Nguồn: Green, Michael (2008). “Japan in Asia”, in David Shambaugh & Michael Yahuda (eds), International Relations of Asia (Maryland: Rowman & Littlefield Publishers), pp. 170-191.
Biên dịch: Đinh Nguyễn Lan Hương | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Trong bài luận vào cuối thời kỳ Tokugawa, Lý luận của ba kẻ say về Chính phủ, Nakae Chomin đã hình dung ra một vị chủ nhà vào một buổi tối đã cùng hai người bạn rượu của mình tranh cãi trong hơi men về tương lai của Nhật Bản ở châu Á. Một trong hai bạn rượu của ông ta là một “quý ông Tây học”, ăn mặc theo phong cách phương Tây và ca tụng những ưu điểm của dân chủ, quyền cá nhân và phát triển kinh tế. Người kia mặc quần áo truyền thống của một samurai và bảo vệ cho chiến lược chính trị hiện thực của việc bành trướng quân sự nhằm hất cẳng Trung Quốc và nước Anh địch thủ, trở thành một thế lực đế quốc có sức ảnh hưởng lớn ở châu Á. Cuối cùng, vị chủ nhà đã kết luận rằng Nhật Bản phải cân bằng cả hai, phải nắm lấy tri thức phương Tây và phát triển kinh tế đồng thời mở rộng thế lực của Nhật Bản tại châu Á. Kết luận này đã khiến người đọc ý thức sâu sắc về mâu thuẫn không giải quyết được giữa hai tầm nhìn tương lai của Nhật Bản nổi lên trong giai đoạn xuất hiện những Con tàu đen của Thuyền trưởng Perry và cải cách Minh Trị này.1
Tìm kiếm chiến lược
Ít có quốc gia nào trong lịch sử dằn vặt với sự ngờ vực chính chiến lược quốc gia của mình như Nhật Bản. Càng có ít đất nước kiên định với lợi ích quốc gia hoặc ý thức sâu sắc về các mối quan hệ quyền lực xung quanh họ như đất nước này. Đối với Nhật Bản, những yếu tố giúp định hướng chiến lược quốc gia về cơ bản vẫn y hệt như thời kỳ Lý luận của ba kẻ say về Chính phủ: theo đuổi quyền tự trị và vị thế được tôn trọng trong hệ thống quốc tế dựa trên sự tính toán về sức mạnh địa chính trị của Trung Quốc (cùng với Triều Tiên như là một chất xúc tác khác) và sự chung sống với cấu trúc quyền lực quốc tế hiện hành.2 Mặc dù các yếu tố định hướng này đã không đổi trong suốt lịch sử Nhật Bản hiện đại, các công cụ được sử dụng lại đa dạng một cách đáng ngạc nhiên. Trên thực tế, Nhật Bản đã tự cách tân bản thân ở những giai đoạn khác nhau trong lịch sử để tối đa hóa nguồn lực sức mạnh quốc gia và quyền tự trị tương đối của mình phù hợp với bối cảnh hệ thống quốc tế trong từng giai đoạn. Có lúc, Nhật Bản đã đi theo con đường của quý ông Tây học; khi khác thì lại đi theo con đường của một quý ông truyền thống.
Vào cuối thế kỷ 19, các nhà lãnh đạo thời Minh Trị đưa ra chiến lược dựa trên khẩu hiệu bốn chữ fukukoku kyohei hay “phú quốc/cường binh”, vận dụng Tây học để xây dựng quốc gia cường thịnh và từ đó tạo ra một lực lượng hải quân và quân đội hiện đại. Kết quả thật đáng kinh ngạc, từ năm 1860 đến năm 1938, tỉ lệ GDP của Nhật Bản trong GDP thế giới tăng từ mức chỉ 2,6% lên 3,8%; trong khi Nhật Bản đã khẳng định bản thân mình là một đối thủ tranh giành sự thống trị một nửa thế giới.3 Việc đánh bại Trung Quốc năm 1895 và Nga năm 1905 đã truyền sức mạnh cho các nhà dân tộc chủ nghĩa trẻ và những người chống chủ nghĩa đế quốc trên toàn châu Á; và các nhà chiến lược Nhật Bản đã phôi thai nên một chủ nghĩa Liên Á mang tính lý tưởng chủ nghĩa dựa trên kinh nghiệm của chính Nhật Bản về wakon/yosai, hay còn gọi là “tinh thần Nhật Bản và Tây học”. Chủ nghĩa lý tưởng Liên Á đó đã sớm nhường chỗ cho một trật tự đế quốc chủ nghĩa xấu xí hơn gấp nhiều lần mà cơ sở là hệ thống thứ bậc truyền thống của châu Á cùng một sự kết hợp đầy nguy hiểm giữa tâm lý mất an ninh chống lại phương Tây cộng với sự áp bức dựa trên sức mạnh ưu việt chống lại các quốc gia phương Đông. Nhật Bản cũng đã mắc sai lầm khi liên minh với Đức Quốc xã khi nhầm lẫn về các xu thế trong cấu trúc quyền lực thế giới. Kết quả là một thảm họa cho cả Nhật Bản lẫn châu Á.
Sau chiến tranh, Nhật Bản buộc phải thích nghi với cấu trúc quyền lực thế giới mới dưới sự ảnh hưởng của đế quốc Mỹ và sắp xếp lại các thể chế của mình để tối đa hóa sức mạnh và quyền tự trị của Nhật Bản trong bối cảnh mới. Dưới sự cai trị đầy khéo léo của Thủ tướng Yoshida Shigeru, Nhật Bản đã tiếp nhận các thể chế dân chủ và thiết lập quan hệ liên minh với Mỹ, đồng thời đảm bảo rằng Điều 9 Hiến pháp về chủ nghĩa hòa bình được thể chế hóa trong luật pháp và chính sách quốc gia nhằm không rơi vào cái bẫy chiến lược Chiến tranh lạnh của Mỹ. Nhật Bản chỉ xây dựng quốc phòng ở mức tối thiểu để duy trì cam kết quân sự với Mỹ đồng thời tập trung vào việc khôi phục kinh tế và theo đuổi mối quan hệ mới với châu Á – bao gồm cả Trung Quốc – dựa trên thương mại.
