#28 – Hãy suy nghĩ lại: Toàn cầu hóa

PeopleGlobe

Nguồn: Moisés Naím (2009). “Think again: Globalization”, Foreign Policy, No. 171 (March/April), pp. 28-30, 32, 34.>>PDF

Biên dịch: Vũ Thị Thu | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Bài liên quan: #154 – Toàn cầu hóa chính trị thế giới

Hãy quên đi những bản cáo phó vội vàng. Đối với những người phê phán, toàn cầu hóa là nguyên nhân của sự sụp đổ nền tài chính hiện nay, sự gia tăng bất bình đẳng, gian lận thương mại và kém an ninh. Nhưng đối với phe ủng hộ toàn cầu hóa, đó cũng là hướng giải pháp cho những vấn đề này. Điều không thể tranh cãi đó là toàn cầu hóa vẫn đang tồn tại.

“Toàn cầu hóa là một nạn nhân của khủng hoảng kinh tế”

Không phải,  trừ khi bạn tin rằng toàn cầu hóa chỉ liên quan đến thương mại và đầu tư quốc tế. Nhưng toàn cầu hóa liên quan đến nhiều thứ hơn thế, và những đồn đoán về sự cáo chung của nó, ví dụ như bản cáo phó gần đây của nhà sử học kinh tế Harold James của trường Đại học Princeton dành cho “Công cuộc toàn cầu hóa quá cố vĩ đại” chỉ là một sự phóng đại quá mức.

Rốt cuộc, các thành viên phong trào Jihad ở Indonesia vẫn có thể tham gia các kế hoạch hoạt động cùng với những kẻ cực đoan cùng chí hướng ở Trung Đông, trong khi các nghệ nhân của Việt Nam vẫn có thể dễ dàng bán các sản phẩm của mình ở thị trường châu Âu, và các quan tòa ở Tây Ban Nha vẫn có thể cùng các cộng sự ở Mỹ La-tinh đưa những kẻ phạm tội tra tấn ra trước công lý. Toàn cầu hóa, theo nhà khoa học chính trị David Held và các đồng tác giả, chính là “sự kết nối lẫn nhau ngày càng mở rộng, sâu sắc và tăng tốc trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội hiện nay” – và sự kết nối này không chỉ theo nghĩa từ một trạm phát sóng này tới một trạm phát sóng khác của kênh truyền hình Bloomberg.

Mọi nhóm người trên toàn thế giới vẫn đang kết nối với nhau, và khủng hoảng kinh tế không làm giảm tiến độ mà trong nhiều trường hợp còn thúc đẩy các hoạt động quốc tế của họ. Ví dụ, các hội từ thiện sẽ đối mặt với sự tăng vọt về nhu cầu hỗ trợ khi mà khủng hoảng kinh tế càng làm tăng số lượng người cần giúp đỡ. Tương tự vậy, các hoạt động tôn giáo cũng được thúc đẩy vì tình trạng khó khăn lan rộng càng làm tăng cao những quan tâm về tương lai. Vào một thời kỳ mà tiền là vua và công việc hiếm hoi, tội phạm quốc tế sẽ là một trong số ít những nguồn, nếu không muốn nói là duy nhất, sinh ra tín dụng, đầu tư và việc làm ở một số nơi. Và những kẻ khủng bố xuyên quốc gia sẽ không thể bị ngăn chặn bởi một nền kinh tế kém cỏi. Sự sụp đổ của thị trường hoán đổi nợ xấu cũng không ngăn được vụ tấn công mang tính trả thù của 10 kẻ vũ trang người Pakistan vào Mumbai hồi tháng 11.

Đúng là các dòng chảy tín dụng và đầu tư xuyên biên giới nhất thời đang bị tụt giảm. Ví dụ, nhu cầu hàng nhập khẩu ở Mỹ giảm mạnh vào cuối năm 2008, làm giảm 30 phần trăm lượng thâm hụt thương mại của nước này. Ở Trung Quốc, nhập khẩu giảm 21 phần trăm và xuất khẩu giảm gần 3 phần trăm. Tháng 11 năm ngoái, dòng vốn chảy vào các thị trường mới nổi xuống mức thấp nhất tính từ năm 1995, và phát hành trái phiếu quốc tế đã bị ngưng trệ.

Nhưng trong khi các hoạt động kinh tế tư nhân bị suy sụp thì sự dịch chuyển quốc tế của  nguồn vốn nhà nước lại nở rộ. Mùa thu năm ngoái, Cục dự trữ Liên bang Hoa Kỳ và các ngân hàng trung ương của các nước Brazil, Mexico, Singapore và Hàn Quốc đã khởi động các dàn xếp tiền tệ trị giá 30 tỷ đô-la cho mỗi nước nhằm ổn định thị trường tài chính của họ. Cũng tương tự, các thỏa thuận tương hỗ đang thắt chặt quan hệ giữa các ngân hàng trung ương ở khắp châu Á, châu Âu và Trung Đông.

