#173 – Quyền lực và sự tương thuộc trong kỷ nguyên thông tin

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Robert O. Keohane & Joseph S. Nye (1998). “Power and Interdependence in the Information Age”, Foreign Affairs, Vol. 77, No. 5 (Sep. – Oct.), pp. 81-94.

Biên dịch: Vũ Thị Thu | Hiệu đính: Nguyễn Hoàng Mỹ Phương

Sự bền bỉ của các quốc gia

Trong suốt thế kỷ 20, những người theo trường phái hiện đại chủ nghĩa cho rằng công nghệ sẽ làm biến đổi chính trị thế giới. Năm 1910, Norman Angell từng khẳng định sự tương thuộc kinh tế sẽ làm cho chiến tranh trở thành điều phi lý và hướng tới viễn cảnh mà những cuộc chiến này chỉ còn là dĩ vãng. Các nhà theo tư tưởng hiện đại, vào những năm 1970, đã nhận thấy nhờ vào viễn thông và di chuyển bằng máy bay mà một ngôi làng toàn cầu đã được tạo ra, và tin rằng hình thức nhà nước dựa trên lãnh thổ vốn thống trị nền chính trị thế giới từ thời phong kiến đang bị lu mờ bởi các nhân tố không giới hạn lãnh thổ như những tập đoàn đa quốc gia, các phong trào xã hội xuyên quốc gia và các tổ chức quốc tế.

Cùng quan điểm ấy, nhiều nhà tư tưởng tiên phong như Peter Drucker, Alvin và Heidi Toffler và Esther Dyson tranh luận rằng cách mạng thông tin hiện nay đang chấm dứt hệ thống hành chính mang tính cấp bậc và đang dẫn đến một chế độ phong kiến điện tử mới với các cộng đồng và chính quyền đan xen nhau cùng đòi sở hữu bản sắc và lòng trung thành của nhiều tầng lớp công dân khác nhau.

Các nhà tư tưởng theo trường phái hiện đại của nhiều thế hệ trước phần nào đã đúng. Hiểu biết của Angell về tác động của chiến tranh đối với sự phụ thuộc lẫn nhau thật sâu sắc: Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất không chỉ gây ra sự tàn phá chưa từng có ở chiến trường mà còn ở cả các hệ thống chính trị – xã hội đã từng thịnh vượng trong những năm tương đối yên bình từ 1815. Đúng như dự đoán của các nhà theo trường phái hiện đại những năm 1970, các tập đoàn đa quốc gia, tổ chức phi chính phủ (NGOs), và thị trường tài chính toàn cầu ngày càng trở nên cực kỳ quan trọng. Nhưng nhà nước lại bền bỉ hơn so với dự đoán của những nhà theo chủ nghĩa hiện đại này. Nhà nước tiếp tục nắm giữ được lòng trung thành của phần đông người dân thế giới, và kiểm soát của chúng đối với các nguồn lực vật chất ở những quốc gia giàu có nhất nằm ở mức từ 1/3 đến một nửa GDP.

Những người theo trường phái hiện đại vào những năm 1910 và 1970 đã xác định đúng chiều hướng của sự thay đổi nhưng lại đơn giản hóa hệ quả của nó. Giống như các học giả về thời đại cách mạng thông tin, họ đi quá trực tiếp từ công nghệ sang hệ quả chính trị mà không cân nhắc thấu đáo về sự tiếp nối của các niềm tin, sự bền bỉ của các thể chế và các lựa chọn chiến lược mà các chính khách sẵn có. Họ không phân tích được làm cách nào mà những người nắm quyền có thể sử dụng quyền lực ấy để định hình hay bóp méo các hình thức tương thuộc đang cắt ngang biên giới quốc gia.

Khi phân tích chính trị của các vấn đề xuyên quốc gia như quan hệ thương mại, tiền tệ và chính sách đại dương trong cuốn sách “Power and Interdependence” (Quyền lực và sự tương thuộc) cách đây 20 năm (1977), chúng tôi có viết “các nhà tư tưởng theo trường phái hiện đại đã chỉ ra một cách đúng đắn những thay đổi cơ bản đang diễn ra, nhưng chưa có được sự phân tích đầy đủ khi khẳng định rằng những tiến bộ công nghệ và những gia tăng trong giao dịch xã hội và kinh tế sẽ dẫn tới một thế giới mới mà trong đó nhà nước và sự kiểm soát vũ lực của nó sẽ không còn quan trọng. Những người theo chủ nghĩa truyền thống đã sắc sảo khi chỉ ra những khiếm khuyết trong tầm nhìn của phe hiện đại bằng cách nêu ra sự phụ thuộc lẫn nhau về quân sự sẽ tiếp diễn như thế nào, nhưng cảm thấy khó khăn để giải thích được sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, xã hội và sinh thái đa chiều hiện nay một cách xác đáng.” Thực tế này vẫn đúng đối với thời đại thông tin khi mà không gian ảo tự thân nó là một “nơi”, mọi nơi và không nơi nào cả.