Vào giai đoạn cuối của Chiến tranh Lạnh, nhiều nhà chiến lược Nhật Bản bắt đầu tranh luận rằng mô hình mới về phát triển kinh tế của Nhật Bản đã vượt qua chủ nghĩa tư bản truyền thống và sẽ đưa Nhật Bản vào vị trí của một chủ thể có sức ảnh hưởng lớn trong thế kỷ 21, tự do theo đuổi các chính sách đối ngoại “độc lập” và định hình một trật tự kinh tế châu Á mới mà không có các công cụ quân sự truyền thống, đồng thời liên minh với siêu cường độc nhất trên thế giới nhưng không phụ thuộc vào nó. Tuy nhiên, viễn cảnh này đã bị phá vỡ vào những năm 1990 khi Nhật Bản lặng im không hành động trong suốt Chiến tranh Vùng Vịnh, đánh mất mô hình kinh tế khả tín sau sự sụp đổ của nền kinh tế bong bóng, không thể tận dụng sự phục thuộc lẫn nhau về kinh tế nhằm định hình sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc về quân sự và chiến lược, và bị đe dọa bởi một Bắc Triều Tiên theo đuổi phát triển vũ khí hạt nhân. Sau gần một thập kỷ dao động và không chắc chắn, Nhật Bản bắt đầu lấy lại niềm tin với Thủ tướng Koizumi Junichiro (2001-2006) và thu hút sự chú ý của thế giới với một sự quyết đoán mới về an ninh quốc tế và nới lỏng những ràng buộc hậu chiến truyền thống liên quan đến Điều 9 Hiến pháp. Nhưng sau đó, chiến lược quốc gia của Nhật dường như lại tiếp tục trở nên thiếu rõ ràng khi người kế nhiệm Koizumi, Abe Shinzo, đã vướng phải những vấp váp chính trị vào năm 2007.
Việc tìm kiếm chiến lược của Nhật Bản đã làm phức tạp và phong phú thêm các thuyết về quan hệ quốc tế. Những người theo chủ nghĩa hiện thực cấu trúc truyền thống như Henry Kissinger và Herman Kahn đã lập luận rằng không thể tưởng tượng được Nhật Bản lại có thể phát triển sức mạnh kinh tế mà không thiết lập sức mạnh quân sự bao gồm cả vũ khí hạt nhân tương xứng.4 Những người theo chủ nghĩa kiến tạo như Peter Katzenstein đã phát triển những lý thuyết có thể khái quát hóa được xung quanh ví dụ về Nhật Bản bằng cách cho rằng văn hóa chính trị Nhật Bản thực sự đã thay đổi do chủ nghĩa hòa bình được củng cố thông qua các chuẩn tắc hậu chiến và các thể chế dựa trên Điều 9 Hiến pháp.5 Các thuyết xét lại của ngành kinh tế chính trị quốc tế đã nở rộ trong những năm 1980 và đầu những năm 1990 với ý tưởng rằng trên thực tế Nhật Bản đã xây dựng một mô hình mới về tăng trưởng kinh tế theo hướng pha trộn công nghệ và chủ nghĩa dân tộc cùng các mạng lưới sản xuất ở châu Á.6 Richard Samuels và Eric Heginbotham đã quay trở lại với các thuyết hiện thực về quan hệ quốc tế để cho rằng hành vi của Nhật Bản là theo chủ nghĩa hiện thực, nhưng dựa trên tư tưởng chủ nghĩa hiện thực “trọng thương” mới hơn là các khái niệm lấy sức mạnh quân sự làm trọng tâm truyền thống của thuyết tân hiện thực hay các biến thể khác gần đây của lý thuyết kinh tế.7 Tôi đã lập luận trong bài Japan’s Reluctant Realism [Chủ nghĩa hiện thực miễn cưỡng của Nhật Bản] năm 2001 rằng văn hóa chiến lược của Nhật Bản đang chuyển từ chủ nghĩa hòa bình truyền thống và bị động sang hành vi cân bằng quyền lực rõ ràng hơn nhằm ứng phó với sự gia tăng những đe dọa từ bên ngoài cũng như thất bại của các công cụ kinh tế truyền thống trong việc giúp nước này tăng cường an ninh.8 Trong nghiên cứu quan trọng về lịch sử và sự hồi sinh của tư tưởng chiến lược Nhật Bản, Kenneth Pyle đã đưa ra luận điểm rất thuyết phục vào năm 2007 rằng Nhật Bản luôn luôn theo chủ nghĩa hiện thực và đang ngược lại quá khứ theo nhiều khía cạnh bởi nó đang muốn đòi lại quyền lợi của mình ở châu Á.9
Điều nổi lên từ các nghiên cứu khác nhau về tư tưởng chiến lược Nhật Bản là quá trình rõ ràng trong việc thử nghiệm và khám phá những công cụ cho phép Nhật Bản tối đa hóa quyền tự trị và quyền lực theo hai yếu tố định hướng được nêu trước đó: tính toán sức mạnh địa chính trị của Trung Quốc (và Triều Tiên) và sự chung sống với cấu trúc quyền lực quốc tế hiện hành. Nhưng các thể chế và chuẩn tắc của Nhật vẫn cứng nhắc và không linh hoạt, gây khó khăn cho việc tìm kiếm một chiến lược mới ngay cả khi các nhà lãnh đạo Nhật Bản nỗ lực một lần nữa để sắp xếp lại bộ công cụ của mình khi mà bối cảnh địa chính trị châu Á đang bước vào một giai đoạn bất ổn.