Vâng, một số chính phủ có thể muốn ứng phó với khủng hoảng bằng cách áp dụng các chính sách làm suy yếu thương mại, ban hành các quy định gây cản trở hội nhập tài chính toàn cầu hoặc tiến hành giải pháp kiểm soát nhập cư. Tuy nhiên cái giá phải đổi là khổng lồ và khó mà duy trì trong thời gian dài. Hơn thế nữa, khả năng che chắn nền kinh tế và xã hội khỏi các tác động và nguy cơ từ bên ngoài của các chính phủ từ hai thập kỷ nay đang dần bị giảm sút. Không có dấu hiệu nào cho thấy xu hướng này sẽ đảo chiều.

Toàn cầu hóa là một lực lượng quá đa dạng, phổ biến và mạnh mẽ đến nỗi sự sụp đổ kinh tế quy mô lớn hiện nay cũng không thể làm chậm tiến trình hay đảo chiều hoàn toàn được nó. Dù là được ủng hộ hay phê phán, toàn cầu hóa vẫn đang tồn tại.

“Toàn cầu hóa không có gì mới”

Không phải. Các nhà sử học như A.G. Hopkins đã tranh luận trong nhiều năm nay rằng làn sóng toàn cầu hóa rộ lên từ những năm 1990 chỉ là sự tiếp nối của một quá trình lâu dài đã bắt rễ từ khi các cộng đồng người di cư tiền hiện đại bắt đầu giao lưu, gặp gỡ nhau. Họ cũng chỉ ra rằng các con tàu chạy bằng hơi nước đã cách mạng hóa ngành giao thông vận tải với tác động giống như hay thậm chí lớn hơn cả sự xuất hiện của công-ten-nơ vận chuyển, và các ngành công nghệ báo in, điện báo và điện thoại vào thời kỳ đó cũng có sức công phá giống như internet hiện nay. Tóm lại, chẳng có gì là mới.

Tuy vậy, làn sóng toàn cầu hóa hiện nay có nhiều yếu tố chưa từng có tiền lệ. Nhờ sự vươn xa của internet tới cả những vùng sâu vùng xa nhất của thế giới mà có sự thay đổi đối với cuộc sống của nhiều người ở nhiều nơi hơn, với chi phí rẻ hơn bao giờ hết – và tốc độ thay đổi đó nhanh chóng đến mức ta khó có thể hi vọng ghi chép lại được.

Toàn cầu hóa hiện nay cũng mang tính cá nhân hơn bao giờ hết. Ngành điện báo được sử dụng rộng rãi nhất trong các cơ quan nhưng chính internet mới là công cụ thực sự mang tính cá nhân, giúp các phụ nữ Tây Ban Nha có thể tìm đối tượng kết hôn ở Achentina và giúp các thanh thiếu niên Nam Phi có thể chia sẻ các sản phẩm âm nhạc với bạn bè ở Scotland. Một điểm khác của toàn cầu hóa hiện nay nữa là các hoạt động kết nối con người thường diễn ra tức thì và gần như không mất chi phí. Ngoài ra, sự thay đổi về lượng trong mỗi cấu phần của toàn cầu hóa – về kinh tế, văn hóa, quân sự, vv. – cũng lớn tới mức tạo ra sự thay đổi về chất. Chỉ riêng điều này cũng mở ra những khả năng hoàn toàn mới – và đương nhiên cả những hệ quả chưa từng có trong lịch sử loài người.

“Toàn Cầu hóa không còn mang nghĩa Mỹ hóa”

Toàn cầu hóa chưa bao giờ nghĩa là Mỹ hóa. Nhiều ý kiến chỉ trích toàn cầu hóa chỉ là một quá trình giúp người Mỹ mở rộng sự thống trị kinh tế, quân sự và văn hóa của mình. Tuy nhiên, ngay từ những năm 1980, món sushi của Nhật Bản cũng như các bộ phim truyền hình dài tập của Mỹ La-tinh và những người Hồi giáo chính thống đã phổ biến toàn thế giới, trong khi các dòng người nhập cư gốc Tây Ban Nha và Mỹ La –tinh đã có những ảnh hưởng sâu sắc trong xã hội Mỹ.