Các học giả tiên phong trong thời đại thế giới ảo mới, cũng giống các nhà theo tư tưởng hiện đại trước đó, thường bỏ qua việc thế giới mới sẽ trùng lặp và dựa tới mức nào vào thế giới cũ nơi mà quyền lực phụ thuộc vào các thể chế xây dựng trên tiêu chí địa lý. Năm 1998, 100 triệu người dùng mạng Internet. Thậm chí nếu con số chạm mốc 1 tỷ vào năm 2005 như vài chuyên gia dự đoán, một tỉ lệ lớn cư dân thế giới vẫn không đụng đến Internet. Ngoài ra, toàn cầu hóa còn xa mới đến mức phổ quát toàn cầu. Ba phần tư dân số thế giới không sở hữu điện thoại, và số người sở hữu modem và máy tính còn ít hơn nhiều. Sẽ rất cần các luật lệ để quản chế không gian mạng, không chỉ để bảo vệ những người sử dụng đúng luật khỏi tội phạm mà còn đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ. Các quy định đòi hỏi phải có thẩm quyền, bất kể là dưới hình thức nào – quản trị bởi chính quyền công, tư hay cộng đồng. Những vấn đề chính trị cố hữu – ai quản trị và quản trị theo điều kiện như thế nào – trong thế giới ảo hay thế giới thực cũng đều giống nhau.

Những ngày đầu của cuộc cách mạng

Sự tương thuộc giữa các cộng đồng xã hội không phải là điều mới lạ. Cái mới đó là sự cắt giảm chi phí liên lạc đường dài nhờ cách mạng thông tin. Chi phí truyền tải thực tế là không đáng kể, vì vậy lượng thông tin có thể được truyền đi cơ bản là vô tận. Sức mạnh tính toán (của các bộ vi xử lý – NBT) tăng gấp đôi sau mỗi 18 tháng trong 30 năm qua. Chi phí hiện nay chưa bằng một phần trăm so với đầu những năm 1970. Tương tự vậy, Internet và các trang web cũng phát triển theo cấp số mũ. Lưu lượng Internet gấp đôi sau mỗi 100 ngày. Băng thông liên lạc mở rộng nhanh chóng và chi phí liên lạc ngày càng xuống thấp. Đến tận cuối năm 1980, những cuộc gọi qua dây cáp đồng chỉ truyền được 1 trang thông tin mỗi giây; mà ngày nay chỉ một sợi cáp quang mỏng đã có thể truyền được 90.000 tập sách trong một giây. Cũng như với máy hơi nước vào cuối thế kỷ 18 và điện vào cuối thế kỷ 19, tăng trưởng năng suất có độ trễ vì toàn xã hội đang phải học cách tận dụng công nghệ mới. Mặc dù các ngành công nghiệp và hãng kinh doanh đã tiến hành nhiều thay đổi cấu trúc từ những năm 1980 nhưng công cuộc đổi mới kinh tế còn lâu mới hoàn thành. Chúng ta vẫn ở trong giai đoạn đầu của cuộc cách mạng thông tin.