Phần còn lại của chương này sẽ nói rõ hơn về bộ công cụ đó, đánh giá những gì đã hoặc không có hiệu quả đối với Nhật Bản trong bối cảnh châu Á ngày nay và những yếu tố nào có khả năng là tiêu biểu nhất cho chiến lược của Nhật Bản trong những năm tiếp theo. Chương này được chia thành năm phần. Phần một bắt đầu với việc xem xét những công cụ được coi là hứa hẹn nhất cho tới cách đây một thập kỷ – mối quan hệ gần gũi với Trung Quốc và vai trò lãnh đạo về kinh tế trong việc mang lại một trật tự mới cho khu vực – và cách thất bại trong những lĩnh vực này đã thay đổi chiến lược của Nhật Bản và việc sử dụng những công cụ đó ngày nay như thế nào. Phần hai sẽ xem xét sự quay trở lại của Nhật Bản với trọng tâm chiến lược của nó ở châu Á: liên minh với Mỹ, các cơ hội và sự phức tạp mà liên minh này mang lại. Phần thứ ba khảo sát chiến lược cân bằng của Nhật Bản ở châu Á trong ba lĩnh vực. Phần thứ tư đánh giá chiến lược của Nhật Bản trong việc định hình sự hội nhập và xây dựng thể chế ở khu vực. Phần thứ năm xem xét lại những vấn đề lịch sử để lại, tại sao giới lãnh đạo Nhật Bản lại gặp khó khăn trong việc giải quyết chúng, và đâu là những lĩnh vực mà những vấn đề đó làm hoặc không làm phương hại ảnh hưởng của Nhật Bản. Cuối cùng, chương này sẽ kết thúc với việc xem xét lại những biến số có thể khiến Nhật Bản đi theo một hướng khác bằng một bộ công cụ hoàn toàn khác so với bộ công cụ đã được xem xét ở đây.
Nhân tố Trung Quốc
Khi Nhật Bản trỗi dậy từ đống tro tàn của Thế chiến thứ hai và chuẩn bị tái hòa nhập với cộng đồng quốc tế, giới tinh hoa theo xu hướng bảo thủ đã đưa ra những ý kiến khác nhau về việc một Nhật Bản dân chủ hóa hoàn toàn mới sẽ đóng một vai trò như thế nào. Một số quan chức cũ của Bộ Công thương, như Kishi Nobusuke, muốn liên minh chặt chẽ với Mỹ để chống lại chủ nghĩa cộng sản, thậm chí hợp tác [với Mỹ] sau chiến tranh Triều Tiên nhằm biến Nhật Bản trở thành một kho vũ khí ở châu Á. Trong khi đó, những người khác, như lãnh đạo Đảng Dân chủ Hatoyama Ichiro, lại muốn độc lập hơn với Mỹ thông qua việc ký một Hiệp ước Hòa bình với Nga (đến thời điểm hiện tại vẫn chưa ký) và sửa đổi lại Hiến pháp Nhật Bản. Nhưng các bên khác vẫn muốn tránh việc tăng cường quân đội vì lo sợ điều này sẽ đưa Nhật Bản đi theo lối mòn chiến tranh một lần nữa. Các phe phái khác nhau này đã được kéo vào cùng một liên minh cầm quyền bởi Yoshida Shigeru, người đã đưa ra một chiến lược đơn giản cho Nhật Bản vốn gom tất cả những chính trị gia theo xu hướng bảo thủ vào cùng một mái nhà và đảm bảo rằng liên minh đó sẽ thống trị nền chính trị Nhật Bản và gạt những người theo tư tưởng xã hội và cộng sản ra lề trong suốt nửa thế kỷ tới.
Tuy nhiên, bên dưới mái nhà bảo thủ đó cũng có những ý kiến trái chiều về châu Á và đặc biệt là Trung Quốc. Yoshida đã đưa ra quan điểm chính xuyên suốt căn cứ trên một giả định sáng suốt rằng Trung Quốc cộng sản cuối cùng cũng dứt ra khỏi Liên Xô và xích lại gần Nhật Bản vì lý do thương mại. Trong khi những người bảo thủ “chống lại quan điểm chính thống này” tiếp tục ủng hộ Cộng hòa Trung Hoa (Đài Loan), những người thuộc phe Yoshida đã đảm bảo rằng Nhật Bản sẽ tránh vướng vào vấn đề an ninh của Đài Loan hoặc đối đầu với Bắc Kinh theo ủy quyền của Mỹ. Thủ tướng Sato Eisaku đã đồng ý trong một bản tuyên bố chung với Tổng thống Nixon rằng Nhật Bản có lợi ích trong việc đảm bảo ổn định eo biển Đài Loan vào năm 1969, nhưng ông làm vậy chỉ bởi muốn có được cam kết của Nixon trong việc trả lại chủ quyền Okinawa cho Nhật Bản. Không có bước tiếp theo nào trong quốc phòng hay chiến lược đối ngoại. Trên thực tế, trong cùng thời điểm, Nhật Bản đã âm thầm mở rộng quan hệ kinh tế với Trung Quốc thông qua quan hệ thương mại bán chính thức “L-T” (Liao Chengzhi và Tatsunosuke Takasaki), và sau chuyến thăm năm 1972 của Kissinger đến Trung Quốc, Thủ tướng Nhật Bản Tanaka Kakuei đã ngay lập tức bình thường hóa quan hệ với Bắc Kinh (tròn bảy năm trước khi Washington thực hiện điều này). Năm 1978, Nhật Bản và Trung Quốc đã ký Hiệp ước Hữu nghị, cho phép Trung Quốc bắt đầu các khoản vay bằng đồng yên, vốn được Nhật Bản coi là viện trợ, còn Bắc Kinh lại coi đó là khoản đền bù chiến tranh của Nhật cho Trung Quốc (lên tới hơn 1 tỷ đô la Mỹ vào thời điểm cao nhất đầu những năm 1990). Nhật Bản cũng đóng vai trò môi giới để giúp Trung Quốc và phương Tây hàn gắn lại với nhau sau sự kiện Thiên An Môn ngày 6/4/1989, phá vỡ chế độ trừng phạt của phương Tây đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh Houston năm 1990. Sự tiên đoán của Yoshida chính xác một cách kỳ lạ, và những trí thức Nhật Bản bắt đầu ủng hộ cho một mối quan hệ tay ba “cân bằng” hơn giữa Bắc Kinh, Washington và Tokyo.