Thật khó để bảo vệ luận điểm rằng toàn cầu hóa là con đường một chiều được thiết kế để phát tán các giá trị và lợi ích Mỹ lan rộng ra toàn thế giới. Những thay đổi nhờ toàn cầu hóa đã giúp các đối thủ mới và chưa vững vàng có thể chống lại vị trí bá quyền của Mỹ trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Al Qaeda và Taliban đã chứng tỏ là các đối thủ kiên cường đối với lực lượng quân sự hùng mạnh của Hoa Kỳ. Tính linh động quốc tế, nguồn ngân sách và khả năng tuyển dụng thành viên được nâng cao đáng kể nhờ các động lực thúc đẩy toàn cầu hóa như: du lịch thuận tiện, giao thông vận tải, thông tin liên lạc, tự do hóa kinh tế và biên giới mềm. Các quỹ đầu tư quốc gia từ châu Á và Trung Đông đã thay thế các ngân hàng Mỹ, các nhà làm phim Ấn Độ và các nhà sản xuất truyền hình Mỹ La-tinh cũng đã thách thức vị trí đi đầu trong thị trường giải trí thế giới của Hollywood, và sự thành công của các nhà sản xuất Trung Quốc, tất cả đều bắt nguồn từ một thế giới được định hình bởi hai thập kỷ phát triển kinh tế nhanh chóng và toàn cầu hóa.

Mặc dù Mỹ gặt hái được nhiều lợi ích từ toàn cầu hóa nhưng không phải chỉ có riêng quốc gia này đạt được điều ấy.

“Chính trị cường quyền đang trở lại”

Chúng chưa bao giờ biến mất. Chỉ có chúng ta lầm tưởng như vậy.

Về lại những năm 1990, quan niệm chủ yếu về toàn cầu hóa cho rằng sự bùng nổ của các mối ràng buộc về kinh tế là cách tốt nhất chống lại chiến tranh. Thương mại toàn cầu được xem là động lực bù đắp mạnh mẽ chống lại sự phát triển của chủ nghĩa dân tộc. Nhờ có những đổi mới mang tính cách mạng trong công nghệ thông tin, thông tin liên lạc và giao thông vận tải mà khoảng cách và địa lý đã không còn quan trọng như trước trong việc hình thành nền chính trị và kinh tế thế giới. Quyền lực, như người ta nghĩ, sẽ chuyển từ chính phủ sang khu vực tư nhân và các tổ chức phi chính phủ.

Những ý kiến này đã được phổ biến trong các bài báo và cuốn sách với những tựa đề như Sự cáo chung của lịch sử [The End of History], Cái chết của khoảng cách địa lý [The Death of Distance], Chiếc Lexus và cây ô-liu [The Lexus and the Olive Tree] những năm 1990. Sau sự kiện ngày 11 tháng 9 năm 2001, các chính phủ tối giản (minimalist – tức gọn nhẹ, ít vai trò can thiệp vào xã hội – NHĐ) bị lỗi thời và nhu cầu đối với nhà nước có khả năng đảm bảo an ninh bằng mọi giá gia tăng. Khủng hoảng tài chính càng thúc đẩy xu hướng này tăng lên mạnh mẽ. Các chính phủ theo tư tưởng tự do, hạn chế can thiệp (laissez-faire) không còn thịnh hành và các chính phủ năng động (can dự) trở nên hợp mốt; phi điều tiết hóa trở thành một từ cấm kỵ và lời kêu gọi sự kiểm soát chặt chẽ hơn của chính phủ đối với lĩnh vực tài chính trở nên phổ biến.

Khi kinh tế thế giới đang bị ngừng trệ, các nhà hoài nghi về toàn cầu hóa cho rằng vai trò chống xung đột của các quan hệ thương mại cũng đang dần bị suy yếu. Họ kết luận, với sự trở lại của các chính phủ mạnh hơn, cuộc chơi quyền lực xưa nay giữa các nước đối thủ cũng sẽ tăng cường hơn. Có vô vàn minh chứng cho lập luận này, từ chủ nghĩa dân tộc hồi sinh ở Nga, châu Á và Mỹ La-tinh tới vai trò rõ ràng của lịch sử và địa lý trong việc làm gia tăng những xung đột ở vùng Trung Đông và Nam Á. Theo lập luận của những người hoài nghi này, những ví dụ trên đây cho thấy tác dụng bình ổn của toàn cầu hóa kinh tế đã bị phóng đại lên quá mức.