Cuộc cách mạng đó đã làm thay đổi nhanh chóng một đặc điểm mà chúng tôi đã miêu tả trong cuốn “Power and Interdependence” là “sự tương thuộc phức tạp” – một thế giới nơi mà an ninh và vũ lực ít quan trọng hơn và các quốc gia liên kết nhau bằng các mối quan hệ xã hội và chính trị đa tầng. Giờ đây, chỉ với một chiếc máy tính, ai cũng có thể trở thành một chủ báo trên máy tính, và bất kỳ ai với một modem cũng có thể giao tiếp với những vùng xa xôi trên thế giới với chi phí không đáng kể. Các dòng thông tin xuyên quốc gia trước đây bị kiểm soát nghiêm ngặt bởi những tổ chức lớn như công ty đa quốc gia hay Nhà thờ Thiên chúa. Những tổ chức này vẫn có vai trò quan trọng nhưng sự giảm giá mạnh mẽ trong truyền dẫn thông tin đã mở ra cánh cửa mới cho những tổ chức mạng lưới có tổ chức lỏng lẻo và thậm chí là cho các cá nhân. Những tổ chức phi chính phủ và mạng lưới này đặc biệt hiệu quả trong việc thâm nhập các nước bất kể biên giới quốc gia và dùng cử tri trong nước để thúc ép các nhà lãnh đạo chính trị tập trung vào chương trình nghị sự mà họ mong muốn. Cuộc cách mạng thông tin đã làm tăng vọt số kênh liên lạc giữa các cộng đồng xã hội – một trong ba chiều hướng của sự tương thuộc phức tạp.

Tuy nhiên, cách mạng thông tin không mang đến những thay đổi rõ rệt cho hai điều kiện khác của sự tương thuộc phức tạp. Lực lượng vũ trang vẫn đóng vai trò quan trọng trong quan hệ các nước, và nói chung lại, an ninh vẫn là ưu tiên hàng đầu trong chính sách ngoại giao. Một lý do mà cách mạng thông tin chưa thể biến đổi chính trị thế giới thành một thể thức chính trị mới của sự tương thuộc phức tạp hoàn toàn là vì thông tin không lưu truyền trong chân không mà là trong không gian chính trị – nơi mà thông tin dĩ nhiên bị kiểm soát. Nguyên nhân nữa là vì ngoài vùng dân chủ hòa bình (tức các quốc gia dân chủ phát triển – NBT), thế giới của các nước không phải là thế giới của sự tương thuộc phức tạp. Nhiều nơi, giả định của chủ nghĩa hiện thực về sự thống trị của lực lượng vũ trang và các vấn đề an ninh vẫn nguyên giá trị. Trong vòng 4 thế kỷ qua, các quốc gia đã thiết lập cơ cấu chính trị mà trong đó thông tin được truyền xuyên biên giới. Thực tế, bản thân cách mạng thông tin chỉ có thể được hiểu trong hoàn cảnh toàn cầu hóa kinh tế thế giới vốn được chính sách của Mỹ và các tổ chức quốc tế thúc đẩy một cách có chủ ý trong vòng nửa thế kỷ sau khi kết thúc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Vào cuối những năm 1940, Mỹ tìm cách tạo ra một nền kinh tế toàn cầu mở nhằm chặn đứng một cuộc suy thoái khác và ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản. Kết quả là, các thể chế quốc tế ra đời dựa trên các nguyên tắc đa phương dành quan tâm đặc biệt tới thị trường và thông tin và giảm nhẹ chạy đua quân sự. Các nước ngày càng phải chịu tốn kém nếu từ chối các dạng thức tương thuộc này.

Lượng thông tin sẵn có trong không gian ảo tự nó không có nghĩa gì mấy. Chất lượng và sự phân biệt giữa các loại thông tin khác nhau có lẽ quan trọng hơn. Thông tin không chỉ tồn tại, nó được tạo ra. Khi chúng ta cân nhắc các động cơ tạo ra thông tin thì có thể thấy rõ ràng ba loại thông tin khác nhau là nguồn của quyền lực.

Thông tin tự do là thông tin mà các chủ thể sẵn sàng tạo ra và truyền đi mà không cần tính chi phí. Lợi ích của người tạo thông tin chính là niềm tin của người nhận đối với thông tin đó và do vậy, càng có động cơ tạo ra thông tin. Động cơ có thể đa dạng khác nhau. Thông tin khoa học là một loại hàng hóa công, nhưng những thông điệp mang tính thuyết phục, như thông tin chính trị, mang nhiều lợi ích cá nhân hơn. Marketing, truyền hình/thanh và tuyên truyền đều là các ví dụ của thông tin tự do. Sự bùng nổ về lượng thông tin tự do có lẽ là tác động mạnh mẽ nhất của cuộc cách mạng thông tin.