Tuy nhiên, giữa những năm 1990, mối quan hệ giữa Nhật Bản với Trung Quốc đột nhiên bắt đầu thay đổi. Yoshida đã đúng về mức độ phụ thuộc lẫn nhau của kinh tế Trung-Nhật, nhưng ông không lường trước được những khó khăn trong việc dùng sự phụ thuộc lẫn nhau này để định hình hành vi ứng xử của Trung Quốc. Bước ngoặt đã xảy ra vào ngày 15/5/1995, khi Trung Quốc thử nghiệm vũ khí hạt nhân tại cơ sở Lop Nor. Các nhà ngoại giao Nhật Bản đã cảnh báo rằng mối quan hệ kinh tế Trung – Nhật và việc cho vay bằng đồng yên sẽ bị ảnh hưởng bởi cuộc thử nghiệm này, và các đảng phái chính trị Nhật Bản dù theo xu hướng gì cũng đều chỉ trích Bắc Kinh. Nhưng các cuộc thử nghiệm vẫn được tiến hành. Tháng 3/1996, Trung Quốc đã bắn tên lửa xung quanh đảo Đài Loan. Tháng 4 năm đó, Nhật Bản và Mỹ đã tái khẳng định liên minh Mỹ-Nhật trong Tuyên bố an ninh chung giữa Thủ tướng Hashimoto Ryutaro và Tổng thống Bill Clinton, và Tokyo đã đồng ý sửa đổi đường lối quốc phòng để lên kế hoạch không chỉ cho những bất trắc trong Chiến tranh Lạnh xuất phát từ việc Liên Xô có thể tấn công trực diện vào Nhật Bản, mà còn cho “những tình huống xảy ra xung quanh Nhật Bản gây ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh nước này”. Trong suốt thập kỷ tiếp theo, sự cạnh tranh Trung-Nhật đã trở thành một đặc điểm không thể nhầm lẫn trong quan hệ quốc tế châu Á.
Những kinh nghiệm từ những năm 1990 đã cho công chúng và lãnh đạo Nhật Bản thấy các ý định của Trung Quốc không chắc chắn như thế nào và việc Nhật Bản thiếu trang bị ra sao trong việc định hình hành vi ứng xử của Trung Quốc: các công cụ kinh tế kém hiệu quả so với dự kiến và tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc lên đến hai con số một lúc trong khi Nhật Bản rơi vào tình trạng giảm phát kéo dài và không thể vượt được mức tăng trưởng 2% mỗi năm ngay cả trong kịch bản tốt nhất. Các mối đe dọa ngoại giao và quân sự cụ thể cũng gia tăng trong thập kỷ tiếp theo. Sách trắng quốc phòng Nhật Bản tăng dần mức độ cảnh báo của mình về việc Trung Quốc tăng cường quân đội, với lưu ý trong năm 2007 rằng Trung Quốc đã nắm giữ một “con số đáng kể” các IRBM/MRBM (tên lửa đạn đạo tầm trung-xa/ tầm trung) có thể nhắm tới Nhật Bản, bao gồm DF-3 và DF-21, cùng với các chương trình phát triển tên lửa hành trình, tàu ngầm mới và một kho máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư đang gia tăng bao gồm J-10, Su-27 và Su-30.10 Một tàu ngầm Trung Quốc đã đi vòng quanh Nhật Bản vào năm 2004 và sau đó đã xâm nhập vào lãnh hải Nhật Bản năm 2005, và 3 tàu khu trục Trung Quốc đã chĩa nòng súng vào máy bay tuần tra P-3C của Nhật Bản vốn đang giám sát các hoạt động xung quanh đảo Điếu Ngư vào năm 2005.11 Trên mặt trận ngoại giao, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã vận động hành lang khắp châu Á và châu Phi vào năm 2005 nhằm chống lại những nỗ lực của Nhật Bản trong việc giành ghế tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc dựa trên “đồng thuận” rằng Nhật Bản không chịu chuộc lại lỗi lầm của mình trong Thế chiến thứ hai.
Những thay đổi trong chính trị nội bộ của Nhật Bản đều vừa làm phức tạp thêm, vừa bị thúc đẩy bởi những diễn biến này. Mối quan hệ Trung-Nhật trong suốt Chiến tranh Lạnh được gìn giữ bởi các phe theo quan điểm chính thống của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) và đặc biệt là phe của Thủ tướng Tanaka, lãnh đạo Đảng từ năm 1972 đến năm 1993 và đã duy trì sự tập trung vào việc phát triển kinh tế Nhật Bản mà không bị chi phối bởi vấn đề ý thức hệ. Cấu trúc chính trị Nhật Bản phản ánh cấu trúc của Chiến tranh Lạnh, và với sự sụp đổ của Liên Xô, phe cánh tả của Nhật Bản đã nhanh chóng thoái trào, và phe của Tanaka vốn trước kia chiếm ưu thế giờ dần dần đánh mất vai trò vào tay các chính trị gia bảo thủ thế hệ trẻ ở cả Đảng Dân chủ Tự do và Đảng Dân chủ đối lập mới của Nhật Bản, những người ủng hộ các chính sách quyết đoán và không xin lỗi của Hatoyama và Kishi. Với thế hệ mới này, đối đầu với Trung Quốc đã trở thành một vấn đề không chỉ thuộc về an ninh quốc gia mà còn là bản sắc dân tộc.