Nhưng những tuyên bố về sự trở lại của các chính phủ mạnh và chủ nghĩa dân tộc cũng được phóng đại như nhau. Đúng, mặc dù Trung Quốc có thể kết hợp với Nga làm đối trọng với Mỹ trong quan hệ với Iran, nhưng kinh tế Trung Quốc và Mỹ lại liên kết chặt chẽ với nhau (Trung Quốc đang là chủ một khoản nợ hơn 1 nghìn tỷ đô la của Mỹ và Mỹ là thị trường xuất khẩu chính của Trung Quốc). Luận điệu cứng rắn của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc khôi phục vị thế quốc tế của đất nước này và thách thức vai trò lãnh đạo của Mỹ sẽ khó mà duy trì bởi Nga là một trong những nền kinh tế bị thiệt hại nặng nề nhất từ khủng hoảng tài chính, và khoản thu từ dầu mỏ vốn cho phép nước này tạo ra ảnh hưởng mới cũng đang giảm sút. Tổng thống Venezuela Hugo Chavez đang kêu gọi các công ty dầu khí nước ngoài quay lại nước này.

Điểm kết luận là: Chủ nghĩa dân tộc chưa bao giờ biến mất. Toàn cầu hóa chưa bao giờ làm mai một bản sắc dân tộc mà chỉ khiến chúng phức tạp hơn. Thậm chí trong thời đại của Bill Gates, các Otto von Bismarck của ngày nay vẫn nắm giữ một quyền lực lớn. Toàn cầu hóa và địa chính trị tồn tại song song và cả hai đều không hề biến mất đi đâu.

“Toàn cầu hóa là bởi và dành cho giới nhà giàu”

Hãy đến hỏi người Ấn Độ xem có phải vậy không! Hay tương tự, hãy hỏi người Trung Quốc, hoặc các tầng lớp trung lưu mới nổi ở Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam và vô vàn những nước khác đang có sự thành công gần đây nhờ sự bùng nổ về thương mại và đầu tư mà toàn cầu hóa đem lại. Cho tới cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 thì tầng lớp trung lưu ở các nước nghèo chính là thành phần dân cư phát triển nhanh nhất của thế giới.

Xu hướng này chắc chắn sẽ chậm lại, thậm chí sẽ bị đảo ngược một cách bi thảm ở một vài nước vì khủng hoảng tài chính sẽ đẩy lùi nhiều người quay trở lại mức nghèo. Nhưng sự thật vẫn là trong hai thập kỷ qua, một số đáng kể các nước nghèo đã thành công trong việc đưa hàng chục triệu người thoát khỏi cảnh đói nghèo nhờ có toàn cầu hóa. Ví dụ, tỉ lệ người nghèo ở Trung Quốc đã giảm 68 phần trăm chỉ trong vòng từ 1981 đến 2005.

Trung Quốc và Ấn Độ là hai ví dụ điển hình. Nhưng không may là hai nước này cũng là những điển hình cho những nước nơi mà cảnh nghèo đói cùng cực và giàu có xa hoa cùng tồn tại song song. Ở các nước nghèo cũng như giàu, tình trạng bất bình đẳng kinh tế đều đã trở thành một vấn đề lớn và toàn cầu hóa, đặc biệt là hệ quả thương mại tự do mà nó tạo ra, thường chịu tiếng là nguyên nhân làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Dù vậy, thật vô cùng khó khăn để chứng minh được rằng toàn cầu hóa gây nên bất bình đẳng. Chúng ta thậm chí còn không biết bất bình đẳng trên toàn cầu đang tăng lên hay giảm đi.

Khi kiểm tra mối liên quan giữa toàn cầu hóa và bất bình đẳng, thậm chí sau khi khảo sát tất cả các nghiên cứu chủ yếu về đề tài này và dựa vào những dữ liệu tốt nhất hiện có, hai nhà kinh tế Pinelopi Goldberg và Nina Pavcnik vẫn không thể tìm ra mối quan hệ nhân quả nào giữa hai vấn đề này. Năm 2008, các nhà kinh tế Sudhir Anand và Paul Segal đã công bố kết quả một cuộc khảo sát không kém phần tham vọng đối với các nghiên cứu gần đây về  tình trạng bất bình đẳng toàn cầu. Và họ cũng thất bại trong việc vạch ra một xu hướng rõ ràng. Họ viết “Thật không thể đi đến kết luận rõ ràng về chiều hướng thay đổi của tình trạng bất bình đẳng toàn cầu trong vòng 3 thập kỷ vừa qua”. Mặt khác, có vô số chứng cứ chỉ ra rằng tình trạng cực nghèo đã giảm đáng kể trong cùng thời kỳ này.

“Toàn cầu hóa khiến thế giới trở nên an toàn hơn”

“Khủng hoảng tài chính là dấu hiệu của toàn cầu hóa mất kiểm soát”

Download toàn bộ văn bản tại đây: Hay suy nghi lai Toan cau hoa.pdf