Thông tin thương mại là thông tin sẵn sàng được tạo ra và truyền đi có tính phí. Người truyền tin ngoài nhận được phần phí thì họ không nhận được hay mất mát gì từ việc người nhận tin tưởng thông tin. Để loại thông tin này có sẵn trên Internet thì cần phải đảm bảo vấn đề quyền sở hữu để những người tạo ra thông tin có thể được người sử dụng thông tin trả công. Tạo ra thông tin trước đối thủ cạnh tranh – cứ cho là quyền sở hữu trí tuệ được tuân thủ – có thể mang lại nguồn lợi nhuận khổng lồ, đặc biệt là với những người tiên phong, giống như lịch sử hãng Microsoft đã chứng minh. Sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử và sự tăng cường cạnh tranh quốc tế sẽ là những hệ quả quan trọng khác của cách mạng thông tin.

Thông tin chiến lược, cũng lâu đời như hoạt động tình báo, mang ích lợi lớn cho người có được nó chỉ khi đối thủ của họ không sở hữu được nó. Một lợi thế vô cùng lớn đối với nước Mỹ trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai đó là Mỹ đã phá vỡ được mật mã của Nhật mà Tokyo không hề hay biết. Đối với thông tin loại này thì lượng không quan trọng. Thí dụ, thông tin chiến lược mà Mỹ nắm được về chương trình vũ khí hạt nhân ở Triều Tiên, Pakistan hay Iraq phụ thuộc nhiều vào những vệ tinh đáng tin hoặc các gián điệp hơn là vô khối những thư điện tử.

Cách mạng thông tin làm thay đổi dạng thức của mối tương thuộc phức tạp bằng sự tăng lên theo cấp số mũ các kênh thông tin liên lạc trong nền chính trị thế giới – giữa cá nhân trong mạng lưới, chứ không chỉ các cá thể trong hệ thống hành chính. Nhưng nó tồn tại trong bối cảnh cấu trúc chính trị hiện có, và ảnh hưởng của nó lên các loại thông tin khác nhau cũng rất đa dạng. Thông tin tự do sẽ tuôn chảy nhanh hơn mà không có quy định nào. Thông tin chiến lược sẽ được bảo vệ tối đa – ví dụ, bằng công nghệ mã hóa. Lưu lượng thông tin thương mại sẽ phụ thuộc vào việc quyền sở hữu tài sản có được thiết lập trong không gian ảo hay không. Chính trị sẽ tác động tới cách mạng thông tin và chịu tác động ngược lại tương đương.

Bản chất của quyền lực

Tri thức là quyền lực, vậy quyền lực là gì? Có sự khác biệt cơ bản giữa quyền lực hành vi – hay khả năng đạt được kết quả mong muốn – và quyền lực nguồn lực – tức việc sở hữu các nguồn thường gắn liền với khả năng đạt được kết quả mong muốn. Quyền lực hành vi có thể được chia thành quyền lực cứng và quyền lực mềm. Quyền lực cứng là quyền lực có thể sai khiến người khác làm điều mà nếu không họ sẽ miễn cưỡng không muốn làm, thông qua đe dọa hoặc tưởng thưởng. Dù là “củ cà rốt” kinh tế hay “cây gậy” quân sự, khả năng dụ dỗ hoặc ép buộc từ lâu đã trở thành yếu tố cốt lõi của quyền lực. Như chúng tôi đã chỉ ra cách đây hai thập niên, khả năng của bên ít bị tổn thương hơn trong việc thao túng hoặc thoát khỏi các ràng buộc của một mối quan hệ tương thuộc với chi phí thấp là một nguồn quan trọng của quyền lực. Tỷ dụ như, năm 1971 Mỹ chấm dứt việc chuyển đổi từ đồng đô la sang vàng và tăng sức ảnh hưởng của mình lên hệ thống tiền tệ thế giới. Vào năm 1973, các nước Ả Rập tạm thời đạt được quyền lực nhờ vào lệnh cấm vận dầu.

Mặt khác, quyền lực mềm là khả năng đạt được kết quả mong muốn bởi người khác cũng muốn điều mà bạn muốn. Đó là khả năng đạt được mục tiêu thông qua sự thu hút hơn là ép buộc. Quyền lực mềm hoạt động dựa trên việc thuyết phục người khác tuân theo hoặc khiến họ đồng ý với những quy chuẩn và thể chế giúp sản sinh ra các hành vi mong muốn. Quyền lực mềm có thể dựa trên sự lôi cuốn của những ý tưởng, văn hóa hay khả năng thiết lập nghị trình thông qua những chuẩn mực và thể chế hình thành nên sở thích của người khác. Nó phụ thuộc phần lớn vào tính thuyết phục của thông tin tự do mà người ta tìm cách truyền tải. Nếu một nước có khả năng làm cho quyền lực của mình mang tính hợp pháp trong mắt các nước khác và thành lập các thể chế quốc tế khuyến khích các nước khác xác định lợi ích của họ theo cách tương ứng, thì nước đó có thể sẽ không phải tốn quá nhiều chi phí cho các nguồn lực kinh tế hay quân sự truyền thống tốn kém.