Trung Quốc cũng đã đấu tranh với một Nhật Bản mà nó không lường trước được. Năm 1978, Hiệp ước Hòa bình và Hữu nghị được cho là đã khép lại mối quan hệ song phương dựa trên bản án của Tòa án tội phạm chiến tranh Tokyo. Chủ tịch nước Trung Quốc Giang Trạch Dân đã tuyên bố trong chuyến thăm thất bại đến Tokyo vào tháng 10 năm 1998, rằng đây không phải là vấn đề chấp nhận lời xin lỗi của Nhật Bản, mà là Nhật Bản phải mãi mãi cảm thấy hối hận.12 Thực tế, sau Hiệp ước năm 1978, Bắc Kinh thấy rằng có thể vận động cánh tả và trung tả ở Nhật Bản chống lại những nỗ lực sửa đổi sách giáo khoa hoặc các chuyến thăm chính thức đến đền Yasukuni, nơi vinh danh những người đã chết trong chiến tranh của Nhật Bản (bao gồm 13 tội phạm chiến tranh loại A). Nhưng theo những gì Chủ tịch Giang Trạch Dân nhận thấy trong suốt chuyến thăm đến Tokyo năm 1998, quan điểm chính lưu đang dịch chuyển khỏi Trung Quốc, và Bắc Kinh càng gây áp lực kiềm chế với các vấn đề lịch sử nhạy cảm, công luận Nhật Bản lại càng ủng hộ một vị Thủ tướng kiên quyết, người có thể tiếp tục hành động bất chấp những áp lực từ Trung Quốc. Khả năng hai chính phủ và hai hệ thống chính trị có thể xử lý các vấn đề này đã ở mức tệ nhất trong năm 2005-2006. Thủ tướng Koizumi nhậm chức năm 2001 mà không hề có chương trình nghị sự nào chống đối Trung Quốc và đã tiến hành chuyến thăm đến cầu Lư Câu (Marco Polo) nơi cuộc chiến Trung-Nhật nổ ra năm 1937 để bày tỏ sự hối tiếc của mình. Nhưng ông cũng hứa với Hiệp hội các gia đình có người thân chết trong chiến tranh (Izzokai) trong một cuộc gặp đầy nước mắt rằng ông sẽ đến đền Yasukuni để bày tỏ sự tôn kính với những người thân của họ đã chết trong chiến tranh. Trung Quốc đã giận dữ và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cố gắng thuyết phục Koizumi đừng đi đến đó khi hai nước đang ở thời điểm cận kề Hội nghị thượng đỉnh Bangdung năm 2005.13 Nhưng Koizumi đã hứa chỉ thực hiện “điều nên làm” – có nghĩa là ông vẫn sẽ đến thăm đền Yasukuni. Hồ Cẩm Đào đã công khai tuyên bố sẽ không có Hội nghị thượng đỉnh song phương nào với Koizumi cho tới khi Thủ tướng Nhật Bản hứa sẽ không đến thăm ngôi đền. Đa số người dân Nhật Bản, kể cả những người từng không ủng hộ chuyến viếng thăm này, cũng đã ủng hộ Koizumi thực hiện điều đó.14 Khi các đám đông Trung Quốc tấn công chiếc xe của một quan chức cấp cao Nhật Bản sau khi Nhật thắng Trung Quốc năm 2005 tại trận đấu vòng loại World Cup ở châu Á, cảm nhận của công chúng Nhật Bản coi mình như là nạn nhân của Trung Quốc càng tăng lên.
Chuyến thăm cuối cùng của Koizumi đến đền Yasukuni với tư cách Thủ tướng diễn ra vào ngày 15/8/2007, ngày kỷ niệm sự đầu hàng của Nhật Bản và cũng là một ngày rất nhạy cảm đối với tất cả các kẻ thù cũng như nạn nhân chiến tranh của Nhật Bản. Tuy nhiên, trớ trêu thay, điều này đã mở ra cánh cửa cho người kế nhiệm, Abe Shinzo (người hiếu chiến hơn Koizumi về vấn đề Trung Quốc), đạt được một sự hâm nóng lại quan hệ với Trung Quốc bằng chuyến thăm Bắc Kinh ngày 9/10/2007, nơi ông được đón tiếp nồng nhiệt bởi dàn lãnh đạo Trung Quốc vốn quan ngại về việc suy giảm đột ngột mối quan hệ Trung-Nhật và nhận thấy ở Abe cơ hội cho một sự khởi đầu mới. Hồ Cẩm Đào khôn ngoan không công khai gây sức ép buộc Abe tránh xa Yasukuni, cũng như Abe đã khôn ngoan không hứa hẹn gì với các cử tri về việc này.15 Người kế nhiệm Abe, Fukuda Yasuo và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã có những chuyến viếng thăm lẫn nhau vào đầu năm 2008. Điểu này đã giúp cải thiện tốt hơn bầu không khí giữa hai nước, nhưng không giải quyết được gốc rễ của sự căng thẳng về quân sự, tư tưởng và chiến lược.
Thời kỳ “kinh tế ấm và chính trị lạnh” đã thách thức lý thuyết quan hệ quốc tế, nhưng lại đặc trưng cho trạng thái quan hệ Trung-Nhật trong thời gian tới. Mỉa mai nhất là sự khôi phục kinh tế Nhật Bản năm 2004-2006 sau nhiều năm chống đỡ với giảm phát đòi hỏi những cải cách của Koizumi và một nền kinh tế đang trỗi dậy của Trung Quốc để thu hút hàng xuất khẩu Nhật Bản, vốn cuối cùng sẽ được xuất khẩu tiếp sang Mỹ sau khi được lắp ráp ở Trung Quốc. Thương mại Trung-Nhật đã vượt qua thương mại Nhật-Mỹ trong năm 2005, và theo thống kê của Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản, các nhà kinh doanh Nhật Bản tiếp tục xem Trung Quốc là mục tiêu chính cho đầu tư trực tiếp ra nước ngoài.16 Nhưng dư luận Nhật Bản về Trung Quốc không được cải thiện sau khi trượt dốc từ thời kỳ mà quan điểm tích cực chiếm ưu thế trong suốt những năm hoàng kim 1980. (Hình 8.1).
Hình 8.1. Quan điểm của Nhật Bản về Trung Quốc
(Vui lòng download văn bản để xem hình)
Nguồn: “Khảo sát về quan hệ ngoại giao”, Văn phòng Nội các, Chính phủ Nhật Bản
Những thách thức về ngoại giao, quân sự và tâm lý được đặt ra bởi sự trỗi dậy đột ngột và một tương lai không chắc chắn của Trung Quốc là điều Nhật Bản không thể tránh khỏi. Châu Á vẫn duy trì trật tự thứ bậc, và Nhật Bản và Trung Quốc chưa bao giờ hùng mạnh cùng lúc giống như bây giờ. Tham vọng của cả hai nước cũng mâu thuẫn nhau. Cả hai nước đều được thúc đẩy bởi ý thức sâu sắc về sự không hoàn thiện. Trung Quốc tìm kiếm sự toàn vẹn lãnh thổ và việc quay lại với vai trò trung tâm ở khu vực, nhưng nó cũng phải đối đầu với Nhật Bản đang tìm cách vượt qua thời kỳ hậu chiến và xây dựng lại niềm tự hào dân tộc đã đánh mất. Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa Nhật Bản và Trung Quốc tạo ra sự ổn định trong mối quan hệ song phương giữa hai nước, nhưng không phải là sự chắc chắn hay có thể dự đoán được về hướng đi tương lai của họ.
