hay lời đe dọa trừng phạt “mạnh tay” với Nga, cũng như việc Mỹ gửi vũ khí tới Ukraine đều không khiến Nga ngừng triển khai quân.

Khi đến thăm Kyiv và Berlin, ông Blinken nhấn mạnh NATO và Ukraine phải đoàn kết. Song giữa họ đang xuất hiện những vết nứt. Đức thờ ơ với các lệnh trừng phạt. Pháp muốn EU có chương trình riêng cho một trật tự an ninh mới ở châu Âu. Trong khi Ukraine tìm cách truy tố cựu tổng thống Petro Poroshenko. Trước đó, Nhà Trắng đã phải ra tuyên bố xoa dịu sau khi ông Biden gợi ý chỉ nên trừng phạt toàn diện nếu Nga tiến hành chiến tranh tổng lực. Điều đó chẳng khác nào bật đèn xanh cho Nga can thiệp. Mục tiêu lúc này của ông Blinken là biến đèn xanh thành đèn đỏ.

Chờ phán quyết về số phận chính trị của thủ tướng Anh

Trong tuần này, Boris Johnson đã đánh bại một nỗ lực thu thập 54 lá thư từ các nghị sĩ đảng Bảo thủ nhằm cách chức ông khỏi vị trí lãnh đạo đảng. Tuy nhiên ngay lập tức có một cuộc tấn công nữa nhắm vào ông trong ngày thứ Năm. William Wragg, một đảng viên cấp trung nằm trong số những người viết thư, nói chính phủ đã đe dọa những người có ý định phản đối là sẽ cắt ngân sách cho các khu vực bầu cử của họ.

Quan chức dân sự cao cấp Sue Grey sẽ là người quyết định số phận của ông Johnson. Các nghị sĩ đang chờ đợi bản báo cáo của bà, trong đó sẽ cho biết các bữa tiệc ở Phố Downing có vi phạm quy tắc phong tỏa hay không. Steve Baker, người dẫn đầu các cuộc nổi dậy trước đây trong đảng Bảo thủ, đã tuyên bố nếu ông phát hiện ông Johnson nói dối trước quốc hội, thì thủ tướng coi như sẽ phải từ chức.

Đảng CDU của Đức có lãnh đạo mới

Vào thứ Bảy Friedrich Merz sẽ trở thành lãnh đạo mới của Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo, đảng bảo thủ chính ở Đức. Trước đó, hồi năm 2018, ông Merz đã ngừng lưu vong chính trị để quay về tranh cử vị trí lãnh đạo do bà Angela Merkel bỏ trống (bà vẫn giữ chức thủ tướng cho đến năm ngoái). Ông thất bại cả lần đó và cả trong cuộc bầu cử 2021. Song cử tri đã không chọn CDU trong cuộc tổng tuyển cử tháng 9 năm ngoái. Vì vậy đảng cuối cùng cũng phải quay sang ông Merz.

Năm nay 66 tuổi, từng được biết đến như một người quyết liệt ủng hộ giảm thuế, ông Merz đã trở nên ôn hòa hơn khi có lo ngại ông sẽ đưa đảng đi quá xa về phía cực hữu. Các chương trình nghị sự chính của ông trước mắt là lạm phát và việc làm. Cuộc bầu cử bang năm nay chính là bài kiểm tra đầu tiên dành cho ông. Chờ đợi ông phía trước là một phần thưởng lớn: cơ hội lật đổ thủ tướng Olaf Scholz tại cuộc tổng tuyển cử năm 2025.

Giá dầu tăng do thiếu nguồn cung

Giá dầu thô Brent có thể sẽ sớm lên mức cao nhất nhiều năm qua. Trong tuần này giá dầu Brent đạt 89 USD/thùng, tăng 57% trong năm qua và cao nhất kể từ 2014. Các nền kinh tế mở cửa lại đã đẩy nhu cầu trong khi omicron không gây nhiều xáo trộn như lo ngại ban đầu. Song nguồn cung bị hạn chế. Một vụ hỏa hoạn và một vụ nổ trên đường ống nối Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến giá tăng vọt.

Không rõ giá sẽ còn cao trong bao lâu. OPEC và các đồng minh cho biết họ sẽ không nâng mục tiêu sản xuất để bù đắp cho thiếu hụt sản lượng của một số thành viên. Nhưng họ kỳ vọng khôi phục sản xuất về mức trước đại dịch cho đến cuối năm 2022. Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự đoán tăng giá và tăng sản lượng ở các nước khác sẽ giúp khôi phục nguồn cung trong năm nay, qua đó kiềm chế giá. Hiện tại còn quá sớm để nghĩ về viễn cảnh giá dầu 100 đô la.