Quyền lực cứng và quyền lực mềm có liên quan với nhau nhưng chúng không giống nhau. Nhà khoa học chính trị Samuel P. Hungtington thật đúng khi phát biểu rằng sự thành công về vật chất sẽ tạo ra sức thu hút cho văn hóa và hệ tư tưởng, và sự thất bại về kinh tế và quân sự sẽ kéo theo sự tự nghi ngờ và khủng hoảng về bản sắc. Nhưng ông đã sai lầm khi cho rằng quyền lực mềm chủ yếu dựa trên nền tảng quyền lực cứng. Quyền lực mềm của Vatican không vì quy mô lãnh thổ chịu sự cai quản của Giáo hoàng bị thu hẹp mà suy giảm. Canada, Thụy Điển và Hà Lan có tầm ảnh hưởng lớn hơn so với các nước có cùng năng lực kinh tế và quân sự. Liên Xô có quyền lực mềm đáng kể ở châu Âu sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai nhưng lại lãng phí nó bằng việc xâm lược Hungary và Tiệp Khắc ngay cả khi sức mạnh kinh tế và quân sự vẫn ngày một vững mạnh. Quyền lực mềm thay đổi theo thời gian và lĩnh vực. Văn hóa đại chúng của Mỹ, cùng với những phong trào tự do và bình đẳng, thống trị phim ảnh, truyền hình và phương tiện truyền thông điện tử. Không phải mọi khía cạnh của nền văn hóa đó đều thu hút mọi người, chẳng hạn như những người Hồi giáo bảo thủ. Tuy thế, sự lan truyền thông tin và nền văn hóa đại chúng Mỹ nhìn chung đang mở rộng nhận thức và sự cởi mở trên toàn cầu đối với tư tưởng và giá trị Mỹ. Trong chừng mực nào đó, điều này phản ánh các chính sách có chủ đích, nhưng quyền lực mềm thường được coi là một sản phẩm phụ không theo chủ ý sẵn có.

Cách mạng thông tin cũng đang ảnh hưởng tới quyền lực được đo lường về mặt nguồn lực hơn là hành vi. Trong hệ thống cân bằng quyền lực của châu Âu thế kỷ 18, lãnh thổ, dân số và nông nghiệp tạo nền tảng cho lực lượng bộ binh, và Pháp là nước hưởng lợi chủ yếu. Vào thế kỷ 19, trình độ công nghiệp tạo cơ sở giúp Anh, và sau đó là Đức chiếm thế thống trị. Đến thế kỷ 21, khoa học và đặc biệt là vật lý hạt nhân đóng góp vào công cuộc tạo ra nguồn sức mạnh chính yếu của Mỹ và Liên Xô. Trong thế kỷ tiếp theo, công nghệ thông tin được nhận định là nguồn sức mạnh quan trọng nhất.

Nhỏ đối đầu với lớn

Một nhận thức phổ biến mới đó là cách mạng thông tin có tác dụng san đều. Bởi vì nó làm giảm chi phí, lợi thế do quy mô lớn, cũng như rào cản khi gia nhập thị trường, nên nó làm giảm quyền lực của các nước lớn và tăng cường sức mạnh cho các nước nhỏ và các tổ chức phi nhà nước. Tuy nhiên, thực tế thì các mối quan hệ quốc tế phức tạp hơn nhiều so với trường phái xem công nghệ là yếu tố quyết định mà quan điểm này đưa ra. Một số khía cạnh của cách mạng thông tin giúp đỡ các nước nhỏ, nhưng một số khác lại giúp các nước vốn đã lớn và mạnh. Ở đây, có vài nguyên do.