Bán đảo Triều Tiên
Chỉ đứng sau Trung Quốc với tư cách là một biến số khu vực có ảnh hưởng nhiều nhất đến chiến lược ngoại giao Nhật Bản chính là bán đảo Triều Tiên. Vị tướng thời Minh Trị Yamagata Aritomo từng nổi tiếng khi gọi bán đảo Triều Tiên là “con dao găm chiến lược nhằm vào trái tim Nhật Bản”. Triều Tiên là con đường truyền thống mà qua đó mọi thứ bắt nguồn từ lục địa châu Á có thể đến với Nhật Bản, bao gồm cả đạo Phật, chữ Hán, các cuộc xâm lược của quân Mông, món mì soba và có lẽ cả sushi (mặc dù hiện nay vẫn đang gây tranh cãi). Chính mâu thuẫn giữa những người theo xu hướng hiện đại hóa ủng hộ Nhật Bản và những người theo xu hướng truyền thống ủng hộ Trung Quốc trong triều đình Triều Tiên đã khiến Nhật Bản rơi vào cuộc chiến với Trung Quốc giai đoạn 1894-1895, và chính việc bành trướng của Nga vào Mãn Châu và hướng tới Triều Tiên đã dẫn đến cuộc chiến tranh Nga-Nhật 1904-1905 khi Nhật Bản tìm kiếm “lợi thế tối đa” để bảo vệ lợi ích của mình ở bán đảo này. Sự bùng nổ chiến tranh Triều Tiên năm 1950 là sự kiện hậu chiến quan trọng hơn bất kỳ sự kiện nào khác trong việc khiến Nhật Bản theo đuổi quỹ đạo chính sách ngoại giao hiện tại, bao gồm việc hình thành liên minh Mỹ-Nhật lần đầu tiên vào năm 1951, bên cạnh việc giúp khôi phục lại nền kinh tế Nhật Bản. Trong suốt Chiến tranh Lạnh, Nhật Bản nhanh chóng cử phái viên đến Washington để duy trì sự ủng hộ của người Mỹ đối với sự hiện diện quân sự ở bán đảo Triều Tiên, đáng lưu ý nhất là sau khi Tổng thống đắc cử Jimmy Carter cam kết vào năm 1976 rằng ông rút hết quân đội Mỹ ra khỏi Hàn Quốc.17
Nhưng ngay cả khi Nhật Bản hành động để duy trì cam kết quốc phòng của Mỹ tại Hàn Quốc thì các chính phủ Nhật Bản liên tiếp cũng cố gắng thiết lập mối quan hệ của riêng họ với bán đảo này trên lĩnh vực ngoại giao lẫn thương mại. Quan hệ ngoại giao được thiết lập với Seoul năm 1965 đi kèm với một chương trình viện trợ đáng kể từ Nhật Bản. Bắc Triều Tiên tỏ ra khó khăn hơn, nhưng khi Nhật Bản thoát ra khỏi Chiến tranh Lạnh với một nền kinh tế mạnh và hi vọng rằng căng thẳng hai cực trong hệ thống quốc tế sẽ góp phần tìm ra giải pháp cho các vấn đề với Bình Nhưỡng, thì đã xuất hiện suy nghĩ lạc quan về việc bình thường hóa quan hệ song phương. Được thúc đẩy bởi khoản miễn giảm hàng năm ước tính khoảng 600 triệu đô la dành cho người Triều Tiên định cư ở Nhật (phần lớn khoản tiền này tìm đường vào tài khoản của các chính trị gia ở Tokyo) và bởi cơ hội thể hiện sáng kiến ngoại giao độc lập của Nhật Bản, lãnh đạo LDP đầy quyền lực Kanemaru Shin đã đến thăm lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Nhật Thành vào năm 1990 và rời cuộc họp với Kim Nhật Thành với cam kết đặt cược cuộc đời chính trị của mình vào mục tiêu bình thường hóa hoàn toàn quan hệ song phương trong một buổi họp báo đầy nước mắt. Các cuộc đối thoại về bình thường hóa quan hệ Nhật-Triều (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên) đã diễn ra ngắt quãng kể từ đó. Nhưng sự lạc quanh quanh chuyến thăm của Kanemaru cũng không kéo dài.
Bản chất thay đổi của mối đe dọa Bắc Triều Tiên với Nhật Bản trở nên rõ ràng hơn vào năm 1993 khi tài liệu dự báo tình báo quốc gia Mỹ (NIE) bị rò rỉ cho rằng Bình Nhưỡng có thể đã có bom [hạt nhân], và sau đó vào năm 1994 Bình Nhưỡng đã phóng tên lửa Nodong bay qua Nhật Bản (vào thời điểm đó người ta đã nghĩ rằng nó đã rơi xuống Biển Nhật Bản). Việc tái cơ cấu chính trị trong nước ở Nhật Bản cũng có tác động. Nhiều lãnh đạo kỳ cựu trong LDP, những người đã giúp duy trì quan hệ Trung-Nhật đồng thời cũng là những người, giống như Kanemaru, đã từng thúc đẩy quan hệ với Bắc Triều Tiên, đã được chống lưng bởi Đảng Xã hội Nhật Bản. Sự qua đời của họ, cùng với việc bắt giam Kanemaru vì cáo buộc tham nhũng, cũng như sự suy sụp của Đảng Xã hội, đã khiến cho chính sách Bắc Triều Tiên rơi vào tay một nhóm các chính trị gia trẻ hơn và thiên về chủ nghĩa dân tộc. Một trong những chính trị gia đó là Abe Shinzo, nổi lên với vai trò phó tướng của Koizumi và là người chủ trương theo đường lối cứng rắn hơn với Bắc Triều Tiên. Quan điểm cứng rắn của Abe nhận được sự ủng hộ của công chúng, những người đã phải chứng kiến Bắc Triều Tiên triển khai 200 tên lửa Nodong nhằm vào Nhật Bản, bán methamphetamine cho trẻ em Nhật, thử nghiệm tên lửa tầm xa Taepodong qua không phận Nhật Bản năm 1998, và sau đó là thử vũ khí hạt nhân vào tháng 10 năm 2006. Vấn đề nhạy cảm nhất là việc xác nhận hàng chục người Nhật bị bắt cóc bởi điệp viên Bắc Triều Tiên vào những năm 1970 và 1980 mặc dù chính phủ Nhật Bản đã phủ nhận là không có chứng cứ cho điều đó. Khi Thủ tướng Koizumi thành công trọng việc thuyết phục Triều Tiên phóng thích năm người bị bắt cóc sau chuyến thăm đầy kịch tính đến Bình Nhưỡng vào tháng 9 năm 2002, những câu chuyện được kể lại bởi những người Nhật trở về đã khiến người dân Nhật giận dữ hơn. Hiện nay, 74% người Nhật tỏ thái độ tiêu cực với Bắc Triều Tiên trong các cuộc thăm dò dư luận.18
Quan điểm của Nhật Bản về Bắc Triều Tiên là một yếu tố định hướng quan trọng đối với chiến lược ngoại giao của Nhật Bản vào đầu thế kỷ 21, nhưng nhiều nhà lãnh đạo bảo thủ Nhật Bản lại xem mối đe dọa Bắc Triều Tiên như là một công cụ hữu ích để đưa người dân Nhật ra khỏi sự mãn nguyện về nền hòa bình và chuẩn bị cho một sự cạnh tranh dài hạn với Trung Quốc mà không cần phải có những lựa chọn khó khăn về các vấn đề như phòng vệ tên lửa hoặc hợp tác quân sự Mỹ-Nhật, vốn là những vấn đề dễ dẫn đến việc đối đầu công khai với Bắc Kinh.