Trước hết, các rào cản quan trọng khi gia nhập và lợi thế quy mô vẫn tồn tại trong một số khía cạnh liên quan đến thông tin của quyền lực. Ví như, quyền lực mềm bị ảnh hưởng sâu sắc bởi nội dung văn hóa của điện ảnh và các chương trình truyền hình. Các ngành công nghiệp giải trí lớn có uy tín thường được hưởng lợi thế quy mô đáng kể trong sản xuất và phân phối nội dung. Vì vậy mà có lẽ thị phần điện ảnh và truyền hình vốn đã áp đảo trên thị trường thế giới của Mỹ sẽ còn tiếp tục.

Thứ hai, thậm chí ở cả những nơi mà việc phổ biến thông tin đã có sẵn tốn ít chi phí thì cũng vẫn thường đòi hỏi đầu tư tốn kém để thu thập và tạo ra thông tin mới. Trong nhiều trường hợp cạnh tranh, chi phí của thông tin mới cao hơn nhiều so với mức chi phí trung bình của tất cả thông tin. Thông tin tình báo là một ví dụ hay. Các nước như Mỹ, Anh, và Pháp có khả năng tập hợp tin tình báo lớn hơn nhiều so với các nước khác. Trong nhiều tình huống thương mại, một nước đi sau tiến bộ có thể làm tốt hơn nước đi đầu, nhưng về mặt quyền lực thì nước đi đầu thường vẫn nắm phần hơn.

Thứ ba, thường những nước đi đầu sẽ đặt ra tiêu chuẩn và cấu trúc hệ thống thông tin. Việc sử dụng tiếng Anh và các tên miền cấp cao trên Internet là trường hợp điển hình. Một phần vì sự chuyển hóa của nền kinh tế Mỹ vào những năm 1980 và một phần vì các khoản đầu tư lớn được đẩy mạnh do cuộc chạy đua quân sự trong Chiến tranh Lạnh mà nước Mỹ thường đứng đầu trên mảng này và trong việc ứng dụng hàng loạt công nghệ thông tin khác nhau.

Thứ tư, sức mạnh quân sự vẫn đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực của quan hệ quốc tế. Công nghệ thông tin có một số tác động đến việc sử dụng vũ lực có lợi cho nước nhỏ nhưng một số khác lại ủng hộ nước mạnh. Sự sẵn sàng cung cấp về thương mại của những thứ đã từng là công nghệ quân sự đắt đỏ tạo ra lợi ích cho những nước nhỏ và các tổ chức phi nhà nước và làm tăng khả năng tổn thương cho các nước lớn. Các hệ thống thông tin bổ sung thêm các mục tiêu béo bở cho các nhóm khủng bố. Tuy nhiên, các xu hướng khác càng làm mạnh thêm các nhóm vốn đã hùng mạnh. Nhiều chuyên gia phân tích quân sự đang ám chỉ tới một “cuộc cách mạng quân sự” nhờ ứng dụng công nghệ thông tin. Những bộ cảm biến đặt trong không gian, truyền phát trực tiếp, máy tính tốc độ cao và phần mềm phức tạp cung cấp khả năng tập hợp, phân loại, xử lý, truyền và phổ biến thông tin về những sự kiện phức tạp trên một phạm vi địa lý rộng lớn. Việc nắm vững không gian chiến trường kết hợp với lực lượng chính xác tạo ra một lợi thế mạnh mẽ. Như trong Chiến tranh Vùng vịnh, những đánh giá truyền thống về tương quan các hệ thống vũ khí như xe tăng hay máy bay sẽ vô nghĩa nếu không bao gồm khả năng tích hợp thông tin vào những vũ khí đó. Nhiều công nghệ phù hợp được bán sẵn trên thị trường thương mại, và các nước yếu thế hơn có thể sở hữu được những công nghệ này. Tuy nhiên, chìa khóa không nằm ở việc sở hữu phần cứng phức tạp hay các hệ thống hiện đại mà là khả năng tích hợp nên một hệ thống gồm nhiều tiểu hệ thống. Theo chiều hướng này thì nước Mỹ có lẽ đang giữ vị trí đi đầu. Trong chiến tranh thông tin, một ưu thế vượt trội nhỏ có thể tạo nên sự khác biệt. Trái với dự đoán của nhiều lý thuyết gia, cách mạng thông tin không hề phân tán hay san bằng quyền lực giữa các quốc gia. Nếu có chăng, nó chỉ có tác động ngược.

Chính trị của sự khả tín

Lợi thế của nền dân chủ

Download phần còn lại của văn bản tại đây: Quyen luc va su tuong thuoc trong ky nguyen thong tin.pdf