Mối quan hệ Nhật Bản với Hàn Quốc đã thách thức sự tính toán chiến lược cẩn thận này. Mối quan hệ giữa hai đồng minh dân chủ của Mỹ bắt đầu cải thiện đáng kể sau khi Thủ tướng Nhật Bản Obuchi Keizo bày tỏ sự ăn năn và xin lỗi tới Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung ở Tokyo năm 1998 và ông Kim đã chấp nhận lời xin lỗi này (điều mà Chủ tịch nước Trung Quốc đã không sẵn sàng thực hiện vài tháng trước đó khiến Obuchi chỉ bày tỏ “sự ăn năn”). Nhóm giám sát và phối hợp ba bên (TCOG) giữa Mỹ-Nhật-Hàn được thành lập bởi đặc phái viên Mỹ về vấn đề Bắc Triều Tiên William Perry cũng đã thắt chặt mối quan hệ Nhật – Hàn về chính sách Bắc Triều Tiên vào năm 1999. Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã có cuộc đàm phán về Hiệp định tự do thương mại (FTA) trong cùng thời kỳ đó.
Trong bối cảnh Nhật Bản gia tăng nhận thức về sự cạnh tranh với Trung Quốc và mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên, người ta mong chờ Tokyo sẽ tiếp tục tranh thủ Seoul và duy trì ảnh hưởng ở bán đảo. Tuy nhiên, mối quan hệ Nhật-Hàn lại bất ngờ bị xấu đi và Nhật Bản đã bị sụt giảm ảnh hưởng. Xu hướng đi xuống bắt đầu từ tháng 4 năm 2004, khi Quận Shimane thông qua một nghị quyết tuyên bố Takeshima (Tokdo trong tiếng Hàn) là lãnh thổ của Nhật Bản và Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo Hyun phát động một chiến dịch chống Nhật Bản, khiến những người theo tư tưởng bảo thủ vốn thường ủng hộ Nhật Bản phải rơi vào thế chống đỡ. Thay vì tập trung vào những lợi ích lớn hơn ở Bán đảo Triều Tiên, Bộ Ngoại giao Nhật Bản tiếp tục thúc đẩy sự công nhận của quốc tế đối với yêu sách của Nhật Bản về lãnh thổ đang tranh chấp – một hành động chẳng khác nào đổ thêm dầu vào lửa. Chuyến thăm của Thủ tướng Koizumi đến đền Yasukuni đã khiến vấn đề trở nên phức tạp hơn, và sau đó những lời lẽ thiếu cân nhắc của Thủ tướng Abe vào tháng 3/2007 biện minh cho sự đối xử trong thời chiến của Nhật Bản với các nô lệ tình dục bị cưỡng bức hay còn gọi là “phụ nữ giải khuây” từ Triều Tiên đã mở ra một cuộc cạnh tranh giữa hai chính phủ để vận động hành lang quốc hội Mỹ thông qua hoặc bác bỏ dự luật lên án Nhật Bản. Việc Chính phủ Tổng thống Roh từ chối tiếp tục tham dự các cuộc họp của TCOG về vấn đề Bắc Triều Tiên và những nỗ lực nhằm coi Nhật Bản là một kẻ thù chung trong kế hoạch phòng thủ chung Mỹ-Hàn (cuối cùng không thành công) đáng lẽ ra đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho Tokyo, nhưng thay vào đó chính phủ Nhật Bản lại chờ đợi và hi vọng rằng các mối quan hệ sẽ được cải thiện sau nhiệm kỳ của Tổng thống Roh. Với việc thắng cử của Tổng thống bảo thủ và thân Nhật hơn là Lee Myung Bok vào tháng 12/2007, mối quan hệ đã có vẻ sẽ được cải thiện hơn.
Sự bất lực của Nhật Bản trong việc duy trì mối quan hệ tích cực với Hàn Quốc được thiết lập bởi ông Kim và ông Obuchi cho thấy rằng hành vi cân bằng quan hệ bên ngoài nhằm chống lại Trung Quốc chỉ thực hiện được tới như vậy. Trong trường hợp mối quan hệ với Hàn Quốc, kiểu chính trị liên quan đến vấn đề bản sắc của Nhật Bản và sự đấu tranh tư tưởng trong nước để kết thúc “chế độ hậu chiến” đã làm thất bại các tính toán quyền lực theo tư duy hiện thực. Điều này xảy ra bất chấp thực tế nhìn chung công chúng Nhật Bản đã có một cái nhìn tích cực hơn rất nhiều về người dân Hàn Quốc so với bất kỳ thời điểm nào khác trong lịch sử hai nước.19 Tuy nhiên, kết quả chiến lược của việc Tokyo bận tâm nhiều hơn về bản sắc dân tộc và chính trị lãnh thổ so với chính trị thực dụng đã khiến vị trí chiến lược của Nhật trở nên suy yếu hơn ở Đông Bắc Á.
Liên minh Mỹ – Nhật trong chiến lược Châu Á
Định hình hội nhập khu vực
Điểm mạnh và điểm yếu của công cụ ngoại giao Nhật Bản
Kết luận
Download toàn bộ văn bản tại đây: Nhat Ban trong long Chau A.pdf
—-
Chú thích:
1. Nakae Chomin, A Discourse by Three Drunkards on Government, dịch bởi Nobuko Tsukui, Nobuko Tsukui và Jeffrey Hammond biên tập (New York: Weatherhill Books,1984).
2. Để xem nguồn gốc chiến lược của tư tưởng Nhật Bản trong giai đoạn đầu, có thể đọc Ronald P. Toby, State and Diplomacy in Early Modern Japan: Asia in the Development of the Tokugawa Bakufu (Stanford, Calif.: Stanford University Press, 1992); Kenneth B. Pyle, Japan Rising: The Resurgence of Japanese Power and Purpose (New York: Public Affairs, 2007); và Michael Auslin, Negotiating with Imperialism: The Unequal Treaties and the Culture of Japanese Diplomacy (Cambridge, Mass.: Harvard University Press, 2004).
3. Pyle, Japan Rising.
4. Để có một cái nhìn toàn cảnh về quan điểm của các nhà hiện thực, đọc bài của Kenneth Waltz, “Structural Realism after the Cold War,” International Security 5, no. 21 (mùa hè 2000): 5–41; David Kang, “Getting Asia Wrong: The Need for New Analytical Frameworks,” International Security 27, no. 4 (mùa xuân 2003): 57–85; Michael J. Green, Japan’s Reluctant Realism: Foreign Policy Challenges in an Era of Uncertain Power (London: Palgrave Press, 2001).
5. Peter Katzenstein, Cultural Norms and National Security: Police and Military in Postwar Japan (Ithaca, N.Y.: Cornell University Press, 1996).
6. Chalmers Johnson, Laura D’Andrea Tyson, và John Zysman, biên tập, Politics and Productivity: The Real Story of Why Japan Works (New York: Ballinger, 1989); Walter Hatch và Kozo Yamamura, Asia in Japan’s Embrace: Building a Regional Production Alliance (Cambridge: Cambridge University Press, 1996).
7. Eric Heginbotham và Richard J. Samuels, “Mercantile Realism and Japanese Foreign Policy,” in Unipolar Politics: Realism and State Strategies after the Cold War, Ethan B. Kapstein và Michael Mastanduno biên tập (New York: Columbia University Press,1999), 182–217; Richard J. Samuels, “Rich Nation, Strong Army”: National Security and the Technological Transformation of Japan (Ithaca, N.Y.: Cornell University Press, 1994).
8. Green, Japan’s Reluctant Realism.
9. Pyle, Japan Rising.
10. Boueichou (Bộ Quốc phòng Nhật Bản), Bouei Hakusho 2007 nendoban [Phòng vệ Nhật Bản, 2007], 52–53.
11. Tuần duyên Nhật Bản, Japan Coast Guard Annual Report, 2005 (Tokyo: Kokuritsu Insatsukyoku,2006), www.kaiho.mlit.go.jp/info/books/report2005/tokushu/p018.html.
12. Được ghi lại từ các bản tin và phỏng vấn với những người tham gia trong Green, Japan’s Reluctant Realism, 96–98.
13. Văn phòng nội các Thủ tướng Nhật Bản, “Speech by H.E. Mr. Junichiro Koizumi, Prime Minister of Japan” (Indonesia, 22 tháng 4, 2005), www.kantei.go.jp/foreign/koizumispeech/2005/04/22speech_e.html.
14. Tổng cộng 52,3% người dân Nhật Bản phản đối chuyến viếng thăm theo cuộc thăm dò dân ý được thực hiện bởi Kyodo (www.nishinippon.co.jp/nnp/politics/20060711/20060711_003.shtml); 51% người dân Nhật Bản bị xúc phạm bởi “sự can thiệp” của Trung Quốc trong vấn đề Yasukuni (www.yomiuri.co.jp/feature/fe6100/news/20060626it13.htm); 37% người dân Nhật Bản nghĩ rằng Trung Quốc là mối đe dọa với Nhật Bản (www.yomiuri.co.jp/national/news/20060704it13.htm?from=top).
15. Bộ Ngoại giao Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, “China-Japan Joint Press Communiqué” (Bắc Kinh, 8 tháng 10, 2006), www.fmprc.gov.cn/eng/wjdt/2649/t276184.htm.
16. 30 tháng 11, 2007, Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), www.jbic.go.jp/autocontents/japanese/news/2007/000208/index.htm, và www.jbic.go.jp/ autocontents/japanese/news/2007/000208/sokuhou.pdf.
17. Chính phủ Nhật Bản vận động hành lang Mỹ về các vấn đề liên minh Mỹ-Hàn được ghi lại trong Murata Koji, “The Origins and the Evolution ofthe U.S.-ROK Alliance from a Japanese Perspective” (Trung tâm nghiên cứu châu Á Thái Bình Dương, Stanford University, tháng 3 1997).
18. Xem Văn phòng nội các Thủ tướng Nhật Bản, Gaiko ni Kansuru Yoron Chousa [khảo sát dân ý về ngoại giao], 3 tháng 12, 2007, www8.cao.go.jp/survey/index.html.
19. Theo một cuộc thăm dò được thực hiện bởi Văn phòng nội các Thủ tướng Nhật Bản năm 2007, có sự gia tăng trong những năm gần đây về tỷ lệ % người dân Nhật tin rằng mối quan hệ Nhật-Hàn đã được cải thiện. Xem Văn phòng nội các Thủ tướng Nhật Bản, Gaiko ni Kansuru Yoron Chousa.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]